Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 22 -

Bài Suy Niệm thứ hai mươi hai

Buồn Sầu Của Các Con

Sẽ Biến Thành Vui Mừng

Niềm vui Hy Vọng

 

Giữa những cây bách và cây vả, với hương thơm của những bông hoa đầu tiên của mùa xuân, mặt trời bắt đầu lặn, không khí tươi mát, hai người rảo bước nhanh trên con đường hướng về Emmaus, một làng cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản (cf. Lc 24,13-25).

Những tâm tình và thăng trầm của họ làm cho chúng ta nghĩ tới con đường chúng ta đi trong thời điểm lịch sử hiện nay của Hội Thánh.

 

Trên đường Emmaus

Giống như hai môn đệ buồn sầu than thở: "Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel! nhưng...", nói theo kiểu loài người, nhiều khi Hội Thánh cũng cảm thấy mỏi mệt, buồn sầu, thất vọng vì tình trạng thế giới ngày nay, như chúng ta đã mô tả trong bài suy niệm thứ tư.

Ðó là sự thất vọng của một Hội Thánh dựa trên những Hy Vọng hão huyền.

Chúa Giêsu, người mà hai môn đệ tưởng là một lữ khách, đã giải thích cho họ về Kinh Thánh, bắt đầu từ ông Môisen, tới các Ngôn Sứ, giúp họ hiểu một chân lý bí ẩn: "Ðấng Thiên Sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao?"

Chúa Kitô, Ðấng chịu đóng đinh và đã sống lại, qua cuộc xuất hiện của Ngài với các môn đệ trên đường Emmaus, đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống, Thập Giá và sự sống lại, chính là chìa khóa để hiểu Kinh Thánh, và qua đó, hiểu đời sống của Hội Thánh. Niềm Hy Vọng của chúng ta không đứng vững nếu không dựa trên Lời Chúa, trên mầu nhiệm Thánh Giá và sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa Kitô.

Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh khi Kinh Thánh được đọc lên. Việc Ngài cùng đi với các môn đệ, hành trình với họ, chứng tỏ chắc chắn Ngài cũng đồng hành với chúng ta qua dòng lịch sử, như ánh sáng chiếu soi và như lửa sưởi ấm tâm hồn.

Khi Ngài "bẻ bánh", một cử chỉ chắc hẳn đã thức tỉnh ý thức của hai môn đệ, mắt họ mở ra và họ nhận ra Chúa Giêsu. Cũng vậy, chỉ với con mắt đức tin, Giáo Hội mới có thể nhận ra Chúa Giêsu.

Ngài đã ban cho các môn đệ Bánh Thánh Thể, và qua đó, Ngài đi vào tâm hồn họ. Ngài không chỉ ở một mình trước mặt họ, giữa họ nhưng từ nay Ngài ở trong họ: một sự hiện diện yêu thương có thể thay đổi đời sống của họ.

Trên đường Emmaus, các môn đệ chỉ cho chúng ta thấy con đường này: nhờ Thánh Thể, Lời Chúa, mầu nhiệm Thánh Giá, Hội Thánh có thể khiêm tốn tiến bước và hân hoan trên con đường của mình, luôn được nâng đỡ nhờ sự hiện diện của Chúa Cứu Thế.

 

Ðổi hướng đi

Thánh Luca viết: "Họ đứng dậy và trở về Giêrusalem ngay".

Sức mạnh do sự hiện diện của Chúa Kitô đã làm phép lạ. Họ quay trở lại, trở về Giêrusalem, tâm hồn tràn đầy vui mừng. Từ nay họ thành chứng nhân, những người rao giảng điều họ đã cảm nghiệm: sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi họ, sức mạnh đảo lộn của Lời Ngài soi sáng toàn thể Kinh Thánh, tình bạn của Ðấng Phục Sinh đã làm cho họ kêu lên: "Xin ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều!" Và rồi bữa ăn ấy do Chúa Giêsu Phục Sinh tặng, trong đó, một lần nữa, nhưng lần này Ngài là Ðấng Phục Sinh, hiến mình cho các môn đệ như Bánh Phục Sinh và Sự Sống.

