Liên Lạc Nhân Văn
Số 8
Tháng 7 & 8 & 9 năm 2002
Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ
Association CONVERGENCE
13 g rue de l’ILL 67116 Reichstett, France
Tél. 0033 3 88 20 58 22 Email trucdang@evc.net
1. Vĩnh biệt Anh Giuse Nguyễn Văn Bé
2. Ðại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại khóa VI
3. Một vài cảm nghĩ nhân dịp Trại Thẳng Tiến VII
4. Tín Ðồ Hồi Giáo Người Anh Em Tôi
Vĩnh biệt Anh Giuse Nguyễn Văn Bé
Từ những ngày đầu phát động các chương trình sinh hoạt văn hóa của các người trẻ Việt Nam Hải Ngoại (Họp mặt Chuyện gia trẻ ở Hòa Lan, Ðan Mạch) đến ngày Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ Thành lập (tháng 10/1995) tiếp nối với sáu khóa Ðại Học Hè và bốn kỳ Tuần Lễ Xã Hội, Anh đã hiên ngang gánh lấy những trách nhiệm khó khăn của kẻ tiên phong. Anh là cánh tay nối dài của Ðịnh Hướng Tùng Thư và Tập san Ðịnh Hướng ở Na Uy. Anh là cột trụ nâng đỡ Ban Tổ Chức hoàn thành Ðại Học Hè Khóa VI và Tuần Lễ Xã Hội kỳ IV / 2002 / Oslo, Na-Uy.
Nụ cười vô tư, ấm áp của anh, niềm lạc quan và tinh thần bao dung, đồng đội của anh là thuốc bồi sức cho thệ hệ đi trước anh, là tiếng hô lên đường của bạn đồng lứa và trẻ tuổi đi sau anh.
Ðầu tháng bảy năm nay, từ Jessheim anh vui vẻ đưa tiễn mỗi người chúng tôi tận phi trường Oslo... Thế mà năm ngày sau anh lại biến buổi tiễn đưa lần ấy thành lời chào VĨNH BIỆT.
Chị Dung, Bé Khiêm, gia đình khóc thương Anh.
Các linh mục, các giáo sư, bạn bè trong Ban Tổ Chức Ðại Học Hè, các Thành Viên Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, các bạn trẻ mang ơn anh đau buồn sững sốt:
Nguyễn Văn Bé, Anh luôn mãi ở trong ký ức thương nhớ của chúng tôi.
Anh mãi mãi là tấm gương phục vụ cộng đồng sáng chói, một chiến sĩ dấn thân cho Tình Yêu và Chân Lý.
Vĩnh biệt Anh, xin Thiên Chúa là Cha Nhân Lành giang tay đón Anh.
Vĩnh Biệt
Anh Gioan-Baotixita Trương Minh Hòa
Thành-viên Trung-Tâm Nguyễn-Trường-Tộ và Ban-Biên-Tập Tập-san Ðịnh Hướng
Thất lộc ngày 11 tháng 06 năm 2003
tại California Hoa Kỳ
Kính xin phân ưu với gia quyến
Và hiệp lòng xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Gioan Baotixtia
vào Thiên Ðàng.
Ðại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại khóa VI
và Tuần Lễ Xã Hội kỳ IV
Ðại Học Hè Việt Nam Hải Ngoại khóa VI và Tuần Lễ Xã Hội kỳ IV Oslo 2002 đã tập trung 12 giáo sư, 9 thành viên Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ thuộc Ban Tổ Chức và 82 học viên gồm nhiều lứa tuổi khác nhau đến từ 12 quốc gia: Hoa Kỳ, Canada, Ý, Thụy Sĩ, Ðức, Pháp, Anh, Hòa Lan, Bỉ, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Na Uy.
Một tuần lễ gặp gỡ trong tinh thần huynh đệ gia đình của người Việt hải ngoại với sự nâng đỡ của cộng đồng người Việt Nam ở Oslo, các vị lãnh đạo tôn giáo và các hội đoàn, đặc biệt là Hội Thanh Thiếu Niên Vietnor và nhất là tinh thần dấn thân phục vụ cộng đồng của cô Nguyễn Vân Long và các gia đình anh chị Nguyễn Văn Bé, anh chị Tôn Thất Cường và anh chị Gioan và Ngọc Khiêm. Không quên những hy sinh tận tụy của các cán bộ văn hóa trong Ban Tổ Chức Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, các linh mucï, các giáo sư đến từ Ðức, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Anh, Hoa Kỳ, Canada, Ðan Mạch, Thụy Ðiển.
Hướng Ðạo Trại,
Hướng Ðạo Nhà
Một vài cảm nghĩ
nhân dịp Trại Thẳng Tiến VII
TS Bửu Sao
Từ ngày nhập cuộc chơi hướng đạo năm 1942 đến trại Thẳng Tiến VII năm 2002, tính ra đúng sáu con giáp! Nay cựu đội trưởng đội Ong tôi cố vác "70 bó" đến Camp Strake Houston để nhập cuộc chơi hướng đạo. Nếu cần bảo vệ cái xuân sắc rời rạc của mình đến đâu thì rồi cũng vẫn phải lãnh hai chữ "old people" từ miệng thế hệ trẻ rót vào tai. Phủ nhận cái thực tế bẽ bàng này để mà chi! Ðiều cần thiết là tinh thần hướng đạo được giữ y nguyên trong cuộc hạnh ngộ giữa hai đám già trẻ. Nhưng rồi giữa ba thế hệ hiện có mặt vẫn còn khác nhau ở một điểm: giới "old people" chúng tôi vẫn muốn bảo vệ cái bề thế trưởng niên của mình trong bộ phục hướng đạo cố hữu: cái đùi thước mốt, cái khăn quàng xám, cái cầu vai mầu, cái huy hiệu đúng quy tắc. Các trưởng vong niên này "cắm thẳng mình" như những cột mốc chỉ con đường trí tuệ trước các đôi mắt thoáng nhìn tinh nghịch của giới trẻ. Giới này nay muốn chơi hướng đạo thoải mái, không câu nệ hình thức: nào sơ mi ngắn, dài, xanh, trắng đủ loại, T shirt logo vẽ vời đủ kiểu, quần xà lỏn Bermuda, gin dài xanh, xám, đen, vàng bất kể. Ði diễn hành thì mạnh ai nấy tiến, không cần có hàng ngũ on đơ gì nữa.
