Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 59 (Thứ Tư ngày 7-7-1999)

Thiên Chúa Phán Quyết
đầy tình thương

Trong Thánh Vịnh 116 chúng ta đọc thấy "Chúa sủng ái và công minh; Thiên Chúa của chúng ta giầu lòng thương xót" (câu 5). Thoạt tiên phán quyết và tình thương dường như là hai thực tại không thể hòa hợp với nhau, hay ít là nếu tình thương có thể liên kết được với phán quyết thì tình thương phải làm giảm bớt quyền năng bất nhân nhượng của phán quyết. Bởi thế mới cần phải hiểu được lý lẽ của Thánh Kinh là những gì đã liên kết chúng lại với nhau và đã thực sự cho thấy rằng chúng cần nhau để tồn tại.

Trong Cựu Ước, ý nghĩa về đức công minh thần linh được dần dần nhận thức thấy, bắt đầu từ tình trạng con người hành thiện mà lại cảm thấy bị đe dọa một cách bất công. Thế rồi họ tìm nương náu và chở che nơi Thiên Chúa. Cảm nghiệm này đã được diển đạt một số lần trong các Thánh Vịnh, chẳng hạn như: "Tôi biết rằng Chúa phân xử cho kẻ khốn khó và phân minh cho người nghèo khó. Kẻ chính trực nhất định sẽ tạ ơn danh Ngài; người ngay lành sẽ ở trước nhan Chúa" (Ps.104:13-14).

Về vấn đề khó khăn trong việc tìm kiếm công lý nơi con người cũng như nơi các trường hợp của họ, thì trong Thánh Kinh càng ngày càng nhận thức được rằng công lý sẽ chỉ hoàn toàn được thể hiện ở tương lai, qua hoạt động của một nhân vật nhiệm mầu là Ðấng từ từ sẽ tỏ ra những đặc tính "thiên sai" rõ ràng minh bạch hơn: đó là một vị vua hay con của một vị vua (x.Ps.72:1), một chồi "sẽ phát xuất từ gốc Jesse" (Is.11:1), một "nhánh công chính" là miêu duệ của Ðavít (Jer.23:5).

2- Hình ảnh của Vị Thiên Sai, được báo trước nơi nhiều đoạn văn, nhất là nơi các sách tiên tri, theo quan niệm cứu độ, có phận sự cai quản và phân xử cho tình trạng thịnh vượng và phát triển của cộng đồng cũng như của phần tử cá nhân thuộc cộng đồng này.

Phận sự pháp quyền này sẽ được thi hành đối với người lành cũng như kẻ ác, thành phần sẽ cùng nhau ra trước tòa phán xét, nơi mà sự vinh thắng của kẻ công chính sẽ làm cho kẻ dữ phải khiếp sợ và ngỡ ngàng (x.Wis.4:20-5:23; cũng x.Dn.12:1-3). Tác dụng của phán quyết thuộc về "Con Người", theo thị kiến của sách Ðaniên cho thấy, sẽ là việc dân thánh của Ðấng Tối Cao chiến thắng trên cuộc sụp đổ của các vương quốc thế trần (x.Dn. đoạn 7, nhất là các câu 18 và 27).

Lại nữa, ngay cả chính thành phần mong chờ phán quyết thuận lợi cho mình cũng nhận thấy những giới hạn của mình. Thế nên, càng ngày mới càng có cảm thức rằng không thể nào có công chính nếu không có ân sủng thần linh, như tác giả Thánh Vịnh nhắc nhở: "Ôi Chúa… xin hãy đáp lời tôi theo công lý của Ngài. Xin Chúa đừng luận xử tôi tớ của Ngài, vì trước nhan Chúa không có ai sống mà chính trực cả" (Ps.143:1-2).

3- Chúng ta cũng thấy cùng một lý lẽ như vậy trong Tân Ước, nơi mà phán quyết thần linh được gắn liền với công việc cứu độ của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu là Con Người được Chúa Cha ban quyền xét xử. Người sẽ tuyên phán trên tất cả mọi người từ cõi chết sống lại, khi phân loại thành phần được tiền định phục sinh để hưởng sự sống ra khỏi thành phần sống lại để chịu phán xét (x.Jn.5:26-30). Tuy nhiên, như Thánh Ký Gioan nhấn mạnh: "Thiên Chúa đã sai Con vào trần gian không phải để luận phạt trần gian, song để trần gian nhờ Người mà được cứu độ" (Jn.3:17). Chỉ những ai chối từ ơn cứu độ do Thiên Chúa hiến ban theo lòng nhân từ vô biên của Ngài mới bị luận phạt mà thôi, bởi vì họ sẽ tự luận phạt chính bản thân mình.

4- Thánh Phaolô đã đào sâu ý nghĩa cứu độ về quan niệm "sự công chính của Thiên Chúa" này, một công chính được hoàn tất "nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô đối với tất cả những ai tin" (Rm.3:22). Sự công chính của Thiên Chúa được gắn bó chặt chẽ với tặng ân giao hòa; nếu chúng ta được giao hòa với Chúa Cha nhờ Ðức Kitô, thì cả chúng ta nữa, nhờ Ðức Kitô, cũng có thể trở nên sự công chính của Thiên Chúa (x.2Cor.5:18-21).

Phán quyết và tình thương, như thế, có thể hiểu như là hai khía cạnh của cùng một mầu nhiệm yêu thương: "Vì Thiên Chúa đã dồn tất cả mọi người vào tình trạng bất phục tùng để Ngài có thể tỏ tình thương với tất cả mọi người" (Rm.11:32). Như thế, là cốt lõi của thái độ thần linh và cần trở nên nhân đức nền tảng cho tín hữu, tình yêu phải thôi thúc chúng ta tin tưởng vào ngày phán xét, loại trừ đi tất cả mọi sợ hãi lo âu (x.1Jn.4:18). Theo gương của phán quyết thần linh này, phán đoán của nhân loại cũng phải được thể hiện theo lề luật của tự do, một lề luật thực sự được tình thương làm chủ: "Anh em hãy luôn luôn nói và làm như những người hướng đến phán quyết theo lề luật của tự do. Phán quyết phũ phàng dành cho người không biết xót thương; nhưng tình thương lại thắng vượt trên phán quyết" (Jas.2:12-13).

5- Thiên Chúa là Cha tình thương và của mọi niềm an ủi. Vì thế mà trong lời cầu thứ năm của kinh nguyện tuyệt hảo là Kinh Lạy Cha, "chúng ta bắt đầu nguyện cầu với lời 'xưng nhận' nỗi hèn yếu của mình cũng như tình thương của Ngài" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2839). Trong việc tỏ cho chúng ta thấy sự trọn vẹn của tình thương nơi Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể đến được với Cha rất chính trực và xót thương, nhờ cảm nghiệm được mối tình thương ấy, một mối tình thương ghi vết nơi các mối liên hệ giữa chúng ta với tha nhân. "Việc tuôn đổ tình thương này không thể thấm vào lòng chúng ta bao lâu chúng ta không tha cho những ai phạm đến chúng ta… Khi từ chối không chịu tha thứ cho anh chị em của mình, lòng chúng ta đã đóng lại và tình trạng cứng cỏi của lòng chúng ta làm cho chúng tuột mất tình yêu nhân hậu của Chúa Cha" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2840).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page