BẢN TIN
Ðại Học Hè 96

Tại Tu Viện Orsonnens, Thụy Sĩ từ 04 - 11.08.1996

Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ

Khóa đầu tiên Ðại Học Hè - một hình thức gặp gỡ, thảo luận, học hỏi về văn hóa Việt Nam cấp Ðại Học mở rộng cho người Việt thuộc nhiều lứa tuổi, tôn giáo khác nhau trong cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại - đã khai diễn từ ngày 4 đến 11 tháng 8 năm 1996 tại Tu Viện Xitô Việt Nam, nhà Orsonnens, Thụy Sĩ.

Số học viên tham dự: 115 người, đa số là sinh viên và chuyên viên vừa tốt nghiệp các đại học. Ngoài ra có 10 giáo sư và 20 hỗ trợ viên. Tất cả đến từ 18 quốc gia trên thế giới.

Ðại Học Hè cống hiến một chương trình đào tạo là bốn tuần lễ cho bốn năm liên tục. Mỗi năm với một chủ đề riêng. Chủ đề của khóa 96 này là: "Dẫn vào văn hóa Việt Nam".

Ngoài phần học hỏi giáo trình, học viên tham gia các cuộc thảo luận, thực tập các bộ môn nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và giải trí. Ðặc biệt vào giữa khóa, học viên dành một ngày du ngoạn tham quan thành phố Genève, hồ Léman, trụ sở cơ quan Liên Hiệp Quốc và thăm Trung tâm Ðại Kết các Giáo Hội.

Ðại Học hè do Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ chủ trương. Khai diễn hằng năm vào đầu tháng 8 và kéo dài một tuần lễ.

Sau đây là phần trích dẫn một vài đoạn trong các bài diễn thuyết của suốt khóa học:

Văn Hóa, Di Dân và Giáo Hội

"... Tôi muốn khuyến khích quí vị phê bình góp ý với lòng ưu ái cho nền văn hóa ở những nơi quí vị đang định cư. Sự đóng góp này có một nguyên tố tôn giáo thiết yếu. Tất cả những phán định tôn giáo được hàm súc ở đây đều diễn tả, cách này hay cách khác, xác quyết này, đó là con người sinh ra để tìm kiếm chân lý...

Tôi khuyến khích quí vị cố hết sức đào sâu những niềm tin tôn giáo của chính mình. Ðó không có nghĩa là trở nên cuồng tín hay tự cô lập. Ngược lại, điều tôi muốn nói là sự trung tín với chân lý và tiềm năng giúp chúng ta phát triển và quảng kiến. Công việc tìm kiếm và phát hiện ra chân lý là cái mà chúng ta có thể chia sẻ với những người thiện chí. Qua đó, chúng ta, những người từ nơi khác tới, sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển văn hóa không những của mình và của quốc gia mình định cư mà còn của cả thế giới chúng ta đang sống..."

Diễn Văn Khai Khóa

"... Ðại Học Hè khóa I.96 tại Tu Viện Xitô Việt Nam Orsonnens Thụy Sĩ là kết quả của nhiều cố gắng, nỗ lực của hàng ngàn người Việt Nam hải ngoại đã thao thức, đã chuẩn bị nhiều công tác để dần hồi hoàn thành một tổ chức, một cơ cấu cống hiến một môi trường để chúng ta có thể thảo luận, trao đổi, học hỏi, truyền đạt các nội dung văn hóa, lịch sử, nghệ thuật... Việt Nam ở cấp Ðại Học.

Ðây là bước tiên phong, khởi đầu... Chúng ta cầu mong cho nỗ lực của Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, của ban giảng huấn, của các học viên khóa này tạo được một truyền thống sinh hoạt văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại trong tương lai..."

Diễn Văn Chào Mừng

"... Ðại diện các thành viên của Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, thay mặt ban tổ chức Ðại Học Hè Việt Nam hải ngoại khóa I.1996, chúng tôi kính chào mừng các vị quan khách, các giáo sư và tất cả các học viên đến từ 18 quốc gia trên thế giới..."

