Học ăn, học nói, học gói, học đùm

hay Tập viết một bài thuyết-trình

và tập nói trước cử-toạ

Phạm Hoàng Lam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Xưa ở Hi-lạp có một người tên là Ê-sốp (Aesop) chẳng may bị bắt làm tù-binh và bán làm nô-lệ cho một nhà quyền-quí. Một hôm chủ bảo anh ra chợ mua thứ gì ngon nhất về nhắm. Anh xách về một lưỡi heo, mà rằng: Ngon quí nhất trên đời không gì bằng cái lưỡi; nhờ nó có thể thu-phục được cả thiên-hạ. Hôm sau chủ sai ra mua thứ gì dở nhất. Anh lại mang về một cái lưỡi. Trước ngạc-nhiên của chủ, anh lí-luận: Xấu dở nhất trên đời không gì bằng cái lưỡi; nó không xương nên nhiều đường lắt-léo, mất thiên-hạ cũng chỉ vì nó!

Chung-qui cũng do cái "miệng lưỡi", nói khác đi, cái cách ta "ăn-nói". Bằng lời nói và lối diễn-tả, ta có thể thu-phục nhân-tâm hoặc gây thù-hận. Ngày nay là thời-đại truyền-thông, thời-đại của đối-thoại. Nhu-cầu ăn-nói có mặt khắp nơi.

- Thuyết-trình trong lớp học.

- Phát-biểu trong một buổi tiệc (đám cưới, sinh-nhật, đám giỗ...)

- Nói chuyện trong buổi họp, trước một đám đông...

- Ðấu-trí với chủ hãng, với đồng-nghiệp...

Khéo ăn-nói trong các dịp đó có khi lại vớ được vợ / chồng hoặc dễ thăng quan tiến chức! Trái lại vụng ăn vụng nói có thể bị người ta cho là "dở-hơi". Khả-năng ăn-nói hay diễn-tả lưu-loát ý-nghĩ của mình (khả-năng hùng-biện) trước một tập-thể nhỏ hay lớn là một trong những chìa khoá thành-công trong cuộc sống xã-hội và nghề-nghiệp của ta.

Người Việt có câu "học ăn, học nói, học gói, học đùm". Nghĩa là cái gì cũng phải học và có thể học được. Hùng-biện không hẳn do thiên-phú, nhưng trước hết là một kĩ-thuật, một khả-năng tập-thành.

Lại một gương xưa của Hi-lạp. Ði-ô-gen (Diogenes) là một nhà hiền-triết nói ngọng nhưng muốn trở thành hùng-biện. Ngày-ngày ông lánh ra bờ biển một mình tập diễn-thuyết. Múa vào quảng không. Gào theo sóng biển. Và ông đã trở thành một nhà hùng-biện lỗi-lạc đi vào lịch-sử thế-giới. Ðã là kĩ-thuật thì có thể học và tập. Mà chịu khó học-tập thì thế nào cũng thành-công. Ai muốn thu-phục người khác, khiến họ nghe mình, mến mình thì phải biết xếp-đặt mạch-lạc tư-tưởng và diễn-tả chúng ra một cách rõ-ràng, gọn-gàng.

Làm sao để xếp-đặt tư-tưởng được mạch-lạc và phải trình-bày thế nào để được rõ-ràng và thu-phục? Nói khác đi, phải dọn một bài nói (bài phát-biểu / thuyết-trình) thế nào cho gọn và hay và phải nói như thế nào để thu-phục được người nghe?

Nội-dung sau đây là một trình-bày tóm-tắt, chủ-yếu rút từ cuốn: Die 100 Gesetze uberzeugender Rhetorik (100 qui-tắc thu-phục thính-giả) của Alfred Mohler. Bài này nêu ra một số qui-tắc cụ-thể, ngắn-gọn để chuẩn-bị cho phần thực-tập.

