101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương I

Sự sống vĩnh hằng

làm sao tôi biết

 

Câu Hỏi 5: Cho dù việc tìm lại những chiều kích mà Thầy vừa giải nghĩa có thể giúp người ta dễ tin thực tại cánh chung hơn, thì vấn đề sau đây vẫn còn tồn tại: Phải hiểu làm sao những gì mà Thánh Kinh và Thánh Truyền đã xác minh về sự sống đời sau, bởi lẽ ở phần trên, Thầy dạy rằng không thể hiểu những điều đó theo sát nghĩa đen? Vậy phải nắm chắc những điều ấy như thế nào? Ví dụ phải hiểu thế nào những đoạn văn nói rằng sẽ có chuyện "nghiến răng", như một hình phạt dành cho kẻ có tội (x. Mt 8,12; 22,13; 25,30)?

 

Giải Ðáp 5:

Cái ví dụ bạn đưa ra làm tôi nhớ đến một câu truyện trong ngụy thư nói về một nhà thuyết giáo như sau: ông này hết sức nhiệt tình muốn đem kẻ có tội ăn năn trở lại, nên đã đem ra những đau đớn do hình phạt phải "nghiến răng" đời đời mà dọa những người không chịu sám hối. Không ngờ trong số các thính giả, có một người cứ ngồi cười khinh khỉnh thay vì run lên sợ hãi như ông chờ đợi, làm ông cụt hứng. Sau bài giảng, khi nhà thuyết giáo hỏi thính giả tại sao ông không lặng người đi vì lo sợ bị Thiên Chúa trừng phạt, thì ông này hớn hở trả lời rằng ông không còn răng cỏ gì và đang đeo răng giả. Nhà thuyết giáo tinh ranh liền đáp: "Răng sẽ được cung cấp ngay tức khắc!"

Nhưng dẹp chuyện đùa qua một bên, câu hỏi của bạn vẫn nêu lên một trong những vấn đề gai góc nhất trong thần học nói chung và trong cánh chung học nói riêng. Nó liên quan đến việc giải thích Thánh Kinh và Thánh Truyền, có tên gọi thuật ngữ là thông thích luận. Vì lẽ câu hỏi của bạn đụng tới một lãnh vực rất phúc tạp, tôi sẽ trả lời theo từng giai đoạn. Trước hết, chúng ta cần thảo luận ngắn gọn xem cái gì là đối tượng của việc giải thích nói chung, kế đến của việc giải thích Kinh Thánh, và sau hết của việc giải thích các lời khẳng định về cánh chung. Trong câu trả lời này, tôi sẽ nói điều gì được tiến hành trong thời gian chúng ta làm công việc giải thích.

Những học giả như triết gia người Ðức Hans-Georg Gadamer và nhà tư tưởng người Pháp Paul Ricoeur đã lưu ý rằng khi chúng ta tìm hiểu một đoạn văn, một tác phẩm nghệ thuật, một biến cố hay bất cứ cái gì, thì chúng ta đi vào cái chủ đề phải hiểu với một chút tiền hiểu biết hay tiền thẩm định nào đó về nó. Việc tiền hiểu biết này được hình thành nhờ một dây chuyền các đợt giải thích (thường là mâu thuẫn nhau) về chủ đề đang nói tới, và cho phép nắm bắt một đầu mối của nó. Dây chuyền hay truyền thống này, kết hợp với ý thức rằng mọi cái (cả người giải thích lẫn thực tại phải giải thích) đều nằm trong dòng thời gian và lịch sử (tâm thức lịch sử), là cái mà Gadamer kêu là "tâm thức lịch sử xác thực". Dĩ nhiên, cái thực tại phải giải thích đã bắt mắt chúng ta rồi, khiến chúng ta để tâm đến nó, do chúng ta đã lờ mờ nhận thấy nó hứa hẹn cho ta gặp được ý nghĩa và chân lý. Theo nghĩa này, thực tại ở đây có thể được gọi là "cố cựu", như nhà thần học người Mỹ, David Tracy, gợi ý.

Trong công việc giải thích, có tác động qua lại giữa ba thực tại: hiện tượng phải hiểu (chủ yếu là những bản văn đối với những nhóm người có học thức), người giải thích, và bản thân tiến trình giải thích.

