Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 56 (Thứ Tư ngày 19-5-1999)

Việc Ðối Thoại với
các Ðại Tôn Giáo trên Thế Giới

Việc Sách Tông Vụ thuật lại bài diễn từ của Thánh Phaolô ngỏ cùng dân thành Nhã Ðiển hình như rất thích hợp cho công hội đa giáo ở vào thời của chúng ta đây. Ðể trình bày cho thấy vị Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Thánh Phaolô đã mở màn bằng việc sống đạo của thính giả, khi nói lên cảm nhận của mình rằng: "Thưa qúi vị thành Nhã Ðiển, tôi thấy qúi vị thật là mộ đạo hết sức. Vì khi tôi đi ngang qua thành, nhìn kỹ các vật thờ phượng của qúi vị, tôi thấy có một bàn thờ được ghi rằng 'kính thần vô danh'. Bởi thế, điều qúi vị tôn thờ mà không biết thì tôi xin được loan báo cho qúi vị hay" (Acts 17:22-23).

Trong cuộc viếng thăm về tinh thần và về mục vụ của Tôi khắp thế giới hiện nay, Tôi vẫn nói lên việc Giáo Hội cảm nhận về "những gì chân thật và thánh hảo" nơi các tôn giáo thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Theo chiều hướng của Công Ðồng Chung Vaticanô II, tôi còn nói đến sự kiện là chân lý Kitô Giáo góp phần vào việc "khích lệ thiện ích về tinh thần và luân lý nơi các tôn giáo, cũng như khích lệ các giá trị về xã hội và văn hóa của họ" (Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đoạn 2). Vai trò phụ thân đại đồng của Thiên Chúa, được mạc khải nơi Ðức Giêsu Kitô, cũng thôi thúc chúng ta đối thoại với các tôn giáo không thuộc giòng dõi Abraham. Cuộc đối thoại này cho thấy có đầy những vấn đề và thách đố, chẳng hạn như chúng ta nghĩ tới các văn hóa Á Châu có tính cách sâu xa về tinh thần đạo giáo, hay các tôn giáo cổ truyền Phi Châu là nguồn mạch khôn ngoan và sự sống cho rất nhiều người.

2- Cốt lõi của cuộc Giáo Hội gặp gỡ các tôn giáo trên thế giới này là việc nhận thức về những đặc điểm của các tôn giáo ấy, tức là nhận thức về đường lối họ hướng tới mầu nhiệm Thiên Chúa Ðấng Cứu Tinh, Thực Tại tối thượng của đời sống con người. Thật vậy, mọi tôn giáo đều tỏ ra cho thấy mình như là một cuộc tìm kiếm ơn cứu độ và chỉ cho thấy con đường để đạt tới cứu độ (xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 843). Cuộc đối thoại cần phải xác tín rằng, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa cũng là "nơi" ưu ái cho việc hiện diện cứu độ của Ngài.

Cầu nguyện, một việc nhận biết kính tôn Thiên Chúa, một việc tri ân về các tặng ân của Ngài, một việc kêu cầu Ngài trợ giúp, là một hình thức gặp gỡ đặc biệt, nhất là đối với các tôn giáo, cho dù chưa nhận ra mầu nhiệm phụ thân của Thiên Chúa, cũng biết "thực sự giang tay hướng về trời" (Ðức Phaolô VI, tông huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 53). Tuy nhiên, cuộc đối thoại trở nên khó khăn hơn đối với một số hình thức tin tưởng về đạo giáo hiện nay thường lấy việc cầu nguyện như là một bồi dưỡng cho khả năng sống còn của con người để đánh đổi lấy ơn cứu độ.