 

I. Soạn một bài nói (phát-biểu / thuyết-trình)

Bài nói phải có dàn-bài rõ-ràng. Không dàn-bài cũng như xây nhà không đổ móng. Có bài nói giống như một trò chơi xếp-hình (Puzzle) lở-dở, không biết bắt đầu từ đâu. Có bài nghe kêu như chuông: rằng hay thì thật là hay, nhưng nghe xong chẳng hiểu thầy hai muốn gì. Như thể thầy muốn từ phố đi về nhà nhưng khi băng qua công-viên thấy cảnh đẹp người xinh ráp vào xem rồi quên mất đường về. Tất cả chỉ vì thiếu dàn-bài. Có những người trời cho "dẻo-miệng", đụng đâu cũng có thể "tán" thao-thao bất-tận mà giọng nói lại hay nữa, nhưng nội-dung rốt cuộc chẳng có gì. Bài này không đề-cập tới loại người này.

Quintilian, một nhà hùng-biện cổ-thời Rôma, nói về dàn-bài: "Trước hết, người nói phải biết mình sẽ về đâu; bằng không biết đích thì làm sao tới được. Trên con đường đó, điều quan-trọng là phải biết rõ phần nào phải nói gì. Nhưng chưa đủ, mà còn trong mỗi phần phải biết nói gì trước, gì sau, gì chính, gì phụ. Ngoài ra phải xếp phần đoạn làm sao để chuỗi tư-tưởng nối vào nhau chặt-chẽ; nếu tách-rời hoặc đảo-lộn thứ-tự thì cả bài sẽ bị xáo-trộn".

Nghĩa là phải có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài nói và luôn bám vào sợi đó. Không cần hoa lá rườm-rà nhiều khi che mất sợi chỉ. "Người nói hay thực sự là kẻ biết nói - và chỉ nói - những gì thuộc đề-tài mà thôi" (La Rochefoucault). Một bài nói hoàn-chỉnh là khi ta không còn lược bỏ được gì nữa, chứ không phải khi không còn biết thêm-thắt gì vào nữa.

Vậy một dàn-bài tiêu-chuẩn sẽ như thế nào?

Trước đây nhà trường dạy ta làm luận phải đủ ba phần: mở-bài, thân-bài và kết-bài. Mô hình này vẫn còn giá-trị, nhưng không đủ cho một bài thuyết-trình. Mô-hình "5 câu" dưới đây thực-tế hơn:

 

Dàn-bài 5 câu

1. Khơi dậy thích-thú

2. Cho biết mình muốn gì

3. Biện-luận cho điều mình muốn

4. Cho thí-dụ làm sáng-tỏ

5. Kêu-gọi hành-động

 

Công-thức 5 điểm nền-tảng này, với chút ít thay-đổi nội-dung tùy theo từng vấn-đề, có thể áp-dụng cho mọi hoàn-cảnh: một bài diễn-văn, bài báo, bài giảng, thư quảng-cáo, thư luân-lưu, đơn-từ, chuẩn-bị một cuộc đấu-trí với chủ, với khách-hàng, với đồng-nghiệp, chuẩn-bị cho một phát-biểu bất-chợt...

Thứ-tự 5 điểm trên không nhất-thiết cố-định. Tuỳ trường-hợp và để linh-động-hoá bài nói, ta có thể chuyển-đổi thứ-tự các điểm.

Về nội-dung, dàn-bài 5 câu có thể biến-đổi đôi chút. Mấy thí-dụ:

 

Công-thức phát-biểu quan-điểm

1. Cho biết quan-điểm

2. Lí-luận

3. Thí-dụ (làm sáng-tỏ vấn-đề)

4. Tổng-kết (hậu-quả)

5. Kêu-gọi hành-động

 

Công-thức biện-luận quan-điểm

1. Nêu vấn-đề

2. Lí-lẽ thuận

3. Lí-lẽ chống

4. Hợp-đề (đánh-giá)

5. Kêu-gọi hành-động

 

