Sơn Tinh và Thủy Tinh

Hai con Ðường, Một Nước Non

Nguyễn văn Thành, Lausanne, Thụy sĩ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

"Ra đi, biết đó biết đây,

"Ở Nhà với Mẹ, biết ngày nào khôn?"

"Ra đi ngó trước, ngó sau,

"Ngó Nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng?"

 

Một đàng, ra đi để thu hoạch một vài "mớ" khôn, trên những con đường xuôi ngược, thuộc năm châu bốn bể...

Nhưng đồng thời, chúng ta phải ở lại, để trông nom Nhà Cửa và khai khẩn ruộng vườn,

Phải chăng đó là hai điệp khúc, thường được nhắc đi nhắc lại, trong kho tàng ca dao, tục ngữ, cũng như trong nhiều câu chuyện huyền sử, được tổ tiên và cha ông trối trăn lại, từ đời các Vua Hùng. Và qua mỗi thời, càng được sáng tạo và phong phú hóa thêm, một cách đặc biệt, dưới ba triều đại phồn vinh của Ðất Nước là Lý, Trần và Lê.

Thường xuyên ra đi, như Lạc Long Quân và Thủy Tinh, cơ hồ những dòng sông và con nước không ngừng chảy ra Biển Ðông. Ở lại như Mẹ Âu Cơ và Sơn Tinh, trên Ðỉnh Núi Tản Viên, thuộc khu vực Sơn Tây Ba Vì, để ngăn chận mọi hiểm họa tấn công và xâm lược, từ phía bắc cũng như từ phía tây nam.

Vào thời khai nguyên, khi Cha Mẹ còn có mặt, hai vị này đã sống xa nhau, người ở núi, kẻ ở biển. Một đàng vì nhu cầu làm ăn, phát triển, tiến bộ. Nhưng đàng khác, vì hai ông bà có nguồn gốc khác nhau. Có tính tình khác nhau. Có những sở thích, nguyện vọng và nhu cầu khác nhau. Theo lối dùng từ ngữ, ngày hôm nay, chúng ta có thể khẳng định, mà không sợ xuyên tạc hoặc sai lầm: hai nguyên tổ của chúng ta đã có những "lối nhìn" khác nhau. Có "quan điểm" khác nhau. Có "cách thế ở đời" khác nhau. Có "chiều nhạy cảm" khác nhau. Thực tế "khác biệt" ấy đã được nhận diện và đối diện, một cách can trường, trung thực, không bao giờ bị ém nhẹm và xuyên tạc, cho dù với mục đích gì.

Thế nhưng, nhờ quả tim và trí óc của người nầy tràn đầy và thấm nhuần chất lượng "Cao Cả", giống như bầu trời, tấm lòng của người kia thì "Bát Ngát, Bao La", như đại dương... cho nên, hai vị biết "gọi nhau về", khi bên nầy có vấn đề, và khi bên kia gặp hiểm nguy, trắc trở.

Cái biết của các vị vừa có tình, vừa có lý. Vừa có tài, vừa có đức. Cho nên, khi những nét khác biệt nhau tạo nên vấn đề, họ biết bổ túc, kiện toàn, hay là sáng tạo con đường ở giữa, "trung dung". Khi quá giống nhau, họ cũng biết ra đi, tiếp xúc và chia sẻ với những người ngoài gia đình, ngoài biên thùy, nhất là với những bộ lạc và dân tộc không có nhiều cơ may, như chúng ta.

Trái lại, khi hai người cần nhau, họ có "những bước chân vạn dặm", để về lại với nhau. Khi sự sống còn của con cái bị đe dọa, họ có kỹ năng giống như "một trăm cánh tay" biết làm. Cho nên, bao nhiêu nguy cơ trầm trọng, như "Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh", đều được giải quyết, một cách gọn nhẹ và êm thắm, tuy dù đòi hỏi nhiều hy sinh xương máu, cũng như nhiều hiểu biết và tình thương...

