Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 11 -

Bài Suy Niệm thứ mười một

Làm Sao Phân Rẽ Ðược Thân Xác?

Ðể thế gian tin

 

Tôi vẫn còn như trông thấy trước mắt buổi cử hành đại kết mở Cửa Thánh tại Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành với sự tham dự của nhiều nhân vật lãnh đạo thuộc các Giáo Hội khác nhau.

Tôi trông thấy Ðức Thánh Cha quỳ trên ngưỡng Cửa Thánh cùng với Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Athanasios và Ðức Tổng Giám Mục Canterbury George Carey. Tôi thấy các vị nâng cao sách Tin Mừng hướng về bốn phương của trái đất. Tôi thấy các vị chúc bình an cho nhau.

Và tôi nhớ đến tiếng hô to của đám đông gồm các tín hữu Công giáo, Chính thống và Tin lành ở Bucarest hồi tháng 5 năm ngoái (1999), khi Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Thượng Phụ Teocist tặng chén thánh cho nhau: "HIệp nhất, hiệp nhất".

Con đường lôi cuốn tới sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Kitô giáo là một ưu tiên của Năm Thánh. Chúng ta biết điều đó vừa khó khăn vừa cấp thiết chừng nào! Chúng ta biết rằng chỉ có sự hoán cải của con tim, chỉ có sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, mới có thể làm được phép lạ đó. Vì thế nên tôi muốn dành bài suy niệm hôm nay cho cuộc đối thoại đại kết.

 

Tiếng kêu thét của Ðức Giêsu

Khi nhìn thấy sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, tôi nghĩ tới Thân Thể của Chúa Kitô. "Một thân thể có thể bị chia rẽ sao? Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Kitô có thể bị chia rẽ sao?" Ðó đã là câu hỏi rung động phát xuất từ con tim của Ðức Thánh Cha tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, giống như một tiếng kêu, một tiếng kêu cầu khẩn. Tôi cảm nhận trong câu hỏi đó sự kinh hãi của Thánh Phaolô trước các chia rẽ của cộng đoàn Côrintô: "Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm sẽ bẩy rồi ư?" (1Cr 1,13). Và tôi nghe thấy trong câu hỏi đó tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

"Lạy Cha, ước gì chúng nên một, để thế giới tin" (x. Ga 17,21) đã là lời cầu tha thiết của Ngài. Xuống trần gian Ngài đã khơi dậy Giáo Hội như "dân được quy tụ bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (x. LG 4). Với ơn Bí Tích Thánh Thể Ngài đã biến Giáo Hội trở thành Thân Thể của Ngài. Với việc gửi Chúa Thánh Thần, Ngài đã rèn luyện nên dụng cụ để kết hiệp tất cả mọi người trong một gia đình duy nhất: "Trong Chúa Kitô Giáo Hội như là một Bí Tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn nhân loại" (LG 1).

Nhưng vì các biến cố buồn thương của lịch sử và sự yếu đuối của con người, của những người đã "được rửa tội trong cùng một Thần Khí để làm thành một thân thể duy nhất" (1 Cr 12,13) lại chia rẽ nhau.

Dụng cụ của sự hiệp nhất lại không hiệp nhất: đó là vết thương của Hội Thánh, đó là vết thương của Ðức Kitô! Như thế làm sao sứ điệp của Tin Mừng có thể gây ảnh hưởng được? Và với các giả thiết này làm sao có thể khâu vá vết rách của chủ thuyết tục hóa và chủ thuyết vô thần khiến cho hàng triệu người trong các vùng đất của truyền thống Kitô giáo cổ kính, sống như thể không có Thiên Chúa?

Theo viễn tượng của Công Ðồng Chung Vatican II, chúng ta được mời gọi làm tiên tri và men hiệp nhất giữa lòng nhân loại. Nhưng làm sao chúng ta có thể chu toàn được sứ mệnh này một cách hữu hiệu nếu chúng ta có chia rẽ? Và làm sao chương trình của Thiên Chúa đối với lịch sử có thể tiến triển được, có thể thắng vượt được các chênh lệch kinh tế khủng khiếp nhận chìm hằng tỷ người trong cảnh bần cùng tuyệt đối nhất, có thể hủy bỏ cái luận lý của quyền lực và lợi lộc luôn làm nảy sinh ra các cuộc chiến mới tàn khốc? Cũng vậy, làm sao có thể hiệp nhất các khác biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo nếu Kitô hữu chúng ta, nếu Giáo Hội của Ðức Kitô rõ ràng không là mẫu gương của sự hiệp nhất?

