Quan Niệm của Phật Giáo
Về Cái Chết

Nguyễn Chính kết, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


THUYẾT LUÂN HỒI

Luân là bánh xe, Hồi là trở lại. Vì bánh xe quay, nên các điểm trên bánh xe sẽ phải dời đi chỗ khác, nhưng rồi sẽ có lúc phải trở về vị trí cũ, cứ đi rồi lại trở về như vậy hoài. Như vậy, luân hồi cũng có nghĩa như chu kỳ. Hiện hữu của con người là một chuỗi vô tận những kiếp sống, mỗi kiếp đều khởi đầu bằng việc sinh ra và kết thúc bằng việc chết đi. Sinh tử, tử sinh liên tục nối tiếp nhau như cái bánh xe cứ quay hoài quay mãi không ngừng.

Luân hồi không phải là thuyết đặc trưng của Phật Giáo, vì trước khi Phật Giáo ra đời thì thuyết luân hồi đã được lưu hành trong Ấn Giáo và Kỳ Na Giáo. Ðức Phật đã dùng thuyết luân hồi sẵn có trong hai tôn giáo này, đồng thời bổ túc củng cố thêm, để giải thích về số phận con người ngoài kiếp sống này. Ðức Phật dạy rằng nếu người ta có trí tuệ thanh tịnh sáng suốt, họ có thể nhớ được các tiền kiếp của mình. Chính Ngài có thể nhớ lại hằng hà sa số kiếp của Ngài cũng như của bao người khác. Ngài đã kể ra rất nhiều kiếp trước của Ngài và của một số người khác với đầy đủ tình tiết như khi kể về một số người rất quen biết.

Kinh Trung A Hàm viết: "Như Lai đã nhớ lại nhiều kiếp sống trong quá khứ như sau: trước hết một kiếp, rồi 2 kiếp, rồi 3, 4, 5, 20, đến 50, rồi 100, 1000, 100,000 kiếp, v.v..."

Kinh này kể lại: Chính trong đêm Phật Tổ đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, lúc canh một, Ngài đắc Túc Mạng Minh là trí tuệ biết rõ những kiếp sống quá khứ. Sang canh hai, Ngài đắc Thiên Nhãn Minh, nhận thấy chúng sinh chết từ kiếp sống này tái sinh vào kiếp sống khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng "kẻ hèn người sang, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khổ, chúng sinh cứ chết rồi tái sinh, tùy theo hành vi tạo tác của mỗi người".

Mặc dù trong Ấn Giáo và Kỳ Na Giáo đã có thuyết luân hồi, nhưng Phật không dựa vào đó, chỉ dựa trên kinh nghiệm và nhận thức của mình, tuy siêu phàm, nhưng ai cũng có thể đạt được nếu tu tập trau giồi đúng mức. Túc sinh truyện có ghi lại các tiền kiếp của Ðức Phật. Kinh Trung A-Hàm và Tăng-Nhất A-Hàm thỉnh thoảng cũng đề cập đến những kiếp sống quá khứ của Phật.

Kinh Ðại Niết-Bàn ghi lại: Một hôm, Ðại Ðức Ananda hỏi Ðức Phật về số phận của một số người chết trong làng nọ, Phật nhẫn nại diễn tả trường hợp của từng người, từng hoàn cảnh. trong Tam Tạng Kinh có rất nhiều những đoạn ghi lại những trường hợp tương tự như vậy. Ðiều đó chứng tỏ Ðức Phật giảng giải thuyết tái sinh và luân hồi như một chân lý có thể kiểm chứng được.

