Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 63 (Thứ Tư ngày 11-8-1999)

Ơn Cứu Ðộ là Ðịnh Mệnh Tối Hậu
của Nhân Loại

Sau khi suy niệm về mục đích cánh chung của việc chúng ta hiện hữu, tức là, về sự sống đời đời, giờ đây, chúng ta hãy suy tư về cuộc hành trình của chúng ta tiến đến đích điểm này. Ðể suy tư như thế, chúng ta hãy khai triển quan điểm đã được đề cập tới trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến: "Tất cả cuộc sống của Kitô hữu giống như một cuộc lữ hành dài về nhà Cha, Ðấng mà mỗi ngày chúng ta càng nhận ra tình Ngài nhưng không yêu thương hết mọi con người tạo sinh của Ngài, nhất là yêu thương 'đứa con hoang đàng' (x.Lk.15:11-32). Cuộc lữ hành này diễn tiến nơi cõi lòng của mỗi một người, vươn tới cộng đồng tín hữu, để rồi chạm đến toàn thể nhân loại" (Ðoạn 49).

Thật vậy, những gì Kitô hữu một ngày kia sẽ được sống viên trọn thì, hôm nay đây, một cách nào đó, đã được ngưỡng vọng tới. Ðúng thế, chính việc Chúa Vượt Qua đã khai mở cho sự sống đời sau.

2- Cựu Ước đã dọn đường cho việc loan báo sự thật này nơi đề tài phức tạp về "Cuộc Xuất Hành". Cuộc hành trình của dân tộc được Chúa tuyển chọn đến đất hứa (x.Ex.6:6) là phản ảnh rõ ràng cho cuộc hành trình về nhà Cha của Kitô hữu. Dĩ nhiên chúng có những điểm khác nhau, chẳng hạn, trong khi cuộc giải phóng Xuất Hành ngày xưa ấy nhắm đến việc chiếm hữu đất đai là một tặng ban tạm bợ giống như tất cả mọi thực tại khác của con người, thì cuộc "Xuất Hành" mới lại nhắm đến việc lữ hành tiến về nhà Cha, bằng một viễn ảnh chắc chắn về cõi trường sinh vượt trên lịch sử của nhân loại và lịch sử của vũ trụ. Ðất Hứa thời Cựu Ước thực sự đã bị mất đi theo cuộc sụp đổ của hai vương quốc, cũng như cuộc Lưu Ðầy sang Babylon, sau đó, tư tưởng hồi hương trở về đã được nhem nhúm lên như là một Cuộc Xuất Hành mới. Tuy nhiên, cuộc hành trình ấy lại không tận kết nơi khung cảnh địa dư và chính trị, mà lại vươn mình tới một nhãn quan "cánh chung", nhờ đó, nó đã khơi mào cho tất cả những gì được mạc khải nơi Chúa Kitô. Những hình ảnh hoàn vũ trong Sách Tiên Tri Isaia nói về cuộc hành trình của các dân tộc và của lịch sử tiến về tân Gialiêm, trung tâm điểm của thế giới (x.Is.56-66), thực sự đã ngả theo chiều hướng này.

3- Tân Ước loan báo việc hoàn thành lòng mong đợi hết sức ấy, bằng xác tín rằng Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ của thế giới: "Khi thời gian nên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài, được sinh ra bởi một ngươêi nữ, được sinh ra theo lề luật, để cứu chuộc những ai sống theo lề luật, nhờ đó chúng ta được thừa nhận làm con cái" (Gal.4:4-5). Theo ý nghĩa của việc loan báo này thì sự sống đã mặc lấy hình thức cứu độ. Nó được nên trọn khi Chúa Giêsu Nazarét đến, mà tột đỉnh là Cuộc Vượt Qua của Người, song sẽ được hoàn toàn hiện thực nơi "parousia", nơi việc Chúa Kitô đến lần sau hết.

Theo Thánh Tông Ðồ Phaolô, cuộc hành trình cứu độ này, một cuộc hành trình liên kết quá khứ với hiện tại, qui hướng về tương lai, là thành qủa của những gì Thiên Chúa trù liệu, hoàn toàn được tập trung nơi mầu nhiệm Chúa Kitô. Ðó là "mầu nhiệm của những gì Ngài muốn, theo mục đích Ngài phác họa nơi Chúa Kitô, như một dự án cần phải được thực hiện cho đến khi thời gian nên trọn, để hiệp nhất hết tất cả mọi sự trong Người, những sự ở trên trời cũng như những sự dưới trần gian" (Eph.1:9-10; x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1042 và sau đó).

