Cùng Ðọc Tin Mừng

(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên Năm B

Hãy đến mà xem

(Ga 1, 35-42)

 

Phúc Âm: Ga 1, 35-42

"Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người".

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".

 

Suy Niệm:

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 thường niên theo Tin Mừng Gioan 1, 35-42)

Hãy đến mà xem

Vào khoảng năm 1965 về trước, thời bấy giờ chưa có vô tuyến truyền hình, nên mỗi lần có trận giao đấu bóng đá giữa hai đội mạnh, thính giả toàn quốc chỉ được nghe tường thuật về trận đấu qua làn sóng của đài phát thanh.

Thật khó hình dung nổi diễn tiến trận đấu với những pha đi bóng gay cấn, những cú sút ngoạn mục khi chỉ được nghe bằng tai.

Hiện nay, chuyện theo dõi trận đấu qua đài phát thanh đã thuộc về quá khứ vì ưu thế vượt trội của kỹ thuật truyền hình. Nhờ đủ dạng sóng truyền hình hiện đại bao trùm trái đất, người hâm mộ bóng đá từ phần nửa bên nầy địa cầu có thể chứng kiến, như thể tận mắt, từng chi tiết, từng pha đi bóng của những cầu thủ trong những trận đấu diễn ra ở nửa bên kia trái đất.

Thế là từ khi có truyền hình, không ai mê bóng đá lại theo dõi trận đấu qua đài phát thanh nữa. Từ kỹ thuật truyền thanh chuyển qua truyền hình là cả một bước tiến vượt bậc.

* * *

Tiến trình mặc khải cũng trải qua hai chặng đường như thế.

Khởi đầu, Thiên Chúa không trực tiếp tỏ mình cho loài người nhưng chỉ phán dạy qua các ngôn sứ, - như thể qua xướng ngôn viên trên các đài phát thanh - nên chân dung của Thiên Chúa còn rất mờ mịt đối với loài người.

"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ" (Do-Thái 1, 1a).

Tiến sang giai đoạn hai, Thiên Chúa không còn mặc khải Người bằng lời qua trung gian các ngôn sứ nữa, nhưng đã bày tỏ chính Mình qua Con chí ái là Ðức Giê-su Ki-tô.

"Nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử." (Do Thái 1, 1b)

Thế là từ đây, Lời của Thiên Chúa - tức Ngôi Lời - không còn là tiếng nói từ cõi xa xăm vọng lại, nhưng đã mặc lấy một hình hài, một thân xác để cho mọi người không những được nghe tiếng mà còn có thể nhìn ngắm, đụng chạm, tiếp xúc với Ngôi Lời.

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta." (Gioan 1, 14)

"Người là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa" (Do Thái 1,3)

Thế là chương trình mặc khải của Thiên Chúa đã chuyển sang một khúc quanh mới: giai đoạn mặc khải qua hình ảnh, qua chân dung - như kỹ thuật vô tuyến truyền hình hiện nay - đã khai mở. Nhờ đó, nhân loại không những có thể "nghe", mà còn "thấy tận mắt, được chiêm ngưỡng và được chạm đến Lời" của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô. (thư I Gioan 1, 1)

* * *

Hãy đến mà xem

Trăm nghe không bằng một thấy. Nghe tường thuật về một trận bóng sao bằng tận mắt xem trận đó, ít nữa qua chiếc TV.

Chính vì thế nên khi An-rê và một môn đệ khác của Gioan Tẩy Giả được giới thiệu cho biết Ðức Giê-su là chiên Thiên Chúa, hai ông liền tìm gặp Chúa Giê-su để tìm hiểu Người.

Chúa Giê-su quay lại hỏi: "Các anh tìm ai?". Họ thưa Ngài: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?". Chúa Giê-su đáp: "Hãy đến mà xem".

Hai anh em nầy đến với Chúa Giê-su, ở lại với Người, rồi mới sống gắn bó và trở thành môn đệ của Người.

* * *

Chúa Giê-su mời gọi "hãy đến mà xem", nhưng chúng ta có thể nhìn xem Chúa ở đâu?

Trước hết là trong Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô dạy: "Không biết kinh thánh là không biết Chúa Giê-su". Từng trang, từng dòng trong kinh thánh đều hoạ lại chân dung Chúa Giê-su và âm vang lên sứ điệp của Người. Biết bao nhiêu người nhờ thường xuyên nhìn ngắm cuộc đời và lắng nghe lời dạy của Chúa Giê-su trong Tân Ước, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã được diễm phúc cảm nghiệm được Chúa là Ðấng tuyệt vời khôn tả.

Dostoievski, đại văn hào trứ danh người Nga ở thế kỷ 19, cũng là ngôi sao sáng trong trong làng văn học thế giới, từng viết nhiều tác phẩm đồ sộ có giá trị vượt thời gian và không gian, thường chiêm ngưỡng Chúa Giê-su trong Tin Mừng nên mới cảm nhận được nét đẹp cao quý tuyệt vời của Chúa Giê-su và đã tuyên xưng Người qua bức thư gửi cho bà Von Vizine. Bức thư nầy thường được gọi là kinh tin kính của Dostoievski: "Ðối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Ðức Ki-tô, và hơn thế nữa, nếu ai chứng minh với tôi rằng Ðức Giê-su ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Ðức Ki-tô hơn là chiều theo chân lý".

Ước gì chúng ta thường xuyên "đến mà xem" Chúa Giê-su trong kinh thánh, "ở lại với Người" nơi bí tích thánh thể, để rồi say mê Người như Dostoievski và trở thành môn đệ Người như An-rê và người bạn của ông.

 

(17-01-2009)

Rev. Inhaxiô Trần Ngà

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page