Thuyết luân hồi của nhà Phật lấy luật nhân quả làm nền tảng: bất kỳ một sự cố nào cũng đều là hậu quả của một dãy nguyên nhân xảy ra trước nó và cũng là nguyên nhân cho một dãy hậu quả xảy ra sau nó. Nhân và quả liên kết với nhau chặt chẽ như một chuỗi dây xích vô tận: bất kỳ mắt xích nào cũng là nguyên nhân cho những mắt kế tiếp sau nó và là hậu quả cho những mắt liền trước nó. Việc luân hồi cũng có thể được minh họa như vậy: mỗi kiếp tương tự như một mắt xích trong một dây xích dài vô tận. Kiếp này sướng hay khổ, có những tài năng hay khuynh hướng bẩm sinh nào đều có nguyên nhân từ trong kiếp trước, và chính kiếp này lại là nguyên nhân quyết định những yếu tố cấu tạo nên kiếp sau.

Luân hồi có thể được minh họa dễ hiểu hơn bằng chuỗi ngày trong đời ta, với mỗi ngày tượng trưng cho một kiếp. Ngày hôm nay ta được (hay bị) như thế này là do kết quả của ngày hôm qua và các hôm trước nữa. Những gì ta có được, làm được hôm nay sẽ lại ảnh hưởng đến cuộc sống của ta ngày mai và những ngày kế tiếp. Chẳng hạn ngày hôm nay tôi viết cuốn sách này là vì ngày hôm qua có người đề nghị với tôi viết ra. Sở dĩ hôm qua người ấy đề nghị với tôi là vì những ngày trước đó tôi có đọc kỹ nhiều sách về Phật Giáo. Sỡ dĩ hôm trước tôi nghiên cứu là vì... Ngày nào ra sao cũng đều có lý do từ những ngày trước. Xét về tương lai thì vì ngày nay tôi viết sách này nên ngày mai sẽ đem in. Ngày mai tôi đem in nên ngày mốt nhiều người sẽ đọc tôi. Ngày mốt tôi được nhiều người đọc nên ngày sau đó tôi... Cứ như vậy, ngày nào cũng ảnh hưởng tới ngày kế tiếp nó. Vì thế, cứ xem hôm nay tôi thế nào, người ta có thể đoán được hôm qua và những hôm trước nữa tôi đã làm gì, và đoán được ngày mai và những ngày sau đó tôi ra sao.

Nhiều sự việc xảy ra cho tôi hôm nay là do những việc tôi làm cũng trong ngày hôm nay. Nhưng rất nhiều sự việc xảy ra cho tôi hôm nay sẽ không thể giải thích được nếu chỉ căn cứ vào những gì tôi làm trong ngày hôm nay, mà chỉ có thể giải thích được bằng những việc tôi đã làm từ hôm qua hay những hôm trước nữa. Nếu tôi quên hết những việc tôi đã làm hôm qua và trước nữa, thì nhiều chuyện xảy ra hôm nay tôi sẽ cho là phi lý, bất công. Nếu quên hết những gì xảy ra trong quá khứ của mình, có những tù nhân sẽ không thể hiểu nổi tại sao ngày nay mới sáng dậy, chưa làm gì cả, mình đã bị cảnh sát tới còng tay, đưa vào tù, bị coi là tội phạm, và chịu đủ mọi cực hình, đang khi có biết bao kẻ hôm nay đã phạm một số tội ác mà vẫn đang hưởng tự do và đang phè phỡn với những của bất công chiếm được. Nếu quên hết những gì mình đã làm trong quá khứ mà chỉ nhớ những việc mình làm hôm nay, từ sáng đến giờ mà thôi, thì thấy đời quả là bất công: kẻ vô tội như mình thì bị cầm tù, chịu đủ mọi khổ sở, còn kẻ tội lỗi thì lại tự do tung hoành và hưởng đủ mọi ưu đãi của cuộc đời. Nhưng chỉ cần nhớ lại được những những việc mình đã làm hôm qua hay trước đó, họ sẽ nhận thấy mình không phải là vô tội, mà đã phạm những tội ác không kém gì những kẻ đang phạm tội hôm nay. Những tên này có thể mai mốt cũng sẽ sa lưới pháp luật và cũng sẽ cảm thấy bất công nếu họ không nhớ được những việc họ làm ngày hôm nay.