Theo dự án thần linh này, hiện tại là thời gian của "những gì đã qua và chưa đến". Nó là thời gian cứu độ đã được hoàn thành và là một cuộc hành trình tiến đến việc hiện thực hóa nó: "Cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến đức tin duy nhất và hiểu biết Con Thiên Chúa, đến việc trưởng thành con người, đến tầm vóc Chúa Kitô trọn vẹn" (Eph.4:13).

4- Việc tăng trưởng cho đến tình trạng kiện toàn này nơi Chúa Kitô, và do đó cũng là việc tăng trưởng hướng đến việc cảm nghiệm thấy mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là ở chỗ Cuộc Vượt Qua sẽ được nên trọn và chỉ được hoàn toàn cử hành trong vương quốc cuối cùng của Thiên Chúa mà thôi (x.Lk.22:16). Thế mà, các biến cố Nhập Thế, Tử Giá và Phục Sinh lại là các biến cố đã làm nên mạc khải vĩnh viễn của Thiên Chúa. Việc hiến ban ơn cứu chuộc ở nơi biến cố Vượt Qua này, được ghi vào lịch sử làm người tự do của chúng ta, là một việc cần chúng ta đáp ứng lại tiếng gọi cứu độ.

Ðời sống Kitô hữu là một cuộc tham dự vào mầu nhiệm vượt qua, là một Con Ðường Thánh Giá và Phục Sinh. Nó là một Con Ðường Thánh Giá, vì cuộc sống của chúng ta được liên tục thanh tẩy, để chúng ta có thể chế ngự cái thế giới hắn vết tội lỗi xưa kia. Nó cũng là một con đường phục sinh, vì, khi làm cho Chúa Kitô sống lại, Chúa Cha đã thống trị tội lỗi, để, đối với tín hữu, "đức công chính của Thánh Giá" trở thành "đức công chính của Thiên Chúa", tức là, sự thật và tình yêu của Ngài chiến thắng tình trạng gian ác nơi thế gian.

5- Tóm lại, đời sống Kitô hữu đang tăng trưởng hướng về mầu nhiệm của Cuộc Vượt Qua trường sinh bất tử. Do đó, nó đòi chúng ta phải gắn mắt vào mục tiêu, vào các thực tại tối hậu, đồng thời, chúng ta cũng đấu tranh cho các thực tại "cận hậu": giữa các thực tại cận hậu và mục tiêu cánh chung cuối cùng này chẳng những không tương phản nhau, trái lại, chúng còn có một mối liên hệ hỗ tương tốt đẹp. Cho dù luôn luôn phải nắm vững cái chính yếu Vĩnh Cửu, nó cũng không làm ngăn cản chúng ta sống những thực tại lịch sử chính đáng theo ánh sáng của Thiên Chúa (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1048 và sau đó).

Nó là một vấn đề thanh tẩy mọi hoạt động của con người và mọi việc làm trần thế, để Mầu Nhiệm Chúa Vượt Qua càng ngày càng chiếu tỏa nơi chúng. Như Công Ðồng Chung Vaticanô II đã thực sự nhắc nhở chúng ta, hoạt động của nhân loại, là những gì luôn luôn mang dấu vết tội lỗi, cần phải được thanh tẩy và thăng hóa trọn lành nhờ mầu nhiệm vượt qua, để "khi chúng ta gieo vãi trên thế gian hoa trái của bản tính chúng ta cũng như của sinh hoạt của chúng ta - về nhân phẩm, về tình hiệp thông huynh đệ và về tự do - theo mệnh lệnh Chúa và theo Thần Linh, chúng ta sẽ gặp thấy chúng lại, trong tình trạng chúng được thanh tẩy khỏi tì vết tội lỗi trong lúc này đây, được chiếu sáng và được biến hình, khi Chúa Kitô dâng lên Cha Người một vương quốc trường sinh và phổ quát" (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 39).

Ánh sáng đời đời này chiếu soi cuọâc sống và toàn thể lịch sử nhân loại trên trái đất.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page