Tôi bèn sực nhớ lại 60 năm trước đây, các hội đoàn thành phố Huế diễn hành trong các dịp lễ lớn trước điện Phu Văn Lâu, nổi bật lên là 12 đoàn hướng đạo Thừa Thiên trong bộ phục đúng chuẩn tắc, nón lá Huế, sơ mi màu củ nâu, tua cầu vai, khăn quàng, quần kaki cụt, huy hiệu đầy mình. Khi chui qua đường hầm cửa Thượng Tứ tức thì các trưởng hô lớn: "hướng đạo sắp!" hàng trăm tiếng đáp lại: "Sẵn!". 12 đoàn chui qua, 12 lần hô rập nhịp vang dội khắp phố phường. Mấy ông quan Tây ngồi trên khán đài danh dự cứ việc lắc đầu, tặc lưỡi: liệu một biến cố nào sắp xẩy ra đây chăng? Bộ đồng phục có hiệu năng khẳng định chỗ đứng của một tổ chức lớn. Bộ phục hướng đạo lại còn khẳng định vai trò giáo dục của tổ chức này trong xã hội. Vào dịp lễ Saint Georges, bổn mạng hội Hướng Ðạo Thế Giới, suốt trọn tuần, các hướng đạo sinh lớn nhỏ, không trừ một ai, phải "thắng" bộ phục hướng đạo: từ nhà đến trường, cho đến các nơi công cộng. Tiêu biểu nhất là trường Thiên Hựu Học Ðường, Providence. Trong lớp, vào dịp này, tôi mới biết thì ra thằng Tiến, thằng Dũng, thằng Anh, thằng Lễ ... đều cùng chơi hướng đạo như mình cả! Ai mà ngờ được? Rồi mấy đứa kia khi nhìn tôi chắc lại cũng nghĩ như thế. Lớp sixième tôi có 32 mống thì đến hơn một nửa là hướng đạo sinh thuộc nhiều đoàn khác nhau. Trong đám các thầy cô: có cha Lefas, tuyên úy hướng đạo dạy môn latinh cũng mang khăn quàng, huy hiệu hướng đạo, các ông Niedrish, Tạ Quang Bửu với bà Chennevier, người dạy toán, kẻ dạy Pháp văn, sử địa, cũng thắng lên bộ đồng phục HÐ. Như thế, cứ vào tuần lễ Saint Georges là mấy thằng nhóc HÐS lo sợ bị gọi lên bảng trả bài. Mấy ngoe đã "sắp sẵn".. để được lãnh điểm trên trung bình, khỏi bị chê là hướng đạo sinh cà chớn. Ðấy là chuyện ở trường.
Khi về đến nhà thì đà thấm mệt: quanh năm, hai ông anh vốn cũng đã chơi hướng đạo nên biết rõ mọi hiểm hóc của cuộc chơi, nay quen dùng một vài điều khúc mắc của "luật rừng Akela" quần thằng nhỏ, không tha thứ.
- Nè cậu hướng đạo sinh, đã học thuộc bài chưa đấy?
Rồi cứ mỗi lần muốn sai khiến việc gì thì các "trưởng tại gia" này chỉ việc đưa ra mấy chữ B.A. (bonne action, việc thiện) hay V.P (visage pale, mặt tái) mà phán:
- Nè nhỏ, hôm nay đã làm cái B.A. nào chưa? Ðã mở gút thắt mùi xoa chưa đấy?
- Dạ rồi!
- Thôi đi! coi chừng lại chườn cái mặt V.P. ra đấy! Nè đây, một B.A.: cưỡi xe đạp đi mua một xách nước đá mau lên!
V.P., một lời mắng độc địa trong cuộc chơi hướng đạo, ám chỉ những thằng nói láo, trái với điều luật thứ nhất: "Hướng đạo sinh trọng danh dự để người ta tin cẩn". Cũng do hai chữ V.P. này mà xảy ra bao nhiêu là vụ ẩu đả trong các giờ chơi đá bóng, chơi bi, ngay cả trong các dịp đi trại. Tại trại, khi nhìn thấy cái khăn quàng ai chưa mở gút thắt là biết chú này chưa làm B.A. Tại nhà, cái gút thắt khăn mùi xoa luôn luôn trong túi thay thế khăn quàng cổ để liên tục nhắc nhở. Bộ phục hướng đạo là dụng cụ có hiệu năng mà các huynh trưởng, các cha mẹ, thầy cô đã dùng để dạy dỗ con em. B.A., V.P. là những câu thần chú đầy phù phép trong việc khuyến dụ trẻ nít. Ðó là chuyện thời trước. Còn bây chừ thì sao? Bộ phục hướng đạo có còn được dùng làm phương sách giáo dục con em nữa chăng? Cứ nhìn vào tác phong đoàn hướng đạo Hoa Kỳ trong đám 1,500 hướng đạo sinh tại trại Thẳng Tiến VII thì rõ biết, dưới mắt những nhà mô phạm còn muốn câu nệ hình thức. Tôi tin rằng nếu ghép thêm vào bộ phục mấy chữ B.A., V.P. thì đấy vẫn còn là những huấn cụ đầy hiệu năng trong ngành giáo dục đương đại. Tuy nhiên, đấy chỉ là những cung cách bên ngoài, trong khi mà định nghĩa của từ kép giáo dục là khắc phục con người từ bên trong để cải thiện. Liệu các trưởng Việt Nam thời nay có những phương sách tân tiến hơn trong ngành giáo dục con em chăng? Nghĩ cho cùng, phân biệt bộ phục và thường phục tức là mặc nhiên phân biệt hai môi trường sống: môi trường của cuộc chơi hướng đạo, và môi trường trong cuộc sinh hoạt thường ngày. Sự phân biệt này chừng như không đi đôi với phương pháp giáo dục toàn diện. Nếu bộ phục không tạo ra con người hướng đạo cũng như "l'habit ne fait pas le moine", thì cứ việc để các em thoải mái ăn vận như ý muốn của chúng đi! May ra như thế liệu có thể phá được cái rào ngăn giữa cuộc chơi hướng đạo và cuộc sống thường nhật chăng? Trong dịp trại Thẳng Tiến VII hình như các thiếu sinh hướng đạo đã trả lời cho câu hỏi đó.
