Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 21 -

Bài Suy Niệm thứ hai mươi mốt

Bây Giờ Và Trong Giờ Lâm Tử

Tuổi già, bệnh tật, giờ chết

 

Trong nền văn hóa Phật Giáo Á Ðông, người ta nói tới bốn giai đoạn trong cuộc sống con người: đó là "sinh, lão, bệnh, tử". Khổ đau là điều không thể tránh được trong kiếp người. Vì thế mỗi người đều cầu mong ơn cứu thoát.

Nói chung, con người không muốn nhớ tới các thực tại bi đát này. Họ tìm cách đẩy xa và không muốn nghĩ tới điều ấy nữa. Nhưng đối với các kitô hữu được mời gọi sống yêu thương, đau khổ diễn tả tình yêu, và cũng giống như mọi giai đoạn vui buồn khác của cuộc đời, đau khổ phải được sống trong tình yêu và nên như là tình yêu.

Khi trông thấy các đám đông theo nhau bước qua Cửa Thánh tôi liên tưởng tới cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tiến bước mỗi ngày, đôi khi phải đi qua những con đường khó khăn nhưng quan trọng và không thiếu niềm vui, bởi vì mỗi ngày chúng ta tiến tới gần đích điểm hơn một chút: tiến tới cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, niềm Hy Vọng của chúng ta. Chính vì thế nên tôi muốn nói về tuổi già, tật bệnh và cái chết.

 

Hồng ân lớn nhất

"Chúa sẽ chỉ cho con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi" (Tv 16 (15),11).

Sự sống là ơn cao trọng nhất, ơn vô giá được Thiên Chúa ban tặng cho con người. Do đó mỗi một giây phút phải được sống trong Chúa và cho Chúa.

Ðối với mỗi người trong chúng ta cuộc sống đều có các mùa của nó, mùa nào cũng quan trọng và có một vẻ đẹp riêng. Ciceron nói về tuổi già như là "mùa thu của cuộc đời" (x. Cicerone, Cato maior, hay luận về Tuổi Già 19,70). Với tâm hồn thi sĩ Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã vẽ ra một bức tranh tuyệt đẹp khi viết: "Chỉ cần nhìn cảnh vật thay đổi quanh năm, trên núi đồi, trên đồng bằng, trên đồng cỏ, trong thung lũng, trong rừng rậm, trên cỏ cây, thì đủ hiểu. Có sự tao phùng giữa nhịp sống của con người và các chu kỳ của thiên nhiên, mà con người là một thành phần" (Thư của ÐTC Gioan Phaolô II gửi người già 1-10-1999, s.5).

Phải, bởi vì sự sống phát sinh, lớn lên, tàn phai chỉ là ba giai đoạn của mầu nhiệm cuộc đời, của cuộc sống con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ðó là ơn của Chúa, là hình ảnh, là dấu vết, là sự tham dự vào hơi thở sự sống của Ngài. (x. Ðức Gioan Phaolô II, với các tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ XII do Hội Ðồng Tòa Thánh Mục Vụ Cho Y Tế tổ chức, trong: Quan Sát Viên Rôma 1-11-1998).

 

Những người cao niên trong Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh tuổi thọ là dấu chỉ được Thiên Chúa tình yêu chúc phúc (x. St 11,10-32). Tổ phụ Abraham, ông Môisen, Tôbi, Êlêadarô, bà Êlidabét và thầy tư tế Giacaria, cụ già Simêôn, và bà Anna, tất cả đều cho chúng ta thấy tuổi già là thời điểm của lời hứa và chứng tá can đảm.

Thánh Phêrô về già đã hiến mạng sống mình vì yêu Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô về già bị cầm tù đã viết: "Còn tôi sắp phải đổ máu ra để làm lễ tế, đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường mà vẫn giữ vững đức tin" (2Tm 4,6-7).

Thánh Gioan Tông Ðồ khi đã cao niên, mỗi lần tới thăm các giáo đoàn và được hỏi đâu là sứ điệp của Chúa Giêsu, thì Ngài luôn luôn lặp lại: "Các con hãy yêu thương nhau", làm như thể Ngài không còn gì để thêm cả. Nhưng với câu nói đó Thánh Nhân thực sự hiểu thấu trọng tâm tư tưởng của Chúa Kitô.