Theo Phật Giáo, sự hiện hữu của mỗi người là một cuộc sống dài vô tận gồm nhiều kiếp liên tiếp nhau. Kiếp này kết thúc bằng cái chết để khởi đầu kiếp sau bằng việc sinh ra. nếu cuộc sống dài vô tận ấy ví như cuộc đời này, thì mỗi kiếp trong đó ví như một ngày, như trong minh họa trên. Có điều đáng thắc mắc là tại sao tôi không thể nhớ nổi kiếp trước tôi đã làm gì, ở đâu, cuộc sống thế nào. Ðiều đó được giải thích như sau:

Ban tối, khi xét lại những việc tôi đã làm ngày hôm nay, tôi cảm thấy tương đối dễ dàng nhưng vẫn có những tình tiết mà tôi không thể nhớ được hết. Nếu phải xét lại những việc hôm qua, tôi cảm thấy khó hơn, vì những việc làm hôm qua tính đến nay, đã bị gián đoạn phần nào vì phải trải qua một đêm là thời gian tôi sống không ý thức. Những việc làm ngày hôm qua đã bắt đầu chìm vào tiềm thức của tôi, và để nhớ lại chúng, trí nhớ tôi phải nỗ lực nhiều hơn là nhớ những việc hôm nay. Nếu phải nhớ những gì đã làm trước, tháng trước, năm trước, thì lại càng khó hơn nữa, càng xa về trước càng khó nhớ. Trí nhớ phải moi móc trong tiềm thức và nếu không có những sự việc trung gian giúp liên tưởng đến những việc muốn nhớ, thì rất khó mà nhớ. Rất nhiều việc trong quá khứ, thậm chí mới tháng trước hay năm trước, ta không còn nhớ chút nào. Và sự việc còn tệ hại hơn khi phải nhớ những việc từ thời thơ ấu. Những sự việc xảy ra trong kiếp này được ghi nhớ trong cùng một bộ não mà đã khó khăn lắm mới nhớ được, nhất là những việc xảy ra đã lâu, huống chi những việc trong kiếp trước, được ghi nhớ trong một bộ óc xác thịt khác, trước khi chuyển sang bộ óc xác thịt của kiếp này. Những sự việc xảy ra trong những kiếp trước, khi chuyển sang bộ óc của kiếp này, đã được xếp trong tiềm thức ở các tầng lớp sâu hơn những việc được ghi nhớ trong kiếp này. Muốn nhớ được những gì đã được ghi nhận trong kiếp quá khứ, cần phải có một tâm hồn thật sáng suốt, thanh tĩnh. Muốn thế, cần phải tu tập nhiều năm nhiều kiếp mới làm được. Chính Ðức Phật nói Ngài đã nhớ lại được rất nhiều kiếp sống quá khứ của Ngài, và bất kỳ ai tu tập được như Ngài, cũng sẽ chứng ngộ được điều ấy.

