Cùng Ðọc Tin Mừng

(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 12 Mùa thường Niên Năm B

Thử thách

(Mc 4, 35-41)

 

Phúc Âm: Mác cô 4, 35-41

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Ðức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Ðức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?" 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi!" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?" 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"

 

Suy niệm

Thử thách

Thử thách cần thiết cho ta trưởng thành Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ xuống thuyền vượt sang bờ bên kia biển hồ, một trận cuồng phong nổi lên dữ dội, sóng nước ập vào thuyền, các môn đệ hoảng hốt vừa chèo chống vừa tát nước ra, trong khi đó, Chúa Giê-su vì quá mỏi mệt nên đắm chìm trong giấc ngủ. Các môn đệ vừa sợ hãi vừa cảm thấy không hài lòng với Chúa Giê-su nên đến đánh thức Ngài dậy và lên tiếng trách móc: chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng quan tâm gì sao? Chúa Giê-su chỗi dậy, truyền cho gió và biển lặng yên cứu mọi người thoát nạn.

Lắm khi trong cuộc đời, chúng ta gặp phải thử thách sóng gió, bị thất bại trong công việc làm ăn, bị gặp nhiều điều không may lành trong cuộc sống, chúng ta quá mệt mõi vì phải phấn đấu gian nan. Chúng ta cũng cầu xin với Chúa và dường như không được đáp lời. Chúa như đã ngủ say chẳng nghe gì lời chúng ta kêu cứu. Rồi chúng ta cũng oán trách Chúa như các môn đệ gặp sóng gió trong Tin Mừng hôm nay: Lạy Thầy, chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng quan tâm sao? Nhân cơ hội nầy, có những người vô thần lại chêm vào: Không có Chúa đâu! Nếu có Thiên Chúa và nếu Ngài là Cha nhân lành sao Ngài lại để cho con cái Ngài phải lao đao như thế mà không ra tay cứu giúp. Thế là có người yếu đuối bỏ mất đức tin.

Thực ra, Thiên Chúa không bao giờ rời bỏ chúng ta, nhưng Chúa để cho chúng ta đương đầu với thử thách là để giúp chúng ta trưởng thành. Chúng ta hãy xem xét hai cách nuôi dạy con.

Có người quá nuông chiều con cái, nuôi dạy con bằng cách che chắn, bao bọc, che chở, đi đâu cũng có cha, có mẹ kè kè bên hông, lo cho con hết mọi sự từ việc thay quần áo cho đến ủi đồ, rửa chén bát, quét dọn phòng cho con, không dám cho con đụng tay vào bất cứ việc gì vì sợ con mệt nhọc. Ðứa bé lớn lên trông có vẻ mập mạp trắng trẻo, nhưng nó yếu ớt, nó không thể tự đứng trên đôi chân của mình. Nó phải cậy dựa người khác mới có thể bước đi trên đường đời. Nó như người tật nguyền phải chống nạng. Nạng là bàn tay che chở của cha mẹ, nạng là tiền bạc cha mẹ cung ứng cho. Nạng là gia tài mẹ cha để lại... Nếu không có những chiếc nạng nầy, đứa con không thể tự mình bước tiến lên được. Giáo dục con như thế là làm hại con, làm cho con mình mãi ấu trĩ, mãi lệ thuộc, mãi mềm yếu và không bao giờ trưởng thành được.

Trong khi đó, nhà bên cạnh nuôi dạy con bằng cách cho con vừa học vừa tham gia làm việc giúp đỡ cha mẹ trong gia đình, từ việc gánh nước, bổ củi, cuốc vườn, dọn dẹp nhà cửa và làm hầu hết mọi việc giúp gia đình trong những giờ nhàn rỗi. Thế rồi nhiều năm sau, hai đứa bé cùng lớn lên, trở thành hai thanh niên và cùng mất cha mẹ như nhau. Người thanh niên được nâng niu chiều chuộng trong thời niên thiếu cảm thấy hụt hẫng như người mất cặp nạng, không thể tự đứng trên đôi chân của mình, không biết nương tựa vào ai mà sống, cuối cùng đành phải kiếm sống bằng nghề ăn xin. Còn chàng thanh niên kia, nhờ quen lao động cần cù, nhờ được trui rèn trong gian khổ, nay trở thành người chân cứng đá mềm, không hề lùi bước trước một khó khăn nào, sẵn sàng chiến đấu với nghịch cảnh và đã thành công lớn trong cuộc đời.

Kinh nghiệm cho thấy rằng người Việt Nam chúng ta nhờ được trui rèn trong khó khăn vất vả, nên khi qua đất Mỹ, đạt được nhiều thành công.

Thép dù tốt, nhưng nếu không được trui rèn, về lâu về dài sẽ bị ten sét rồi hoá thành phế liệu; ngược lại, thanh sắt tuy không tốt lắm, nhưng chịu nung trong lửa, chịu dập trên đe, chịu trui rèn mài giũa thường xuyên, có thể trở nên những khí cụ mang lại rất nhiều lợi ích.

Thiên Chúa để cho sóng gió, cho thử thách xảy đến trong cuộc đời chúng ta không phải là vì không thương chúng ta, nhưng là vì muốn cho chúng ta tập đương đầu với những thử thách đó để trưởng thành. Như thế, những khó khăn thách thức trong cuộc đời chính là những bài tập rất cần thiết mà Thiên Chúa gửi đến để rèn luyện chúng ta nên người khôn ngoan, cứng cát, trưởng thành. Chúng ta hãy vui lòng đón nhận những thách thức Chúa gửi đến và xem đó là những bài thực tập cần thiết cho đời mình được lớn lên.

 

(24-6-2006)

Rev. Inhaxiô Trần Ngà

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page