Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 9 (Thứ Tư ngày 11-3-1998)

Thiên Chúa Nhúng Tay vào
Lịch Sử khi Ngài muốn

Sau khi xét đến toàn thể công cuộc cứu chuộc được Ðức Kitô là Ðấng Cứu Thế hoàn thành, giờ đây chúng ta suy đến việc hiện thực của công cuộc cứu chuộc này nơi lịch sử nhân loại. Theo một nghĩa nào đó thì đây chính là vấn đề đã được các môn đệ đặt ra với Chúa Giêsu trước khi Người sắp Thăng Thiên: "Lạy Chúa, đây có phải là lúc Chúa phục hồi vương quốc cho dân Yến Duyên (Israel) không?" (Acts 1:6).

Vấn đề được đặt ra theo chiều hướng này nói lên rằng các vị vẫn bị ảnh hưởng bởi một niềm hoài vọng cho rằng vương quốc của Thiên Chúa như là một biến cố gắn liền với định mệnh của một dân nước là Yến Duyên. Trong thời gian 40 ngày giữa Phục Sinh và Thăng Thiên, Chúa Giêsu đã nói với các vị về "vương quốc của Thiên Chúa" (Acts 1:3). Thế nhưng, chỉ sau cuộc tuôn đổ tràn đầy Thần Linh vào Ngày Lễ Ngũ Tuần các vị mới có thể thấu hiểu những khía cạnh sâu xa của vương quốc này. Chúa Giêsu chỉ mới tạm sửa chữa cho cái hào hứng của các vị đang sôi nổi theo lòng mong ước hướng về một vương quốc vẫn còn qúa ư là chính trị và trần tục, bằng cách mời gọi các vị tin tưởng vào những phác họa nhiệm mầu của Thiên Chúa: "Ðây không phải là vấn đề các con cần biết về các thời điểm hay các kỳ hạn mà Cha đã ấn định theo quyền uy của Ngài" (Acts 1:7).

2 - Lời điều chỉnh của Chúa Giêsu liên quan đến "các thời điểm của Thiên Chúa" đã cho thấy sau hai ngàn năm Kitô giáo hệ trọng hơn bao giờ hết. Khi chúng ta đối diện với một vương quốc của Thiên Chúa trên thế giới mà lại chậm rãi phát triển, chúng ta đặt lại vấn đề tin tưởng đối với dự án của Cha nhân hậu, Ðấng hướng dẫn mọi sự bằng sự khôn ngoan siêu việt. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta khâm phục "sự nhẫn nại" của Cha, Ðấng thích ứng tác động biến đổi của mình với tính chất trì trệ của bản tính con người đã bị tội lỗi làm thương tổn. Sự nhẫn nại này đã được tỏ hiện trong Cựu Ước, qua một lịch sử dài, một lịch sử sửa soạn cho việc Chúa Giêsu đến (x.3:25). Sự nhẫn nại này tiếp tục được tỏ hiện cả sau Ðức Kitô, trong cuộc tiến triển của Giáo Hội Người (x.2Pt.3:9).

Trong câu trả lời cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói đến "các thời điểm" (chrónoi) và "các kỳ hạn" (kairoí). Hai chữ này đối với thời gian theo ngôn từ kinh thánh có hai diễn nghĩa đáng được nhắc đến. Chrónos là thời gian trôi chảy bình thường cũng như chịu chi phối bởi sự Quan Phòng thần linh quản trị mọi sự. Thế nhưng, trong giòng lịch sử bình thường này Thiên Chúa đã đặc biệt nhúng tay vào, tạo nên một giá trị cứu độ đặc biệt cho những thời khắc nào đó. Những thời khắc này chính là kairoí, là những kỳ hạn của Thiên Chúa, những kỳ hạn mà con người được kêu gọi để nhận thức và nhờ đó họ phải bắt mình chấp nhận thách đố.

3 - Lịch sử thánh kinh đầy những thời khắc đặc biệt này của Thiên Chúa. Thời khắc trọng yếu nhất là thời điểm Chúa Kitô đến. Cũng thế, theo ý nghĩa phân biệt giữa chrónoi và kairoí này, chúng ta có thể nhìn lại 2000 năm lịch sử của Giáo Hội.