Việc quên đi tiền kiếp như thế là điều cần thiết và ích lợi để luật báo ứng được thi hành tốt đẹp. Chẳng hạn, có hai kẻ thù với nhau từ kiếp trước còn mắc nợ nhau về tình cảm yêu thương khiến họ phải trở thành cha con, hay vợ chồng, hoặc anh em của nhau trong kiếp này. Nếu khi là người thân yêu của nhau trong kiếp này mà họ nhớ được mối thù với nhau từ kiếp trước, thì làm sao họ có thể yêu thương nhau như nghiệp đòi hỏi. Lúc đó họ sẽ trở thành thù địch nhau chứ không thể sống với nhau như cha con, vợ chồng hay anh em được nữa. Hoặc như một người kiếp trước gặp đủ mọi buồn phiền lo lắng, nên kiếp này họ được hưởng một đời sống tốt đẹp thoải mái, nếu họ nhớ được hết những buồn phiền bực bội, hay những buồn tủi, hận thù từ kiếp trước, thì làm sao họ có được đời sống thoải mái vui tươi. Những sự kiện đáng tiếc cũ mà nhớ lại được sẽ đè nặng tâm tư họ trong kiếp này, sẽ ám ảnh họ và làm cho họ đau khổ, chua chát. Vì thế, việc quên đi kiếp quá khứ để có thể bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới là một điều hết sức cần thiết và ích lợi cho mọi chúng sinh. Khi chúng sinh chưa đạt tới trình độ giải thoát, tâm hồn chưa đủ thanh tịnh hay trong sạch, thì nhớ được kiếp quá khứ chỉ có hại chứ không có lợi. Do đó, khả năng nhớ lại được kiếp quá khứ chỉ dành cho những người đã hoặc sắp đạt tới trình độ giải thoát, tức đã có được tâm hồn thanh tịnh, tâm từ bi độ lượng. Những người này dù có biết được người kế bên mình hay người đang nằm trong tay mình là kẻ thù đã giết mình một cách độc ác trong kiếp trước, cũng sẽ để cho kẻ thù ấy bằng an, thậm chí còn làm ơn cho hắn nữa. Nhưng một người bình thường khi thấy người hàng xóm, hay người bạn học với mình, hay một ai đó trong gia đình mình chính là kẻ thù không đội trời chung với mình trong kiếp trước, làm sao có thể dung tha hay đối xử tốt đẹp với người ấy được? Nếu người trong thế giới này không quên được kiếp trước của mình, thì thế giới này sẽ loạn hơn, sẽ khốn khổ hơn rất nhiều vì oán thù chồng chất.

Ngoài những người thực hành thiền định và phát triển tâm lực đầy đủ có thể nhớ được những gì xảy ra trong các kiếp quá khứ, cũng có những trường hợp bất thường khác. Chẳng hạn trong quyển Reincarnation and the law Kamma, W. Atkinson trưng dẫn rằng Pythagore đã nhớ lại tường tận cái thuẫn ông đã dùng trong một tiền kiếp, lúc ấy ông đang vây hãm thành Troie. Trong kiếp ông tái sinh làm Pythagore, cái thuẫn ấy vẫn còn để trong một đền thờ Hylạp. Trong những sách nghiên cứu về siêu tâm lý (parapsychology) có kể ra nhiều trường hợp người bị thôi miên đã thuật lại những kinh nghiệm của mình trong kiếp quá khứ. Và căn cứ vào đó mà các bác sĩ tâm lý chữa bệnh cho một cách hữu hiệu. Có những người như Edgar Casey (Mỹ), là một y sĩ tâm thần, có thể chữa bệnh tâm thần cho bệnh nhân một cách hữu hiệu dựa trên những gì ông thấy được trong kiếp trước của họ. Có những em bé, do tư tưởng phối hợp bất ngờ, đã sực nhớ lại một đoạn đời hoặc một vài chi tiết trong kiếp quá khứ. Ðến khi lớn lên thì các em không còn nhớ nữa. Hầu như người nào cũng đều có kinh nghiệm này: có nhiều lần ta mục kích một cảnh nào đó mà ta chưa hề gặp bao giờ trong đời, nhưng tự nhiên ta có cảm giác là đã quen thuộc, hay đã từng gặp cảnh này rồi mà không xác định được lúc nào.