- Ngư tinh là những vấn đề xúc động và tình cảm bị tràn ngập, thiếu khả năng tự chủ và hóa giải những gây hấn nội tâm.

- Mộc tinh bắt nguồn từ những loại cây "văn hóa mất gốc", tinh thần "vọng ngoại", hay là khuynh hướng "đua đòi vật chất", và "phủ nhận nguồn gốc Trời", trong dòng máu Rồng Tiên.

- Hồ tinh bao gồm những chất độc làm ô nhiễm cuộc sống, phát xuất từ "Dục vọng mù quáng". Lúc bấy giờ, trong lối nhìn và cách cư xử của chúng ta, người anh chị em đồng bào "bị biến thành công cụ, đồ vật tiêu xài, bị vắt chanh bỏ vỏ, hay còn tệ hại hơn nữa, là bị đồng hóa với bộ phận sinh dục". Theo quan điểm của Phân Tâm Học, thuộc trường phái của Freud, nguy cơ Hồ tinh xảy ra, khi "Vô Thức khống chế Ý Thức". Khi dục vọng thay thế tình yêu chân chính. Khi hiểm họa "vô minh" hay là "ý đồ ngu xuẩn" chỉ đạo tư duy, cũng như mọi đường đi nẻo về, thuộc cuộc sống làm người, nhất là trong lãnh vực quan hệ giữa người với người.

Oái oăm làm sao, vừa khi Âu Cơ và Lạc Long Quân khuất bóng, đi vào một kiếp khác, không còn "có mặt" bằng cách này hay cách khác, trong lòng Ðất Nước Lạc Việt, chính hai đứa con của các vị, phát xuất từ một bào thai duy nhất, mang tên là Sơn và Thủy, đã đối đãi, cư xử với nhau như "Yêu Tinh, Ma Quái". Cho nên, người đời sau gọi họ là Sơn Tinh và Thủy Tinh, có nghĩa là một con yêu tinh ở núi, một con khác ở biển, giống hệt ba con Yêu Tinh ác độc, vào thời khai nguyên.

* * *

Theo lối giáo dục của các Thiền sư, nhất là những vị đã đóng góp phần mình, một cách năng động, vào guồng máy lãnh đạo Ðất Nước, ở dưới ba triều đại Lý, Trần và Lê, mỗi câu chuyện huyền sử là một bài học tâm lý, được trình bày dưới hình thức "một Công Án", trong tầm tay của con cháu và các thế hệ tiếp nối nhau, từ thời nguyên thủy cho đến ngày hôm nay và trong tương lai. Xuyên qua mỗi công án, thay vì giải thích một cách dài dòng, với đầy đủ chi tiết, các vị chỉ nêu lên một vài nét chấm phá mà thôi. Thay vì "thuyên giải", nghĩa là đưa ra những ý nghĩa và hướng đi của câu chuyện, các vị "chỉ kể chuyện", với niềm hy vọng và xác tín rằng: câu chuyện sẽ lan chảy, như vết dầu loang, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ đồi núi xuống miền đồng bằng. Mỗi người kể lại, có thể thêm vào "mắm muối, tiêu hành... ", cho vừa khẩu vị của người nghe. Không phải chỉ một hay hai người sáng tạo câu chuyện về Nước Non. Nhưng toàn thể anh chị em đồng bào, từ người giàu đến người nghèo, từ một bà mẹ già đến một trẻ em bi bô học nói... ai ai cũng góp phần, tùy tấm lòng của mình, từ thế hệ nầy qua thế hệ sau.

