101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương I

Sự sống vĩnh hằng

làm sao tôi biết

 

Câu Hỏi 1: Theo nội dung các phương tiện truyền thông ngoài đời như báo chí và truyền hình, dường như bên các nước Âu Mỹ trong vòng mấy mươi năm sau này, người ta càng ngày càng chú ý đến cái được gọi là cuộc sống sau cái chết hay là sự sống vĩnh hằng. Thầy có thể giúp lý giải hiện tượng văn hóa này không?

 

Giải Ðáp 1:

Mặc cho - hay mỉa mai thay! - chính vì những cái đang ám ảnh các dân Âu Mỹ như là thanh xuân tươi trẻ, cơ bắp phồng to, cơ thể luyện nhịp a-ê-rô-bích, mà cũng đang ẩn núp đâu đó trong văn hóa Âu Mỹ những mối lo âu về tuổi già, bệnh tật và cái chết, luôn cuốn hút dân chúng một cách dai dẳng. Mỗi khi có một loại "suối nguồn tươi trẻ trong một lọ"kem thoa mặt mới được cải tiến, thì một vết nhăn khác không thể xóa đã được ngón tay Con Ma Lưỡi Hái vẽ lên mặt. Ðang lúc tâm trạng sợ hải và phủ nhận cái chết ấy vô hình trung làm cho sự sống đời sau trở thành một bức phong không tháo gỡ được trên hiện trường các nước Âu Mỹ trong hai mươi năm cuối cùng này, đúng như bạn đã lưu ý, thì nhiều yếu tố đã góp phần đưa đề tài sự sống vĩnh hằng - hay cuộc sống sau cái chết - trở lại làm câu chuyện thời sự đúng mốt trong các dân Âu Mỹ ngày nay.

Không thể kê ra một danh mục đầy đủ các yếu tố ấy, nhưng ít nhất có sáu loại đáng được đặc biệt nêu tên. Trước hết, vào những năm 70, có một sự quan tâm rõ nét đối với tiến trình chết, nhen nhúm bởi những cuốn sách loại On Death and Dying của Elisabeth Kubler-Ross (1970) diễn tả năm giai đoạn chết (từ chối, giận dữ, mặc cả, trầm uất, và chấp nhận), và Life after Life của Raymond Moody (1975) cho những chi tiết về kinh nghiệm của những người đã chết lâm sàng nhưng rồi cải tử hoàn sinh (kinh nghiệm lâm tử). Hai là một cơn si mê đối với kiếp sau và đầu thai, càng tăng độ do phong trào Kỷ Nguyên Mới với những trạng sư nổi danh của họ, như Shirley MacLaine với tác phẩm của bà Our of a Limb (1983). Ba là có phong trào "chết tự nguyện" hay "chết đẹp" (euthanasia), với ông "bác sĩ giúp chết" Jack Kevorkian đem kỹ năng của mình ra tiếp tay những ai muốn hoạch định và thi hành "cuộc ra đi lần cuối" của mình. Bốn là những bệnh lây lan được phát hiện sau này như AIDS làm cho cái chết trở thành một vấn đề gần gũi hơn trong mối quan tâm của quần chúng. Năm là, trên một bậc thang rộng lớn hơn, mối đe dọa bị vũ khí hạt nhân hủy diệt và cơn khủng hoảng môi sinh đã gợi ý rằng lịch sử của loài người và của chính vũ trụ có khả năng sẽ cáo chung. Sau hết, linh cảm có một đại họa gần kề còn được kích động thêm hơn bởi thiên niên kỷ này sắp kết thúc, điều này càng lôi cuốn trí tưởng tượng đi ôn lại những lời tiên tri trong quá khứ về ngày tận thế. Tóm lại, các yếu tố ấy, cũng như rất nhiều yếu tố khác, đã làm cho vấn đề sự sống đời sau và ý nghĩa tối hậu của lịch sử lại nổi cộm lên một lần nữa.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page