Trên thế gian có những hiện tượng lạ rất khó giải thích, mà người Phật Tử giải thích cách dễ dàng bằng thuyết luân hồi của họ. Chẳng hạn có những thần đồng như Christian Heieken có thể nói chuyện được ngay vài tiếng đồng hồ sau khi sinh ra đời, tự nhiên nói được nhiều đoạn trong Thánh Kinh lúc lên một, trả lời được những câu hỏi về địa dư lúc lên hai, nói được tiếng Latinh và tiếng Pháp lúc lên ba, và theo học các lớp triết lý khi lên bốn. John Stuart Mill có thể đọc chữ Hylạp khi mới ba tuổi. Macaulay có thể viết thế giới sử khi vừa lên sáu. William James Sidis đọc và viết rành rọt tiếng mẹ đẻ (Mỹ) lúc mới lên hai, và khi lên tám thì đã nói được tiếng Pháp, Nga, Anh, Ðức và biết chút ít về Latinh và Hylạp. Charles Bennet (Manchester) nói được nhiều thứ tiếng lúc mới lên ba tuổi. Việc nói ra những kinh nghiệm trong kiếp quá khứ của mình thì người khác không thể kiểm chứng được và có quyền nghi ngờ rằng ngụy tạo. Còn những sự kiện như thần đồng thì chúng ta có thể kiểm chứng được. Vậy thì làm sao giải thích được cho ổn thỏa? Nói rằng trời sinh ra như vậy, hay Thiên Chúa ban ơn đặc biệt như vậy thì ắt hẳn lắm người cho rằng quá đơn giản, và đồng nghĩa với không giải thích gì cả. Một số nhà khoa học giải thích rằng đó là sự phát triển khác thường của các hạch tuyến như tùng quả tuyến, tuyến giáp trạng, hạch thượng thận... Giải thích này bị bác bỏ ngay vì sự phát triển của những hạch này chỉ ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ hay trí thông minh hay một năng khiếu nào đó, chứ không thể tự nhiên mà có được kiến thức hay kinh nghiệm. Kinh nghiệm và kiến thức chỉ có thể học hay trải qua mới có. Cũng vì lý do đó mà giải thích bằng thuyết di truyền không thể đứng vững được. Vả lại, cha mẹ hay ông bà của các thần đồng thường không có được năng khiếu hay những kinh nghiệm hoặc kiến thức như thế. Thần đồng Mozart chẳng hạn, mới 6 tuổi đã sáng tác những bản nhạc bất hủ: Cha mẹ và tổ tiên nhiều đời trước của ông không ai giỏi âm nhạc cả, làm sao có thể di truyền cho ông năng khiếu ấy được? Nếu khoa học hay những giả thuyết khác không giải thích được ổn thỏa vấn đề thần đồng, thì giả thuyết về tái sinh và luân hồi trở nên đáng tin hơn.

Các Phật Tử cho rằng thuyết tái sinh luân hồi có thể giải thích được những chênh lệch bất công khó có thể giải thích được ổn thỏa trên thế giới này. Tại sao có những người quá giầu, giầu "nứt khố đổ vách", giầu suốt đời từ lúc sinh ra đến lúc chết, chẳng phải do họ có công lênh gì mà chỉ do họ may mắn, đang khi có những người nghèo hết mức, nghèo "mạt rệp", và nghèo suốt đời, chẳng phải do họ có tội lỗi gì mà chỉ là do họ thiếu may mắn? Làm sao giải thích được sự kiện rất nhiều người làm ác, thậm chí tày trời, mà vẫn hưởng cảnh giầu sang, may mắn, có phương tiện để bóc lột đàn áp người khác suốt cả cuộc đời, có khi sang cả đời con cháu, đang khi có những người cả đời làm lành tránh dữ mà vẫn gặp đủ mọi bất hạnh, bất công, áp bức suốt cả đời (không được như ông Gióp được Chúa thưởng vào cuối đời)? Có những người chẳng bao giờ làm ác nhưng bị hàm oan là giết người, bị kết án khổ sai chung thân (như trong tiểu thuyết của Cronin, Thanh gươm công lý, hay của Carrière, Papillon): Phải an ủi những người đó thế nào? Làm sao thuyết phục họ được rằng Thiên Chúa nhân lành vô cùng đã an bài như thế vì tình thương vô cùng khôn ngoan của Ngài? Phải giải thích nỗi oan ức quá sức chấp nhận của họ như thế nào cho ổn thỏa và hợp lý để họ cam chịu một cách chẳng những bằng lòng mà còn vui lòng nữa? làm sao giải thích để họ nhìn nhận rằng trời đất không bất công với họ, mà trái lại, sự oan ức của họ chính là để thể hiện sự công bằng?

