Sinh hoạt tôn giáo

trong Cộng Ðồng Việt Nam Hải Ngoại

hôm nay và tương lai

Phiá Công giáo

Linh mục Bùi Phạm Tráng, Vương Quốc Bỉ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1- Dẫn nhập: nhu cầu tôn giáo của Công Ðồng Việt Nam Hải Ngoại (CÐVNHN):

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, địa hạt thiêng liêng và tâm linh luôn chiếm môt vai trò thứ yếu. Xa quê hương, hai địa hạt này lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cùng với địa hạt văn hoá, chúng là những điều kiện giúp cho người Việt lưu vong luôn hướng về về quê cha đất mẹ, như câu tục ngữ ta thường thốt: Cây có cội, nước có nguồn.

Người viết, với tầm nhìn và sự hiểu biết hạn hẹp của mình, chỉ xin giới thiệu một cách thật sơ lược về sinh hoạt Công giáo trong CÐVNHN hôm nay và tương lai. Bài tham luận này là một tổng hợp của một số bài viết trong tập tài liệu "Hội Ngộ Niềm Tin (30.06.2002-21.07.2003): Hiệp nhất để sống và loan báo Tin Mừng".

Nói theo nhà văn Quyên Di: "người Công giáo Việt Nam ví như một cái cây có hai cái rễ chính, rễ Việt Nam và rễ Công giáo. Hai cái rễ này phát triển "đồng thuận" và "bổ túc" cho nhau để nuôi dưỡng cái cây". Càng "Việt Nam" thì càng là "Công giáo" tốt; mà càng "Công giáo" thì cũng là "Việt Nam" chân chính". Trong tinh thần ấy, việc xây dựng tâm thức và sống tâm thức "Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải ngoại" phải dựa trên hai căn tính "Việt Nam" và "Công giáo" đã phát triển càng ngày càng mạnh như ngày hôm nay và tiếp tục cho tương lai.

 

2- Cộng đồng Công giáo Việt Nam Hải Ngoại

Trước biến cố 1975, Người VN tại hải ngoại có khoảng nửa triệu, phần đông nhất sống tại Pháp, vì những liên hệ của hai nước có từ trước. Một số ít còn lại rải rác khắp các nước Âu Châu và Hoa Kỳ. Trong số này, người Công giáo không đáng kể và gần như không có sinh hoạt và tổ chức nào đáng lưu ý trên bình diện quốc tế, hoặc có tiếng tăm về quốc nội.

Sau biến cố 1975, hơn hai triệu người bỏ nước ra đi, nâng con số Việt kiều hải ngoại lên đến gần ba triệu người rải rác khắp năm châu. Con số lớn nhất định cư tại Hoa kỳ, cũng lại do những mối quan hệ giữa hai nước qua cuộc chiến Việt Nam. Các nước kế tiếp có số người Việt đông đảo là Pháp, Úc, Gia-Nã-Ðại, Ðức, Anh, Thụy-Sĩ, Bỉ...

Cùng với các tổ chức, các hội đoàn và các tôn giáo Việt Nam hải ngoại, người Công Giáo cũng dần dần quy tụ xung quanh các nhà thờ Công Giáo địa phương, với sự nâng đỡ của giáo quyền địa phương, với sự phục vụ của các Linh Mục và Tu Sĩ Việt Nam trong vùng.

Ngay trong hàng Giáo Sĩ cũng có những tổ chức liên đới như hội liên tu sĩ trên tầm vóc quốc gia tại phần lớn các nước Âu Châu. Tại Hoa Kỳ có "Cộng Ðồng Giáo Sĩ, Tu Sĩ" nằm trong tổ chức chung của khối Công Giáo gọi là "Liên Ðoàn CGVN" tại Hoa Kỳ.

 

3- Tinh thần Liên Ðới giữa các hội đoàn hoạt động văn hoá, xã hội, trong và ngoài Công Giáo

Văn hoá, xã hội là như lãnh vực rộng lớn trong đời sống nhân loại, vì thế các hoạt động trên hai lãnh vực này rất phong phú và đa dạng. Riêng đối với dân tộc VN, với quá khứ và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, không những với đồng bào ta ở trong nước mà nhất là đối với tập đoàn người Việt đang sinh sống tại hải ngoại, những hoạt động này đã trở nên một nhu cầu thiết yếu. Ðối với người Công giáo, việc phát triển tôn giáo đồng nghĩa với công cuộc phát triển tinh thần liên đới, nhất là trong địa hạt văn hoá và xã hội. Do đó, trên bình diện thế giới, Giáo Hội và người Công giáo được coi như là tích cực nhất trong các hoạt động văn hoá và xã hội từ hơn hai ngàn năm nay. Ðể có được những thành quả phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, mọi sự liên đới giữa những người hay tập thể hoạt động văn hoá và xã hội rất cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc.

