13 G rue de l'Ill - 67116 Reichstett
- France
Tel. 00 33 388 20 5822 - Fax. 00 33 388 20 13 34
e-mail: Ptgdvn@aol.com
Kính thưa Quý vị,
Tôi xin ngỏ lời kính chào quý vị đã tham dự và lên tiếng tại diễn đàn này. Tôi vui mừng biết quý vị đến đây với tinh thần đối thoại và hy vọng cùng nhau làm việc hữu ích cho tổ quốc Việt Nam mến thân, tôi muốn nói nước Việt Nam muôn thuở. Ðồng cảm với niềm vui và hy vọng đó, nhân danh cá nhân và với tư cách một cọng tác viên của trung Tâm Nguyễn Trường Tộ từ buổi đầu, tôi mạn phép trình bày cùng quý vị một dự án mà tôi cưu mang từ lâu, xin quý vị bổ khuyết những điều thiếu sót.
Ðây là dự án thành lập "Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Hải Ngoại", mà tôi đề nghị nên nằm trong hệ thống tổ chức của Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, cũng như hai tổ chức hệ thuộc khác là: Ðại Học Hè và Tuần Lễ Xã Hội.
Tôi xin lần lượt trình bày lý do và những nét chính của Hội Ðồng này.
- I -
Lý do thứ nhất là cần chuyển hóa văn hóa thành một sức mạnh. Văn Hóa phát nguyên từ cá nhân nhưng hình thành và tác động qua tập thể. Nhà văn hóa thường cảm thấy cô đơn khi phải hoạt động riêng rẻ và ước ao gặp bạn tri kỷ, và, xa hơn nữa, sinh hoạt trong một tập thể những người đồng điệu đồng tâm. Tuy nhiên, hoàn cảnh đặc biệt của đất nước đã khiến các nhà văn hóa chúng ta hiện cư ngụ nhiều nơi trên thế giới, ít có cơ hội thuận tiện gần nhau để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức.
Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta nên trút bỏ mọi nghi kỵ và thành kiến có thể có, cùng nhau hướng về tương lai, tìm một công thức hoạt động chung hữu hiệu.
Lý do thứ hai là cần đấu tranh chính trị bằng văn hóa. Chế độ chính trị sẽ qua đi nhưng quốc gia dân tộc vẫn trường tồn. Tuy nhiên, một chế độ chính trị phi dân tộc có thể làm cho quốc gia suy đồi, nhất là làm biến chất văn hóa của dân tộc. Thật là một mối nguy hại lớn. Ðây là trường hợp nước ta: 70 triệu đồng bào chúng ta đang lâm nạn, trong số có mấy triệu người hiện phải sống xa quê hương.
Trước tình cảnh đó, các nhà làm văn hóa chúng ta không thể điềm nhiên tọa thị, trái lại nên cùng hoạt động trong lãnh vực sở trường của chúng ta.
Lý do thứ ba là cần đóng góp vào công cuộc phát triển văn hóa giáo dục trong cộng đồng Viêt Nam Hải Ngoại. Thế hệ thứ hai người Việt di cư đã bắt đầu, trong lúc thế hệ tiên khởi đang sống, không nhiều thì ít, dưới áp lực văn hóa xứ tiếp cư.
Vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống và hội nhập văn hóa được đặt ra một cách khẩn thiết. Vậy phải làm thế nào để người Việt định cư ở hải ngoại, hiện thời và mãi mãi về sau, vẫn giữ được Việt Nam tính, tiếp thu được tinh hoa văn hóa nước ngoài mà không bị đồng hóa. Hơn nữa, chúng ta đang sống ở nước ngoài nên có lợi thế dễ dàng làm công việc thu thập, suy tư và hội nhập có chọn lọc các thành tựu văn hóa của nước ngoài để tài bồi văn hóa dân tộc.
Lý do thứ tư là cần chuẩn bị việc tiếp quản và đảm trách công tác văn hóa giáo dục tại quốc nội khi có cơ hội đến với chúng ta. Ðây không là một viễn kiến mơ hồ mà một thế vận động tất yếu của lịch sử. Chúng ta hãy mở cuộc tranh đấu trên mặt trận văn hóa.