Ðược sai đến với cả loài người, Giáo Hội cảm nghiệm được những thời khắc khác nhau trong cuộc tiến triển của mình. Ở một vài nơi và một vài giai đoạn, Giáo Hội chạm trán với những vấn đề cùng với những chướng ngại đặc biệt; ở vào một số nơi và giai đoạn khác, việc tiến triển của Giáo Hội lại nhanh chóng hơn. Có những giai đoạn trông mong kéo dài cho thấy những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội như chẳng có sinh hoa kết trái gì cả. Ðó là những thời điểm thử thách khả năng của lòng cậy trông, hướng nó về một tương lai xa vời hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng có những thời khắc thuận lợi, khi mà Tin Mừng được ân cần đón nhận, làm tăng lên các cuộc trở lại. Thời khắc khởi phát chính yếu cho mùa ân sủng phong phú nhất đó là Ngày Lễ Hiện Xuống. Nhiều thời khắc như vậy cũng đã xẩy ra và vẫn còn diễn tiến.

4 - Khi có một trong những thời khắc này xẩy ra, những ai có trách nhiệm đặc biệt đối với việc truyền bá Phúc Âm được kêu gọi để nhận biết nó, để hết sức lợi dụng những dịp sủng ái này. Tuy nhiên, không thể nào biết trước được ngày giờ của chúng. Câu trả lời của Chúa Giêsu (x.Acts 1:7) không chỉ ở tại việc kìm hãm lòng hớn hở của các môn đệ, mà còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các vị nữa. Các vị đã bị lôi cuốn vào việc mong đợi Chúa Giêsu sẽ lo liệu mọi sự. Trái lại, các vị nhận được một sứ vụ mời gọi các vị dấn thân hơn nữa. "Các con sẽ là các chứng nhân của Thày" (Acts 1:8). Mặc dầu vào lúc Thăng Thiên, Người đã biến khuất trước mắt các vị, Chúa Giêsu vẫn muốn tiếp tục hiện diện trên thế giới thực sự qua các môn đệ của mình.

Người đã ký thác cho các vị công việc truyền bá Phúc Âm khắp thế giới, khi thôi thúc các vị từ bỏ cái nhìn hẹp hòi của mình chỉ thu gọn vào dân Yến Duyên. Người đã mở rộng chân trời của các vị, mời gọi các vị là những chứng nhân của Người "ở Gialiêm, khắp Giuđêa và Samaria, cho đến tận cùng trái đất" (Acts 1:8).

Như thế là mọi sự đã xẩy ra nhân danh Chúa Kitô, nhưng mọi sự cũng sẽ qua đi nhờ việc làm của từng người trong thành phần chứng nhân này.

5 - Các môn đệ đã có thể co rút lại trước sứ vụ đòi hỏi này, cho rằng mình không có khả năng lãnh nhận một trách nhiệm nghiêm trọng như vậy. Thế nhưng, Chúa Giêsu cho các vị thấy bí mật có thể làm cho các vị hoàn tất được công việc này: "Các con sẽ nhận được quyền năng khi Thánh Thần đến với các con" (Acts 1:8). Với quyền lực này, các môn đệ của Người sẽ thành đạt, bất chấp những yếu hèn con người, trong việc làm chứng nhân chân chính của Chúa Kitô khắp thế gian.

Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm tràn đầy mỗi một người môn đệ cũng như toàn thể cộng đồng những tặng ân phong phú và đa diện của Ngài. Chúa Giêsu đã mạc khải tầm quan trọng của tặng ân quyền lực (dýnamis), một tặng ân sẽ bảo trì công cuộc tông đồ của các vị. Chúa Thánh Thần đã đến với Mẹ Maria trong Ngày Truyền Tin như "quyền lực của Ðấng Tối Cao" (x.Lk.1:35), thực hiện phép lạ Nhập Thể nơi cung dạ của Mẹ. Cũng chính quyền lực này của Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện những diệu kỳ của ân sủng nơi việc phúc âm hóa các dân tộc.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page