Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 48 (Thứ Tư ngày 10-3-1999)

Mạc Khải
Mầu Nhiệm Ba Ngôi

Chúa Giêsu, qua lời nói và việc làm của Người, như chúng ta thấy trong bài giáo lý lần vừa rồi, hoan hưởng mối liên hệ rất đặc biệt với Cha "của Người". Phúc Âm thánh Gioan nhấn mạnh rằng những gì Người truyền đạt cho con người là hoa trái của mối hiệp nhất thâm sâu và phi thường này: "Cha và Tôi là một" (Jn.10:30). Chưa hết: "Tất cả những gì Cha có đều là của Thày" (Jn.16:15). Giữa Cha và Con có một mối hỗ tương ở những gì các ngài biết nhau (x.Jn.10:15), những gì các ngài là (x.Jn.14:10), những gì các ngài làm (x.Jn.5:19; 10:30) và những gì các ngài có: "Mọi sự của Cha là của Con và mọi sự của Con là của Cha" (Jn.17:10). Ðó là một trao đổi hỗ tương được hoàn toàn thể hiện trong vinh quang Chúa Giêsu nhận lãnh từ Chúa Cha nơi mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh tối hậu của Người, sau khi chính Người cũng đã dâng vinh quang cho Cha dọc suốt cuộc sống trần gian của Người: "Lạy Cha, giờ đã đến rồi; xin Cha hãy tôn vinh Con của Cha để Con của Cha cũng được tôn vinh Cha… Con đã tôn vinh Cha trên thế gian… và giờ đây, lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con trước nhan Cha…" (Jn.17:1,4f).

Cuộc hiệp nhất chính yếu với Cha này chẳng những đi theo với hoạt động của Chúa Giêsu mà còn xác định bản thân của Người nữa. "Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa tỏ ra cho thấy rằng Thiên Chúa là Cha hằng hữu và Con đồng bản thể với Cha, tức Con cùng là một Thiên Chúa duy nhất" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 262). Thánh ký Gioan nhấn mạnh rằng chính vì việc Người cho mình là thần linh như vậy mà các vị lãnh đạo tôn giáo trong dân chúng mới phản kháng, vì họ không thể chấp nhận được việc Người gọi Thiên Chúa là Cha của Người và như thế tức là Người cho mình ngang hàng với Thiên Chúa (Jn.5:18; x.10:33, 19:7).

2 - Nhờ tính cách hòa hợp này nơi cả bản thân lẫn hoạt động, Chúa Giêsu đã tỏ Cha ra trong lời nói và việc làm: "Không ai đã từng được thấy Cha: Người Con duy nhất ở nơi Cha là Ðấng tỏ Cha ra" (Jn.1:18). Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại (x.Mk.1:11; Mt.3:17; Lk.3:22) cho biết sự kiện Chúa Kitô là con "yêu dấu" được công bố khi Người chịu phép rửa. Thánh ký Gioan qui sự kiện này về nguồn gốc Ba Ngôi của nó, tức là qui về việc hiện hữu mầu nhiệm của Lời "ở nơi" Cha (Jn.1:1), Ðấng nhiệm sinh Người từ đời đời.

Bắt đầu với Con, suy tư Tân Ước và khoa thần học dựa vào đó đào sâu mầu nhiệm "làm cha" của Thiên Chúa. Cha chính là nguyên lý tối thượng nơi đời sống Ba Ngôi, Ðấng không có khởi thủy và là nguồn phát sinh sự sống thần linh. Sự hiệp nhất của Ba Ngôi là việc tham dự vào yếu tính thần linh duy nhất, thế nhưng, trong cơ cấu liên hệ hỗ tương về nguồn gốc và nền tảng của các ngôi thì đều ở nơi Cha. "Cha chính là Ðấng phát sinh Con, Ðấng được sinh ra, và phát sinh Thánh Thần, Ðấng xuất phát" (Công Ðồng Chung Lateranô lần thứ 4: DS 804).

