Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 52 (Thứ Tư ngày 14-4-1999)

Làm chứng cho chân dung Thiên Chúa
để đối phó với chủ nghĩa vô thần

Khuynh hướng tôn giáo nơi con người xuất phát từ bản tính là tạo vật của họ, một khuynh hướng thôi thúc họ khát vọng Thiên Chúa là Ðấng đã dựng nên họ theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (x.Gn.1:26). Công Ðồng Chung Vaticanô II đã dạy rằng "phẩm vị con người trước hết là ở sự kiện họ được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ khi hiện hữu con người đã nhận được lời mời gọi chuyện trò với Thiên Chúa rồi. Con người sở dĩ được hiện hữu là chính bởi Thiên Chúa đã vì yêu thương dựng nên họ và vì yêu thương tiếp tục bảo hữu họ. Họ không thể nào sống trọn vẹn theo chân lý nếu họ không nhận biết tình yêu ấy và phó thác mình cho Ðấng Tạo Thành của họ" (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 19).

Ðường lối dẫn con người đến việc nhận biết Thiên Chúa Cha là Chúa Giêsu Kitô, Lời nhập thể, Ðấng đến với chúng ta bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần. Như Tôi đã nhấn mạnh đến ở bài giáo lý lần trước, việc nhận biết này là một nhận biết chân thực và trọn vẹn, nếu nó không bị suy giảm xuống tới tầm mức thuần lý trí, mà bao gồm chính yếu toàn thể con người. Toàn thể con người này phải đáp ứng đức tin và kính mến Thiên Chúa, với ý thức là trước khi nhận biết Ngài, chúng ta đã được Ngài biết đến và yêu thương rồi (x. Gal.4:9; 1Cor.13:12; 1Jn.4:19).

Tiếc thay, bị tội lỗi của nguyên tổ chúng ta từ khi mở màn lịch sử làm suy yếu, con người đã sống mối liên hệ thân tình và thiết yếu với Thiên Chúa ấy một cách mong manh và xung khắc, đầy những nghi hoặc và thường bị tội lỗi phá gẫy. Thời đoạn hiện đại đặc biệt tỏ lộ ra cho thấy những hình thức hủy thể của chủ nghĩa vô thần về "lý thuyết" cũng như về "thực hành" (x. Thông Ðiệp Ðức Tin và Lý Trí, đoạn 46-47). Trào lưu tục hóa tỏ ra bại hoại đặc biệt ở chỗ nó dửng dưng với những vấn nạn tối hậu cũng như với đức tin: thật vậy, nó biểu lộ một mẫu người thiếu hết mọi nền tảng về siêu việt tính. Thế nên chủ nghĩa vô thần về "thực hành" mới là một thực tại đáng tiếc và là một thực tại cụ thể. Nó qủa thật đã chính thức xuất hiện nơi các nền văn minh tiến bộ hơn về kinh tế cũng như kỹ thuật, song các tác dụng của nó cũng đã lan tràn đến cả những tình trạng và văn hóa đang trên đà phát triển nữa.

2- Chúng ta phải được Lời Chúa hướng dẫn để giải thích tình trạng trong thế giới hiện đại này cũng như để trả lời cho những vấn đề nó nêu lên.

Mở Thánh Kinh ra, chúng ta nhận thấy ngay rằng vấn đề chủ nghĩa vô thần về "lý thuyết" không hề được đề cập đến, trong khi đó Thánh Kinh lại quan tâm đến vấn đề loại trừ chủ nghĩa vô thần về "thực hành". Thánh Vịnh gọi kẻ tự nhủ trong lòng mình rằng "Không có Thiên Chúa" (Ps.14:1) và tác hành như thể không có Thiên Chúa là ngu muội: "Họ là kẻ bại hoại, họ làm những việc ghê tởm, không có một ai hành thiện" (cùng đoạn Thánh Vịnh vừa trích). Câu thánh vịnh khác lên án kẻ gian ác là người "vỗ ngực cho rằng 'Ngài sẽ không báo oán'; 'Không có Thiên Chúa' (Ps.10:4).