Muốn đối phó với thảm trạng của một văn hóa giáo dục phi nhân hiện đang triển khai tại quốc nội, chỉ trích suông chưa đủ. Cùng với những lời báo động lâm nguy, chính chúng ta phải cống hiến những mô hình gương mẫu trình bày trong những công trình lý thuyết và thực hiện cụ thể. Ngay bây giờ, trong bối cảnh phương tiện truyền thông đã giảm thiểu sự xa cách, hoạt động sự so sánh và gieo ý thức cải tiến, sẽ góp phần không nhỏ làm cho một chế độ phi dân tộc nhanh chóng sụp đổ.
- II -
Sau đây tôi xin phác thảo đôi nét chính yếu của Hội Ðồng.
Tổ chức mà chúng ta nên thành lập sẽ mang danh "Hội Ðồng".
Tránh lối thậm xưng, chúng ta không nên dùng danh từ "viện" như trong danh xưng "Pháp quốc Học viện" gồm năm "Hàn lâmviện": Hàn lâm viện Pháp quốc, Hàn lâm viện Cổ học và Văn chương, Hàn lâm viện Khoa học, Hàn lâm viện Mỹ thuật, Hàn lâm viện Ðạo đức học và Chính trị học. Tại các nước phát triển lâu đời, Hàn lâm viện là một tổ chức nhằm mục đích chủ yếu xác nhận và tôn phong một thực tại sẵn có, gồm những bậc danh tài đã được dư luận công nhận.
Danh từ "Trung tâm Quốc gia Khảo cứu" cũng sẽ tỏ ra tự phụ không kém vì có âm hưởng một tổ chức chuyên nghiệp am tường, chuyên môn về các ngành văn hóa, nhưng chúng ta hoạt động tự do, không bị ràng buộc vào một hệ thống chuyên nghiệp được một cơ quan nào tuyển dụng, chẳng hạn như ở Pháp có Trung Tâm Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học. Ở nước ta thời Ðệ nhất Cộng Hòa cũng có Trung Tâm tương tự.
Danh từ "Hội Ðồng" khiêm tốn hơn các danh từ "Viện", "Hàn lâm viện" và "Trung tâm Quốc gia Khảo cứu" và đã có một tiền lệ ở nước ta thời Ðệ Nhị Cộng Hòa: tôi muốn nói đến "Hội đồng Quốc gia Khảo cứu Khoa học" gồm nhiều Ủy ban Chuyên môn, thành lập bên cạnh bộ Văn Hóa Giáo Dục do quyết định của bộ trưởng liên hệ và "Hội đồng Văn hóa Giáo dục", gồm nhiều Ủy ban chuyên môn, một hội đồng hiến định do một cử tri đoàn bầu cử. Ðặc điểm của hai hội đồng này là các hội viên kiêm nhiệm chức vụ sẵn có.
Trong hiện tình ở hải ngoại, khi tham gia Hội đồng Văn hóa Giáo dục dự kiến, chúng ta sẽ không từ bỏ phương vị hay chức vụ hiện tại của chúng ta: chúng ta sẽ tham gia với tư cách nhà văn hóa tự nguyện, chứ không phải là một chuyên gia được tuyển dụng, do đó danh xưng Hội đồng là thích đáng.
Hội đồng sẽ hoạt động biệt lập, nhưng vì những lý do thực tế, tâm cảm và lý tưởng, Hội đồng sẽ nằm ở trong hệ thống Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, một tổ chức chủ trương quy tụ, trong tinh thần đối thoại và hợp tác, mọi thành phần thiện chí, không phân biệt chính kiến, tôn giáo.
Hội đồng có bốn mục đích:
1. Tạo cơ hội, hoàn cảnh và phương tiện để các nhà trí thức: giáo sư, văn nhân, học giả, nghệ sĩ trao đổi kinh nghiệm kiến thức trong tình hữu ái và đối thoại và trong ý hướng đẩy mạnh sự phát triển văn hóa như một động lực kiến tạo thiện ích cho dân tôc và nhân loại.
