101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương I

Sự sống vĩnh hằng

làm sao tôi biết

 

Câu Hỏi 6: Giờ đây tôi đã hiểu việc giải thích là một qui trình phức hợp gồm những tác động qua lại giữa thực tại phải giải thích, người giải thích và chính các công việc giải thích nữa. Nhưng một qui trình như thế được áp dụng cách nào vào việc giải thích Kinh Thánh?

 

Giải Ðáp 6:

Tôi hy vọng đã cho thấy rõ: hễ nói đến công việc giải thích là nói đến tiến trình phức tạp của một cuộc đối thoại giữa độc giả và bản văn, mà bản văn thì có một đường hướng riêng, xuất phát từ một bối cảnh xã hội, những điều kiện lịch sử nhất định. Ðiều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải nhớ như vậy khi tra tay vào việc giải thích Kinh Thánh và những xác minh trong đó liên quan đến cánh chung, bởi vì người ta luôn bị cám dỗ (và thường hay sa ngã) phớt lờ những điều nói trên về việc giải thích, yên trí rằng chỉ cần đọc thoáng qua những điều Kinh Thánh nói là đủ rồi. Tưởng chừng như ý nghĩa Kinh Thánh lơ lửng bay là trên trang giấy.

Nếu ý nghĩa của một bản văn đương thời đã không dễ gì nắm bắt sau khi chỉ thoáng đọc qua thôi, thì nói chi đến bản văn Kinh Thánh! Ðừng quên rằng Kinh Thánh là cả một tủ sách, mà là những sách đã được viết mấy ngàn năm về trước, bằng những thứ tiếng mà đa số chúng ta chưa chắc hiểu rõ, và tác giả là những người sống ở những nơi và thuộc những văn hóa xa lạ. Do đó, chúng ta cần có những qui luật hoặc phương pháp để lấp cho đầy cái khoảng cách địa lý, thời gian, ngôn ngữ và văn hóa, tách biệt chúng ta với những vị đã soạn Kinh Thánh và độc giả của họ. Xét cho cùng, các soạn giả Kinh Thánh đâu đã dự kiến những hoàn cảnh sống của chúng ta, đâu phải viết cho chúng ta, cho dù những điều họ viết vẫn tiếp tục có ý nghĩa đối với cả chúng ta nữa.

Nói về qui luật hoặc phương pháp giải thích Kinh Thánh, Công Ðồng Vatican II, trong Hiến Chế về Mặc Khải, đã vạch ra một số đường lối chỉ đạo rất hữu ích. Bản văn Dei Verbum, số 12, có hơi dài, nên tôi sẽ chỉ tóm tắt đại ý. Thứ nhất, chúng ta phải cố tìm ra những gì các tác giả Kinh Thánh muốn truyền đạt và thật sự đã truyền đạt qua trung gian từ ngữ của họ (nghĩa đen hay nghĩa văn tự). Thứ hai, để làm như thế, chúng ta phải lưu ý đến những gì là quen thuộc và đặc sắc trong kiểu nhận thức, phát ngôn và trình thuật của họ (các thể văn), và đến những ước lệ đối nhân xử thế của xã hội đương thời với họ. Thứ ba bởi vì Kinh Thánh không chỉ là lời của người phàm mà còn là lời của Thiên Chúa nữa, nên chúng ta phải đọc Kinh Thánh như là một chỉnh thể. Có nghĩa là chúng ta phải đọc cái ta gọi là Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước và ngược lại, và hễ đọc cuốn sách này trong Kinh Thánh thì phải đọc trong ánh sáng của cuốn khác, bởi vì Thiên Chúa là "tác giả" của trọn bộ Kinh Thánh. Cuối cùng, chúng ta phải lưu ý đến các giải thích đã được Thánh Truyền trao lại, đặc biệt những giải thích đến từ những vị đã được ủy thác nhiệm vụ đưa ra lời giải thích có uy thế về Kinh Thánh (huấn quyền của Giáo Hội). Chúng ta cũng phải ý tứ sao cho cách giải thích của chúng ta không đi ngược lại những tín điều Giáo Hội đã đặt ra (loại suy đức tin). 

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page