Công-thức thoả-hiệp

1. A cho rằng...

2. B đối lại rằng...

3. Tôi thấy hai lập-luận đó có những điểm này bổ-sung cho nhau...

4. Vậy đền-ghị giải-pháp kết-hợp...

5. Vì thế chúng ta cùng...

 

Công-thức giải-quyết vấn-đề

1. Hiện-trạng. Phân-tích hiện-trạng

2. Nguyên-do. Phân-tích nguyên-do

3. Mục-tiêu muốn đạt

4. Các giải-pháp đề-nghị

5. Kêu-gọi hành-động.

 

Giờ đi vào từng điểm của dàn-bài 5 câu:

 

A. Khơi dậy thích-thú

Chỉ khơi được thích-thú khi đề-cập đến sở-thích hoặc nhu-cầu của người nghe.

Người nghe sẽ bịt mọi cánh cửa thu-nhận, nếu ngay từ đầu họ phải nghe những điều "trái tai" họ. Vì thế, để họ nghe hoặc chịu khó theo-dõi, trong mọi trường-hợp phải tránh khai-hỏa bằng cách bảo họ sai. Về phương-diện quan-điểm, ta phải nên như là một dòng suối uyển-chuyển. Muốn thu-phục ai, trước hết mình phải đồng-hành với họ đã (nghiã là đi từ quan-điểm họ), sau đó mới đi vào quan-điểm mình. Người ta thích nhau vì thấy giống nhau. Và khi đã thích thì dễ đồng-ý với nhau (Bài giảng của thánh Phaolô ở Athen là một thí-dụ).

"Thưa quý-vị, đứng trước quý-vị hôm nay, tôi muốn trình-bày với quý-vị những thao-thức hằng xâu-xé tâm-tư tôi bao nhiêu ngày qua..." Nhập-đề kiểu này - mà ta vẫn nghe đây-đó - cũng hỏng! Là vì đó là thao-thức xâu-xé tim bạn, chứ đâu xé tim thính-giả. Người đi câu móc giun vào lưỡi câu, dù mình sợ giun. Không khởi đi từ quan-điểm của người nghe, bạn không thể lôi-kéo sự chú-ý của họ được. Thế nên, khi khởi sự soạn bài, trước hết phải tìm hiểu thành-phần (và trình-độ) người nghe rồi cố-gắng tự đặt mình vào hoàn-cảnh của họ và trình-bày theo góc-độ của họ. Dù quan-điểm họ khác quan-điểm mình cũng chẳng sao. Một khi đã khơi dậy được thích-thú, bạn muốn dẫn họ tới đâu cũng được.

Nhiều cách khơi thích-thú: Có thể dùng một biến-cố thời-sự, kể một chuyện vui, tạo một tình-trạng căng-thẳng nơi thính-giả bằng một câu hỏi hay bằng cách đưa ra một giả-thiết nào đó...

Và con người chỉ thích những gì đáp-ứng nhu-cầu của họ. Bảng dưới đây của Maslow có thể giúp bạn đôi điều trong việc nhận-diện nhu-cầu. Theo nhà tâm-lí, con người sinh ra với những bậc thang nhu-cầu cần được thoả-mãn. Sau khi những nhu-cầu "cấp thấp" thể-lí được thoả-mãn, họ bước dần lên những nhu-cầu "cấp cao" tinh-thần.

 

Bảng nhu-cầu của Maslow

 

Nghệ-thuật

Mở rộng kiến-thức

Thành-nhân

Ðược tôn-trọng

Tình yêu

An-ninh

Nhu-cầu thể-lí (Ðói, khát, tình-dục)

 

Tắt lại: "Muốn thành-công, bạn phải đặt mình vào hoàn-cảnh người khác và nhìn vấn-đề theo con mắt của họ" (Henry Ford). Hay nói khác, như Saint Exupéry: "Muốn đóng thuyền ra khơi, đừng hô-hào bà-con lên rừng đốn gỗ, mà hãy nói cho họ nghe sự quyến-rũ của biển cả".