Tôi nghe thấy trong tất cả các câu hỏi này tiếng kêu thét của Ðức Giêsu: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?" hay "Ta khát". Ta khao khát trông thấy Thần Khí của Ta, Thần Khí của tình yêu tự do di chuyển trong khắp mọi phần của Thân Mình; Ta khao khát trông thấy những người đã được rửa tội quy tụ thành dụng cụ của sự hiệp nhất; Ta khao khát trông thấy hoa trái sự hiến dâng của Ta: đó là Giáo Hội hiệp nhất!

"Hiệp nhất, hiệp nhất" người dân đã kêu lên tại Bucarest. Và Ðức Gioan Phaolô II đã kêu lên tại Ðền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành: "Cám ơn tiếng nói đó, cám ơn tiếng nói ủi an của các anh chị em chúng ta. Có lẽ chúng ta cũng có thể kêu lên như họ khi ra khỏi đền thờ này: "Hiệp nhất".

 

Hy Vọng trong tuyệt vọng

Một vị Giám mục có kinh nghiệm trong lãnh vực này đã nói: "Người ta bước vào trong cuộc đối thoại đại kết với nhiều Hy Vọng, và Hy Vọng trong tuyệt vọng".

Trong Tông Thư "Ngàn Năm Thứ Ba" công bố hồi năm 1994, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên ước vọng rằng các Kitô hữu: "vào dịp năm Thánh nếu không hiệp nhất hoàn toàn với nhau, thì ít ra cũng gần thắng vượt được các chia rẽ của Ngàn Năm Thứ Hai" (s. 34). Mặc dầu các viễn tượng của cuộc đối thoại đại kết, nói một cách nhân loại, chưa phải là tốt đẹp nhất và cũng có thể, một cách bi quan hơn, chính trong các năm đó lại có thêm những chướng ngại mới cản trở sự hiệp thông hữu tình trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Nhưng sự hiệp nhất là công trình của Chúa Thánh Thần".

Thần học gia Max Thurian là người đã làm việc lâu năm trong Hội Ðồng Ðại Kết Các Giáo Hội kể lại rằng, trong một lúc khó khăn, có người xin ông đừng nản chí, thì ông trả lời: "Nản chí, không bao giờ! Phải tiến tới, mỗi người trong phận vụ của mình, với sự nghiêm chỉnh và lòng trung thành. Và khi một người không ngờ tới nhất mở ra một kẽ hở nào đó, lịch sử sẽ nhảy được một bước thật xa".

Chính trên ngưỡng cửa của Năm Thánh đã có một vài biến cố khiến cho chúng ta Hy Vọng vào một bước nhảy vọt này.

Ngày 31 tháng 10 năm ngoái (1999), giữa tiếng reo vui của dân chúng và sự cảm động của giới hữu trách, Tuyên ngôn chung liên quan tới giáo lý về Công Chính Hóa đã được hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành Luther ký kết tại thành phố Augsburg. Nhiều người hiện diện đã bày tỏ cảm tưởng như sau: "Ðối với tôi hình như Chúa Thánh Thần bay là là trên Hội nghị này và sức nặng của sự chia rẽ được giảm bớt; chưa bao giờ tôi lại cảm nghiệm được một niềm hạnh phúc như thế!"

Cả với các Giáo Hội Ðông Phương cũng đã có các bước tiến ý nghĩa. Sau chuyến viếng thăm không quên được tại Rumani, hồi tháng mười một năm ngoái (1999), Ðức Gioan Phaolô II đã có thể viếng thăm Giáo hội Chính thống tại Georgia. Và vào những ngày đầu tháng mười hai, các Giáo Hội hiện diện tại Thánh Ðịa đã cùng nhau mở Năm Thánh tại Bêlem, với một sự tham dự đông đảo chưa từng thấy.

Ít ngày sau đó việc nghiên cứu gương mặt của Gioan Hus, được các Giáo hội Tchèques khởi sự, đã đạt cao điểm với một Hội nghị tổ chức tại Ðại Học Giáo Hoàng Latêranô: đây là giai đoạn quan trọng thanh tẩy ký ức, trao ban Hy Vọng cho sự kết hiệp trọn vẹn giữa các Kitô hữu của quốc gia này.

