Cùng Ðọc Tin Mừng

(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 14 Mùa thường Niên Năm B

Giá trị con người

(Mc 6, 1-6)

 

Tin Mừng. Mác-Cô 6, 1-6

1 Ðức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Ðến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. 4 Ðức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.

 

Suy Niệm:

Giá trị con người không hệ tại những gì con người sở hữu, nhưng ở phẩm chất của mình

Tagore là một nhà thơ lớn của An Ðộ, đã đoạt giải Nobel về văn chương. Tagore có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi. Hồi ấy, cha của Tagore là chủ bút một tờ báo ở Ấn Ðộ. Thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do cha mình làm chủ bút. Khi thấy những bài thơ lạ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ rồi quẳng vào sọt rác vì cho rằng thằng bé con còn nhỏ dại thì biết gì thi ca.

Khi hiểu rõ sự tình, Tagore lấy lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác.

Cha của Tagore thấy những bài thơ thật hay do một tác giả không quen gửi đến, ông cho đăng ngay những bài thơ đó lên báo mà ông đâu có ngờ đó là những bài thơ của chính người con mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.

Ðúng là: "Bụt nhà không thiêng", hay nói như Chúa Giê-su: "Các tiên tri thường bị khinh dể tại quê hương, họ hàng mình". Chính Chúa Giê-su cũng phải chịu chung số phận đó.

Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi về những lời giảng khôn ngoan, về việc chữa lành bệnh tật, về những phép lạ... Thế nhưng khi về đến quê nhà, người đồng hương nhìn vào gia thế, anh chị em họ hàng thuộc tầng lớp bình dân của Ngài, và ngay cả bản thân Ngài trước đây là một người thợ mộc trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài. Họ xì xào bàn tán với nhau: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?"

Chúa Giê-su nêu lên một nhận định có phần chua xót: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."

Thế là Chúa Giê-su chẳng làm được phép lạ nào tại Na-da-rét cho người đồng hương và lại rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.

Tiếc thay vì đánh giá Chúa Giê-su theo thành kiến bề ngoài, dân làng Na-da-rét mất đi dịp may đón nhận ân sủng mà Chúa Giê-su ưu ái dành cho họ.

Như người Do-Thái xưa, nhiều người hôm nay cũng đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài: Ôi, ông nầy... bà này chỉ là nông dân, là người thợ quèn, là người nghèo khổ hằng ngày đi mót lúa, đi làm thuê... có giá trị gì đâu?

Giáo Huấn của Công Ðồng Vaticanô II dạy: "Giá trị con người không hệ tại những gì người đó có, nhưng ở phẩm chất của người đó" (giá trị con người không hệ tại những gì họ "có" nhưng do những gì họ "là")

Của cải vật chất không làm tăng giá trị con người. Dù tôi có leo lên đứng trên bệ thật cao, thì cũng không vì thế mà con người tôi cao hơn được phân nào. Cũng thế, những két sắt đầy tiền, những nhà lầu thật cao, những vật dụng và tiện nghi sang trọng cũng không thể làm cho con người nên cao cả.

Cái thật sự làm cho con người trở nên cao cả là phẩm chất bên trong của người đó. Mẹ Tê-rê-xa Calcutta tuy vóc người thấp bé, lưng còng, da nhăn, không tiền bạc, không sản nghiệp riêng, nhưng thật là người cao cả được thế giới công nhận, vì Mẹ có tâm hồn cao thượng, có phẩm chất rất cao quý. Chính phẩm chất rất cao quý của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta đã làm cho con người của Mẹ nên đáng trọng, đáng kính, đáng mến yêu.

"Giá trị con người không hệ tại những gì họ có nhưng do phẩm chất cao cả của họ".

Vậy chúng ta đừng "xem mặt mà bắt hình dong", đừng đánh giá con người dựa vào cái vỏ, cái bao bì bên ngoài, nhưng hãy biết quý trọng con người vì phẩm chất cao cả bên trong.

Mỗi người quanh ta dù nghèo, dù dốt, dù bị thương tật hay tàn phế... cũng đều là chi thể của Chúa Giê-su. Vậy hãy trân trọng tất cả mọi người quanh ta. Ðừng vì cái vỏ bên ngoài không sang trọng, không hào nhoáng, mà xem thường người khác như người Na-da-rét ngày xưa.

 

(9-7-2006)

Rev. Inhaxiô Trần Ngà

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page