3- Cuộc đối thoại của Kitô Giáo với các tôn giáo khác mặc nhiều hình thức khác nhau và được thực hiện ở các mức độ khác nhau, khởi đầu là mức độ đối thoại bằng đời sống, là mức độ "người ta nỗ lực sống bằng một tinh thần cởi mở và cận thân, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của mình, chia sẻ các vấn đề và bận tâm nhân bản của mình" (Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðối Thoại Liên Tôn và Thánh Bộ về Truyền Bá Phúc Âm cho Các Dân Tộc, Bản Hướng Dẫn về Việc Ðối Thoại và Loan Báo: Các Suy Tư và Chỉ Dẫn, 19-5-1991, số 42). Việc đối thoại bằng hành động này quan trọng đặc biệt. Trong số các việc đối thoại bằng hành động ấy, chúng ta phải nói đến việc giáo dục về hòa bình và việc tôn trọng môi sinh, việc gắn bó với thành phần khổ đau, việc cổ võ công bình xã hội và việc phát triển toàn vẹn các dân tộc. Ðức ái vô hạn của Kitô Giáo hoan hỉ hợp lực với việc chứng tỏ chung nơi những phần tử của các tôn giáo khác, khi vui mừng về thiện ích họ đạt được.

Thế rồi tới việc đối thoại về thần học là việc các chuyên gia cố gắng đào sâu kiến thức của mình vào các gia sản tôn giáo khả kính của họ cũng như ghi nhận lấy các giá trị linh thiêng của họ. Tuy nhiên, những cuộc hội họp giữa chuyên gia của các tôn giáo khác nhau không thể thu hẹp vào việc tìm kiếm một mẫu số chung tối thiểu. Mục đích của họ là dấn thân can đảm phục vụ cho chân lý, bằng cách đề cao những phương diện tương hợp cũng như những khác biệt chủ yếu, với một nỗ lực chân thành để thắng vượt việc làm tổn thương nhau và hiểu lầm nhau.

4- Cuộc đối thoại về cảm nghiệm đạo giáo cũng càng ngày càng trở nên quan trọng. Thực hành chiêm niệm là việc đáp ứng nỗi khát vọng sâu xa về đời sống nội tâm của những người đi tìm kiếm tâm linh, và giúp cho tất cả mọi tín đồ vào sâu hơn trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Một số thực hành chiêm niệm bắt nguồn từ các tôn giáo Ðông phương, một cách nào đó, đã thu hút được con người ngày nay. Kitô hữu phải thực hành việc cảm thức tâm linh theo chiều hướng của mình để khỏi làm mất đi ý niệm về cầu nguyện như được Thánh Kinh tỏ bầy dọc suốt lịch sử cứu độ (xem Thánh Bộ về Tín Lý Ðức Tin, Bức Thư Orationis Formas về Một Vài Khía Cạnh của Việc Suy Niệm Kitô Giáo, 15-10-1989: AAS82 [1990], II, trang 362-379).

Việc nhận thức thiết yếu này không làm cản trở cuộc đối thoại liên tôn. Thật vậy, qua nhiều năm, các cuộc hội họp với những cộng đồng tu trì khác nhau của các tôn giáo đầy tình thân hữu là những mở đường cho việc chia sẻ hỗ tương về các nguồn phong phú thiêng liêng của nhau, "liên quan đến việc cầu nguyện và chiêm niệm, đến niềm tin và đường lối để tìm kiếm Thiên Chúa hay Tuyệt Ðối Thể" (Ðối Thoại và Loan báo, đoạn 42). Tuy nhiên, không bao giờ được nại đến khoa thần bí để biện hộ cho khuynh hướng tương đối về tôn giáo, nhân danh một thứ cảm nghiệm làm giảm thiểu giá trị mạc khải của Thiên Chúa nơi lịch sử. Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương và niềm vui trong việc làm chứng cho sự kiện là Thiên Chúa đã thực sự tỏ mình ra nơi Người, như Phúc Âm Thánh Gioan nói cho chúng ta biết: "Không ai đã từng được thấy Thiên Chúa; Người Con duy nhất ở nơi Cha mới là Ðấng tỏ Cha ra" (Jn.1:18). Phải hoàn toàn biểu lộ cho thấy được chứng từ này, song cũng nhận thức rằng, Chúa Kitô và Thần Linh của Người vẫn nhiệm mầu tác động nơi tất cả những ai sống chân thành theo niềm xác tín thuộc đạo giáo của họ. Cùng với tất cả mọi tín đồ chân chính, Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành của mình qua giòng lịch sử, hướng về cuộc đời đời chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong ánh vinh quang của Ngài.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page