Xu thế giáo dục và cách dạy dỗ như vậy trùng hợp với ảnh hưởng và sức tác động của khoa Phân Tâm Học ngày hôm nay, là luôn luôn dùng ngôn ngữ, để trao đổi qua lại, gọi ra ánh sáng của ý thức những gì đang còn úp úp, mở mở, mờ mờ, ảo ảo... trong nội tâm của từng người. Và trong cách kể chuyện về Nước Non như vậy, tất cả mọi tiếng nói đều được trân trọng, đón nhận. Không ai bị loại trừ và phê phán, vì "đã kể sai". Trong địa hạt huyền sử, không có sai, có đúng. Chỉ có những tấm lòng chia sẻ bao nhiêu hoài vọng, trăn trở, mơ ước và nhớ thương...

Cũng trong lối nhìn và hoài bảo của các Thiền sư, mỗi người dân được cư xử, đãi ngộ như một thiền sinh. Công án, cơ hồ một loại kích thích, hay là một yếu tố dẫn khởi, gợi ý, có mục đích giúp mọi người tự mình "động não", sáng tạo con đường đi cho chính mình, trong lòng Quê Hương. Câu nói thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài thuyết pháp của hầu hết các Thiền sư là: "Trùng Phật, sát Phật", có nghĩa là "gặp Phật thì hãy lo giết Phật đi", để tự mình có khả năng thành Phật. Câu nói ấy tóm gọn, một cách tuyệt diệu và súc tích, thế nào là Dạy, thế nào là Học, với phương pháp sử dụng Công Án. Không ai có thể làm thầy cho tôi. Chính tôi tự làm thầy cho tôi mà thôi.

Trong tinh thần và đường hướng ấy, khi đi tìm đường, người thiền sinh không sợ sai lầm. Lúc nào nhận thấy mình lầm đường, lọt vào một ngõ hẻm không có lối thoát, lập tức họ can đảm và sáng suốt trở lui, đi tìm những chọn lựa khác bên trái, bên phải, ở dưới, ở trên, đằng trước, đằng sau. Tìm cho đến khi mình "ngộ", nghĩa là gặp. Hay là có khả năng đi một cách tự do, thoải mái, hạnh phúc, trên những con đường xuôi ngược thênh thang, bát ngát. Không ai lèo lái, cưỡng chế. Một chiếc áo - vật chất hoặc tinh thần - cho dù rất vừa với khuôn khổ của một người xuất sắc, một vị thầy lỗi lạc, đạo hạnh... chưa hẳn sẽ vừa với khuôn khổ của tôi.

Trở lại với câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, chúng ta sẽ chứng nghiệm một phần nào lý nghĩa của "cách gây ý thức bằng huyền sử". Trước tiên, cách dùng từ đã là một chuẩn mực. Trong phong tục trước đây của người Việt Nam, nhất là trước thời kỳ Pháp thuộc, những ai có đức độ và địa vị trọng vọng, thường được gọi là Thần. Thậm chí sau khi qua đời, Thần vẫn còn được tôn kính, dâng hương, dâng đèn và các loại phẩm vật, trong các đình chùa, lăng miếu. Các quan chức phục vụ trong triều đình cũng được gọi là Thần. Nói tóm lại, những ai bênh vực, bảo vệ người dân, đều được quần chúng tôn phong là Thần. Họ có tài. Nhưng một cách đặc biệt, họ có đức.

Sơn Tinh và Thủy Tinh đáng lý phải được phong làm Thần. Nhưng từ đời nầy qua đời nọ, họ chỉ làm "Tinh", trong cõi lòng của nguời dân. Thể theo nội dung của câu chuyện, Thủy Tinh có tài "làm mây làm mưa". Sơn Tinh, trái lại, có tài "làm đá bay đất chuyển, nâng cao các tầng núi đến tận bầu trời". Thế nhưng, đúng như thi sĩ Nguyễn Du, tác giả của "Ðoạn Trường Tân Thanh", đã bình phẩm, "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần". Hẳn thực, hai chàng Sơn và Thủy không có Ðức, vì họ làm "gà một nhà bôi mặt đá nhau", từ đời nầy qua đời khác, gây ra tai ương hoạn nạn, lụt bão, mất mùa, đói khát cho người dân. Cho nên, trong tâm tưởng của quần chúng, họ chỉ làm "yêu tinh ma quái". Nơi mà hồn thiêng của họ cư ngụ không phải là đình chùa, lăng miếu. Họ lang thang, phiêu bạt, bám trụ ở những gốc cây cỗ thụ, nằm giữa đồng áng, hay là bên bờ sông ngòi, khe suối, để đe dọa, khủng bố, ức hiếp những ông già bà lão ốm yếu bệnh tật, cũng như các trẻ em thiếu khôn ngoan, không vâng lời cha mẹ...

