Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 49 (Thứ Tư ngày 17-3-1999)

Sự Sống Ðời Ðời
là nhận biết Chúa Cha

Chúa Giêsu, vào giây phút bi thảm sửa soạn đối diện với sự chết, đã kết thúc bài từ biệt của mình (x.Jn.13ff) bằng lời nguyện tuyệt vời cùng Chúa Cha. Bài từ biệt này có thể được coi như là một bằng chứng thiêng liêng cho thấy Chúa Giêsu trao lại vào bàn tay Cha mệnh lệnh Người đã nhận lãnh: ở chỗ làm cho tình yêu của Cha được thế gian nhận biết nhờ tặng ân sự sống đời đời (x.Jn.17:2). Sự sống Người hiến tặng được giải nghĩa một cách đáng chú ý như là một tặng ân nhận biết. "Sự sống đời đời ở chỗ họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Ðấng Cha sai là Ðức Giêsu Kitô" (Jn.17:3).

Nhận biết ở đây, theo ngôn ngữ thánh kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước, không phải chỉ thuộc về tri thức mà thường bao hàm một kinh nghiệm sống của toàn thể con người trong đó có cả khả năng yêu thương. Việc nhận biết này dẫn đến việc "gặp gỡ" Thiên Chúa, như một phần của tiến trình được truyền thống thần học Ðông phương gọi là "thần linh hóa", và là một tiến trình xẩy ra nhờ tác động biến đổi nội tại của Thần Linh Thiên Chúa (x. Thánh Grêgôriô Nyssan, Oratio Catech., 37: PG 45, 98B). Chúng ta đã bàn tới những đề tài này ở các bài giáo lý trong năm kính Chúa Thánh Thần. Giờ đây, trở lại với những lời của Chúa Giêsu vừa được trích dẫn, chúng ta muốn suy tư về ý nghĩa trong việc nhận biết sống động về Thiên Chúa Cha.

2 - Thiên Chúa có thể được nhận biết như một người cha ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm chúng ta nhìn Ngài cũng như vào khía cạnh của mầu nhiệm cứu xét. Việc nhận biết theo tự nhiên về Thiên Chúa được căn cứ vào tạo vật: việc nhận biết này dẫn chúng ta tới việc nhận biết Ngài là nguyên ủy và là căn nguyên siêu việt của thế giới cũng như của con người, nhờ đó chúng ta nhận thấy vai trò làm cha của Ngài. Việc nhận biết này sâu xa hơn theo tiến trình của ánh sáng Mạc Khải, tức là dựa vào các lời của Thiên Chúa cũng như vào việc Ngài làm trong lịch sử cứu độ (xem sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 287).

Trong Cựu Ước, việc nhận biết Thiên Chúa như một người cha tức là việc trở lại với nguồn cội của dân giao ước: "Ngài há chẳng phải là cha của các người, Ðấng đã tạo dựng các người, Ðấng đã làm nên các người và đã thiết lập các người hay sao?" (Dt.32:6). Việc qui chiếu về Thiên Chúa như cha của mình là việc bảo đảm và bảo tồn tình trạng hiệp nhất của những ai thuộc về cùng một gia đình: "Tất cả chúng ta không phải có cùng một Cha hay sao? Thiên Chúa duy nhất đã không dựng nên chúng ta hay sao?" (Mal.2:10). Thiên Chúa được nhận biết như một người cha ngay cả khi Ngài sửa trị con cái cho lợi ích của chúng: "Thiên Chúa khiển trách kẻ Ngài yêu thương, như người cha khiển trách người con ông yêu qúi" (Prv.3:12). Hiển nhiên là người cha bao giờ cũng được kêu cầu trong những lúc thất vọng: "Ôi Chúa, tôi kêu lên Ngài là cha của tôi, là vệ sĩ của tôi và là đấng cứu độ tôi; xin đừng bỏ rơi tôi trong lúc rắc rối, giữa bão tố và hiểm nguy" (Sir.51:10). Những giá trị có được nơi vai trò làm cha theo nhân loại qua tất cả các hình thức này được áp dụng một cách tuyệt hảo cho Thiên Chúa. Chúng ta phải nhận ngay là không thể nào biết được trọn vẹn ý nghĩa vai trò làm cha này, ngoại trừ nó được chính Thiên Chúa tỏ ra cho biết.