Dịp trại này đã biểu lộ được nhiều đức tính đặc thù của giới trẻ Việt Nam thời hậu chiến. Ðấy là bản tính lanh lẹ, bộc trực, đi đôi với khả năng hội nhập và hấp thụ nhanh chóng trong các lĩnh vực kỹ thuật và truyền thông do nhu cầu phải bắt kịp tiến bộ và chuyển hóa trong mọi ngành. Lắm lúc các vị lớn tuổi cũng nên nhận từ giới trẻ một vài nhắc nhở về các nguyên tắc ngay trong lĩnh vực chuyên nghiệp của mình. Ngược lại, khả năng hấp thụ nhanh chóng của giới trẻ cần phải được sánh đôi với kinh nghiệm, một thành tố đòi hỏi vấn đề thời gian. Những nguyên lý các em học được trong sách vở, khi va chạm với thực tế thường nảy ra những biệt lệ chỉ có thể nhận thức được với một bồ kinh nghiệm sống. Sự quân bình trong phán đoán về mọi sự kiện trong cuộc sinh hoạt thường ngày chỉ có thể đạt được với những kinh nghiệm được gặt hái qua thời gian. Trong một cuộc họp lớn, khi đề cập đến vấn đề liên hệ đến kỹ thuật tổ chức, một nữ trưởng trẻ tuổi đã lên bục "trả bài" rất thông suốt về sự đòi hỏi thiết lập ngân sách sinh hoạt cộng đồng: một yếu tố tối cần thiết trong mọi tổ chức. Bài phát biểu này nhắm đúng vào một trưởng niên có trách nhiệm lớn trong cộng đồng, ngoài đời lại là một chuyên gia cao cấp trong ngành sinh hoạt kinh tế, ngân hàng. Cố nhiên vị này đã quá quen thuộc về các vấn đề liên hệ đến ngân sách. Thoáng nhìn cái mỉm cười của vị trưởng niên đó, tôi thấy hình như trưởng đang nhép miệng cười thầm khẽ bảo: "fais ce que je dis! Ne fais pas ce que je fais!" (hãy làm như ta nói, chớ làm như ta làm). Câu này thường do những người lớn tuổi, bị hố trong lối hành xử của mình bèn thốt ra trước một phản ứng bộc trực của giới trẻ. Lắm lúc đấy chỉ là một lời đôi chối bâng quơ để chạy tội. Nhưng từ miệng những nhà mô phạm, câu này bao hàm ý nghĩa của một bài học về kinh nghiệm sống trước những trường hợp khúc mắc cần phải được giải quyết với uyển chuyển.
Từ bài học thuộc lòng trên ghế trường đến giai đoạn thực hành trên các nẻo đường đời, giới trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn ăn thua chìm nổi, trials and errors, nên cần có đủ khiêm tốn và kiên trì để khám phá và chấp nhận những luật chơi với những biệt lệ của nó. Ðấy vốn là nguyên lý sinh hoạt trong cuộc chơi hướng đạo.
Tín Ðồ Hồi Giáo
Người Anh Em Tôi
Pr Trần Duy Nhiên
Nếu bạn bất chợt hỏi một người công giáo Việt Nam chữ "Hồi Giáo" gợi lên trong đầu họ hình ảnh gì, hẳn nhiều người nhìn thấy cảnh tượng những chiếc máy bay đâm vào tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ngày 11 tháng 9/2001, hoặc bức tranh trình bày những phụ nữ trùm kín từ đầu đến chân bên cạnh những người đàn ông râu tóc xồm xoàm trông "ghê ghê" làm sao. Thế nhưng nếu bạn hỏi họ biết gì về tôn giáo ấy thì họ sẽ nói rằng đó là một đạo thờ Allah mà vị giáo chủ là Mahomet. Chấm hết.
Hẳn rất nhiều người công giáo Việt Nam sẽ ngỡ ngàng khi cái đạo "dễ sợ" ấy lại có hơn một tỉ tín đồ khắp nơi trên thế giới. Họ càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe người ta bảo rằng Hồi giáo có cùng một gốc với Công giáo và xem Abraham là tổ phụ của mình; hoặc khi biết rằng Hồi Giáo xem Phúc âm là một sách mặc khải, hay kinh Coran nói nhiều về Ðức Maria hơn là Tân Ước.
Cách đây mấy tháng, đi thăm một linh mục ngoài thất tuần, tôi nghe cha nói: "Hiện giờ tôi đang đọc kinh Coran. Thật là độc đáo và có nhiều điều đáng suy nghĩ. Cả đời linh mục tôi không có giờ để tìm hiểu những cái hay trong cuốn sách này"
Vì thế, để có một cái nhìn thực sự thông cảm với một tôn giáo bạn, một tôn giáo mà Giáo Hội công giáo luôn mong muốn được đối thoại trong tình anh em, thiết nghĩ nên nhìn lại một số điều căn bản về Hồi Giáo.
Nguồn gốc.