 

Chọn một việc mới, giàu đặc sủng hơn

Trong cuộc sống của tôi, đặc biệt ở đây trong Giáo Triều, tôi đã có cơ may quen biết nhiều vị cao niên nêu gương sáng cho tôi vì lòng khiêm nhường, và sự kín đáo nhưng hùng hồn của các vị. Các vị luôn trẻ trung và ai tiếp xúc với các vị cũng đều hít thở được luồng khí ủi an hy vọng, ngay cả trong những tình trạng hầu như tuyệt vọng. Nơi các vị, tôi đã học biết rằng năm tháng cuộc đời chúng ta qua mau, cuộc sống là một ơn quá xinh đẹp và quý giá, và tôi phải tận dụng trong giây phút hiện tại (x. Cl 5,16) với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha nhân từ. Nơi các vị, tôi đã học biết khi nào phải rút lui và phải rút lui cách nào, không phải để trông thấy cảnh sức lực xuống dần và cô đơn ngày càng đè nặng, rồi cảm thấy mình trở thành vô ích, bị gạt bỏ ngoài lề hay trở thành một gánh nặng cho người khác, nhưng để chu toàn một nhiệm vụ mới, phù hợp hơn, dấn thân hơn, và có tính cách đặc sủng hơn. Công việc giảm bớt dần hoặc thay đổi, nhưng tình yêu luôn lớn mạnh. Và niềm Hy Vọng rạng rỡ tới gần như Thánh Phaolô khẳng định: "Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa công chính mà Chúa là Ðấng phán xét dành cho tôi" (2Tm 4,8).

Liên quan tới điểm này Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta lời đầy khích lệ và Hy Vọng: "Với anh em là người rất thân thiết của tôi trong chức Linh Mục và Giám Mục, vì hạn tuổi anh em đã phải bỏ trách nhiệm thừa tác mục vụ trực tiếp nhưng Hội Thánh vẫn còn cần anh em. Hội Thánh đánh giá cao những công tác phục vụ mà anh em còn cảm thấy có thể làm được trong nhiều lãnh vực tông đồ khác nhau. Hội Thánh tin tưởng nơi phần đóng góp của anh em qua lời cầu nguyện liên lỉ, chờ đợi các lời khuyên già dặn kinh nghiệm cụ thể của anh em, và chứng tá cho Tin Mừng mà anh em sống hằng ngày làm giàu cho Hội Thánh" (Thư gửi người già, s.13).

Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng Giám Mục Hà Nội, vị Hồng Y tiên khởi của Việt Nam, đã không được phép đi viếng thăm và ban Bí Tích Thêm Sức trong các giáo xứ. Vì thế, trong vòng 20 năm liên tiếp, hằng ngày Ngài lên trên sân thượng của tòa Tổng Giám Mục để lần hạt Mân Côi và cầu nguyện cho các tín hữu. Mười năm sau khi Ngài qua đời, lúc được trả tự do, tôi rất cảm động khi nhìn thấy một dấu hình bầu dục do vết chân Ngài đi qua đã để lại trên sân thượng: đó là dấu vết đức tin của một vị chủ chăn già. Rất nhiều lần tôi đã nghĩ tới lời của Ðức Gioan XXIII viết cho một giám mục: "Giờ đây nhiệm vụ của đức cha đã thay đổi đối với Hội Thánh: đức cha phải cầu nguyện cho Hội Thánh. Và điều đó cũng quan trọng không kém công việc làm".

 

Tật bệnh

"Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là lao nhọc, khổ đau,

chúng qua mau và chúng con đã khuất" (Tv 90 (89),10).

Trong cuộc sống, ngoài tuổi già được xem như "bệnh tự nhiên", còn có các tật nguyền, bệnh hoạn có thể xảy đến cho mọi lứa tuổi. Trong lãnh vực này, một cách nào đó, tôi cũng đã từng kinh nghiệm qua. Sau thời gian bị cầm tù, tôi đã bị giải phẫu 5 lần, trong đó có hai lần suýt chết vì bị nhiễm trùng nặng.

Ðể có thể hiểu vai trò của tật bệnh trong chương trình của Thiên Chúa, chúng ta phải đề cao giá trị của thân xác con người.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nhận định rằng: "Thân xác con người là thánh thiêng... Phải, vì có Chúa ngự trong thân xác... Còn hơn thế nữa, khi ơn Chúa thánh hóa con người, thân xác không chỉ là dụng cụ và cơ phận của linh hồn, mà còn là đền thờ bí nhiệm của Chúa Thánh Thần nữa... Một quan niệm mới về thân xác con người rộng mở trước mắt chúng ta... quan niệm này không có gì nghịch lại với những khám phá của khoa sinh vật học... nhưng những khám phá này làm cho quan niệm đó trở thành hấp dẫn, mới mẻ không phải do khoái cảm hay vẻ đẹp gợi ý ra, nhưng được tình yêu thương của Chúa Kitô soi dẫn" (Giáo huấn của Ðức Phaolô VI, I (1963) tr.141).