Tại Giêrusalem, họ thấy mười một môn đệ đang hội họp cùng các bạn khác. Những người ấy cũng đã biết rằng Chúa đã sống lại từ cõi chết. Trong niềm vui chia sẻ cho nhau, họ thông truyền cho nhau tin vui Chúa đã sống lại. Những người ở trong Nhà Tiệc Ly nói: "Chúa đã sống lại thực và đã hiện ra với Simon". Hai môn đệ Emmaus cũng xác nhận điều đó, và kể lại những gì đã xảy ra dọc đường và họ đã nhận ra Chúa Giêsu như thế nào trong lúc Ngài bẻ bánh (cf Lc 24,33-35).

 

"Bình an cho các con"

Mỗi lần Chúa Giêsu hiện ra, sau khi sống lại, Ngài đều chào: "Bình an cho các con". Có nghĩa là: "Thầy ở cùng các con". Chúa Giêsu là an bình và Hy Vọng của chúng ta. Vì thế, các môn đệ Emmaus tuyên xưng: "Chúng tôi cảm thấy như có một ngọn lửa đốt cháy trong tâm hồn khi Ngài nói với chúng tôi dọc đường và giải thích Kinh Thánh cho chúng tôi".

An bình đích thực ấy là niềm vui mà thế gian không thể ban, và chỉ có thể đạt được bằng con đường thống hối, với sự thay đổi thực sự cuộc sống, như ý nghĩa của Năm Thánh đòi hỏi chúng ta.

Cần lắng nghe điều Chúa Thánh Linh nói với bảy giáo đoàn, mà chúng ta đã bàn đến trong bài suy niệm thứ ba: "Một bản tổng kết đầu thế kỷ 21". Một lần nữa, cần liên tục thoát ra khỏi tình trạng của một Hội Thánh đã đánh mất đức ái thuở ban đầu, một Hội Thánh dung thứ sự thờ thần tượng, đã chiều theo sự thỏa hiệp; ra khỏi tình trạng trì trệ của một Hội Thánh đang ngủ mê hoặc sống nguội lạnh trong sự tầm thường, để lập lại một Giáo Hội nghèo, Giáo Hội lắng nghe Thánh Linh, Giáo Hội hiệp thông.

Ðể biến đổi lối sống phàm tục thành thần linh đòi hỏi phải hoán cải, phải thay đổi toàn diện. Cũng như sự thay đổi bắt đầu từ từ rồi tới cương quyết, hai môn đệ trên đường Emmaus được Lời Chúa và sự hiện diện sinh động của Chúa Kitô hoán cải, đã đổi đường. Trước đây, họ chạy trốn khỏi Giêrusalem, thành phố của vấp phạm do cái chết của Thầy họ gây nên, nơi Ngài họ đã đặt tất cả Hy Vọng. Giờ đây, không chút sợ hãi, họ quay trở về Giêrusalem, thành phố nơi Chúa của họ đã chết và sống lại.

 

Một niềm vui không ai có thể tước đoạt khỏi chúng ta

Nhờ thái độ thanh tẩy, trở về với Chúa Kitô, buồn sầu của chúng ta biến thành vui mừng.

Chúa Giêsu đã hứa điều đó và nay Ngài thực hiện: "Ưu sầu của các con sẽ biến thành hoan lạc... Thầy sẽ gặp lại các con và tâm hồn các con sẽ vui mừng, và không ai có thể lấy mất niềm vui của các con" (Ga 16,20-23). Ngài thật là người bạn trung tín. Các môn đệ lại thấy Ngài và họ cảm nghiệm niềm vui của một sự hiện diện mà không ai có thể tước đoạt được.