Hồi giáo bắt nguồn với Mahomet, mà trong tiếng Arập gọi là Muhammad, có nghĩa là "người đáng chúc tụng". Ngài ra đời tại Mêca (La Mecque) năm 569. Tuy là một người chăn chiên và một nhà buôn, ngài thường rút vào sa mạc để suy gẫm cầu nguyện. Lúc 40 tuổi, ngày 22-12- 609, sứ thần Gabrien hiện ra với ngài lần đầu tiên, rồi thường xuyên hơn trong những năm sau đó. Sứ thần báo cho ngài biết rằng Allah (Thiên Chúa) đã chọn ngài làm Sứ Giả (rasul) của Người giữa trần thế và đọc cho ngài những câu đầu tiên của Kinh Coran. Mặc khải này được kéo dài trong vòng 23 năm. Ngài bắt đầu rao giảng tôn giáo mới của ngài là Islam (có nghĩa là thuần phục hay phó thác vào Thiên Chúa) và thành lập một cộng đoàn những người Muslim (người thuần phục Chúa). Tại Mêca, ngài bắt đầu bị các nhà lãnh đạo bách hại nên ngài cùng với cộng đoàn mình quyết định di cư. Ðầu tiên họ đến Êthiôpia, sau đó đến ốc đảo Yathrib, và đặt tên nơi đây là Mêđina (thành phố), sau này người Hồi Giáo gọi là Madinat an-Nabi: Thành phố của vị Ngôn Sứ. Ngài đến Mêđina năm 622 và lịch Hồi giáo cũng bắt đầu từ năm ấy. Tại đây, ngài tổ chức cộng đoàn theo đúng mệnh lệnh của Thiên Chúa, được mặc khải qua kinh Coran, và phù hợp với những lời chỉ dẫn của Sứ Giả Người. Trong thời gian ở đây ngài phải tiến hành cuộc chiến đấu tự vệ chống lại người Qyraychites, những lương dân không chấp nhận tôn giáo của ngài. Sau 8 năm đấu tranh, ngài trở về Mêca năm 630, vì giờ đây thành phố này đã chấp nhận tôn giáo mới. Khi về đến Mêca, ngài công bố ngay ơn toàn xá, thế là ngày hôm sau cả thành phố gia nhập Hồi Giáo. Ngày 04 tháng 06 (hoặc ngày 25 tháng 05) năm 632 ngài qua đời tại Mêđina. Ðền thờ đựng lên nơi chôn cất ngài trở thành thánh địa thứ hai sau đền Kaaba tại Mêca.
Sách thánh và sách giáo lý.
Cuốn sách thánh căn bản của Hồi giáo là kinh Coran. Coran (từ tiếng Arập Qur'an có nghĩa là "bài đọc") là một tuyển tập ghi lại những lời mà Thiên Chúa mặc khải cho ngài Mahomet tại Mêca từ 609 đến 622, và sau đó tại Mêđina. Sách này gồm 114 chương (surate), mỗi chương chia thành nhiều câu (verset). Chương ngắn nhất có 3 câu, chương dài nhất có 286 câu.
Ðây là một ví dụ trích ở Surate 1 , cũng gọi là Fâtiha: "Ngợi khen Thiên Chúa Chủ Tể mọi Thế Giới, Ðấng vô cùng Nhân Hậu, Ðấng rất mực Nhân Hậu, Chúa tể trong ngày phán xét. Người là Ðấng chúng con phụng thờ, Người là Ðấng chúng con van xin cứu giúp. Xin dẫn chúng con trên đường ngay nẻo chính. Con đường của những kẻ được Người ban ân phúc. Không phải con đường của những kẻ bị Người trút cơn thịnh nộ hoặc con đường lầm lạc."
Ngoài kinh Coran ra, Hồi giáo cũng công nhận những sách sau đây là sách thánh: Sách Torah (Ngũ Kinh trong Cựu Ước), sách Thánh Vịnh và bốn sách Phúc Âm, mặc dù họ cho rằng các sách thánh này đã bị Do Thái giáo và Kitô giáo tam sao thất bổn qua dòng thời gian, và không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu nữa.
Sách giáo lý căn bản gồm có cách sách Sunna, Chari'a và Fiqh
- Sunna: sách về truyền thống, nghĩa tiên khởi là "con đường". Sách này ghi lại những giáo huấn của Ngôn Sứ Mahomet, lời nói và hành vi của ngài, và những ngày đầu của cộng đoàn tại Mêđina, (tương tự như sách Phúc âm và Tông đồ Công vụ Kitô giáo). Sách này dùng làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống đạo của tín đồ.
- Chari'a: Luật tôn giáo, bao gồm những qui định xuất phát từ sách Coran và Sunna. Các qui định này đề cập đến mọi khía cạnh đời sống cá nhân và tập thể của tín đồ Hồi giáo, và trở nên gần như một bộ luật dân sự của mọi cộng đồng Hồi Giáo. Sách này được nối dài bằng sách Fiqh, chỉ dẫn cách giải thích và áp dụng các qui định trong sách Chari'a.
Tín điều.
Mahomet không tuyên bố rằng mình thiết lập một tôn giáo mới, nhưng chỉ đến phục hồi tôn giáo (= Hồi Giáo); cái tôn giáo muôn đời mà Thiên Chúa đã từng mặc khải trước đây qua các ngôn sứ của Người, nhưng nhân loại đã quên đi hoặc đã làm cho biến chất. Về điểm này, ngài cũng giống như Chúa Giêsu khi Chúa tuyên bố: "Thầy đến không phải để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Abraham (Ibrâhim), mà Kitô giáo tôn vinh là "cha của những kẻ tin", thì được Hồi giáo xem là ngôn sứ hay sứ giả hàng đầu và được gọi là hanif, có nghĩa là một tín đồ tiêu biểu của tôn giáo tinh tuyền tiên khởi mà hiện nay Hồi giáo muốn thiết lập trở lại. Cùng với Abraham, Hồi giáo còn tôn kính các ngôn sứ Adam, Nôe, Môsê (Moussa), và nhiều ngôn sứ khác của Israen như: Davit, Salômôn, Êlia, Êlisê, Yob, Yona... cộng với vài ngôn sứ không có trong truyền thống Do Thái Kitô giáo như: Sâlih, Hud, Chu'aib...
Trong tương quan với Kitô giáo, thì Hồi giáo tin như sau:
- Ðức Giêsu. Con đức Maria (Issa ibn Maryam) giữ một vị trí ưu tuyển trong hàng ngũ các ngôn sứ. Hồi giáo gọi ngài là "lời và thần khí của Thiên Chúa", nhưng không công nhận ngài là Thiên Chúa, mà chỉ xem là "tôi tớ" (abd) đồng hàng với các tiên tri và sứ giả khác, nghĩa là đồng cấp bậc với Abraham, Môsê, Êlia, Mahomet...
