Suy Niệm Chúa Nhật 31 Mùa Thường Niên Năm C

Viếng thăm nhau

 

Suy Niệm Chúa Nhật 31 Mùa Thường Niên

Viếng thăm nhau

Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II được coi là sứ giả của Thiên Chúa, và là con người của muôn người. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đã thực hiện trên 100 chuyến công du đến 129 quốc gia để gặp gỡ và chung sống với đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ mọi dân tộc trên khắp Năm Châu. Dù tuổi già sức yếu, hai lần té gãy xương, thậm chí cuộc ám sát năm 1981 đã khiến ngài từng ngã qụy vì viên đạn bắn gần vào tim, nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước chân của người mục tử đi đến với đoàn chiên và tìm chiên lạc trở về.

Ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử, một chuyến viếng thăm đã chinh phục được toàn thể luơng tâm nhân loại. Ðó là khi Ngài dừng chân bên bức tường Than Khóc. Tại đây, ngài lập lại lời xin lỗi cho cả một quá khứ hiểu lầm đầy đau thương. Ðây quả thực là một cuộc viếng thăm đã san bằng con đường gồ ghề gai góc và mở ra một chân trời mới.

Chân trời của sự tha thứ lẫn nhau.

Chân trời của sự tin tưởng lẫn nhau

Chân trời của những chân lý chung

Chân trời của những trách nhiệm chung

Và chân trời của sự cầu nguyện chung.

Ðức thánh Cha Ðức Bênêdicto 16 cũng ra đi, để đến với muôn dân. Ðặc biệt trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 11/2006, ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm đầy mạo hiểm theo cái nhìn người đời, nhưng là bước đi đầy lòng cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Ngài đã đánh đổ mọi cái nhìn lệch lạc về ngài khi ôm chúc bình an với Ðức Thượng phụ Bathôlômêô I, và khi ngài bước vào Ðền Thờ Xanh trong sự kính trọng và đầy thiện cảm của anh em Hồi Giáo. Chính chuyến tông du có tính lịch sử này, giới truyền thông trên toàn thế giới cho rằng ngài đã đóng góp: "cho việc xây dựng một thế giới có khả năng nhận ra những chân lý chung trong tình huynh đệ và đối thoại, và không chiều theo đối kháng hay đầu hàng quyền lực sự chết".

Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giê-su luôn đi đến với mọi người. Mỗi bước đi của Ngài luôn để lại dấu ấn đầy yêu thương cho những ai được tiếp xúc với Ngài. Hôm nay, Gia-kêu đã được Chúa viếng thăm. Ðây là một hồng phúc dành cho Gia-kêu. Gia Kêu không ngờ mình lại được Thiên Chúa viếng thăm. Những người Do Thái năm xưa càng không ngờ Thầy Giê-su, một vị Thầy đáng kính, một người thánh thiện lại ghé thăm kẻ tội lỗi. Nhưng đây lại là đường lối của Chúa. Chúa đã dùng cách này để mang tình yêu đổi lấy cuộc đời Gia Kêu. Chúa dùng tình yêu để cải hoá người tội lỗi. Chúa đến để tìm kiếm, để cứu chữa những gì đã mất. Chính trong chuyến viếng thăm lịch sử này, Chúa đã đổi đời Gia Kêu để từ đây ông không còn tham lam quyền bính hay tham lam tiền bạc. Gia Kêu đã sám hối và chuộc lại lỗi lầm. Ông đã cho đi những của phù vân. Ông đã biết dùng của cải đời này mà mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Ông còn bỏ tiền để đền bù những việc lỗi công bằng bác ái mà ông đã gây ra. Ông đã tìm được sự bình an của tâm hồn sau một lần được Chúa viếng thăm.

Con đường đến với anh em phải là con đường của các môn đệ Thầy Giêsu. Hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến các con chiên lạc mà đưa về ràn. Hãy hội nhập với đời để đem đạo vào đời. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là môn đệ của Chúa cũng cần bước theo dấu chân của Thầy Giêsu. Dấu chân luôn rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Dấu chân của người môn đệ đi đến đâu, sẽ để lại cho đời một màu xanh của yêu thương và hạnh phúc bình an. Ưoc mong mỗi người chúng ta hãy can đảm vượt qua những trở ngại từ bản thân, từ môi trường để dấn thân cho Tin mừng của Chúa được đến với muôn người. Hãy xoá mọi thành kiến xấu nơi anh em để có thể hoà hợp với anh em. Hãy xoá bỏ mọi ngăn cách giầu nghèo hay địa vị cao thấp mà sống hoà đồng với anh em. Hãy xoá bỏ mọi hiềm khích hận thù để sống bác ái yêu thương nhau ngõ hầu làm sáng danh Chúa qua những dấu chỉ của tình yêu thương.

Nguyện xin Chúa là Ðấng đã viếng thăm Gia-kêu xin cũng lưu lại nơi cuộc đời chúng con để biến đổi chúng con thành những tín hữu biết sống công bình bác ái và dấn thân hết mình phục vụ tha nhân. Amen.

 

Jos Tạ duy Tuyền

(Tháng 10 năm 2010)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page