Quan Niệm của Phật Giáo
Về Cái Chết

Nguyễn Chính kết, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


VIỆC ÐỘ VỌNG

Phật Giáo cũng như Kitô Giáo đều cho rằng người sống có thể giúp đỡ người chết thoát khỏi cảnh khổ của họ, hay giảm bớt đau khổ cho họ. Tuy nhiên, việc độ vọng của người Phật Tử được xây dựng trên cơ sở rất khác với Kitô Giáo. Chúng ta thử tìm hiểu việc độ vọng của họ.

Trong Phật Giáo, không có chỗ đứng cho một Thiên Chúa sáng tạo, một Thiên Chúa điều khiển và chi phối mọi sự. Tất cả đều xảy ra theo qui luật của vũ trụ. Một người bị rơi vào địa ngục hay đầu thai vào cảnh giới nào, hoàn toàn không do một Ðấng Tối Cao nào phán xét và định đoạt cả. Cũng y như một người xử dụng dao không khéo bị cắt đứt tay, hay một người ích kỷ bị mọi người ghét, một người vui vẻ được nhiều người thương. Ðó là luật nhân quả tác động một cách khách quan như bao định luật khác. Việc cứu độ những vong linh người chết cũng chỉ dựa vào định luật, không thể cầu khẩn ai được cả. Cũng như muốn cứu một người bị điện giật, bị bệnh ung thư... điều quan trọng là có biết cách cứu hay không, có biết những định luật về điện, về bệnh tật hay không. Ðịnh luật có nhiều thứ: vật lý, tâm lý, siêu vật lý, siêu tâm lý...

Khi Phật Tổ còn sinh tiền, Ngài có dạy Mục Kiền Liên cách cứu mẹ ông là bà Thanh Ðề thời ấy đang bị đọa địa ngục. Phật đã áp dụng sức mạnh của chú nguyện. Chú là chú ý tập trung tư tưởng hay năng lực tinh thần vào, và nguyện là cầu mong, ước muốn. Chú nguyện là tập trung hết năng lực tinh thần của mình để ước muốn điều gì. Phật dạy Mục Kiền Liên thỉnh các chư tăng là những người có năng lực tinh thần rất mạnh đến chú nguyện cho bà Thanh Ðề để tác động vào tâm địa của bà, khiến bà thay đổi tâm địa, từ tâm ích kỷ bỏn xẻn độc ác thành tâm vị tha quảng đại từ bi. Tâm thay đổi thì sướng khổ cũng thay đổi theo: "Tội tùy tâm sinh, tội tùng tâm diệt" và "Khổ tùy tâm sinh, khổ tùng tâm diệt". Nhờ vậy bà thoát khỏi cảnh địa ngục, sinh vào cảnh giới lành. Không có thần linh nào can thiệp vào chuyện của bà cả.

Vậy, việc độ vọng của Phật Giáo là dùng sức mạnh tinh thần của người chú nguyện ảnh hưởng trực tiếp tới tâm địa của người đang bị đau khổ để trợ thêm sức lực tâm linh cho họ hầu họ thay đổi tâm địa từ xấu thành tốt, nhờ vậy họ thay đổi được số phận. Ngay cả những người đang sống đây cũng có thể nhờ những người có năng lực tinh thần mạnh hơn để chú nguyện cho mình. Những người có năng lực để nhờ đó có thể là những người cùng sống, mà cũng có thể là những vị Phật hay Bồ Tát sống một cõi nào đó. Việc cầu siêu chính là nhờ những vị ấy chú nguyện dùm, để những người đã chết đang ở cảnh giới nào đó được siêu thoát khỏi khổ cảnh.

Như đã nói ở trên, Phật Giáo nguyên thủy chủ trương ngay khi chết là tái sinh sang đời sống mới liền. Nhưng nhiều nơi chủ trương chỉ những người có nghiệp mạnh, tốt hoặc xấu, mới được hoặc bị những cảnh giới thích hợp thu hút ngay. Còn những người có nghiệp yếu thì thức tái sinh, tức a-lại-da thức, chưa đi đầu thai ngay, mà còn ở trong cõi trung ấm, dùng năng lực tư tưởng tự tạo cho mình một thân xác bằng chất liệu của cõi đó, còn quyến luyến với kiếp sống cũ. Nhưng họ chỉ có thể ở tình trạng này tối đa 49 ngày. trong thời gian này, nếu họ có một tư tưởng nào mạnh, thì họ sẽ được hoặc bị rút về cảnh giới tương ứng với tư tưởng đó. Vì thế, trong thời gian 49 ngày, thân nhân của người quá cố thường thỉnh các vị tăng từ bậc đại đức trở lên tới chú nguyện cầu siêu cho người chết, dùng sức mạnh tinh thần của mình làm cho người quá cố đang ở cõi trung ấm phát tâm tốt đẹp để được sinh vào cảnh giới lành.

Trước nghi án (bàn thờ) với hương hoa đăng đèn đầy đủ, các vị tăng vừa tụng kinh A-Di-Ðà, hoặc kinh Ðịa-Tạng, vừa đánh chuông gõ mõ. Hai kinh này không phải là những lời cầu nguyện xin một vị thần linh nào, mà là những bài thuyết giảng của Phật Tổ về cảnh giới Phật A-Di-Ðà, một cảnh giới hết sức tốt đẹp (một cảnh của Thiên). Người chết nghe kinh này sẽ có những tư tưởng tốt đẹp, người đọc kinh cũng theo kinh mà có những tư tưởng tốt đẹp hầu tăng năng lực cho những tư tưởng tốt đẹp của người chết. Ngoài ra còn đọc thêm "chú vãng sanh", tạo những âm thanh có sức mạnh để ảnh hưởng đến tư tưởng người chết. Sau nghi thức tụng niệm đó, người nhà có thể làm một việc phúc đức nào đó tại nhà như: phát kinh Phật để truyền bá Phật Pháp, hoặc dâng tiền để in kinh, hoặc phóng sinh (thả chim, cá... trả tự do cho chúng)... để tạo sức mạnh tốt đẹp ảnh hưởng đến tư tưởng người chết. Toàn bộ nghi thức độ vọng đều mang ý nghĩa: phải có tư tưởng tốt đẹp mới có tương lai tốt đẹp. Ðiều đó cũng rất phù hợp với định luật tâm lý.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page