Như trên đây tôi đã nhấn mạnh, huyền sử không giải thích chi tiết, hay là phân định một cách rõ ràng: điều nào nên làm, điều gì nên tránh. Những câu chuyện huyền sử, được kể ra ở chỗ nầy hoặc chỗ khác, thực ra có liên hệ khắng khít, bổ túc hoặc điều hướng lẫn nhau. Câu chuyện nầy tiếp nối câu chuyện khác. Câu chuyện được kể ra hôm nay có thể giải thích, hoặc trả lời những câu hỏi do những câu chuyện khác nêu ra. Chính người kể, cũng như người nghe, sẽ dùng lương tri và ý thức, để tự mình tìm ra những con đường chọn lựa và quyết định. Ðể thêm vào hay là bớt đi một vài chi tiết. Hay là để sửa chữa những sai lầm, trong hành động của các nhân vật thuộc câu chuyện.

Chẳng hạn, bên cạnh "Sơn Tinh và Thủy Tinh", các bà mẹ cũng thường kể ra cho con cái câu chuyện "Trầu Cau" hay là "Tấm và Cám"... Kho tàng huyền sử giới thiệu mọi "mẫu hình" trắng, đen, vàng, đỏ, xanh màu trời và xanh lá cây...

Trong câu chuyện Trầu Cau, có hai anh em rất thương nhau, đùm bọc nhau, luôn luôn sống chung với nhau dưới một mái nhà. Những người bên ngoài thường lẫn lộn người nầy với người kia. Vào một buổi chiều, lúc trời nhá nhem tối, người vợ của ông Anh cũng đã lầm lẫn người Em với chồng mình đi làm về, nên có hành vi tay bắt mặt mừng, đi ra đón chào với nét mặt âu yếm... Sau sự cố đó, vì tế nhị và kính trọng Anh mình, người Em bỏ nhà ra đi, biệt tăm biệt tích. Cuối cùng đã nằm chết, bên một bờ sông, vì đói và lạnh, biến thành một tảng đá vôi trắng. Thấy em lâu ngày không trở về, người Anh tên Cao, rảo khắp đó đây tìm em. Vào một đêm khuya, sau bao ngày lang thang phiêu bạt, cũng đã chết vì lạnh và đói, bên cạnh tảng đá ở bờ sông. Ngày hôm sau, khách buôn bán qua đường nhìn thấy một cây Cau mọc lên, bên cạnh tảng đá. Người vợ tên Lưu, trên đường đi tìm chồng cũng đã dừng lại nghỉ chân và qua đêm, bên cạnh cây cau và tảng đá. Sau một đêm dài, ngồi khóc nhớ chồng, và nhớ em chồng, dưới cơn mưa tầm tã, đã biến thành một giây trầu, quấn quít chung quanh thân cây cau.

Với người đời sau, từ thời Vua Hùng Thứ Hai trở lui, một phần tư trái cau, một phần năm lá trầu với một chút ít vôi, đã trở thành một "miếng cau trầu làm đầu câu chuyện", có khả năng tạo nên "những mối tình nồng thắm và ấm áp", cho những người "biết ngồi lại, chuyện trò, trao đổi qua lại với nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng lời nói của nhau, lưu tâm đến con người của nhau".