- Ðức Maria. Kinh Coran đề cập đến Ðức Maria nhiều hơn Phúc Âm. Bà là người được Thiên Chúa tuyển chọn "trên hết mọi người nữ trong vũ trụ", và được tôn sùng như là Mẹ của mọi Kẻ Tin. Nhờ thiên sứ thổi hơi lên Bà mà Bà được mang thai. Hồi giáo là tôn giáo duy nhất không phải là Kitô giáo mà nhìn nhận rằng Ðức Giêsu chào đời một cách mầu nhiệm từ một người nữ đồng trinh và ngài không có cha. Ðức Maria sinh con ở gốc một cây cọ và, ngay khi vừa ra đời, Ðức Giêsu đã cất tiếng nói để khẳng định sự tinh tuyền của mẹ mình. Trong kinh Coran, và trong niềm tin Hồi Giáo, không hề có sự hiện diện của thánh Giuse.
- Mahdi. Theo kinh Coran, Ðức Giêsu không bị người đời giết chết, vì họ chỉ đóng đinh cái hình bóng của thân thể ngài mà thôi. Ngài được đưa về trời, và sẽ trở lại vào ngày sau cùng. Hình ảnh của Ðấng tái lâm thường được đồng hóa với Mahdi, là Ðấng sẽ xuất hiện vào thời viên mãn để chống lại sự dữ do Dajjal (kẻ phản Kitô) chủ xướng và cầm đầu. Một số truyền thống cho rằng chính Ðức Giêsu sẽ là Mahdi. Có một câu trong Phúc Âm gây bàn cãi trong các môi trường Hồi giáo và Kitô giáo. "Thầy sẽ phái đến cho các con đấng Yên Ủi (paraklètos)" (Ga 16,7). Theo các nhà chú giải Kitô giáo thì Mahomet là Ðấng được Ðức Kitô phái đến. Họ lý luận rằng paraklètos cũng gần như là periklutos (= sáng láng); mà Mohamet hay Muhammad thì đồng nghĩa vời Ahmad, có nghĩa là "Rất Sáng Láng". Nhưng các nhà chú giải Hồi giáo cho rằng Mohamet chính là vị Ahmad đã được ghi trong chương 61 câu 6 của Kinh Coran, chứ không liên quan gì đến đấng paraklètos của Kitô giáo.
Ngoài những gương mặt lớn trong Phúc Âm Kitô giáo, kinh Coran còn nhiều lần nhắc đến Gioan Tẩy giả (Yahya). Kinh Coran cũng thừa nhận rằng tín hữu Do Thái giáo và Kitô giáo là "dân Kinh Thánh" (ahl al-kitâb), do đó họ được thông phần cứu rỗi và có một vị trí đặc biệt trong xã hội Hồi giáo, nhưng đồng thời họ bị trách cứ là đã xa lìa truyền thống của mình và đã làm hỏng sách thánh.
Giữ đạo
Tín đồ Hồi giáo muốn giữ đạo cho hoàn hảo thì phải tuân giữ 5 điều buộc, hoặc dựa vào 5 trụ cột (arkân) sau đây:
1. Tuyên xưng đức tin (chahâda): Nghĩa là đọc lời sau: "Chỉ có Thiên Chúa là Ðức Chúa duy nhất; và Mahomet là sứ giả của Người". Câu tuyên xưng này xác định sự khác biệt dứt khoát giữa Ðấng Tuyệt Ðối và mọi cái tương đối, đồng thời giúp con người có thể qui hướng về Chúa. Mức độ thánh thiện của tín đồ tùy thuộc vào lòng chân thành của họ khi đọc lời kinh này, và nhờ đó họ được hưởng thiên đàng.
2. Cầu nguyện (câlat): Ðây là cách cử hành phụng vụ duy nhất của người Hồi Giáo. Kinh nguyện được thực hiện mỗi ngày năm lần: sáng, trưa, chiều, tối, khuya. Ðến giờ, tín đồ phải làm nghi thức tẩy uế bằng nước, và nếu không thể có nước thì dùng cát hoặc đá. Kế đến quay về hướng Mêca và đọc một số kinh trích sách Coran. Trước khi đọc kinh, nếu ở trong đền thờ, thì người chủ sự xướng lên: "Allah là Ðấng vĩ đại nhất. Tôi tuyên xưng rằng không có Chúa nào ngoài Thiên Chúa. Tôi tuyên xưng rằng Mahomet là sứ giả của Người. Hãy đến mà cầu nguyện. Hãy đến hưởng ơn cứu độ. Allah là Ðấng vĩ đại nhất. Tôi tuyên xưng rằng không có Chúa nào ngoài Thiên Chúa" (Hiện nay, câu này được thu băng và phát ra trên loa phóng thanh trước mỗi giờ kinh cho mọi người nghe).
3. Ăn chay tháng Ramadan (tháng 9 của lịch Hồi Giáo): Trong suốt một tháng, các tín đồ phải giữ chay như sau: từ lúc hừng sáng đến sau khi mặt trời lặn, họ không ăn, không uống, không hút thuốc, không buông mình theo thú vui xác thịt. Trong thời gian này, nên đọc những kinh đặc biệt và đọc toàn bộ kinh Coran. Trẻ em, người già, người bệnh, và phụ nữ mang thai được miễn giữ chay.
4. Ðóng góp theo luật (zakât): Ðây là hành vi tôn giáo để biểu lộ tình liên đới giữa anh chị em đồng đạo. Chỉ có công dân nào theo Hồi Giáo mới đóng góp phần này để sử dụng làm quỹ tương trợ xã hội. Ðối với vàng bạc, hàng hoá hay tiền lời trong doanh thương thì đóng 2.5%, nếu sử dụng phương tiện sản xuất hay chăn nuôi thì đóng 5%, đối với sản phẩm nông nghiệp hay thú vật chăn nuôi thì đóng 10%.