Thế rồi tới cuộc gặp gỡ lịch sử tại Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành quy tụ đại diện các Giáo Hội khác nhau trên thế giới, đông đảo nhất từ Công Ðồng Chung Vatican II cho tới nay. Ðức Tổng Giám Mục Athanasios sau đó đã bình luận: "Tất cả chúng ta đều phải lập lại cử chỉ đó: hoán cải con tim" (Phỏng vấn trên đài truyền hình SAT 2000 ngày 19-1-2000). Còn Ðức Tổng Giám Mục George Carey thì tuyên bố: "Tôi được khích lệ rất nhiều và tiến tới" (Ibd).

Ít ngày trước Tuần Tĩnh Tâm này chúng ta đã say mê theo dõi chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha bên Ai Cập. Cảm động và thân thiết biết bao đối với toàn thể Kitô giáo và thế giới khi Ðức Giáo Chủ Shenouda III nói với Ðức Thánh Cha: "Thưa Ðức Thánh Cha, chúng tôi yêu mến Ngài" và câu trả lời của Ðức Gioan Phaolô II đáp lại: "Chúng tôi cũng yêu mến anh em" (Quan Sát Viên Rôma 27-2-2000, tr.4-5).

Sau cùng, việc can đảm xưng thú các lỗi lầm gây tổn thương đến sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô do Ðức Thánh Cha chủ sự vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay năm nay (2000) gây tiếng vang rộng lớn trên toàn thế giới.

 

Hy sinh vì hiệp nhất

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên lỷ nhắc nhớ cho chúng ta rằng trong nỗ lực của cuộc đối thoại đại kết "không được để mất thời giờ". "Vào đầu một thế kỷ mới và một ngàn năm mới đang đề ra những thách đố cho gia đình nhân loại... chứng tá chung này là điều thật quan trọng" (Ibid).

Tuy nhiên, theo thước đo của loài người, con đường tiến tới sự hiệp thông hữu hình toàn vẹn của tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội giờ đây xem ra còn dài.

Tôi nhớ tới một giai thoại mà Thầy Roger Schutz đã kể cho tôi nghe tại Taizé. Hồi đó Thầy viếng thăm Constantinople. Thầy nói: "Khi chúng tôi từ giã Ðức Thượng Phụ Atenagora, thì bất ngờ Ðức Thượng Phụ lại tiến về phía tôi một lần nữa. Rồi Ngài giơ hai tay lên như nâng một chén thánh với đôi mắt sáng rực như lửa và một giọng nói cảm động. Ðức Thượng Phụ nói với tôi: đây là sự hiệp nhất!"

Và tôi nhớ tới sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục Carey mới đây tại Rôma. Ngài đã tâm sự với tôi: "Mỗi khi tôi viếng thăm các hang tọa đạo, tôi cảm thấy gần gũi các Tông Ðồ, tôi sống lại bầu khí của Giáo Hội thời khai sinh". Và Ðức Tổng Giám Mục Carey đã bầy tỏ lòng kính phục rất lớn đối với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như niềm hoài mong về sự hiệp thông trọn vẹn.

Nhưng phải dựa vào đâu để đạt tới đích điểm lớn lao và xem ra khó khăn như thế?

Thách đố lớn về sự hiệp nhất các Giáo hội đòi hỏi chúng ta đào sâu thêm ý nghĩa cao vời của Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Chúa Giêsu, trong lúc bị bỏ rơi xem ra đã mất đi sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha và với loài người, là hình ảnh của sự chia rẽ hiện nay giữa các Giáo hội. Khi khám phá ra gương mặt của Chúa trong vết thương chia rẽ đó và yêu thương Chúa say mê trong hoàn cảnh buồn thương này, chúng ta có thể tìm ra sức mạnh để không trốn chạy khổ đau và khó khăn ghi dấu con đường dẫn đến sự hiệp thông toàn vẹn. Hiệp nhất với Ngài trên Thập Giá, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để đương đầu với chúng.

Cùng với Ngài bước qua Cửa Thánh của Thập Giá, chúng ta cũng có thể tìm ra con đường giúp chữa lành các vết thương của Thân Thể Chúa. Chính trong lúc sống kinh nghiệm sự chia rẽ thẳm sâu nhất Chúa đã sinh ra Giáo Hội. Chính khi cùng Ngài dừng lại nơi vết thương chia rẽ với tình yêu thương vô bờ, chúng ta cũng có thể là dụng cụ của sự hiệp nhất. Trong yêu thương ngút ngàn, Ngài dạy chúng ta con đường dẫn tới sự tràn đầy: trong sự hạ mình triệt để và trong sự lột bỏ mọi của cải giầu sang, Ngài chỉ cho chúng ta thấy cung cách và mức độ yêu thương dẫn tới sự hiệp nhất.