Thay vì nói đến chủ nghĩa vô thần thì Thánh Kinh đã đề cập tới việc gian ác và tôn thờ ngẫu tượng. Bất cứ ai ưa chuộng các thứ sản phẩm nhân tạo, lầm lẫn cho rằng chúng là những gì thần linh, sống động và linh hoạt, hơn vị Thiên Chúa chân thật đều là gian ác và thờ ngẫu tượng. Có nhiều lời trách móc của các tiên tri đã nhấn mạnh đến cái bất lực của các ngẫu tượng cũng như đến những kẻ tạo nên những thứ ngẫu tượng này. Với sức mạnh của biện chứng, cái trống rỗng và bất xứng của các ngẫu tượng nhân tạo đụng độ phải quyền năng của Thiên Chúa là Ðấng Hóa Công và cũng là Ðấng Diệu Công (x. Is.44:9-20; Jer.10:1-16).

Giáo huấn này được khai triển hầu như trọn vẹn trong Sách Khôn Ngoan (x.Wis.13-15), đã cho thấy cách thức, sau này được Thánh Phaolô nhắc lại (x.Rm.1:18-23), để tiến đến việc nhận biết Thiên Chúa căn cứ vào các tạo vật. Bởi thế, là một "người vô thần" tức là người không biết gì về bản tính đích thực của thực tại tạo sinh, trái lại, đã tuyệt đối hóa nó rồi "ngẫu tượng hóa" nó, thay vì coi nó như dấu vết của Ðấng Tạo Thành và là đường lối dẫn đến Ngài.

3- Chủ nghĩa vô thần thậm chí còn có thể trở thành một loại ý thức hệ bung tỏa như lịch sử cho thấy. Hai thế kỷ vừa qua đã phát ra các luồng chủ nghĩa vô thần về lý thuyết chối bỏ Thiên Chúa để nắm quyền tự quyết tuyệt đối về con người, thiên nhiên hay khoa học. Ðó là điều Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã nhấn mạnh: "Chủ nghĩa vô thần thường do quan niệm sai lầm về quyền tự quyết của con người, thái qúa đến độ chối bỏ việc lệ thuộc vào Thiên Chúa" (số 2126).

Chủ nghĩa vô thần có tổ chức này đã lan tràn nhiều thập niên, tuyên truyền cái ảo tưởng cho rằng con người sẽ được tự do hơn, về cả phương diện tâm lý cũng như xã hội, ở chỗ loại trừ Thiên Chúa đi. Những chống đối chính do chủ nghĩa này nêu lên, đặc biệt về Thiên Chúa Cha, là ở chỗ ý niệm tôn giáo hiến cho người ta cái giá trị bù đắp. Trong việc làm át đi hình ảnh của người cha trần thế, thành phần người lớn được dạy bảo qui trách Thiên Chúa cái nhu cầu cần có một người cha cao cả hơn, vị Thiên Chúa mà bản thân họ phải thoát ly, vì ngài làm cản trở tiến trình phát triển của nhân loại.

Thái độ của Giáo Hội đối với những hình thức vô thần ấy cũng như đối với những biện minh về ý hệ này ra sao? Giáo Hội không khinh thường việc học hỏi cẩn trọng những yếu tố về tâm lý cũng như về xã hội nơi hiện tượng tôn giáo, nhưng mạnh mẽ bác bỏ việc giải thích tôn giáo tính như là một dự phóng của tâm lý về nhân bản hay là kết qủa của vấn đề điều kiện hóa về xã hội. Thật vậy, cảm nghiệm tôn giáo chân chính không phải là một bộc lộ non nớt mà là một thái độ chín chắn và cao qúi trong việc chấp nhận Thiên Chúa, một thái độ sẽ mang lại ý nghĩa cho đời sống và bao hàm trách nhiệm phải tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

4- Công Ðồng Chung Vaticanô II công nhận rằng, các tín hữu có thể đã góp phần vào việc làm phát sinh ra chủ nghĩa vô thần ở chỗ họ không luôn luôn tỏ cho thấy chân dung của Thiên Chúa (x. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 19; Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2125).

Như thế, việc chứng tỏ cho thấy dung nhan thực sự của Thiên Chúa là việc đáp ứng quyết liệt nhất đối với chủ nghĩa vô thần. Việc chứng tỏ này cũng không loại trừ, mà còn đòi phải trình bày chính xác những lý do hợp lý dẫn đến việc nhận biết Thiên Chúa nữa. Tiếc thay, những lý do này thường hay bị lu mờ bởi ảnh hưởng tội lỗi và bởi nhiều hoàn cảnh văn hóa. Sứ điệp Phúc Âm, được xác nhận bởi chứng từ đức ái tinh tế (x. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 21), nhờ vậy sẽ là một đường lối tác hiệu nhất giúp người ta hiểu được một phần nào sự thiện hảo của Thiên Chúa, để rồi dần dần nhận ra dung nhan nhân hậu xót thương của Ngài.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page