 

B. Cho biết mình muốn nói gì

Ðây là tâm-điểm, quan-trọng nhất, là sợi chỉ đỏ của bài. Phải xoay quanh tâm này, bước ra từ nó rồi về lại nó, không dạo chơi rồi quên mất lối về như Từ Thức.

Trước hết cho thính-giả biết hiện-trạng của vấn-đề. Khách-quan kể ra chuyện đang xẩy ra như thế nào. Sau đó, đưa ra tình-trạng tương-lai hoặc đưa ra cách giải-quyết theo lập-luận của mình. Trình-bày với ngôn-ngữ rõ-ràng, không rườm-rà. Không vòng-vo tam-quốc làm thính-giả sốt-ruột.

Vì là tâm-điểm nên tên đề-tài (đầu-đề) bài nói thường là một rút gọn của phần này. Ðầu-đề cần đáp ứng hai điều: quyến-rũ và phải tạo cho người nghe cảm-giác thấy buộc phải làm.

Nghĩa là đầu-đề không chung-chung, từu-tượng. Mà phải như đang đặt vấn-đề trực-tiếp với mỗi người.

Mật ngọt chết ruồi hay có mỡ mới nhử được mèo. Ðầu-đề có quyến-rũ mới lôi-kéo được người tới nghe. Quyến-rũ là khi bạn gợi lên được sở-thích hay nhu-cầu của thính-giả. Nguyên-tắc của phần A có thể giúp ta trong việc hình-thành đầu-đề. Như vậy, việc tìm hiểu thành-phần thính-giả là điều rất quan-trọng. Vả nữa, nếu đầu-đề không tạo cho mỗi thính-giả có cảm-tưởng là một cái gì bó-buộc họ thì có ai màng tới! Chẳng hạn, thay vì "Lái xe và việc bảo-vệ môi-sinh" bạn đặt tựa "Bạn làm thế nào tiết-kiệm được tiền trong khi lái xe?". Tựa này không phản lại nội-dung bài nói chuyện. Vì lái xe chậm là cách thiết-thực nhất bảo-vệ môi-sinh; lái chậm cũng là tiết-kiệm, vì tổn ít nhiên-liệu, máy và bánh xe đỡ mòn... Như vậy, ngoài việc khơi dậy thích-thú và tạo cảm-giác bó-buộc, đầu-đề đặt dưới dạng câu hỏi và bằng cách dùng động-từ (hơn là danh-từ) càng tăng-cường tính quyến-rũ.

 

C. Biện-luận cho điều mình muốn

Ðây là điểm nói lên khả-năng người nói. Có thu-phục hay không phần lớn là chỗ này. Các luận-điểm đưa ra nhằm hỗ-trợ cho giải-pháp đã đưa. Không quả-quyết suông, đưa đề-nghị mà không lập-luận hoặc tung hoả-mù tín-điều để trốn-tránh lí-luận.

Nguyên-tắc căn-bản: Phải có ít nhất hai lập-luận vững. Một thì ít quá, có thể bị đánh-đổ hoặc không thu-phục được đa-số người nghe. Nếu có hai, ba thì tốt hơn. Mỗi lập-luận sẽ thu-phục được thêm một số thính-giả. Nên nhớ, bất cứ lập-luận nào, dù vững đến đâu, cũng có thể có lập-luận ngược lại. Do vậy, trong quá-trình soạn bài, phải tiên-liệu khả-năng bị tấn-công để chuẩn-bị tốt lí-luận giải-toả. Nếu không có phần thảo-luận, diễn-giả phải nêu ra những phản-đối dự-kiến và tìm cách giải-toả ngay trong phần thuyết-trình. Nếu không, thắc-mắc, nghi-ngờ sẽ làm vẫn-đục lòng tin của thính-giả. Dĩ nhiên, không phải bao giờ quan-điểm của mình cũng hoàn-toàn vững cả. Nếu có điểm yếu, nên mạnh-dạn nói thẳng ra và tìm cách xử-lí. Vì "với chỉ một vòng tay ôm-ấp, ta có thể đưa đối-thủ đến bất-động" (Amintore Fanfani) hay "một người yếu khôn-khéo hay hơn một kẻ mạnh vụng-về" (Charles Aznavour).