Mối tình nồng thắm ấy lại thiếu vắng, một cách trầm trọng, trong câu chuyện "Tấm và Cám". Ở đây, cô Tấm bị bà dì ghẻ hành hạ suốt ngày. Ðứa em ghẻ, cũng bắt chước mẹ, sai khiến, truyền lệnh cho Tấm phục vụ mình, từ việc lớn đến việc nhỏ. Vậy, trọng tâm của câu chuyện nầy, muốn bổ túc hai câu chuyện trước đây, ở tại những điểm then chốt nào?

Nhân vật rất quan trọng, trong câu chuyện Tấm và Cám, là người Cha. Ông đã lâm bệnh và qua đời, một vài tháng, sau ngày tái hôn. Nhưng trong tâm hồn của Tấm, người Cha vẫn luôn luôn có mặt, một cách năng động. Lời của Cha vẫn còn đó, làm mặt trời và con đường, soi sáng và hướng dẫn mỗi bước đi của Tấm. Trong tâm tưởng của nàng, người mà Cha đã yêu thương và chọn lựa làm vợ và làm con, nàng vẫn luôn luôn chọn lựa làm Mẹ và làm Em. Cho dù họ có tác phong như thế nào chăng nữa, về phía mình Tấm chỉ bảo tồn và phát huy một loại quan hệ và lối nhìn: đó là yêu thương và thứ tha, một cách đơn phương và vô điều kiện. Cách sống của Tấm vẫn trước sau Như Một, không thay đổi, không tùy thuộc vào cách ứng xử của những người đang sống với mình.

Trong câu chuyện "Bánh Dày và Bánh Chưng", Lang Liệu - sau này được tấn phong làm Vua Hùng Thứ Hai - cũng có một lối nhìn, lối cảm, hoàn toàn giống như cô Tấm. Hẳn thực, khi có Trời, có Ðất, trong tư duy và tình cảm của mình, cái rất tầm thường, trong cuộc sống hằng ngày, đã biến thành cái lạ thường, cái khác thường. Cái "vô vị" trở nên "có ý vị".

"Ngày ngày cưu mang Ðất Trời Cao Cả,

"Lấy Tình Thương biến đời thành Phép Lạ."

Lang Liệu, cách đây hơn bốn nghìn năm, đã làm được điều ấy. Gạo và nếp, trên những cánh đồng của Ðất Nước, trong hai bàn tay của chàng, đã biến thành Của Lễ Cao Quí, trên bàn thờ của Tổ Tiên. Và đó cũng là mồ hôi, nuớc mắt của mỗi người, có khả năng nuôi sống tình anh em đồng bào, tình Quê Hương Nước Non đậm đà, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

* * *

Hởi những người Em, mang tên là Sơn và Thủy,

Bây giờ và trong tương lai, hoài vọng của tôi là các em hãy học tập ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện huyền sử. Sau đó, mỗi em thuyên giải câu chuyện, theo nhịp điệu tư duy và tấm lòng của mình. Ai ai cũng có tiếng nói. Ai ai cũng có quyền được lắng nghe, một cách trân trọng.

Hẳn thực, ai ai cũng có một câu chuyện của lòng mình, cần kể ra. Theo lối dùng từ ngữ của tôi, đó là câu chuyện "Ngôi Thứ Nhất". Sau khi kể xong, em lắng nghe câu chuyện "Ngôi Thứ Hai" của mỗi người bạn, hai bên cạnh. Hãy đón nhận câu chuyện, như một mảnh vườn trinh nguyên. Lắng nghe với vành tai xôn xao, hiếu kỳ, hiếu học và khao khát. Cơ hồ lắng nghe người tình, ngày gặp gỡ lần đầu tiên. Không phê phán. Không cười chê. Chỉ phản hồi và đặt câu hỏi, để cố gắng tìm hiểu người mà mình thương mến.

Em có thể phản hồi, với lời lẽ tương tự như sau:

"Nếu tôi không nghe lầm, bạn đã nói rằng: "---.". Vậy, xin bạn nói thêm cho rõ hơn, để tôi hiểu ý của bạn, trong câu nói đó".