Ðương nhiên mỗi tôn giáo đều có những cách giải thích hợp lý, ổn thỏa, nhưng người Phật Tử cho rằng thuyết luân hồi của họ giải thích ổn thỏa nhất. Theo luật nhân quả, bất kỳ một sự kiện nào cũng đều có nguyên nhân của nó, và không có chỗ cho ngẫu nhiên tuyệt đối (Kitô Giáo cũng nhìn nhận "Không một sợi tóc trên đầu các con rơi xuống mà ngoài Thánh Ý của Cha Ta": Mt 10,29). Nếu có người bị kết án oan trong kiếp này, thì chắc chắn trong kiếp quá khứ họ đã làm một hành vi ác tương xứng với hình phạt ấy, nên sự oan ức của họ trong kiếp này chẳng oan ức chút nào cả. Trong thực tế, nhiều người làm một điều rất ác xong thì chết, nên pháp luật của con người không trừng phạt được. Và có những trường hợp nhiều người trong đời chưa làm gì ác trong đời mà đã bị kết oán oan. Nếu chấp nhận thuyết luân hồi và tái sinh thì hai trường hợp trên rất ăn khớp với nhau. Vả lại, mỗi nhân đều phải có duyên (hoàn cảnh thuận lợi) mới kết quả được. Cũng như hạt giống phải được gieo xuống đất, phải có nước, có nhiệt độ, có chất bổ dưỡng trong đất thì mới mọc thành cây và sinh hoa kết quả. Vả lại, cùng gieo hạt giống xuống một lượt, nhưng cây ngô thì chỉ cần vài tháng là có quả, còn cây cam thì phải mấy năm. Cũng vậy, những việc lành cũng như việc ác phải gặp duyên (điều kiện thuận lợi) mới có hiệu quả, có những việc có kết quả ngay kiếp này, có việc phải qua kiếp sau hoặc kiếp sau nữa mới có quả báo.

Như vậy, những người làm lành mà gặp toàn cảnh ngang trái là vì việc lành của họ chưa có điều kiện thuận lợi để sinh hoa kết quả, đang khi cảnh đau khổ họ chịu chính là hậu quả của những việc ác họ làm từ kiếp trước bây giờ gặp điều kiện thuận lợi nên sinh hoa kết trái. Còn những kẻ làm ác mà gặp toàn thuận cảnh là vì việc ác của họ mới làm kiếp này chưa có điều kiện thuận lợi để sinh quả ác, và thuận cảnh họ đang hưởng chính là quả lành của những việc thiện họ đã làm trong kiếp trước. Hai trường hợp đó có khác gì một người trong tù chịu đủ mọi khổ sở mặc dù từ khi vào tù chưa làm điều gì ác, còn một tên cướp khác đang tung hoành làm đủ mọi điều ác ở ngoài mà vẫn sống phây phây với đủ mọi lạc thú. Kẻ trong tù vì đã làm ác nên mới bị tù, nhưng khi bị tù rồi thì không không gây ác nữa. Còn tên cướp ở ngoài vì trước đây chưa gây ác nên vẫn được hưởng tự do, nhưng sớm muộn gì hắn cũng sa lưới pháp luật và sẽ vào tù chịu khổ như chàng kia thôi. Nếu chỉ căn cứ vào hiện tại mà không dựa vào quá khứ thì rất nhiều sự việc trên đời không sao giải thích được. Cũng vậy, nếu chỉ căn cứ vào kiếp hiện tại và cho rằng không có kiếp trước thì rất nhiều chuyện không thể giải thích được và chỉ có thể đi đến kết luận là đời sống phi lý bất công.