 

D. Cho thí-dụ làm sáng-tỏ vấn-đề

"Nhà hùng-biện đưa ra so-sánh và thí-dụ; họ thường trình-bày vấn-đề cụ-thể như hiện rõ trước mắt người nghe; nhiều khi họ nói quá sự thường" (Cicero).

Một thí-dụ hay tác-động hơn cả ngàn từ-ngữ, vì ngôn-ngữ nhiều khi không đủ để diễn-tả sự-kiện. Hình-ảnh là phương-tiện tuyệt hay để tạo sống-động và tăng-cường sức mạnh lí-luận. Nhất là khi trình-bày một đề-tài chuyên-môn với thính-giả bình-dân thì lại càng cần hình-ảnh, thí-dụ. Thí-dụ có thể, nhưng không nhất-thiết phải liên-hệ trực-tiếp với vấn-đề nêu ra. Nhưng sẽ hiệu-quả hơn, nếu thí-dụ được lấy ra từ lãnh-vực mà nhiều người đã kinh qua, như thể-thao, biến-cố thời-sự, câu danh-ngôn, chuyện tiếu, chuyện xẩy ra hàng ngày...

 

E. Kêu-gọi hành-động

Chuyện kể: Khi Xi-xê-rô (Cicero) bước xuống khỏi bục, toàn dân thành A-then trầm-trồ xở-lở: "Thiên-hạ chẳng ai nói hay được hơn ông"! Nhưng khi Ðê-môx-then (Desmosthenes) rời bục, cả thính-trường khí-thế nhao lên "Ðánh, bà con ơi đánh tên Phi-lip, đánh"!

Tại sao thuyết-trình? Sự thường là để đạt tới một thay-đổi nào nào đó theo ý mình. Một bài nói thành-công khi cuối cùng dẫn người nghe tới hành-động, hành-động theo hướng mình muốn. Nhiều bài nói thất-bại hoặc tan vào khoảng không là vì thiếu điểm 5 này. Một số thuyết-trình-viên tưởng rằng bài mình đã quá rõ-ràng, quá thuyết-phục và người nghe đã dư hiểu họ phải làm gì rồi, nên khỏi cần minh-định yêu-cầu của mình. Không. Trước khi kết-thúc bài nói hay thảo-luận, cần luôn nhớ phải nhắc lại kêu-gọi hành-động của mình. Chuyện sau đây cho thấy những tác-động có thể có của một bản tin.

Một buổi tối bão-táp mùa đông tháng hai năm 1962 dân thành-phố Hamburg (Ðức) nghe qua truyền thanh và truyền hình tin báo-động: "Cả vùng duyên hải bắc Ðức có cơ bị lũ-lụt nặng. Mặt nước đã lên khoảng 3,5 mét trên mực nước thường". Bản tin trên chứa đựng đầy-đủ những điều cần thông-tin của một chuyên-viên dự-đoán thời-tiết. Nhưng dù nghe thế, dân Hamburg đã bị thiệt-hại lớn. Ðêm đó đê vỡ, lũ-lụt đã cuốn đi 300 người và của-cải của hàng ngàn người. Cả thành-phố nghe tin của một ông chuyên-viên, nhưng không hiểu ông muốn nói gì.

Trong khi đó, Cuxhaven (Anh) cũng bị đe-doạ tương-tự. Nhưng ngoài thông-báo chuyên-môn, đài phát thanh Cuxhaven đã nhắc-nhở: "Cuxhaven bị đe-doạ vì đê có thể vỡ. Yêu-cầu bà-con chuyển sinh-hoạt lên các lầu trên. Hãy thông-báo cho bạn-bè mình cùng hay". Như một phép lạ. Ðê vỡ, lũ-lụt còn nặng hơn Hamburg, nhưng Cuxhaven không bị một tổn-thất nhân-sự nào.