Bài Giảng Thánh Lễ Khai Khóa

"... Các bạn trẻ là kho tàng quý giá nhất của Mẹ Việt Nam. Tương lai của quê hương, đất nước, đồng bào là của các Bạn, tùy thuộc vào phẩm chất con người của các Bạn. Các bạn trẻ chúng ta không thể hững hờ, để mặc, nhưng cần vận dụng tất cả ý chí của mình, những cơ hội may mắn để trau dồi nhân cách, tô bồi chất xám và kỹ năng, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng để trưởng thành dấn thân cùng nhau canh tân, xây dựng lại quê hương yêu quí của Mẹ Việt Nam..."

Huyền Thoại trong công cuộc dựng nước
căn bản cho Văn Hóa Dân Tộc

Gs. Hán Chương Vũ Ðình Trác (Hoa Kỳ)

"... Chúng ta vừa qua một chuyến đi thăm lại quê hương đất nước từ thuở khai nguyên, như vừa kết thúc một cuộc hành hương về Ðất Mẹ. Từ thuở khai nguyên minh mạc, với những huyền thoại bí ẩn, với những nhân vật nửa Người nửa Tiên, với những nhân vật lỗi lạc đồng hương, đồng chủng, đồng nguyên khí của Tiên Rồng...

Chúng ta hiểu biết phần nào sự phát xuất của dân tộc do một truyền thống thần tiên cao quý, do bàn tay Tạo Hóa nhiệm mầu. Mảnh đất của ta là mảnh đất gấm hoa, có sông dài biển rộng, có rừng rậm núi cao, bốn mùa thay đổi điều hòa. Là con dòng cháu giống, dân tộc ta nhờ Trời tự tay tạo lập đời sống theo triết lý và đạo sống linh thông thực tế. Truyền thuyết cho rằng: Hùng Vương khi thấy thần dân sinh sôi nẩy nở vô số, liền đúc thành 1600 trống đồng, trao cho mỗi tộc một trống, để nhờ âm thanh và ánh sáng và những chứng từ ghi trên mặt trống, để sinh động và tự tồn. Trống Ðồng vì thế trở thành truyền thống văn hóa của dân Việt. Truyền thống văn hóa ấy cùng với các huyền thoại trở thành hiến chương lập quốc, hưng quốc và phục quốc cho muôn thế hệ mai sau...

Những tai nạn chính trị đã từng gây nên biết bao đổ vỡ bi thương. Nhưng nhờ ơn Trên và Tiên Tổ phù hộ, người Việt vẫn tồn tại và từ từ vá lành những rách nát, để phục hồi và vươn lên. Dân ta đang hòa mình với thế giới, cùng bước vào quỹ đạo thế giới, để vươn lên, để phục hồi và thăng hoa. Nhân tài không thiếu, chỉ sợ thiếu ý chí tái tạo trong tương thân tương nhượng. Không thiếu tài nguyên, chỉ sợ thiếu những bàn tay trong sạch, mẫn cán điều hành những tài nguyên ấy. Tinh thần dân tộc không thiếu, chỉ sợ thiếu tinh thần phục vụ đúng mức. Không sợ thiếu những khối óc bàn tay đầy năng lực xây dựng, mà chỉ sợ những khối óc vọng ngoại và những bàn tay đập phá thiếu tình tự dân tộc.

Hôm nay trước oai linh Tiên Tổ, trước khí thế Tiên Rồng, chúng tôi với bàn tay thô thiển chỉ muốn gióng lên một tiếng chuông chiêu Hồn Nước. Với khối óc hèn mọn chỉ muốn tâm niệm rằng: Dân tộc đời đời vẫn tồn tại. Với làn môi chân thành, chỉ muốn tụng niệm rằng: "Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây".

Bản Thể và Bản Chất Việt Triết

Giáo sư Trần Văn Ðoàn (Ðài Loan)

"Khi nói Việt triết là một nền Nhân triết, chúng tôi muốn nhấn mạnh những điểm sau:

Thứ nhất, trong Việt triết, con người là trung điểm, trung tâm của nền suy tư. Nói cách khác, đối tượng cũng như mục đích chính là con người...