Còn hiện tượng thần đồng là do kiến thức, kinh nghiệm, tài năng của một người thủ đắc được từ kiếp trước, và vì một lý do đặc biệt nào đó mà chuyển được sang kiếp sau. Chúng ta sẽ bàn về việc chuyển đi những di sản tinh thần từ kiếp này sang kiếp khác sau. Thuyết luân hồi cũng giải thích những khuynh hướng hay năng khiếu bẩm sinh nơi mỗi người: tại sao trong cùng một gia đình, thậm chí trong một cặp song sinh đồng nhất (do một noãn và một tinh trùng), các anh chị em lại có mỗi người một khuynh hướng bẩm sinh khác nhau? Người giỏi hội họa, người ưa âm nhạc? người thiên về đạo đức, người thiên về tư lợi vật chất? người ưa triết lý, người thích thực tế?... Các Phật Tử cho rằng mỗi người đều đã huấn tập những khuynh hướng bẩm sinh đó từ kiếp trước, và kiếp này lại bắt đầu từ chỗ kiếp trước đang dỡ dang. Nếu kiếp trước tôi say mê học hỏi về âm nhạc, thì kiếp này tôi sẽ tự nhiên thích và có năng khiếu về âm nhạc. Kiếp trước tôi chưa hề học toán bao giờ, nếu kiếp này tôi mới bắt đầu học toán thì tôi không thể giỏi toán được. Nếu các kiếp trước tôi là thú vật, và kiếp này tôi mới lên làm người thì chắc chắn tôi sẽ là một người sơ khai, mang nhiều thú tính. Nếu kiếp trước tôi đã là một nhà bác học tài ba, thì kiếp này có thể tôi sẽ là một thần đồng.

Người Kitô Hữu thường không tin có luân hồi và tái sinh, nhưng trong nhiều sách Phật Giáo có trưng dẫn câu chuyện trao đổi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Người ta bảo Con Người là ai?", các môn đệ thưa: "kẻ thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ" (Mt 16,13-14). Như vậy là trong quan niệm của người Dothái thời Chúa Giêsu rõ ràng có chỗ đứng cho việc tái sinh. Vào thời Chúa Giêsu, lúc Ngài hỏi các môn đệ, thì Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia và các tiên tri khác đều đã chết, thế nhưng người ta lại bảo Chúa Giêsu có thể là một trong các vị ấy. Ðiều đó rõ ràng có nghĩa là dân chúng Dothái thời đó quan niệm có tái sinh, cụ thể là một trong các vị tiên tri kể trên tái sinh trở lại làm Chúa Giêsu. Và đương nhiên quan niệm đó không phải chỉ có vào thời Chúa Giêsu, có thể nó đã bắt nguồn từ xa xưa. Nhưng đấy chỉ quan niệm của dân chúng. Còn quan niệm của Chúa Giêsu thì sao? Có đoạn thánh kinh nào nói rằng Ngài cũng quan niệm như thế? Ðoạn Tin Mừng Mt 17,9-13 trả lời cho câu hỏi đó.

Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: "Sao các Kinh Sư lại nói Êlia phải đến trước?". Người đáp: "Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi việc. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn đối xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ như thế". Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về Gioan Tẩy Giả.

Trong Mt 11,14 Chúa Giêsu xác nhận Gioan tẩy Giả chính là Êlia: "Nếu anh em chịu tin lời tôi, thì Ông Gioan chính là Êlia, người phải đến". Trong Lc 1,17 Thiên Sứ tiên tri cho ông Dacaria về Gioan, con của ông sẽ sinh ra: "Cháu sẽ đi trước mặt Người (Thiên Chúa), đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Êlia". Vì muốn phủ nhận thuyết tái sinh, các nhà chú giải Thánh Kinh Kitô Giáo đã chú giải các câu đó theo nghĩa bóng. Ðang khi những lời Chúa Giêsu truyền phép Thánh Thể thì các nhà chú giải Công Giáo lại chủ trương theo nghĩa đen, còn các nhà chú giải Tin Lành lại chủ trương theo nghĩa bóng. Bóng hay đen dường như cũng tùy theo quan điểm có sẵn của mình! Người Phật Giáo khi đọc những đoạn thánh kinh này thì thấy rõ ràng chính Chúa Giêsu cũng mặc khải rằng có sự tái sinh.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page