5. Hành hương tại thánh địa Mêca. (Hadj)
Trước khi Hồi giáo ra đời thì đã có một truyền thuyết như sau: Ðền thờ Kaaba tại Mêca trước đây được Adam xây dựng, nhưng đã bị trận đại hồng thủy cuốn trôi. Abraham đã xây dựng lại và Mahomet biến thành nơi thờ phương tôn giáo độc thần tinh tuyền mà bao nhiêu thế hệ đã lãng quên. Ðền thờ này được gọi là "Ngôi nhà của Allah". Viên đá đen mà sứ thần Gabriel từng trao cho Abraham được gắn vào bức tường phía đông nam. Trên nguyên tắc, bất cứ người Hồi Giáo nào có khả năng đều phải thực hiện cuộc hành hương này. Cuộc hành hương Hadj biểu trưng cho hành động trở về với trung tâm của mọi sự. Tín đồ phải đến đấy trong tinh thần cầu nguyện và sám hối để được thứ tha và đổi mới đời sống. Khi bắt đầu đặt chân đến Mêca, tín đồ không còn được cao râu, xức dầu thơm, hay làm một hành động bạo lực nào. Những nghi lễ tại trung tâm hành hương kéo dài 12 ngày. Sau đó người hành hương nên đi viếng thánh địa thứ hai là đền thờ Mêđina, nơi chôn cất ngôn sứ Mahomet. Nếu có thể được thì còn đi viếng thánh địa thứ ba là Ðền Thờ Giêrusalem và sau đó đến Hêbrôn là nơi chôn cất Abraham, "người bạn của Thiên Chúa" và "người cha của tôn giáo độc thần".
Kitô hữu học được gì ở Hồi Giáo?
Khi nhận ra tín đồ Hồi giáo là anh em cùng một tổ phụ với mình, người công giáo Việt Nam thấy có nhiều điều để học hỏi nơi họ, thậm chí nhiều hơn nơi các tôn giáo đã từng thâm nhập ít nhiều vào máu huyết mình, như Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Theo quan điểm Hồi giáo, loài người được Thiên Chúa toàn năng ủy thác (Khalifah) để coi sóc muôn loài thọ tạo. Họ chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ mình bằng cách tiếp tục công trình sáng tạo qua cuộc đấu tranh chống lại nghèo đói và bóc lột để xây dựng một xã hội công bằng: đấy là chiều kích giải phóng của tôn giáo này. Quan điểm về sự Thuần Nhất (Tawhid), nghĩa là tương quan với một Thiên Chúa duy nhất, giúp con người có được cảm thức rằng mình được bình đẳng và tự do.
Hồi giáo nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo trong chính trị. Dưới góc độ Hồi giáo, tôn giáo tự bản chất phải gắn liền với xã hội và mục đích chủ yếu là thay đổi xã hội hơn là thay đổi con người. Một người thực sự đạo đức, nghĩa là đã từng cảm nghiệm Allah, thì sẽ tìm cách loan truyền sứ điệp hiệp nhất, yêu thương và công bình của Người. Khi một chính thể đi ngược lại với quan điểm về xã hội của Allah, thì tín đồ phải phê phán và chống lại chính thể đó. Những giá trị mà Ngôn Sứ Mahomet thiết tha nhất, đó là sự hiệp nhất với Thiên Chúa, Thánh ý Chúa và tình huynh đệ giữa người và người. Tất cả những điều này thật là gần gũi với Tin Mừng Kitô giáo.
Phải chăng Hồi Giáo yêu thích bạo lực?
Khi thoáng nhìn lại một vài điểm trong giáo lý và cách giữ đạo của Hồi giáo, ta bỗng cảm thấy hụt hẫng vì hình như những điều ấy mâu thuẫn với những gì mà thế giới truyền thông đang cho chúng ta biết về Hồi Giáo.
Jacques Rollet, một thần học gia công giáo giảng dạy tại đại học Rouen, đã có lần viết như sau: "Từ ngày Mahomet xuất hiện, Hồi giáo chỉ có biết đi chinh phục mà thôi. Chính Mahomet từng là một chiến sĩ, một người đi chinh phục; Chúa Giêsu chưa bao giờ cầm gươm đi đánh ai. Sự khác biệt giữa hai vị giáo chủ này là tự căn bản. Từ ngày khai sinh, vào thế kỷ thứ VII, và chỉ trong một thời gian ngắn, vẻn vẹn hai hay ba thế kỷ, Hồi giáo đã lan tràn khắp nơi. Chính chiến thắng quân sự giúp người Hồi giáo thời trung cổ tin rằng tôn giáo của mình là chân lý. Và tư tưởng này ngày nay vẫn không thay đổi: Hồi giáo cho rằng mình không còn là Hồi giáo nếu không chiến thắng bằng quân sự. Vì thế, không gì có quyền cản trở bước chân của Hồi giáo".
Thật là xót xa! Cứ đổi chữ "Hồi giáo" thành "Công giáo" trong ba câu cuối ở trên đây, thì lời buộc tội của một thần gia Công giáo đối với Hồi giáo sẽ vừa sít với những lời mà nhiều người ở Việt Nam từng buộc tội Công giáo.
Ta hãy đọc câu sau: "Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ trao (các dân tộc) cho anh em và sẽ làm cho chúng vô cùng hoảng sợ, cho đến khi chúng bị tiêu diệt. Người sẽ trao các vua của chúng vào tay anh em, anh em sẽ làm cho tên chúng biến mất không còn dấu vết trong thiên hạ, và không ai sẽ đứng vững được trước mặt anh em, cho đến khi anh em tiêu diệt chúng". Lời kêu gọi diệt chủng này phải chăng rút ra từ kinh Coran? Thưa không! Ðó là một câu Kinh Thánh Kitô giáo (Ðệ Nhị Luật, 7, 23-24).
Lời kêu gọi này phải chăng là nguyên do cho các cuộc Thập Tự chinh từng xảy ra trong lịch sử, cộng với những cuộc xâm lăng thực dân của các xã hội Kitô giáo đối với những nước Á Phi? Vô lý!... Thế thì vì sao những cuộc khủng bố ở Mỹ và Israen lại khiến người ta buộc tội Hồi giáo, là tôn giáo của hơn một tỉ người?
Vâng, có những con người cực đoan... Trong xã hội nào, trong thể chế nào, trong tôn giáo nào cũng có những kẻ cực đoan. Chẳng những họ gây đau khổ cho người khác mà còn gây phiền muộn cho chính cộng đồng của mình. Và điều này đang xảy ra đối với Hồi Giáo.