Nếu muốn người nghe thi-hành yêu-cầu mình, yêu-cầu phải có hai điều-kiện. Thứ nhất, yêu-cầu phải khả-thi, không quá mức. Thứ hai, yêu-cầu phải cố-gắng thật cụ-thể, lí-tưởng nhất là có thể đo-lường hoặc kiểm-nghiệm. Một diễn-giả, sau khi trình-bày những ích-lợi của việc học tiếng việt, kết: "vậy chúng ta, nếu không muốn mất gốc, phải bằng mọi cách dạy cho con cháu tiếng việt". Hoan-hô dậy lên. Rồi là số không. Nếu như người đó kết: "vậy chúng ta phải cố-gắng bằng mọi cách dạy cho con em biết tiếng việt. Hãy bắt-đầu từ trong gia-đình. Trong các bữa ăn, cha mẹ hãy trả-lời hoặc nói chuyện với con-cái bằng tiếng việt" thì yêu-cầu có cơ thực-hiện. Ðây mới là yêu-cầu cụ-thể và khả-thi.

Nếu là một bài thuyết-trình (chuyên-môn) để phổ-biến kiến-thức thì yêu-cầu đó có thể là việc nhắc lại tóm-tắt bằng một hai câu những điều bạn muốn thính-giả ghi nhớ.

 

II. Một số kĩ-thuật diễn-thuyết

1. Bài nói cần ngắn-gọn. Gọn mà đầy-đủ, như phần đối-đáp điện-thoại của ngưòi trực máy chuyên-nghiệp của một cơ-quan. Ngắn mà không thiếu như chiếc váy ngắn (mini). Không ngắn hơn để trở thành thiếu thẩm-mĩ. Mà cũng không dài hơn để che lấp tưởng-tượng! Câu văn ngắn cũng là một vũ-khí làm cho bài nói rõ-ràng, dễ hiểu.

Khoa tâm-lí cho hay không nên nói dài hơn 40 phút. Ngoài thời-gian đó, mức tập-trung và khả-năng thu-nhận nơi người lớn sẽ giảm. Nội-dung bài nói càng phức-tạp, khả-năng tập-trung và thu-nhận lại càng giảm nhanh hơn.

2. Cách tốt nhất là nói tự-do, nghĩa là không cần giấy. Nó cho phép bạn đi đứng, diễn-tả thoải-mái. Nhưng cách này không dễ, ít người có khả-năng hoặc phải tập-luyện lâu-dài. Với diễn-giả bình-thường, cần bài viết. Nhưng không phải là những trang viết để đọc.

Bục nói giúp ta đỡ thừa chân thừa tay, song có thể tạo nhàm-chán, nếu ta dùng nó để làm lô-cốt cho mình. Nếu không nói tự-do được thì bục vẫn là tốt hơn là đứng chôn chân trước máy khuyếch-âm (mikro) mà đọc! Tuy nhiên có bục không có nghĩa ta phải từ đầu đến cuối núp sau nó để đọc. Nếu có thể, thỉnh-thoảng nên rời bục để tạo sự thân-mật.

3. Cố-gắng dùng các dụng-cụ hỗ-trợ như máy chiếu phim, phóng ảnh (Projektor), thu phát hình (Video), bảng thuyết-trình (Clipchart), bảng gắn (Pinnwand), phiếu dàn-bài...

Phiếu dàn-bài nên viết/in trên loại giấy cứng khổ nhỏ (18x12 cm) hoặc cỡ A6 để vừa gọn tay. Chữ lớn hơn bình-thường (cỡ 14 Times) cho dễ xem. Nếu đã quen bài, chỉ cần ghi ra dàn-bài tổng-quát thêm một số từ chính tóm ý mỗi đoạn, đánh dấu những điểm quan-trọng để không quên hoặc sót. Bằng không, viết cả bài ra; nhưng khi trình-bày, cố-gắng giữ liên-lạc với cử-toạ bằng ánh mắt, tránh việc dán mắt vào giấy mà đọc.