Chừng nào giữa hai người bắt đầu kết dệt những quan hệ "Tâm đầu ý hợp", câu chuyện "Ngôi Thứ Ba" sẽ xuất hiện. Ðó là câu chuyện của "Nước Non", có khả năng làm cho hai người cùng nhau thực hiện những kỳ công trọng đại, trong lòng Quê Hương. Trong câu chuyện ấy "thương nhớ một người" có nghĩa là "nhớ đến Mọi Người". Cưu mang "một trăm người", trong cõi lòng của mình.

* * *

Trong một bài chia sẻ trước đây, tôi đã mạo muội đề xuất ba đường hướng thuyên giải, nghĩa là nêu ra ý nghĩa của câu chuyện, và những phương hướng ứng dụng, trong cuộc sống cụ thể, hằng ngày. Bài chia sẻ mang tên là "Nguồn gốc Rồng Tiên". Nhiều tờ báo trong và ngoài Nước đã đón nhận và đăng tải một cách rộng rãi, như tờ Chính Luận ở Mỹ, tờ Ðịnh Hướng ở Strasbourg, tờ Thời Mới ở Paris, tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Việt Nam.

Thay vì lặp lại y nguyên ở đây, những phương pháp tiếp cận một câu chuyện huyền sử, tôi thỉnh cầu mỗi độc giả hãy tìm lại, tham cứu những tờ báo trên đây. Trong khuôn khổ của bài trình bày này, tôi chỉ xin nhắc lại, một cách vắn gọn, ba cách làm tuy đơn sơ, nhưng rất hữu hiệu, thích hợp với giới trẻ thuộc thời đại khoa học của Nghìn Năm Thứ Ba (1):

- Thứ nhất, lần lượt đội lên đầu sáu chiếc mũ trắng, đen, vàng, đỏ, xanh dương và xanh lá cây, để khám phá sáu tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi câu chuyện được lắng nghe. Màu trắng: sự kiện khách quan. Màu đen: những thiếu sót cụ thể. Màu vàng: điểm tích cực, xây dựng. Màu đỏ: những xúc động phát khởi trong nội tâm và tràn ra ngoài. Màu xanh dương: ý nghĩa của câu chuyện. Màu xanh lá cây: những động tác cụ thể, thuộc tầm tay, cần thực hiện, từ bây giờ và ngày hôm nay.

- Thứ hai, theo hướng đi của câu chuyện, trong vai trò làm cha mẹ, chính tôi cần làm gì cụ thể, cho thế hệ con cái, cháu chắt bây giờ và sau này? Ðối với những người đương thời, cùng ở trong một lứa tuổi, với tinh thần đồng hành, tôi có khả năng chia sẻ những lối nhìn nào, những tâm tình gì? Sau hết, trong đời sống tâm linh, đâu là những giá trị và nhu cầu "quan trọng bậc nhất", trong hiện tình của Quê Hương Việt Nam?

- Thứ ba, phát hiện những động tác cụ thể, cần thực hiện, không chờ đợi, hẹn rày hẹn mai, trong bốn loại sinh hoạt thuộc đời sống hiện tại của tôi. Sinh hoạt thứ nhất: hành động thực tiễn. Sinh hoạt thứ hai: Lối nhìn tích cực về anh chị em đồng bào. Sinh hoạt thứ ba: những xúc động tiêu cực, tê liệt, cần được hóa giải. Sinh hoạt thứ bốn: quan hệ cần phát huy và nuôi dưỡng, trong gia đình, làng xã, khu phố...