Không ai khác có thể cho chúng ta niềm vui vượt lên trên mọi khả năng và mọi kiến thức của con người. Trên trần gian này, người ta săn sóc một bệnh nhân bao lâu họ còn sống. Nhưng có ai tìm cách săn sóc một xác chết? Làm như thế là điên! Trái lại, Chúa Giêsu đã chết, được mai táng và đã sống lại! Từ đó phát sinh niềm vui của chúng ta, một niềm vui vô biên, luôn mới mẻ, trường cửu, vì là niềm vui thần linh. "Ôi, sự tươi đẹp vừa cổ kính vừa mới mẻ, con đã yêu mến Ngài muộn quá!" (San Augustino, Le Confessioni, lib. 10,27).

Lịch sử ngày nay không thiếu những trường hợp trong đó Hội Thánh sống trong "Hy Vọng giữa thất vọng": trong đau khổ khi cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, trong đau khổ vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, và trong đau khổ vì tử đạo và vì thân phận thiểu số. Nhưng cũng chính Hội Thánh ấy là đối tượng lời hứa mà sách Khải Huyền nhắm tới: "Sẽ không còn chết chóc, tang tóc, than vãn, vất vả, vì những gì quá khứ đã qua đi". Sẽ có "một trời mới và một đất mới" (cf Kh 21,4.1).

Chúng ta đã bắt đầu cuộc tĩnh tâm với cuộc hành trình của các Tổ Phụ trong sách Sáng Thế Ký, giờ đây chúng ta chiêm ngưỡng viễn tượng hòa bình của sách Khải Huyền.

 

Ðức Kitô ở giữa chúng ta nhờ tình thương

An bình mà Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ được thể hiện trong tình thương, giới răn mới trong đó Chúa Giêsu đã gồm tóm mười giới răn của Môisen: mến Chúa và yêu người. Trong tình thương, tâm hồn được hòa giải, được hiệp nhất, và phục hồi được niềm vui an bình mà Chúa dành cho chúng ta khi tạo dựng nên chúng ta.

Ngày 18-1-2000, qua nghi thức mở Cửa Thánh tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, trong một lúc, lời cầu nguyện hầu như có tính chất tiên tri, chúng ta đã cảm nghiệm được nền hòa bình đại lết được biểu lộ qua việc chúc bình an như dấu chỉ bác ái đối với nhau. Trong tâm hồn chúng ta còn vang dội những lời của phụng vụ Bizantine được đọc lên trong lúc đó: "Chúng ta hãy thương yêu nhau, để trong tinh thần hiệp nhất, chúng ta tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Và những lời của bài bình ca cổ kính vẫn được hát lên trong phụng vụ Rôma ngày Thứ Năm Tuần Thánh: Ubi Caritas:

"Ðâu có tình yêu thương, ở đấy có Ðức Chúa Trời.

Ngài đã tập hợp tất cả chúng ta trong Chúa Kitô là tình thương.

Chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ trong Chúa!

Hãy kính sợ và yêu mến Thiên Chúa hằng sống,

và hãy yêu mến với tâm hồn chân thành...

Hãy tránh chia rẽ giữa chúng ta,

loại bỏ những cuộc tranh giành xấu xa, những cải vã

và xin Chúa Kitô ngự trị giữa chúng ta".

Chúa Kitô ở giữa chúng ta như niềm an bình và như sự hòa giải của chúng ta, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau.

 

Ðể nên Chứng Nhân Hy Vọng

Câu chuyện Emmaus nhắc nhở tất cả chúng ta về một thực tại vui mừng của kinh nghiệm Kitô Giáo: sự hiện diện trường cửu của Chúa Kitô Phục Sinh trong Hội Thánh. Ðó là một sự hiện diện sống động và thực sự, trong Lời Chúa, trong các Bí Tích, và trong Thánh Thể. Nhưng Ngài còn hiện diện nơi cả con người và giữa họ với nhau, nơi các thừa tác viên của Hội Thánh, nơi người nghèo, và nơi tất cả mọi người anh em.

