Sự đồng dị

giữa hai quan niệm về sự độ vong

của Kitô giáo và Phật giáo

Nguyễn Chính Kết, Việt Nam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Những điểm tương đồng

- Ðiểm căn bản nhất là cả hai tôn giáo đều cho rằng các tín đồ còn sống đều có thể cứu độ những vong linh quá cố.

- Những đau khổ sau khi chết đều là kết quả của những việc làm sai trái, không hoàn hảo của đương sự khi còn sống. Vì điều thiện sinh quả lành là hạnh phúc, điều dữ sinh quả dữ là đau khổ.

- Mỗi năm, cả hai tôn giáo đều có một ngày lễ đặc biệt để tưởng nhớ và cưu độ người quá cố, thậm chí dành ra cả tháng để làm công việc này. Việc cầu nguyện của Kitô hữu hay việc chú nguyện của Phật tử để độ vong có hữu hiệu hay không thì tuỳ thuộc vào lòng thành tâm, sự trong sạch, thánh thiện hay mức độ tu luyện tâm linh của tín hữu còn sống. Và nhiều người cùng hợp nhau cầu nguyện hay chú nguyện thì việc độ vong có kết quả hơn.

- Việc độ vong trong cả hai tôn giáo đều được coi là bổn phận của những người còn sống, để tỏ lòng thảo hiếu đối với ông bà cha mẹ cũng như cửu huyền thất tổ, để tỏ lòng biết ơn đối với các ân nhân, và lòng tư bi bác ái đối với những vong linh khác, nhất là những vong linh không nơi nương tựa.

 

Những điểm dị biệt

- Theo Phật giáo,mọi việc lành dữ của con người đều gây ra những hậu quả tốt xấu theo quy luật nhân quả, không có ai xét xử hay luận phạt cả.

Còn theo Kitô giáo, Thiên Chúa là Ðấng xét xử mọi việc làm và thưởng phạt công bằng. Như thế, một đằng chỉ có quy luật nhân-duyên-quả tác động một cách thích hợp, một đằng là có Ðấng cầm cân nảy mực.

- Kitô giáo quan niệm chỉ có hai "đời ": đời này và đời đời (vĩnh cửu). Ðối với những người tốt lành nhưng chưa hoàn hảo thì còn một giai đoạn trung gian để chịu những đau khổ thanh luyện. Việc độ vong chỉ nhằm đối tượng là những người này, chứ không độ vong cho những người đã hưởng mặt Chúa, hay vĩnh viễn phải xa lìa Chúa.

Còn Phật giáo quan niệm có vô số kiếp liên tục tiếp theo nhau, có giai đoạn trung gian thân trung ấm. Trừ những người tu giải thoát hay thành Phật, tất cả mọi người đều phải đầu thai lại vào một trong 6 nẻo của Lục Ðạo. Việc độ vong chỉ nhắm tới những người đang đau khổ từ kiếp người trở xuống. Không có một sinh linh nào đáng thất vọng vì bị hư mất đời đời đến nỗi không độ vong được.

- Việc độ vong của Phật giáo là dùng sức mạnh tinh thần của việc chú nguyêỵ để ảnh hưởng trực tiếp tới tâm địa của những người đang bị đau khổ trong kiếp sau của họ, hầu trợ thêm sức lực tâm linh cho họ dể họ thay đổi tâm địa từ xấu thành tốt. Nhờ vậy họ thay đổi được số phận như vậy cũng là áp dụng những định luật tâm linh vốn tác động một cách phù hợp để đạt mục đích. Người sống cũng có thể nhớ những người khác có nhiều năng lực tinh thần hơn - càng đông càn tốt - để chú nguyện thay cho mình. Những người khác đó có thể là những người đang cùng sống với mình, mà cũng có thể là những vị Phật hay Bồ Tát hoặc đang ở một cõi nào đó hoặc đang hiện thân làm người đồng thời với mình. Việc cầu siêu chính là nhờ những thể lực chú nguyện của các bậc chân chính tu hành cùng sự hộ niệm của tín đồ thành tâm cầu xin chư Phật, Bồ Tát gia hộ.

Còn người Kitô hữu dùng lời cầu nguyện, những việc đạo đức, những việc thiện, sự hy sinh hãm mình và nhất là dâng thánh lễ hay xin lễ để cầu xin Thiên Chúa (hoặc gián tiếp nhờ các Thánh cầu bầu cùng Chúa). Thiên Chúa sẽ tác động tới các linh hồn đang thanh luyện cách nào đó để họ vẫn trở nên hoàn hảo xứng đáng hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa, nhưng được giảm phần đau khổ do thanh luyện. Mọi sự đều hoàn toàn tuỳ thuộc vào tình thương của Thiên Chúa, chứ không theo định luật tự nhiên nào tác động cách máy móc cả. Người sống không thể tác động trực tiếp tới các linh hồn được.