Khoa tâm-lí cho biết có loại người thu-nhận sự-kiện chủ-yếu bằng thị-giác (Tôi "thấy" quan-điểm đó khá!), có loại chủ-yếu qua thính-giác (Quan-điểm đó "nghe " cũng hay!), có loại qua cảm-giác (Tôi "cảm thấy" có thể chấp-nhận quan-điểm đó!). Vì thế, trong bài thuyết-trình, nếu ta có cơ-hội sử-dụng và sử-dụng hợp-lí các dụng-cụ hỗ-trợ thì khả-năng thu-nhận của người nghe sẽ tăng nhiều. Và nhất là nếu ta tạo cơ-hội để thính-giả cùng tham-gia vào câu chuyện (trực-tiếp đặt câu hỏi, nhắc tên người hỏi...) thì khả-năng thu-nhận lại càng cao. Một số kinh-nghiệm:

 

 

Khả-năng nhớ trong cùng một khoảng thời-gian

Nghe

10%

Thấy

20%

Nghe và thấy

40 - 50%

Cùng tham-gia

80 - 90%

 

4. Tác-dụng của vài điệu-bộ không lời

- Cái gì làm người nghe chú-ý và tin vào điều diễn-giả nói? Nhà tâm-lí Albert Mehrabian cho hay: các điệu-bộ cơ-thể, đặc-biệt của khuôn mặt! Trước một diễn-giả, người nghe để ý đến ngôn-từ của ông/bà ta chỉ 7%, đến cung giọng nói 38% và đến các điệu-bộ của khuôn mặt 55%.

- (Hoa chân) múa tay hầu như là chuyện đương-nhiên khi nói. Không đứng chụm chân, mà hai chân đứng thẳng, bàn chân cách nhau cỡ 15, 20 phân để giữ thăng-bằng. Khoảng không-gian cử-động tay là từ hông trở lên đầu và có thể qua khỏi đầu. Không làm những cử-động xuống sâu quá hông.

- Ðặc-biệt nhất là ánh mắt. Ðây là cây cầu nối người nói với người nghe. Nếu cầu vì một lí-do nào đó bị hỏng thì buổi nói chuyện thiếu linh-động, mất tác-dụng. Thỉnh-thoảng phải nhìn thính-giả, quét mắt chậm-rãi, chứ không liếc nhanh cho có. Bởi vì, để một người nào đó cảm thấy là mình được nhìn, thì cái nhìn của diễn-giả vào người đó phải lâu từ ba hay bốn giây trở lên mới tác-dụng.

 

III. Phần thực-tập

Sau giờ lí-thuyết và tập nói qua diễn-tả một bài ca-dao ngắn, mỗi người hoặc mỗi nhóm tự tìm thì-giờ (giờ họp nhóm, sau ăn trưa, lúc đi dạo...) soạn một bài nói theo các mẫu 5 câu. Ðề-tài tự-do chọn. Một vài đề-tài đề-nghị:

- Tại sao cần / không cần học tiếng việt?

- Người trẻ việt-nam hải-ngoại nên học nghành nào, chọn nghề gì?

- Người trẻ việt hải ngoại nghĩ gì về quê-hương việt-nam?

- Tuổi trẻ và niềm tin tôn-giáo...

Bài viết lên phiếu dàn-bài với khổ giấy A6 (nhận từ giảng-viên). Lí-tưởng là viết và trình-bày bằng tiếng việt. Nếu vì lí-do nào đó không thể bằng tiếng việt thì có thể bằng ngoại-ngữ.

 

Phạm Hoàng Lam

 


Last updated July 7, 2003, by Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Trung Tâm văn hóa Nguyễn-Trường-Tộ

13 g rue de l'ILL F- 67116 Reichstett, France

Tel 00 33 3 88205822

E-mail trucdang@evc.net

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page