3 - Các biến cố lịch sử cứu rỗi cho thấy việc mạc khải từ từ tác động khơi mào của Chúa Cha: Ngài mở lòng trí tín hữu bằng tác động bề trong để họ chấp nhận Ngôi Con nhập thể. Nhờ việc nhận biết Chúa Giêsu, họ cũng có thể nhận biết Ngài là Cha. Ðây là điều chính Chúa Giêsu đã dạy khi Người trả lời cho Thánh Tôma: "Nếu các con biết Thày các con cũng biết Cha Thày" (Jn.14:7; x. 7-10).

Như thế, cần phải tin vào Chúa Giêsu và thấy Người, ánh sáng thế gian, để không còn ở trong tăm tối của vô thức (x.Jn.12:44-46) và để biết rằng giáo huấn của Người từ Cha mà có (x.Jn.7:17ff). Ðiều kiện này làm cho chúng ta có thể nhận biết Cha và mới có khả năng tôn thờ Ngài "trong tinh thần và chân lý" (Jn.4:23). Việc nhận biết sống động này không thể tách khỏi tình yêu. Tình yêu này được Chúa Giêsu thông truyền, như Người nói lên trong kinh nguyện tư tế của Người: "Ôi Cha công chính… Con đã tỏ danh Cha cho họ và Con sẽ còn tỏ ra, để tình Cha yêu Con cũng ở trong họ nữa" (Jn.17:25-26).

"Khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Cha là chúng ta giao tiếp với Ngài cũng như với Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ chúng ta hiểu biết và nhận ra Ngài bằng một cảm quan chiêm ngắm luôn luôn mới mẻ" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2781). Như thế, nhận biết Cha nghĩa là tìm thấy nơi Ngài nguồn gốc hữu thể của chúng ta và tìm thấy nguồn gốc sự hiệp nhất của chúng ta như phần tử của một gia đình, và cũng có nghĩa là được chìm vào sự sống "siêu nhiên", chính là sự sống của Thiên Chúa.

4 - Bởi thế, sứ điệp của Chúa Con vẫn là con đường vương giả cho việc nhận biết Cha và làm cho Ngài được nhận biết; thật vậy, như những lời sáng tỏ của Thánh Irênê gợi lại: "Kiến thức của Cha là Con" (Adv. Haer., IV 6, 7: PG 7, 990B). Trường hợp này chẳng những được cống hiến cho dân Yến-Duyên mà còn cho cả Dân Ngoại nữa, như Thánh Phaolô nhấn mạnh trong Thư gửi giáo đoàn Rôma: "Phải chăng Thiên Chúa là Thiên Chúa của một mình dân Do Thái? Ngài cũng chẳng phải là Thiên Chúa của Dân Ngoại hay sao? Phải, của cả Dân Ngoại nữa, vì Thiên Chúa chỉ là một; và Ngài sẽ công chính thành phần cắt bì theo đức tin của họ cũng như thành phần không cắt bì nhờ đức tin của họ" (Rm.3:29f). Thiên Chúa chỉ là một và Ngài là Cha của tất cả mọi người, Ðấng thiết tha hiến ban cho mọi người ơn cứu độ do Con mang lại: đây là điều được Phúc Âm Thánh Gioan gọi là tặng ân sự sống đời đời. Tặng ân này phải được chấp nhận và truyền đạt theo chiều hướng cảm tạ tri ân là những gì đã làm cho Thánh Phaolô viết trong Thư Thứ Hai gửi giáo đoàn Thessalonica: "Chúng tôi buộc phải tạ ơn Chúa thay cho anh em, những người anh em yêu dấu của Chúa, vì Thiên Chúa đã chọn anh em từ đầu để được cứu độ, nhờ việc thánh hóa của Thần Linh cũng như nhờ niềm tin vào chân lý" (2Thes.2:13).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page