2. Phát huy văn hóa dân tộc trên hai lãnh vực thâm cứu học thuật và sáng tác văn nghệ.
3. Ðào luyện các thế hệ đang lên ở hải ngoại bằng các phương thức giáo dục nhà trường và qua các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại, nghiên cứu những mô hình phổ biến văn hóa và giáo dục chính quy để áp dụng ở hải ngoại trong hiện thời và trong nước khi đã phục quốc.
3. Kiểm điểm, phê bình và bổ chính nếu cần những công trình về văn hóa Việt Nam trên thế giới và trong nước.
4. Thái tuyển tinh hoa văn hóa thế giới để tài bồi văn hóa Việt Nam.
A. Ủy ban Quản trị:
Hội đồng có một Ủy ban Quản trị gồm có:
- Chủ tịch
- Phó Chủ tịch
- Tổng thư ký
- và một số ủy viên
B. Các Ủy Ban Chuyên môn:
Hệ Thống thuộc Hội Ðồng có bảy Ủy ban Chuyên môn:
1. Ủy ban Tôn giáo và
Ðạo học.
2. Ủy ban Văn học và Khoa Học Nhân
Văn.
3. Ủy ban Khoa học xã hội.
4. Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật.
5. Ủy ban Nghệ thuật.
6. Ủy ban Giáo dục và Thanh thiếu
niên.
7. Ủy ban Thư viện, Bảo tàng và
Sưu tầm tài liệu.
Mỗi ủy ban có một chủ tịch và phó chủ tịch.
Hội viên tự nguyện tham gia một Ủy ban Chuyên môn sở trường và có thể tham gia nhiều ủy ban Chuyên môn khác.
Quyền lực tối cao của Hội đồng là đại hội đồng do Ủy ban Quản trị triệu tập.
1. Hội thảo
2. Diễn thuyết.
3. Triển lãm, trình diễn, phim ảnh,
truyền thanh, truyền hình.<
4. Xuất bản Kỷ yếu và tạp chí.
5. Xuất bản loại sách thâm cứu
và các loại sách phổ thông
văn hóa.
6. Xuất bản loại sách sáng tác
văn chương.
7. Trao giải thưởng hàng năm về
các bộ môn văn hóa.
8. Giảng dạy: Ðại học hè, Trường
học chính quy, Các lớp đào
tạo ngắn ngày.
9. Sinh hoạt thanh niên.
10. Các cuộc gặp gỡ liên tôn.
Xin đề nghị:
1. Biểu quyết tán thành nguyên tắc thành lập "Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Hải ngoại".
2. Quý vị tham dự Tuần Lễ Xã Hội là hội viên sáng lập và ghi danh tùy nghi sung vào các Ủy ban Chuyên môn của Hội đồng, nhưng nên nêu rõ Ủy ban Chuyên môn sở trường chính yếu.
3. Ðề cử một
Ủy ban Quản trị lâm thời gồm
có:
- Chủ tịch
- Phó chủ tịch
- Tổng thư ký
với nhiệm vụ:
- Soạn thảo quy chế của Hội đồng.
- Triệu tập trong Tuần Lễ Xã Hội
hè 1998 một đại hội đồng
để biểu quyết quy chế và bầu
người giữ trách nhiệm trong
Ủy ban Quản trị và các Ủy ban
Chuyên môn.
4. Ủy ban Quản trị Lâm thời, các hội viên sáng lập và Trung tâm Nguyễn Trường Tộ sẽ tùy nghi giới thiệu thêm hội viên mới và nêu rõ Ủy ban sở trường chính yếu.
5. Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ ủng hộ Ủy ban Quản trị Lâm thời trong công việc tiến tới Ðại hội đồng sẽ tổ chức vào hè 1998.
* * *
Dự án mà tôi vừa phác thảo biểu lộ một niềm tin đặt vào tinh thần năng động và đối thoại của quý vị. Tình thế khẩn trương đòi hỏi chúng ta nên cùng nhau làm việc hữu ích. Xin cám ơn sự chú ý của quý vị.
Giáo Sư Võ Long Tê (Canada)