 

Làm nổi bật giá trị của những thử thách thể xác và tinh thần

"Chính tình yêu Kitô giáo mang lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, cả khi tật nguyền bệnh hoạn lấy mất đi sự toàn vẹn của thân xác. Bởi vì trong chúng ta có một sự sống, sự sống siêu nhiên không bị điều kiện hóa bởi tình trạng sinh vật hay thể lý, nhưng do tình yêu thương mà chúng ta có thể cho đi. Ðức Gioan Phaolô II đã nói với các bệnh nhân: "Thưa anh chị em, như Chúa Kitô trên Thập Giá, anh chị em thật mạnh mẽ". Ðúng vậy, bởi vì sức mạnh của chúng ta ở nơi Ðức Kitô chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Vì thế khi chúng ta yếu đuối lại là lúc chúng ta mạnh mẽ nhất.

Tôi đã sống kinh nghiệm này trong tù. Khi tôi sống những giờ phút khổ đau tột cùng trên thân xác và trong tinh thần, tôi nghĩ tới Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Dưới con mắt loài người, cuộc sống của Ngài là một thua cuộc, tuyệt vọng, thất bại. Bị bất động hoàn toàn, Ngài không còn có thể gặp gỡ người ta, chữa lành tật bệnh, giảng dạy... nữa. Nhưng trước mặt Thiên Chúa giây phút đó lại quan trọng nhất, bởi vì chính ở đó Ngài đã đổ máu để cứu chuộc nhân loại.

Vào Ngày Năm Thánh dành cho Các Bệnh Nhân, Ðức Gioan Phaolô II đã nói với họ: "Mỗi một người trong anh chị em được mời gọi bước qua ngưỡng Cửa Năm Thánh, là Cửa của sự sống, Cửa của ơn cứu độ, là chính Chúa Giêsu". Và Ðức Thánh Cha đã nhắc lại rằng khổ đau là một phần của mầu nhiệm cuộc sống con người trên trái đất này. "Chìa khóa để có thể hiểu chương trình của Thiên Chúa là Thập Giá Chúa Kitô... Ai biết tiếp nhận kinh nghiệm khổ đau được đức tin soi dẫn này trong cuộc sống, khổ đau đó sẽ trở thành suối nguồn trao ban Hy Vọng và ơn cứu độ" (Bài giảng Ngày Năm Thánh các Bệnh Nhân và Nhân Viên Y Tế, trong: Quan Sát Viên Rôma 12-2-2000).

 

Sự chết

"Với lòng cậy trông khiêm tốn và an bình" (Ðức Phaolô VI).

Tư tưởng thanh nhàn thư thái liên quan tới sự chết đã luôn luôn đồng hành với Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Bản thảo tờ di chúc thiêng liêng đầu tiên của Ngài được viết ra năm 1925, năm Ngài được chỉ định làm giám mục, tức 38 năm trước khi qua đời.

Còn di chúc của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI được viết ra ngày 30 tháng 6 năm 1965, 13 năm trước khi Ngài tạ thế.

Hai vị Giáo Hoàng lớn này đã nêu gương đức tin cho chúng ta khi hướng mắt nhìn về mầu nhiệm của sự chết và những gì xảy ra theo sau đó dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Kitô. (Di chúc của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, s. 1, trong: Quan Sát Viên Rôma 12-8-1978).

Có hai thời điểm then chốt trong cuộc sống con người: ngày sinh và ngày chết. Cuộc đời dương thế bắt đầu khi sinh ra và hoàn tất khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa thời gian để tiến về vĩnh cửu. Giây phút này luôn luôn đi kèm với những cảm xúc đặc biệt và mạnh mẽ.

Cái chết là điều nghiêm chỉnh nhất trong cuộc sống và là thử thách lớn nhất, quyết liệt nhất trong các thử thách: nó là tột đỉnh của cuộc sống chúng ta, là của lễ cuối cùng mà chúng ta có thể dâng cho Thiên Chúa, ở đây trên trái đất này. Chúng ta tin chắc rằng đến giờ phút này chúng ta cũng sẽ được trợ giúp như Thánh Giuse đã được Chúa Giêsu và Ðức Mẹ trợ giúp.

Quan niệm Kitô giáo về giây phút lìa đời được diễn tả một cách rõ ràng trong một Kinh Tiền Tụng của phụng vụ an táng: "Ðối với tín hữu Chúa thì sự sống không bị lấy đi nhưng được biến đổi. Và trong khi ngôi nhà ở chốn lưu đày trên trần gian này bị hủy diệt, thì ngôi nhà vĩnh cửu được sửa soạn trên Trời".

Trong văn hóa Việt Nam có câu ngạn ngữ này: "Sinh ký, tử quy", "Sống gửi, thác về". Chính vì thế nên tại quê hương tôi, người chết thường được chôn trước ngọn núi, như thể là từ đỉnh núi họ sẽ được lên trời như Chúa Giêsu đã lên trời.