- Yếu tố đầu tiên, tức thực tại phải giải thích, có lúc được nâng lên hàng "cố cựu", (1) mang lấy một dạng thức đặc biệt do môi trường văn hóa bao quanh (vd, nghệ thuật "ba-róc"); (2) mang ý nghĩa vừa thường hằng vừa siêu việt (vd. vẻ đẹp được nghệ nhân nắm bắt và diễn đạt, nhưng một cách nào đó lại vuột khỏi tầm tay nghệ nhân), và đó là đầu mối của nhiều lối giải thích khác nhau, và không cho phép có một lối giải thích dứt khoát; (3) có tính đặc thù trong lịch sử sản sinh ra nó (vd. tại Ý, vào thế kỷ XVIII) nhưng có thể có tính phổ quát trong tác dụng của nó, vì thế dễ được quý chuộng khắp nơi và trong hiện tại; và (4) là đối tượng được đón nhận theo nhiều hướng khác nhau, vì vậy khi này thì được tôn quí (vd. ở trường được thầy cho là phải đọc sách để nghiên cứu), nhưng khi khác lại bị lãng quên hoặc cấm đoán (chẳng hạn khi nghệ thuật ba-róc không còn là thời thượng nữa).

Trong trường hợp một bản văn viết, hiểu như tương phản với lời truyền miệng, thì bản văn (1) bắt đầu có một cách thức tồn tại riêng của nó, độc lập đối với ý định của tác giả, và mang lấy những ý nghĩa mà tác giả không hề định cho nó, như vậy nó được cái thế "tự lập về ngữ nghĩa"; (2) vượt khỏi nhóm độc giả nguyên thủy và tiếp chuyện với bất cứ ai đọc được nó, nên tìm được khách hàng ở mọi nơi; và (3) vượt khỏi bối cảnh nguyên thủy, cho phép người ta tách nó ra khỏi văn cảnh nguyên thủy để chèn vào những bối cảnh luôn luôn mới lạ. Thế nên bản văn có tiềm năng trở thành phổ quát.

- Yếu tố thứ hai, tức người giải thích, thì đến với cái bản văn phải được giải thích với một sự hiểu biết trực thuộc truyền thống của mình. Bản văn được nhìn nhận trong tính chất lạ thường và khác biệt của nó cũng như với yêu sách của nó là đòi quyền chuyển đạt ý nghĩa và chân lý. Người giải thích sẵn sàng lấy khoảng cách đối với những truyền thống quen thuộc của mình, nhằm đứng ở cương vị phê bình và để cho tính chất khác biệt - cũng như ý nghĩa và chân lý lạ thường của bản văn - đặt nghi vấn, thách thức, chỉnh lý và làm thêm phong phú cái tiền hiểu biết của mình vốn đã thấm nhuần truyền thống xưa nay. Cũng theo tiến trình đó, đến lượt ý nghĩa vừa được nhận định của bản văn, cùng các giả định đã từng làm bối cảnh cho nó khi nó được xuất trình, cũng có thể bị hồ nghi, thách thức, được chỉnh lý và làm thêm phong phú.

Người giải thích không hoàn toàn thụ động, ngoan ngoãn nuốt hết ý nghĩa và chân lý có thể đúng của bản cố cựu, cũng không hoàn toàn chủ động, tự do sáng tạo ý nghĩa và chân lý theo ý mình. Mà ý nghĩa của bản cố cựu cũng sẽ không cứ mãi là một. Bản văn cố cựu và người giải thích tác động qua lại trong tiến trình trao nhận, tiến thoái của việc giải thích. Người giải thích thì giải thích bản cố cựu, bản cố cựu thì giải thích người giải thích; không bên nào mãi y nguyên bất biến trong tiến trình cả. Ý nghĩa mới mẻ xuất hiện hay được bộc lộ khi người giải thích đem kỹ thuật phê bình mà thiết lập tương quan giữa cái thế giới mình hiện đang kinh nghiệm và cái thế giới được phóng phát ra từ bản văn.

- Yếu tố thứ ba của công việc giải thích là chính tiến trình giải thích. Nó đã từng được ví với một trò chơi hay một cuộc nói chuyện. Ðể có kết quả, trò chơi phải có những luật chơi riêng của nó mà các người chơi phải tuân thủ, và phải có một tiết điệu riêng của nó để các người chơi theo trớn đó mà chơi hết mình. Ngay cuộc nói chuyện cũng là một thứ trò chơi trong đó đề tài nói chuyện hoặc chính câu hỏi, chớ không phải ý kiến hay lợi ích của những người nói, qui định nhịp độ và kết luận của cuộc nói chuyện. Cũng vậy, người giải thích phải theo một số qui luật nhằm nhận ra đâu là ý nghĩa và chân lý mà bản cố cựu để lộ ra trong cuộc gặp gỡ của nó với mình.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page