Thế nhưng ngay cả đối với những người Hồi Giáo cực đoan, ta có dễ dàng lên án họ chăng? Cụm từ "Hồi giáo cực đoan" đã mang âm vang như một tiếng chúc dữ. Thật ra Hồi giáo cực đoan là những người muốn thật sự trở về cội nguồn (fondamentaliste - fondement), những người muốn trở lại với giáo huấn tinh tuyền của Ngôn Sứ Mahomet; và vì thế, họ không chịu thỏa hiệp với bất cứ một cạm bẫy nào của thế gian mà quên đi điều duy nhất cần thiết, đó là "chỉ có một mình Chúa là Thiên Chúa thôi!". Vì niềm tin ấy, họ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đồng loại của mình, những người đã bị cúi đầu dưới quá nhiều Chúa mới, được gói ghém trong những chiếc áo mỹ từ: Toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hoá, công bình, tự do, dân chủ...
Trong một thế giới mà con người mất đi mọi cột mốc để sống với chiều kích vô biên thì những chủ nghĩa cực đoan dễ tìm được tín đồ cho mình.
Và vì thế, ngay cả đối với những người Hồi giáo cực đoan, Ðức Tin Kitô giáo cũng đòi buộc ta thực sự nhìn ra nơi họ những người anh chị em của mình.
Giới thiệu Sách mới
Sách song ngữ Việt-Pháp, tựa đề
Les missionnaires portugais
et les débuts de l'Église catholique
au Viêt-nam
"Các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha
và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam"
Tác giả Roland Jacques
Bản dịch Việt ngữ :
Nguyễn Ðăng Trúc, Trần Duy Nhiên,
Nguyễn Bá Tùng, Hồ Ngọc Tâm
Nxb Ðịnh Hướng Tùng Thư , năm 2002
13g Rue de l'Ill
67116 Reichstett, France
Ð.Th. 00 33-(0) 3 88 20 58 22
Thư điện tử: dinhhuong@aol.com
Giá bán kể cả cước phí bưu điện
Toàn bộ : 30 $ US hoặc 30 Euro
cuốn một : 25 $ US hoặc 25 Euro
cuốn hai : 10 $ US hoặc 10 Euro
Tại Hoa Kỳ và Canada : Chi phiếu xin dề Mrs Thuy Phan P.O. Box 2054 Westminster, CA 92684, USA
Các nơi khác : Dinh Huong, 13g rue de l'Ill, F- 67116 Reichstett, France
Sách gồm hai cuốn
- Cuốn một dày trên 400 trang mô tả thời kỳ sơ khai của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự hiện diện của các nhà truyền giáo tiên khởi thuộc Quy Chế Bảo Trợ (Padroado) Bồ Ðào Nha, và công trình của các vị truyền giáo nầy trong sáng kiến và xây dựng công trình chữ quốc ngữ (vần latinh). Ngoài ra tác giả còn đưa ra những chứng liệu về sáng kiến dùng vần latinh trong thời kỳ nầy cho Nhật ngữ và Hoa ngữ. Qua phần nghiên cứu lịch sử tôn giáo và ngữ học, người đọc sẽ thấy được những bối cảnh lịch sử chung của Việt Nam vào thời kỳ tiền bán thế kỷ 17 và những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa người Việt và người Tây Phương.
- Cuốn hai dày trên 220 trang dành một phần lớn nói đến chân phước Anrê Phú Yên, vị thế và vai trò của người anh hùng giáo dân, thầy giảng 19 tuổi, vị tử đạo đầu tiên trong thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt nam. Và qua vị chân phước nầy, người công giáo Việt Nam, hàng giáo phẩm cũng như cộng đồng người tín hữu giáo sĩ, giáo dân muốn tìm lại hướng hội nhập văn hóa lành mạnh vào nhịp sống hài hòa của dân tộc Việt-nam.
Tác giả Roland Jacques
Hơn 20 năm qua, với cái tên bằng tiếng Việt-nam là Dương Hữu Nhân, Roland Jacques đã là bạn bè của vô số người Việt trong cũng như ngoài nước. Tác giả học tiếng Việt để đọc, để nói, để hát... và còn hơn thế nữa, tác giả ghi danh học xong chương trình Ban cử nhân và tiền tiến sĩ (DEA) về Việt học và Viễn Ðông học tại Ðại Học Viện các Ngôn ngữ và Văn minh Ðông phương Quốc gia ở Paris. Nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nữa về phần chuyên môn, tác giả đã đến cư ngụ ở Việt Nam hơn hai năm để nghiên cứu tại chỗ. Suốt thời gian nầy, Dương Hữu Nhân không những cố tiếp thu những kiến thức về ngôn ngữ, chữ hán, chữ nôm, các cách nói của từng miền, truy tìm các tài liệu lịch sử qua các viện bảo tàng, các thư viện, học viện. Nhưng tận dụng cơ hội quí báu cư ngụ ở Việt Nam, tác giả còn đến quan sát tại chỗ những vùng mà các nhà truyền giáo đầu tiên đã đặt chân đến.
Thứ đến, Roland Jacques có những khả năng chuyên môn rất đặc biệt để tiếp cận những sự kiện lịch sử một cách chính xác. Khả năng chuyên môn nổi bật là khả năng ngôn ngữ. Roland Jacques thông thạo không những các ngôn ngữ mà trước đây Alexandre de Rhodes đã sử dụng, nhưng còn sành sỏi các thứ tiếng khác như: Hy-lạp, Do-thái, La-tinh, Bồ-đào-nha, Ý, Anh, Pháp, Ðức, Tây-ban-nha, Việt Nam và Hán tự... Chính vì thông thạo nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng La-tinh, Ý, Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha mà Roland Jacques đã nhiều lần đến hầu hết các thư viện tại Âu châu, Á châu, Mỹ châu có liên quan đến các tài liệu thời khai sinh Giáo hội Công giáo Việt Nam để khám phá những tài liệu chưa từng được các sử gia Việt Nam cũng như Tây phương nhắc đến trong các nghiên cứu của họ. Khả năng chuyên môn khác nữa, đó là kiến thức về ngữ học, sử học... luật học và thần học (Roland Jacques là nhà chuyên môn về Giáo luật Công giáo: Tiến sĩ luật học tại Ðại Học Paris-XI và Tiến sĩ giáo luật tại Ðại Học Viện Công giáo Paris [doctorat en droit (Paris-XI) et en droit canonique (Institut catholique de Paris)]. Ông hiện là giáo sư tại Ðại Học Saint Paul, Ottawa, Canada.