Hiệp thông với Ngài là con đường giúp chúng ta:

- Thắng vượt mọi tự mãn và tiếp nhận nhau,

- Mở ra các cánh cửa dường như đóng kín luôn mãi,

- Nhận biết các lỗi lầm và tha thứ cho nhau,

- Yêu thương nhau với tình mến "che lấp tất cả, tin tưởng tất cả, Hy Vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1Cr 13,7).

Ngày 18 tháng Giêng năm 2000 trích lại Thông điệp "Ut unum sint" (s.102), Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành: "Ngưỡng vọng hiệp nhất đi song song với khả năng 'hy sinh' sâu thẳm". Và Ngài giải thích: "Chấp nhận hy sinh của sự hiệp nhất có nghĩa là thay đổi cái nhìn của chúng ta, rộng mở chân trời của chúng ta, biết nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần tác động nơi các người anh em, khám phá ra các gương mặt mới mẻ của sự thánh thiện, và vươn tới những hình thức dấn thân còn chưa được biết tới". (Quan Sát Viên Rôma 19-1-2000, tr.7).

 

Hoán cải tâm linh

Cùng với toàn thể Hội Thánh tôi muốn cảm tạ Thiên Chúa về ơn hiệp nhất mà Chúa Giêsu chịu đóng đanh đã ban cho chúng ta. Và cùng với tất cả mọi người tôi muốn bước theo chân Ngài, sẵn sàng hoán cải con tim là nền tảng của "cuộc đối thoại đại kết đích thực".

Các lời sau đây của Ðức Thượng Phụ Atenagora đã đánh động tôi rất nhiều. Người nói:

"Cần phải thành công trong việc giải giáp chính chúng ta.

Cuộc chiến này tôi đã tham dự trong biết bao nhiêu năm trời.

Thật là khủng khiếp. Nhưng giờ đây, tôi tự hạ khí giới.

Tôi không còn sợ hãi bất cứ điều gì nữa, bởi vì "tình yêu đánh đuổi sợ hãi".

Tôi vứt bỏ khí giới muốn chiến thắng, khí giới biện minh cho tôi mà làm thiệt thòi người khác.

Tôi không còn ở trong tình trạng báo động, khư khư bám lấy các thứ của cải giầu sang của mình nữa.

Tôi tiếp nhận và chia sẻ.

Tôi không đặc biệt chú ý tới các tư tưởng và các dự tính của tôi nữa. Nếu có các đề nghị tốt hơn được đưa ra, tôi sẵn sàng chấp nhận ngay. Mà dù không tốt hơn, thì tốt thôi cũng được rồi. Các bạn biết không, tôi đã khước từ sự so sánh...

Ðiều gì tốt lành, chân thật và thực tế, dù bất cứ ở đâu, cũng là điều tuyệt hảo đối với tôi. Vì thế tôi không sợ hãi nữa.

Khi không chiếm hữu gì nữa, người ta không còn sợ hãi nữa. "Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô?" (...)

"Nhưng nếu chúng ta hạ hết khí giới xuống, nếu chúng ta từ bỏ chính mình, nếu chúng ta rộng mở cho Thiên Chúa làm người, Ðấng đổi mới mọi sự, khi đó chính Ngài sẽ xóa bỏ quá khứ gian ác và tái lập cho chúng ta một thời kỳ mới, trong đó mọi sự đều có thể" (Atenagora, Giáo Hội Chính Thống và tương lai đại kết. Ðối thoại với Olivier Clément, Morcelliana Brescia 1995, tr.209-211).

Một thời kỳ mới: thời của hiệp nhất. Một thời kỳ trong đó Chúa Kitô chịu đóng đinh sẽ trông thấy hoa trái tràn đầy của việc Ngài hiến tế. Một thời kỳ trong đó chúng ta có thể nói với những người nghĩ rằng họ còn đang bị vùi lấp dưới hố sâu chia rẽ của các Kitô hữu: "Người không ở đây. Người đã sống lại rồi!" (x. Mt 28,6).

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói: "chúng ta không tìm biết ai có lý ai sai, nhưng chỉ tìm những gì kết hiệp chúng ta".

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page