Vậy phải chăng triết học của người Việt là triết duy nhân? Thoạt nhìn, chúng ta có cảm tưởng như vậy, song Việt triết là triết học vị nhân, đó là một nền triết học cho con người... Vị nhân có nghĩa là coi con người như mục đích song không coi con người là tất cả. Vị nhân có nghĩa là con người tự hình thành, phát triển từ dã thú tới con người nhân linh chính nhờ vào sự tương giao giữa người với người...

Thứ đến, sự hình thành của con người không phải do những thế lực hay năng lượng ngoại tại, song đó chính là những động lực và qui luật nội tại. Nói cách khác, con người hình thành con người... Nói như vậy, chúng tôi muốn nhấn mạnh:

(1) Việt triết tách biệt sáng tạo khỏi hình thành. Thượng đế tuy sáng tạo con người, song lại phú bẩm cho con người bản năng hình thành chính mình...

(2) Hình thành con người có nghĩa là làm cho con người trở thành con người vị cách (man as person), một con người xứng đáng là con người nhân cách (man as human) tách biệt khỏi thú vật và các sinh vật khác.

(3) Sự hình thành của con người có tính chất siêu việt, mà siêu việt có nghĩa là tiến vuợt một cách vô định và vô biên. Thế nên trong mạch văn Nho giáo, Việt triết nhận định con người có thể trở thành thánh nhân, và trong mạch huyết của Việt dân, con người có thể trở thành thần và quỷ.

(4) Do vậy, triết học vị nhân của người Việt có thể tóm gọn trong đạo nhân, tức là đạo làm người, phát triển người, và siêu việt con người..."

Hồn Nước với Lễ Gia Tiên

Giáo sư Nguyễn Hữu Doãn (Anh Quốc)

"... Lễ Gia Tiên, sự biểu lộ cô đọng tinh hoa của văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó diễn đạt một cách cụ thể Ðạo làm người, mối tương giao giữa thần thánh với con người, mạc khải nền tảng xây dựng Ðạo nghĩa gia đình, xã hội. Trước bàn thờ Tổ Tiên, con người cung kính tiếp nhận những giá trị ngàn đời được tiền nhân tôn trọng và lưu truyền, ý thức vai trò và sứ mệnh làm cha, làm mẹ, làm con, làm anh chị em, làm chồng, làm vợ, làm người công dân.

Nơi đó, con người được giáo hóa để hoàn thành nghĩa vụ làm người, một con người trọng lễ nghĩa, trưởng thành và trách nhiệm..."

Niềm Tin Người Kitô Hữu

Giáo sư Trần Năng Thể (Pháp)

"... Niềm tin không im lìm, bất động, vô sinh, cũng không như viên ngọc quý chỉ để trưng bày trong tủ kính. Nhưng tin là một hành trình, một con đường phải đi, dài như cuộc đời mỗi người. Ðã có hành trình, tất phải có lữ khách và lữ khách đó chính là tôi. Tôi tin như tôi sống, tôi làm cuộc đời như tôi tin. Cuộc đời và niềm tin gắn liền. Cuộc sống và đức tin không chịu xa nhau. Nếu mẹ đã giúp tôi ăn bột, uống sữa khi còn bé, thì khi lớn khôn tôi phải tự lo một mình, không những lo cho mình, mà còn phải lo cho nhiều người khác. Cũng vậy, khi còn non dại, niềm tin của tôi được cưu mang, vun xới bởi nhiều người; nhưng khi đủ lớn, chính tôi phải thực hiện hành trình TIN này. Không ai sống thay cho ai, cũng như không ai có thể tin thay người khác. Như thế, sự có mặt và giúp đỡ của người khác quả rất cần cho cho tôi khi tôi còn bé. Thiếu họ, hẳn tôi không thể sống được. Niềm tin thơ ấu của tôi cũng vậy, không thể thiếu những niềm tin lớn hơn cưu mang, bao phủ, ươm trồng. Ðây là giai đoạn tập đi, tập đứng. Sau giai đoạn này tôi phải tự đi: ung dung, tự nhiên, vững chãi với mọi người.