Một bài chia sẻ khác, mang tựa đề "Tấm và Cám trong nội tâm của chúng ta", bổ túc thêm những đề nghị, về phương pháp tiếp cận một câu chuyện huyền sử. Trong bài ấy, tôi đã nhận xét về chính mình tôi như sau:

"Tôi về phe Tấm. Ðó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình, tĩnh thức, nhận ra rằng: tôi cũng là Cám, trong cuộc sống thường ngày? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần tốt, mặt sáng. Ðồng thời, tôi phóng chiếu lên khuôn mặt của kẻ khác, phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như tôi, xã hội, Quê Hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí." (2)

Tội nghiệp biết chừng nào cho Quê Hương, nếu liên tục trong bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta "Sắp Hàng" thành hai phe. Chúng ta hô hào "Tao hơn, mày thua", "Tao tốt mày xấu"... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã làm và đang còn làm, trên từng tấc đất của Quê Hương.

 

Vậy, chúng ta cần làm gì?

Theo phương pháp của các Thiền Sư, trong giờ Thiền Ðịnh, chúng ta hãy theo dõi hơi thở. Trở về tình trạng bình tâm, thanh thản và an lạc. Chúng ta hãy mỉm một nụ cười bao dung, nhìn vào tấm lòng của mình, cho thấu và suốt. Những đợt sóng xao xuyến, vọng động sẽ từ từ lắng xuống. Lúc bấy giờ, soi gương vào mặt hồ phẳng lặng của tâm hồn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra mặt mũi đích thực, uyên nguyên của chúng ta. Ðó là mặt mũi của một người con của Quê Hương. Một người anh chị em đồng bào, cùng có mặt với chín mươi chín anh chị em khác, trong cung lòng thương mến và ấm áp của Mẹ Âu Cơ. Sơn và Thủy, lúc bấy giờ, không còn là hai bến bờ, có hàng rào kẽm gai và bom đạn nằm ở giữa. Nhưng một bên là tả ngạn, bên kia là hữu ngạn, đang cùng nhau dẫn đưa dòng chảy của Quê Hương đi vào lòng Biển Cả, biến thành mây mưa, nuôi sống và tắm gội những nguồn sông, ngọn suối, chuyển tải phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, núi đồi, trên cả ba miền Ðất Nước. Sơn và Thủy sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho nhau. Còn hơn thế nữa, theo lối nhìn của Nguyễn Trãi, Sơn và Thủy trở thành "nhất tâm", một tấm lòng.

Hơn ai hết, Thi sĩ Tản Ðà đã thấy được "Ngày Hội Ngộ" ấy:

Dù cho sông cạn đá mòn,

Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.

Non cao đã biết hay chưa:

Nước đi ra Bể, lại mưa về nguồn?

Nước non hội ngộ còn luôn,

Bảo cho non: chớ có buồn làm chi.

Nước kia dù hãy còn đi,

Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.

Nghìn năm giao ước kết đôi,

Non Non Nước Nước không nguôi Lời Thề.

 

Sách Tham khảo

1.- Ðịnh Hướng, tập san nghiên cứu Số 31, Mùa Hè 2002, tr. 109 Nguồn gốc Rồng Tiên.

2.- Nguyễn văn Thành - Tấm và Cám - xem tập sách "Trong Ðức Kitô - Ðịnh Hướng Tùng Thư, Xuân 2001, tr 47.

3.- Nguyễn Lang - Văn Lang Dị Sử - La Bối, Paris 1976.

4.- Thái Ðức Xuân - Truyện cỗ tích - Nhà Xb Hà Nội, 2000

5.- Phạm Xuân Thạch tuyển chọn - Thơ Tản Ðà: Lời Bình - Nhà Xb Văn Hóa và Thông Tin, Hà Nội, 2000.

6.- Nguyên van Thanh - Le projet pédago-éducatif - Tinh Nguoi, Eté 1997.

7.- Nguyễn Văn Thành - Bản đồ Tâm lý và Tư duy sáu màu - Tình Người, Lausanne Hè 2002.

 

Nguyễn văn Thành, Lausanne, Thụy sĩ

 


Last updated July 7, 2003, by Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Trung Tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ

13 g rue de l'ILL F- 67116 Reichstett, France

Tel 00 33 3 88205822

E-mail trucdang@evc.net

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page