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam
Tác giả Nguyễn Ðăng Trúc
Nxb Ðịnh Hướng Tùng Thư 2002
13 g rue de l'ILL
F- 67116 REICHSTETT , France
Ðiện thoại 00 33( 3) 3088 20 58 22
Ðiện thư: dinhhuong@aol.com
Giá bán kể cả cước phí bưu điện: giá đơn vị : 15 $ US hoặc 15 Euro
- Việt Nam có triết học không?
- Nhưng còn cần có triết học trong thời đại khoa học kỷ thuật tân kỳ hôm nay không?
- Những trực giác văn hóa nào làm giềng mối cho truyền thống văn hóa Việt Nam?
Những thắc mắc nầy sẽ được tác giả cuốn Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam cố gắng giải đáp qua việc giải minh các bản văn nền tảng của kho tàng văn học Việt Nam
Sách dày 320 trang gồm hai quyển:
- Quyển một
Vấn đề triết học và truyền thống tư tưởng Việt Nam
- Quyển hai
Tư tưởng Nguyễn Du
qua Ðoạn Trường Tân Thanh
Những nội dung tư tưởng nào đã đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du vào danh sách các đại tác phẩm văn hóa nhân loại?
Văn Hiến,
Nền Tảng Của Minh Triết
Tác giả Nguyễn Ðăng Trúc
Nxb Ðịnh Hướng Tùng Thư 2002
13 g rue de l'ILL
F- 67116 REICHSTETT , France
Ðiện thoại 00 33( 3) 3088 20 58 22
Ðiện thư: dinhhuong@aol.com
Ðể trả lời những thắc mắc về
Ý nghĩa văn hóa của câu nói Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến
Những chiều kích định vị chân tính của con người
Ðạo học của người việt nam
Tác giả cuốn Văn Hiến, Nền Tảng của Minh Triết vận dụng những phương pháp minh giải các bản văn cổ điển để tiếp cận và hệ thống hóa những trực giác căn cơ nhất về chân tính con người nằm sâu trong Ðại-ký-ức xuyên qua những mẫu chuyện huyền thoại dân tộc Việt Nam được ghi lại trong cuốn I Lĩnh Nam Chích Quái
Sách dày 332 trang
Giá bán kể cả cước phí bưu điện: giá đơn vị : 15 $ hoặc 15 Euro
Tại Hoa Kỳ và Canada : Chi phiếu xin dề Mrs Thuy Phan P.O. Box 2054 Westminster, CA 92684, USA
Các nơi khác : Dinh Huong, 13g rue de l'Ill, F- 67116 Reichstett, France
Thơ
Áo nắng quê hương
Xb tại Houston , Hoa Kỳ năm 2001
Sách dày 328 trang, bìa mỹ thuật 4 màu
Tác giả Lam Cao Cao Hữu Báu
Sinh năm 1937 tại Nghệ An, di cư vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp cử nhân Văn khoa Sài Gòn, giáo sư trung học trước 1975. Cư ngụ ở Houston, yêu thơ và làm thơ cho tình yêu và nỗi nhớ quê hương.
"Ta muốn ôm choàng hương với quê
Ôm hôn tóc Mẹ đón xuân về
Tháng năm Mẹ đợi sân ga nhớ
Những đứa con xa đã hẹn thề
Houston 21-1-2001
(Kỹ niệm đêm ra mắt CD Tình Khúc Quê Hương)
Bản đồ tâm lý và
Tư duy sáu màu
Tác giả Nguyễn Văn Thành
Tủ Sách Tình Người xb, Lausanne, Hè 2002
Sách dày 230 trang.
Giá 10 $ US hoặc 10 Euro
Liên lạc Ðịnh Hướng 13 g rue de l'ILL,
F-67116 Reichstett, France
Hoặc Mrs Thuy Phan P.O. Box 2054 Westminster, CA 92684, USA
Nguyễn Văn Thành, giáo sư tâm lý, nhà giáo dục và là một nhà văn. Tác giả dùng biểu tượng sáu màu để đi vào tâm lý của những cách nhìn của mỗi người chúng ta, những yếu tố xây dựng, tích cực cũng như những hạn chế đáng buồn của những lối nhìn chủ quan và giới hạn. Qua những lời phân tích khoa học nhưng đầy tâm huyết của tác phẩm nầy, đọc giả có thể giật mình tự kiểm và sau đó tự tin để lên đường.
Tư duy và hành động
Tác giả Nguyễn Văn Thành
Tủ Sách Tình Người xb, Lausanne, Hè 2002
Sách dày 236 trang.
Giá 10 $ US hoặc 10 Euro
Liên lạc Ðịnh Hướng 13 g rue de l'ILL,
F-67116 Reichstett, France
Hoặc Mrs Thuy Phan P.O. Box 2054 Westminster, CA 92684, USA
"Thông thường, hoặc chúng ta thinh lặng đồng lõa với bao nhiêu đổ nát và tang thương, hận thù và chia rẽ. Hoặc chúng ta mở lời tố cáo phê phán, qui lỗi, chụp mũ. Nói cách chung, chúng ta chỉ "thêm dầu vào lửa"....
Vậy có phong cách nào để suy tư, thái độ nào để hành động? Những chia sẻ của Nguyễn Văn Thành qua tập sách nầy là môt đóng góp qúi giá.
Thơ
Quán chiều
Tác giả Bát-Vân Minh-Hải
Nxb Tân-dân-xã, 2000 Paris
Tuyển tập 27 bài thơ, sách dày 32 trang
Gặp nhau chỉ có đôi lần
Mà sao lại thấy muôn phần vấn vương!
Tình nầy biết sẽ vô phương
Nhưng là "duyên nợ", nên thương mất rồi!
Trích bài nên thương mất rồi