3 - Tông đồ Gioan đã trao cho chúng ta một chiếc chìa khóa để mở mầu nhiệm này, một mầu nhiệm vô cùng vượt qúa kiến thức hiểu biết của chúng ta, khi thánh nhân công bố trong Bức Thư thứ nhất của mình: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8). Ðiểm mạc khải tột đỉnh này xác nhận Thiên Chúa là agape, tức là toàn thể tặng ân trao ban mình nhưng không mà Chúa Kitô đã chứng tỏ cho chúng ta thấy đặc biệt qua cái chết của Người trên Thập Giá. Tình yêu vô cùng của Cha đối với thế gian được tỏ ra nơi hy tế của Chúa Kitô (x.Jn.3:16; Rm.5:8). Khả năng yêu thương vô cùng, ban mình không giữ lại hay cân nhắc chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Bởi bản thân Tình Yêu của mình, ngay cả trước khi tự mình dựng nên thế gian, Ngài đã là Cha trong chính sự sống thần linh: một Người Cha yêu thương sinh ra Người Con yêu dấu, và cùng với Con phát sinh Thánh Thần, Ngôi Vị Tình Yêu, mối hiệp thông giữa Cha và Con.

Căn cứ vào đó, đức tin Kitô giáo hiểu được tính cách bình đẳng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Con và Ngôi Thần Linh ngang hàng với Ngôi Cha, không phải như là các nguyên lý tự lập, theo kiểu các ngôi là ba thiên chúa, mà là vì các ngôi đều nhận lãnh trọn sự sống thần linh từ nơi Cha, và vì các ngôi khác biệt Cha cũng như khác biệt nhau chỉ ở chỗ khác nhau nơi mối liên hệ của mình (x. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 254).

Mầu nhiệm cao cả, một mầu nhiệm yêu thương, một mầu nhiệm khôn tả làm cho mọi miệng lưỡi phải câm lặng chiêm ngưỡng và tôn thờ. Một mầu nhiệm thần linh thách đố chúng ta và bao gồm cả chúng ta, vì chúng ta nhờ ân sủng được thông phần vào sự sống Ba Ngôi này, bởi việc Nhập Thể cứu độ của Lời và tặng ân của Chúa Thánh Thần: "Ai yêu mến Thày sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu thương họ; chúng ta sẽ đến với họ và lập cư nơi họ" (Jn.14:23).

4 - Ðối với tín hữu chúng ta, mối hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con bởi đó trở nên nguyên lý của sự sống mới làm cho chúng ta được tham dự vào chính sự viên mãn của sự sống thần linh: "Ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở trong họ và họ ở trong Thiên Chúa" (1Jn.4:15). Sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa sinh hoạt nơi tạo vật ở chỗ mọi sự qui về Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Ðây là điều được cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh: "Tất cả đời sống Kitô giáo là mối hiệp thông với mỗi một Ngôi Vị Thần Linh mà không hề biệt phân các ngôi. Ai tôn vinh Cha là tôn vinh Ngài nhờ Con trong Thánh Thần" (số 259).

Con trở đã nên "trưởng tử trong nhiều anh em" (Rm.8:29); nhờ cái chết của Người, Chúa Cha đã thông ban sự sống mới cho chúng ta (1Pt.1:3; x.Rm.8:32; Eph.1:3), để chúng ta có thể kêu lên Ngài trong Thánh Thần bằng cùng một từ ngữ Chúa Giêsu đã sử dụng: Abba (Rm.8:15; Gal.4:6). Thánh Phaolô đã cắt nghĩa thêm về mầu nhiệm này, khi nói rằng: "Chúa Cha… đã làm cho chúng ta xứng đáng thông phần vào gia nghiệp của các thánh trong ánh sáng. Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi quyền thống trị của tăm tối và đã đem chúng ta đến vương quốc của Con Ngài yêu dấu" (Col.1:12-13). Ðó là cách Sách Khải Huyền đã diễn tả định mệnh cánh chung của thành phần cùng với Chúa Kitô chiến đấu và chiến thắng quyền lực sự dữ: "Ai chiến thắng Ta sẽ ban cho hắn ngự trên ngai với Ta, như chính Ta đã chiến thắng và đã ngự với Cha trên ngai của Ngài" (Rev.3:21). Lời Chúa Kitô hứa này đã mở ra trước mắt chúng ta một viễn ảnh được thông phần vào mối thân tình thiên quốc với Chúa Cha.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page