Kể từ khi ý thức đức tin là một hành trình và chính tôi phải thực hiện hành trình đó, tôi bổng thấy mình lớn lên, trưởng thành hơn, tự tin hơn, vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Thấy mình lớn lên vì khám phá con đường đức tin dài hun hút, bao la, hấp dẫn lạ thường, con đường như mời gọi tôi đến gặp đấng Vô Cùng trên đó tôi bước đi tự do. Thấy mình trưởng thành hơn vì tôi bước đi trên đường đức tin nhiều thử thách, nhiều chông gai, đòi hy sinh, phấn đấu; nhưng chính trong thử thách, vất vả, kể cả ngao ngán, chán chường này, tôi thấy mình luôn tự do, tự do lựa chọn không ngừng. Tôi cũng thấy mình tự tin hơn vì những đoạn đường đã thực hiện, những đoạn đường ấy dù tươi sáng hay mịt mù, dù ấm áp dưới nắng xuân hay rét buốt giữa giông bão, tôi vẫn nhận ra dấu chân mình trên những đoạn đường đã đi qua. Sau cùng tôi thấy đời vui hơn, dễ thương hơn, vì trên đường không chỉ mình tôi lủi thủi, lầm lũi nhưng có rất nhiều người, đông vô số kể cùng đi với tôi, cùng chia sẻ cơm bánh, tâm tư, mưa nắng với tôi. Họ cũng như tôi nên thông cảm dễ dàng, hợp nhất dễ dàng."

Niềm Tin của Người Phật Tử

Giáo sư Võ Văn Ái (Pháp)

"... Phật đã dạy: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".

Con đường thành Phật phát xuất từ nỗi thao thức truy tìm sự hiểu biết chân thật, toàn vẹn về thực tại con người, cuộc sống, thực tại tâm linh. Và "tự giác như giác tha", niềm tin của Phật tử gắn liền với sự dấn thân khám phá, thực hiện chân tánh của mình. Trong ánh sáng chân thật của chân tánh, người giác ngộ sẽ đến gần, gặp gỡ, phục vụ tha nhân trong chân lý.

Con đường thành Phật là con đường giải thoát con người khỏi những tà kiến và thành kiến để gặp chân lý. Kinh điển và lời dạy của Phật hỗ trợ cho chúng sinh chứng thực ánh sáng chân lý cư ngụ nơi tâm mình. Chân lý của tam pháp ấn: vô thường, vô ngã và niết bàn..."

Tuổi Trẻ và Hội Nhập Văn Hóa

Giáo sư Nguyễn Ðăng Trúc (Pháp)

"... Trong hoàn cảnh chúng ta ở hải ngoại, nhiều giới, nhiều giải pháp đã đề nghị với chúng ta về các mẫu mực, nội dung về "hội nhập" khác nhau. Và chúng ta ái ngại, hoang mang tự hỏi, hội nhập là cần, nhưng hội nhập thế nào đây?

Truy cứu truyền thống văn hóa của dân tộc, chúng ta đọc qua truyện "Bạch Trĩ" trong cuốn "Lĩnh Nam Chích Quái" một mẫu mực của cha ông chúng ta về hội nhập, đó là hình ảnh "Thánh Nhân". Thánh Nhân ở đây tượng trưng cho những nét căn cơ, nền tảng xây dựng nên phong cách của con người, bất cứ ở đâu, vào bất cứ thời đại nào, cho bất cứ ai.

Nhưng "Thánh Nhân" ngày nay đối với người trẻ Việt Nam Hải Ngoại chúng ta là những phẩm chất, giá trị, nội dung nào đây? Câu trả lời cần đến những khám phá, kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta.