 

Áp dụng mục vụ

Lễ Vu Lan của Phật gíáo đã ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng (kể cả ngoài Phật gíao), đã đi sâu vào tâm thức của dân tộc góp phần tài bồi văn hóa Việt Nam.Vì thế, người Kitô hữu Việt Nam nên coi lễ Vu Lan như một nét văn hóa, một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, và nên áp dụng tinh thần tốt đẹp của phong tục này. Chúng ta vừa là người trong Giáo Hội, vừa là thành phần của dân tộc Việt Nam, nếu đã sentire cum Ecclesia (cảm thông cùng Giào Hội) thì cũng nên sentire cum Patria (cảm thông cùng dân tộc mình). Xin gợi ra một vài điểm sau đây để cùng suy nghĩ:

1. Ðang khi đa số dân tộc ta dành ra tháng 7 âm lịch mỗi năm để tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên và những người đã quá cố, chúng ta cũng nên cùng làm điều đó với họ theo cách thức của người Kitô hữu chúng ta. Thực ra, Giáo Hội cũng dành ra cả tháng 11 để mọi người Kitô hữu trên thế giới làm việc đó. Nhưng rất tiếc hai thời gian đó không trùng với nhau. Vì thế, trong tinh thần hoà mình với dân tộc chúng ta nên làm việc đó hai lần trong năm: một lần cùng với Giáo Hội, một lần cùng với dân tộc mình. Những người thân đã quá cố của chúng ta hẳn sẽ ủng hộ điều này.

2. Ðể hoà mình hơn nữa với dân tộc, chúng ta có thể làm bàn thờ gia tiên trong nhà của mình. Hình thức thế nào thì tuỳ theo sáng kiến của từng gia đình. Có thể làm bàn thờ gia tiên ngay dưới bàn thờ Chúa, để khi hướng về bàn thờ cầu nguyện thì cũng nhìn thấy những biểu tượng (như hình ảnh, kỷ vật...) của người quá cố để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Miễn sao đừng để bàn thờ gia tiên nổi bật hơn bàn thờ Chúa. Luôn luôn phải nhớ nguyên tắc: Chúa thì thờ, tổ tiên thì kính nhớ. Có thể dùng nhang, bông hoa, trái cây, đèn làm biểu tượng cụ thể của lòng thành kính (đương nhiên không phải để vong linh người chết ngửi hương hay ăn uống gì, đó chỉ là hình thức văn hóa để tỏ lòng kính nhớ. Thời Cựu ước, dân do thái sát tế chiên bò đâu phải để cho Thiên Chúa ăn, đó chỉ là hình thức tôn giáo để biểu lộ sự thuần phục đối với chủ tể tối cao của mình.)

3. Mỗi gia đình đều có tổ tiên để kính nhớ, thì cả dân tộc cũng thế. Tổ tiên của dân tộc Việt Nam là các vua Hùng Vương, được cả nước làm giỗ vào ngày 10/03 âm lịch mỗi năm, bằng một lễ hội trọng thể tại các đình. Thiết tưởng chúng ta cũng nên tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên của cả dân tộc mình trong ngày đó, cụ thể trong thánh lễ đúng ngày. Chẳng lẽ chúng ta chỉ dành việc cúng giỗ tổ tiên dân tộc cho những anh em tôn giáo khác làm thế mình.

4. Nếu mỗi gia đình đều nên có một bàn thờ gia tiên, thì tại một số nhà thờ lớn mang tính cách quốc gia hay thành phố lớn, nên có một bàn thờ kính nhớ tổ tiên của cả dân tộc mình ở một chỗ nào đó thuận tiện và thích hợp. Cần phải khuyến khích tinh thần thảo kính đối với tổ tiên của cả nước, có như thế mới tạo nên tinh thần dân tộc, gợi lên lòng yêu nuớc thương nòi, bày tỏ lòng biết ơn tiền nhân. Ðiều đó chẳng hợp với tinh thần thư chung 1980 của HÐGMVN sao?

5. Trong tâm tình tri ân đối với tổ quốc, chúng ta cũng không nên quên những vị anh hùng dân tộc trong quá khứ đã viết nên trang sử oai hùng cho đất nước, và biết bao chiến sĩ khác đã đổ máu ra để bảo vệ quê hương xứ sở này, cho ta được sống yên vui,ấm no, hạnh phúc. Chúng ta có bổn phận nhớ ơn và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong tháng các linh hồn mỗi năm.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page