Trong hoàn cảnh của các CÐCGVNHN, hoạt động văn hoá và xã hội mang tính cách đặc biệt, không giống như bình thường. Tất cả các giáo xứ, các CÐCGVN đều phải hoạt động trong khuôn khổ Giáo Hội địa phương. Tuy Toà Thánh Vatican đã cho ra những tài liệu về "Mục Vụ Di dân"; tuy sự hiện diện của người CGVN tị nạn ở nhiều nơi trên thế giới đã làm khởi sắc các sinh hoạt của Giáo Hội địa phương, nhưng mỗi giáo phận lại có thêm những quan điểm và chính sách riêng đối với các Cộng đoàn người di dân. Vì vậy, các hoạt động văn hoá và xã hội cũng đều do những sáng kiến của các Linh Mục Tuyên Úy cùng ban điều hành cộng đoàn.

Ngoại trừ các hội đoàn đạo đức, tại các giáo xứ và CÐCGVN, các hội đoàn hoạt động VN về văn hoá, xã hội đúng với tiêu chuẩn và danh hiệu còn khá hiếm so với nhu cầu rộng lớn. Ví dụ như: bảo tồn Văn Hoá VN; hướng dẫn các thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc; gìn giữ tiếng Việt; tổ chức lớp Việt ngữ; hướng dẫn hội nhập vào nền văn hoá bản xứ mà không đánh mất cội tính; hướng nghiệp; sinh hoạt tương trợ đối với các thế hệ, nhất là cho người già, trẻ em, phụ nữ và những người Việt tới sau vv... Kể ra thì không sao hết được. Nhưng nếu tất cả các việc ấy đổ lên vai vị Linh Mục tuyên úy, hay chờ đợi ở toà Giám Mục sở tại thì sẽ không bao giờ có được. Hoặc giả nếu có, cũng chỉ đáp ứng một số tối thiểu nhu cầu thực tế.

Trên bình diện hoạt động văn hoá và xã hội ngoài Giáo Hội, ngoại trừ những hội đoàn mang tính các ái hữu, tương trợ, cũng đã xuất hiện một số những hội đoàn hoạt động văn hoá và xã hội, những hội đoàn này, lúc ban đầu xưất phát từ những tôn giáo như Phật giáo, Tin Lành, Công giáo với nền văn hoá đặc trưng của họ. Ðồng thời trên mặt giáo dục, các tổ chức, hội đoàn này quy tụ được các thành phần trẻ và giầu thiện chí, cũng như giới giáo chức. Một số tổ chức chính trị cũng chú trọng làm văn hoá, xã hội, với mục đích bành trướng ảnh hưởng của họ. Vì thế, trong một số CÐCGVNHN, ta nhận thấy có những lớp dạy Việt ngữ rất quy mô như ở bắc California hay Paris; các lớp hướng nghiệp, lớp âm nhạc cổ truyền VN... Nhiều nơi thành lập được thư viện để cung cấp món ăn tinh thần cho bạn đọc. Ở một số quốc gia, các sinh hoạt văn hoá và xã hội VN còn được sự giúp đỡ ít nhiều của toà Giám Mục Sở tại và cả của Chính quyền địa phương.

Nói tóm lại, các hội đoàn hoạt động văn hoá, xã hội của ai và ở đâu đi nữa, phải công tâm mà ghi nhận họ đã đạt được một số thành quả phục vụ và ích lợi cho CÐVNHN.

 

Kết luận

Ðể phát triển thêm về tương lai, người Việt hải ngoại cần phát triển tối đa tinh thần liên đới giữa các tổ chức hội đoàn hoạt động văn hoá và xã hội: liên đới trước tiên giữa các Cộng đoàn Công giáo hay trong cùng tôn giáo. Tinh thần Liên Ðới được Công đồng Vatican II nêu lên và đề cao cách đặc biệt. Liên đới kế tiếp là liên đới liên tôn qua các hoạt động về văn hoá và xã hội.

Văn hoá VN, tuy nảy sinh từ Ðông Phương với truyền thống ngàn đời cuả dân tộc, nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng của các nền văn hoá đến từ các tôn giáo như Phật, Lão, Khổng, Tin Lành và Công giáo. Tuy trên môt hoạt động có nhiều hình thức giống nhau, nhưng xuất phát từ những nguyên tắc lý luận khác nhau, do đó, sự liên đới đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự "cảm thông", "hiểu biết" lẫn nhau và nhất là sự "tương kính" giữa các tôn giáo. Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ II đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề "Ðối Thoại Liên Tôn" thể hiện qua lãnh vực văn hoá. "Ðối Thoại" trong tinh thần khiêm cung, bình đẳng là chìa khoá mở cửa cho sự liên đới.

Lời cuối cùng trước khi chấm dứt: Trước các chủ nghĩa tục hoá, thờ ơ lãnh đạm và cá nhân đang bành trướng mạnh, người viết xác tín rằng CÐCGVNHN sẽ là một sức mạnh đáng kể cho Giáo Hội Công Giáo tại bắc Mỹ Châu, Âu Châu và Úc Châu hôm nay và ngày mai.

 

Linh mục Bùi Phạm Tráng, Vương Quốc Bỉ

 


Last updated July 7, 2003, by Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Trung Tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ

13 g rue de l'ILL F- 67116 Reichstett, France

Tel 00 33 3 88205822

E-mail trucdang@evc.net

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page