Và để góp thêm ý kiến, tôi xin gợi lên câu thơ bất hủ của thi hào Nguyễn Du:

Tiếng Việt Chữ Việt

Giáo sư Lê Hữu Mục (Canada)

"... Tu từ là sửa sang lại lời nói cho đúng và cho đẹp. Cổ nhân bảo đó là lựa lời, "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Lựa lời là lựa chọn và sử dụng các phương pháp ngôn ngữ một cách thế nào đó, theo kinh nghiệm hay theo những nguyên tắc tu từ học để phát ngôn của mình đạt hiệu quả cao nhất trong chức năng giao tiếp và truyền thông. Các sử dụng phương pháp biểu đạt phải có tính chính xác, gợi cảm và phù hợp với bối cảnh giao tiếp, sao "cho vừa lòng nhau", nghĩa là cụ thể và phù hợp, hay nói rõ hơn, phải hội đủ các sắc thái biểu cảm, phong cách và ý nghĩa của từ tiếng Việt..."

Khởi Nguyên của Tiếng Việt Hiện Ðại

Giáo sư Võ Long Tê (Canada)

"... Xuyên qua cả hai thứ chữ nôm và chữ quốc ngữ, tiếng Việt hiện đại phát triển qua nhiều giai đoạn. Vấn đề là xác định giai đoạn khởi nguyên kể từ bao giờ?

Có sách kể từ năm 1838 là năm xuất bản hai từ điển danh tiếng của giám mục Taberd, nhưng chính tác giả thừa nhận đã khai dụng công trình của giám mục Bá Ða Lộc soạn từ năm 1772...

Có sách kể lại từ năm 1862 là năm mở đầu nền văn học mới với những nhà văn "tiền phong", trong thể loại văn xuôi chữ quốc ngữ, chẳng hạn P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, P.T.B. Nguyễn Trọng Quản. Thật ra, văn xuôi chữ quốc ngữ ra đời sớm hơn nữa với tác phẩm đủ loại của linh mục Philipphê Bỉnh.

Chúng tôi nghĩ rằng giai đoạn khởi nguyên của tiếng Việt Hiện Ðại nên kể từ khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII với sự phát triển của phong trào truyện nôm và xuất hiện nhiều tác phẩm chữ quốc ngữ quan trọng..."

Lịch Sử Việt Nam từ khai sinh đến thế kỷ X

Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng (Hoa Kỳ)

"... Sau Hai Bà Trưng, chúng ta không còn nghe nói đến các cuộc tranh đấu dành độc lập của người Lạc Việt nữa. Một phần vì người di cư từ phương Bắc đến càng ngày càng nhiều và họ đã lập thành làng mạc, sống có tổ chức và đã chiếm cứ vùng đồng bằng, nơi gần cửa sông, cửa biển. Một phần vì người Lạc Việt đã sống xa cách với người phương Bắc, rút vào rừng để sống cuộc đời tự do phóng khoáng hợp với tính tình và phong tục tập quán của họ. Dần dần họ đã trở thành thiểu số như ngày nay...

Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, dùng chữ Hán làm văn tự chính thức, đốt sách vở, cấm các dân tôc không được dùng chữ riêng của mình và tiếp đến, nhà Hán cũng thống nhất văn tự trên toàn lãnh thổ Trung Hoa thì những người đi theo Triệu Ðà vượt Ngũ Lĩnh về phương Nam vẫn duy trì tiếng nói và phong tục riêng của mình, càng ngày càng xa dần với trung ương và cảm thấy gần gũi với người địa phương hơn. Họ không còn nhớ đến mẫu quốc Trung Hoa nữa. Những người sinh ra và lớn lên ở phương Nam của Ngũ Lĩnh, họ xem vùng đất mới này là tổ quốc, là quê hương của họ. Họ có công khai phá, mở mang, xây dựng giang sơn mới này thì họ cũng đòi hỏi quyền làm chủ giang sơn đó. Họ không muốn lệ thuộc bởi chính sách cai trị của mẫu quốc, không muốn đóng thuế cho vua Hán, không chấp nhận quan quân nhà Hán gởi đến cai trị họ. Ý thức độc lập đó đã khởi đi từ vị lãnh tụ của họ là Triệu Ðà, trải qua mấy trăm năm, càng lớn mạnh thêm lên trong tập thể người di dân trên vùng đất Giao Chỉ..."