 

Sống vì giờ ấy

Qua tột đỉnh của cuộc sống với cuộc khổ nạn và cái chết, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy con đường phải đi theo để lên Trời. Ngài đã bước đi trước trên con đường dẫn lên Núi Sọ. Ngài đã không lựa chọn con đường nào khác để hoàn tất công trình cứu chuộc. Khi ở trần gian Ngài đã chữa lành bệnh nhân, rao giảng Tin Mừng, thành lập Hội Thánh, và nhất là đã sống cho "giờ" của Ngài, khi bị treo trên Thập Giá để kéo mọi người lên với Ngài (x. Ga 12,32). Chính trong "giờ" đó, Ngài đã hoàn thành công trình cứu độ.

Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta phải sống cho "giờ phút ấy" của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có "giờ" của mình và phải sống trong thái độ đợi chờ và hiến dâng "giờ" ấy ngay tự bây giờ, cho các mục đích mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn đang trong thời kỳ trai tráng, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.

Ðó là "giờ" xinh đẹp nhất, "giờ" của sự sống chứ không phải của sự chết. Ðó là lúc gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ trông thấy Ngài. Ngài đứng đó chờ đợi chúng ta và cùng với Ngài chúng ta cũng sẽ gặp Mẹ Maria. Vì thế, nên khi còn sống đã biết bao nhiêu lần chúng ta cầu khẩn Mẹ để xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta: "cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử". Mẹ sẽ tiếp đón chúng ta như một Hiền Mẫu yêu thương và dẫn đưa chúng ta là con cái dấu yêu của Mẹ đến với Thiên Chúa Cha.

 

Giờ phán xét đầy nhân từ

Trong bài suy niệm thứ hai tôi đã trình bày năm khuyết điểm của Chúa Giêsu. Giờ đây tôi thêm khuyết điểm thứ sáu: nếu làm giáo sư, Chúa Giêsu chắc chắn sẽ bị bộ giáo dục sa thải. Bởi vì Ngài đã tiết lộ đề thi cuối cùng cho thí sinh. Và còn hơn thế nữa, Ngài cho biết trước kiểu cách thi: "Con Người sẽ đến trong vinh quang... Tất cả mọi dân tộc trên trái đất sẽ được tụ tập trước mặt Ngài và Ngài... sẽ để kẻ lành một bên, kẻ dữ một bên" (x. Mt 25,31-33). Ðề tài của ngày phán xét sẽ là tình yêu thương: "Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta!" (c. 40).

Nhưng Chúa Giêsu không những chỉ có tội đã tiết lộ đề thi, mà còn phạm lỗi đã đơn giản hóa đề thi nữa, vì Ngài tóm tắt mười điều răn thành lại một: yêu thương: "Hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân".

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là thầy, là thẩm phán và là phần thưởng của con! Con không còn sợ bị Chúa xét xử nữa, nhưng con khát khao được gặp vị thẩm phán của con là Ðấng tốt lành, quảng đại, và quá nhân từ.

"Lạy Chúa Giêsu, xin hãy là niềm vui của chúng con,

Chúa là phần thưởng tương lai,

ước chi vinh quang của chúng con ở nơi Chúa,

từ nay cho đến mãi muôn đời".

(Thánh thi Lạy Chúa Giêsu là ký ức dịu ngọt).

 

Hành động cuối cùng của tình yêu

Tôi muốn kết luận bài suy niệm này với hai chứng từ:

Tôi còn nhớ câu chuyện kể lại giây phút cuối đời của linh mục Giuse Lagrang dòng Ðaminh, người sáng lập Trường Kinh Thánh Giêrusalem. Cha đã nêu gương can đảm, khiêm tốn và tin tưởng trong thử thách. Cha đã bị hôn mê trong một thời gian thật lâu. Bất thình lình, cha ngồi bật dậy trên giường, mở lớn mắt và giơ hai tay lên trời miệng kêu lên "Giêrusalem, Giêrusalem", trước sự kinh ngạc của anh em cùng dòng. Như thể là cha đã trông thấy thành Giêrusalem thiên quốc. Thế rồi cha từ từ nhắm mắt, nghiêng đầu và tắt thở.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI thì viết trong di chúc của Ngài như sau: "Vì thế trước cái chết, trước sự chia lìa hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi đời này, tôi cảm thấy có bổn phận phải ca tụng ơn thánh, sự may mắn, vẻ đẹp, và vận mệnh của cuộc sống ngắn ngủi mau qua này: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban sự sống cho con, và còn hơn thế nữa, đã cho con làm người Kitô hữu, đã tái sinh con và dành để cho con cuộc sống sung mãn... Con cảm thấy Hội Thánh vây quanh con: ôi Giáo Hội thánh thiện, duy nhất, Công giáo và tông truyền. Xin hãy đón nhận cử chỉ tình yêu dâng hiến tột đỉnh này cùng với lời chào chúc lành của con".

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page