Khi cử hành năm Ðại Toàn Xá 2000, chúng ta có thể nói, như Ðức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta, rằng nỗi Vui Mừng của chúng ta là Chúa Kitô, nhưng Ngài cũng là Hoan Lạc của chúng ta. Từ 2,000 năm nay, Hội Thánh sống bằng sự hiện diện ấy. Và khi nhìn về tương lai, Hội Thánh Hy Vọng nơi lời hứa của Chúa Giêsu: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

Chúng ta phải là chứng nhân về sự hiện diện và niềm Hy Vọng ấy. Nhưng làm sao chúng ta có thể trở thành những chứng nhân đáng tin cậy được?

Trong những ngày này, chúng ta đã cùng nhau sống phần nào cuộc hành trình trên đường Emmaus. Trong lúc kết thúc cuộc tĩnh tâm và để lại một vài kỷ niệm như thói quen, chúng ta có thể tóm tắt sự quyết tâm của chúng ta trong một vài lời sắt son. Tôi muốn nói là quanh Ðấng kế vị Thánh Phêrô, chúng ta cùng nhau cam kết sẽ thật sự trở nên những chứng nhân vui tươi của niềm Hy Vọng.

Chúng ta hãy học nơi các môn đệ Emmaus, và phản ứng như các Ngài:

 

- Chúng ta hãy trở về Giêrusalem

Chúng ta hãy trở về nguồn gốc của Tin Mừng! Liên tục trở về Giêrusalem, như Ðức Thánh Cha làm trong Năm Thánh này. Một cuộc trở về nguồn, về trung tâm của Hội Thánh, nơi Chúa Giêsu đã dạy dỗ, đã chịu khổ nạn, đã chết và được an táng.

Mọi sự kể như hết rồi. Philatô đã sai lính canh giữ mồ Chúa Giêsu. Những người Do Thái đã lăn tảng đá lớn chặn cửa mồ. Họ muốn tiêu diệt Ngài mãi mãi. Xóa bỏ Ngài khỏi ký ức của mọi người, của các môn đệ Ngài.

Nhưng tại Giêrusalem, Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã hiện ra với nhiều người. Hội Thánh vui mừng vì Chúa Giêsu đã nói: "Các con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).

Cùng với hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta hãy trở về với tinh thần chân chính của Tin Mừng, trở về để biến Mầu Nhiệm Phục Sinh thành nguồn Hy Vọng của chúng ta!

 

- Chúng ta hãy hiệp nhất với cộng đoàn Giáo Hội quanh Phêrô

Ðây là phản ứng thứ hai. Trong Nhà Tiệc Ly, các môn đệ Emmaus tìm lại cộng đoàn Hội Thánh và Phêrô, người môn đệ được Chúa Giêsu hứa ủy thác Hội Thánh của Ngài. Chính Phêrô đã được Chúa dành cho một cuộc hiện ra đặc biệt: "Chúa đã hiện ra với Simon" (Lc 24,34).

Thánh Phêrô giữ một vai trò cốt yếu trong việc hiệp nhất Giáo Hội. Vì thế, Chúa Giêsu đã ban cho Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị Phêrô một ơn đặc biệt, ơn tử đạo, để làm chứng đức tin nơi Chúa Giêsu. Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin nơi Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Thánh nhân chạy đến mồ và nhận thấy Chúa đã sống lại. Trước mặt Chúa Giêsu và các môn đệ khác, Phêrô tuyên xưng lòng yêu mến Thầy. Và tại Rôma, trên Ðồi Vatican, Ngài niêm ấn lời tuyên xưng đức tin và lòng yêu mến tuyệt đối này bằng chính máu của mình.

Tính chất Phêrô của Hội Thánh cũng là điều này: hiệp nhất trong đức tin và trong tình yêu đối với Chúa Kitô quanh Phêrô, bởi vì trong bản chất yêu thương và phục vụ, Hội Thánh là một, duy nhất.