Màu Sắc trong Tiếng Việt

Giáo sư Ðỗ Bình (Côté d' Ivoire)

"... Về nguyên tắc pha chế màu sắc thì chỉ có một nhưng cách sử dụng màu sắc của mỗi dân tộc thường lại không giống nhau do ảnh hưởng của thiên nhiên, tâm lý và cả phong tục tập quán. Về cách sử dụng chất liệu lại càng khác xa. Như tranh sơn mài Việt Nam, tuy cùng một chất liệu là nhựa cây sơn, nhưng sơn mài Việt Nam có một sắc thái đặc biệt, trội hẳn các sản phẩm sơn mài của Thái Lan, Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản, là các nước chú trọng nhiều về ứng dụng kỹ thuật về sơn mài vào các sản phẩm tiểu công nghệ hơn là thực hiện tranh nghệ thuật..."

Cải Lương, Ca Vũ, Nhạc Cổ Truyền Việt Nam

Giáo sư Vũ Thị Bích Thuận (Pháp)

"... Vào khoảng năm 1917, hai chữ "Cải Lương" được chọn làm danh từ tiêu biểu cho phong trào cải cách trong kịch giới nước nhà; hai chữ này rút từ câu nho "Cải biến kỳ sự, sử ích tự thiện lương", có nghĩa là đổi những cái cũ còn lại ra thành cái gì mới và hay..."

Ðể cùng có Một Lối Nhìn...

Giáo sư Nguyễn Văn Thành (Thụy Sĩ)

"Làm sao muốn tìm hiểu nhau mà không lắng nghe nhau?
Làm sao lắng nghe nếu không cẩn trọng nhau?
Làm sao cẩn trọng nhau nếu mỗi người không nhìn nhận mình là một giá trị ưu việt?
Làm sao nhận ra tôi là người có giá trị ưu việt, nếu chính tôi không chịu mở mắt để nhận ra giá trị ưu việt của người anh em ngày ngày bên cạnh tôi?
Làm sao làm người bên nhau và với nhau, nếu ngày ngày không góp tay xây dựng và chia sẻ hướng nhìn chung?

... Phải Lắng Nghe

Lắng nghe là tìm hiểu người khác và tạo ra những mảnh đất đồng thuận. Trên đó, dù khác biệt đến độ nào, chúng ta cũng có thể đứng chung với nhau và cùng nhìn chung về một hướng...
Mục đích đầu tiên và cuối cùng của lắng nghe là tìm hiểu. Tìm hiểu đúng với sự thực nơi người đối thoại. Sự thực khách quan bên ngoài mình, không do mình tạo ra, đoán mò, nghĩ ra. Lắng nghe thực sự và trọn vẹn một người là cố gắng hiện diện tích cực, đặt mình vào vị trí người ấy để thấy, nghe, cảm và nói lên được điều họ nói.

... Và Ðối Thoại

Trong thế giới con người, nếu không có đối thoại, con người không thể làm người thật sự và trọn vẹn. Ðối thoại là tạo ra những quan hệ ràng buộc hai chiều giữa ta và người đối diện. Chính nhờ những quan hệ ấy, một đứa bé mới sinh ra sẽ có khả năng lớn lên, phát triển, làm người... Nhờ đối thoại, con người kiện toàn những gì chưa hoàn chỉnh, bổ túc những gì còn thiếu sót, sửa chữa những gì sai trái, làm cho đời mình đổi mới tốt đẹp hơn... Không có đối thoại, hận thù, chiến tranh, bạo động sẽ tràn ngập nhân loại...

Tóm lại, đối thoại là một hình thức học tập làm người với nhau. Một phương tiện giúp nhau làm người. Nhấn mạnh hơn, đó là một phương cách làm người


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page