 

- Cùng với Ðức Maria Mẹ Chúa Giêsu

Tuy các sách Tin Mừng không nói, nhưng trực giác của Dân Chúa đều xác nhận điểm này. Trong cộng đồng các môn đệ vắng bóng sự hiện diện thể lý của Thầy, trước và nhất là sau khi Chúa về Trời, Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, bảo đảm sự liên tục phù trợ của Chúa và sự chắc chắn về lời hứa ban Chúa Thánh Thần.

Ðức Maria, với tư cách là Mẹ, tự nhiên dẫn chúng ta đến Con của Mẹ. Ðức Maria, đầy ơn phúc, đầy Thánh Linh, bảo đảm sự đổ tràn Chúa Thánh Thần trong tương lai.

Là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Toàn Thánh, biểu lộ đặc tính Thánh Mẫu của Hội Thánh. Một Hội Thánh gia đình. Một Hội Thánh đầy tình huynh đệ, đón tiếp và liên đới. Với Mẹ Maria, chúng ta cảm thấy mình là anh em, hiệp nhất trong sự tuyên xưng Chúa Kitô. Với tâm hồn từ nhân của Mẹ, chúng ta cảm thấy cởi mở đối với mọi người. Và Hội Thánh có đặc tính Công Giáo với những chiều kích của Mẹ là Mẹ hiệp nhất, Mẹ mở rộng vòng tay ôm lấy mọi người con tản mát các nơi trên thế giới.

Mẹ Maria là Tình Thương được đón nhận, đáp trả và chia sẻ, là mẫu mực của Hội Thánh Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Truyền Giáo.

 

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, tông truyền và vui tươi

Chúng ta đã bắt đầu Tuần Tĩnh Tâm này với Sách Gia Phả, nhắc đến ơn gọi của tổ phụ Abraham và kết thúc với Abraham. Hy Vọng của chúng ta là Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế duy nhất, đang đợi chúng ta trong niềm vui vĩnh cửu của bữa tiệc, nơi mà người nghèo Ladarô đang ở trong lòng Abraham. Ngày qua ngày, chúng ta tiến bước, gieo vãi những hạt giống Hy Vọng cho một mùa xuân mới của Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, tông tuyền và vui tươi.

Chúa Giêsu đã đến trong thế gian: "Và Ngôi Lời đã làm người, và đến ở giữa chúng ta" (Ga 1,14). "Tôi loan báo cho anh em một tin vui lớn: Ðức Kitô đã sinh ra" (cf Lc 2,10-11). Thời cánh chung đã khởi đầu, cho dù mới ở giai đoạn chớm nở, và sẽ chỉ kết thúc trên Trời.

Trong cuộc đời trần thế này chúng ta đã được niềm vui của Hy Vọng, vì Thiên Chúa không những hứa ơn cứu độ "cho các cha ông chúng ta, cho Abraham và cho dòng dõi ông đến muôn đời" nhưng còn "thề cam kết với Abraham, tổ phụ chúng ta..." (Lc 1,55.73). Niềm vui của chúng ta càng lớn và càng khôn tả vì được chính Thiên Chúa bảo đảm.

Nếu một tín hữu hành hương đến Rôma và được Phủ Giáo Hoàng cho một vé dự buổi tiếp kiến của Ðức Giáo Hoàng, thì người ấy sung sướng vui mừng vì Hy Vọng chắc mình sẽ được thấy Ðức Thánh Cha. Cũng vậy, chúng ta càng có lý do để tràn đầy vui mừng: chúng ta đã được chịu phép rửa tội, được Phủ Thiên Quốc với vị đặc trách là Thánh Phêrô, tặng cho một vé để gặp Ba Ngôi Chí Thánh! Vé ấy đã ở trong túi chúng ta. Và như thế trong mỗi giây phút chúng ta đều chìm đắm trong niềm vui mừng bao la bất tận của Hy Vọng.

Chúa Giêsu nói với người Do Thái: "Abraham, Tổ Phụ các ông vui mừng vì Hy Vọng được thấy ngày của Ta; ông đã thấy và vui mừng" (Ga 8,56).

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page