Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 47 (Thứ Tư ngày 3-3-1999)

Mối liên hệ đặc thù
với Chúa Cha

Chúc tụng Thiên Chúa và Cha của Chúa Giêsu Kitô" (Eph.1:3). Những lời này của Thánh Phaolô đã khéo dẫn chúng ta đến việc hiểu biết mới mẻ về Chúa Cha như được Tân Ước tỏ bày. Nơi đây Thiên Chúa hiện lên như một thực tại Ba Ngôi. Vai trò làm cha của Ngài không chỉ ở mối liên hệ của Ngài với tạo vật của mình, mà còn cho thấy mối liên hệ sâu xa nói lên sự sống nội tại của Ngài nữa; một vai trò làm cha không còn là một đặc tính chung thuộc về Thiên Chúa, mà là một sở hữu của Ngôi Thứ Nhất nơi Thiên Chúa. Thật vậy, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Thiên Chúa là cha ở chính hữu thể của mình; Ngài luôn luôn là cha, vì từ đời đời Ngài nhiệm sinh Lời là Ðấng cùng bản thể với Ngài và hiệp nhất với Ngài trong Thánh Linh, "Ðấng bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra". Trong việc Nhập Thể cứu chuộc của mình, Lời hiệp nhất chính mình với chúng ta thực sự là để đem chúng ta vào sự sống làm con mà Người có từ đời đời này. Thánh Ký Gioan viết: "Tất cả những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Jn.1:12).

2 - Nền tảng cho mạc khải đặc biệt về Chúa Cha này là kinh nghiệm của Chúa Giêsu. Các lời nói và thái độ của Người rõ ràng đã tỏ ra cho thấy Người cảm nghiệm được mối liên hệ với Chúa Cha bằng một đường lối hoàn toàn đặc thù. Qua các Phúc Âm, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu phân biệt ra sao về "vai trò làm con của mình với của các môn đệ, bằng cách không bao giờ Người đọc 'Lạy Cha chúng con' với họ mà chỉ truyền cho họ rằng: 'Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con"' (Mt.6:9); và Người còn nhấn mạnh đến sự khác biệt này khi nói: 'Cha của Thày và Cha của các con'" (sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 443).

Ngay khi còn nhỏ, Người đã trả lời với Mẹ Maria và Thánh Giuse, những vị âu lo tìm kiếm Người rằng: "Cha mẹ không biết rằng Con phải ở nơi nhà của Cha con hay sao?" (Lk.2:48f). Người đã trả lời cho những người Do Thái đang bắt bớ Người bởi Người chữa lành vào Ngày Hưu Lễ rằng: "Cha Tôi làm việc cho tới giờ và Tôi cũng đang làm việc đây" (Jn.5:17). Trên thập giá, Người đã cầu cùng Cha thứ tha cho các kẻ hành hình Người và nhận lấy thần trí của Người (Lk.23:34,46). Cái khác biệt giữa cách Chúa Giêsu nhận thức được vai trò làm cha của Thiên Chúa liên hệ với chính mình Người cũng như liên quan với tất cả mọi con người khác được bắt nguồn sâu xa từ tâm thức của Người và được Người nhấn mạnh qua những lời Người nói với Maria Mai-Linh sau khi phục sinh: "Chớ có chạm đến Thày, vì Thày chưa lên cùng Cha; nhưng con hãy đến cùng anh em của Thày mà nói với họ rằng Thày đang về cùng Cha của Thày cũng là Cha của các con, cùng Thiên Chúa của Thày cũng là Thiên Chúa của các con" (Jn.20:17).

3 - Mối liên hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha là một mối liên hệ đặc thù. Người biết rằng Người luôn luôn được Cha lắng nghe; Người biết rằng qua Người Chúa Cha tỏ vinh quang của Ngài ra, ngay cả khi con người có thể ngờ vực và cần được Người làm cho xác tín. Chúng ta thấy tất cả những điều này nơi đoạn trình thuật về việc Lazarô sống lại: "Vậy họ đẩy tảng đá ra. Và Chúa Giêsu ngước mắt lên nói: 'Lạy Cha, Con tạ ơn Cha vì Cha đã nghe Con. Con biết rằng Cha bao giờ cũng nghe Con, song Con nói điều này vì người ta đứng ở đây để họ tin rằng Cha đã sai Con" (Jn.11:41f). Vì ý thức đặc thù này, Chúa Giêsu mới có thể tỏ mình ra như Ðấng mạc khải Cha bằng một kiến thức là hoa trái của mối tương ái thân tình huyền diệu như Người nhấn mạnh ở bài ca chúc tụng của mình: "Cha Tôi ban cho Tôi tất cả mọi sự; nên không ai biết Con ngoài Cha, cũng như không ai biết Cha ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải Ngài ra cho" (Mt.11:27) (x. sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 240). Về phần mình, Chúa Cha đã cho thấy mối liên hệ đặc thù của Con Ngài với Ngài, bằng việc gọi Người là con "yêu dấu" của mình: như Ngài đã làm khi Người lãnh phép rửa ở sông Dược-Ðăng (x.Mk.1:11) và trong lúc Người Biến Hình (x.Mk.9:7). Chúa Giêsu cũng được phác họa như là một người con ở một nghĩa đặc biệt trong dụ ngôn các người tá điền gian ác, thành phần trước hết xử tệ với hai người đầy tớ rồi sau đó với "người con yêu dấu" của chủ vườn nho là những vị thừa sai có phận sự đến để thu hoa lợi từ vườn nho (Mk.12:1-11, nhất là câu 6).

4 - Chúng ta thấy trong Phúc Âm Thánh Marcô chữ "Abba" theo tiếng Aram (x.Mk.14:36) là lời Chúa Giêsu kêu lên Cha Người trong giờ Người đau thương nơi Vườn Nhiệt để cầu xin Cha cất chén Khổ Nạn cho Người. Cũng trong cùng một đoạn trình thuật này, Phúc Âm Thánh Mathêu có chữ được chúng ta dịch là "Cha của Con ơi" (x.Mt.26:39, cũng như câu 42), và Phúc Âm Thánh Luca chỉ vắt tắt có chữ "Cha ơi" (x.Lk.22:42). Tiếng Aram mà chúng ta có thể dịch sang ngôn từ hiện đại là "ba" (dad hay daddy) nói lên lòng cảm mến thiết tha của một người con. Chúa Giêsu sử dụng trọn ý nghĩa của từ ngữ này để thân thưa cùng Thiên Chúa, và trong lúc cuộc đời hoàn trọn của Người gần kết thúc trên thập giá, để nói lên mối liên hệ chặt chẽ thắt kết Người với Cha dù trong lúc trầm trọng ấy. Tiếng "Abba" cho thấy sự thân thiết gắn bó phi thường giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha, một thân tình vô tiền khoáng hậu trong tương quan đạo giáo thuộc về thánh kinh cũng như ngoài kinh thánh. Nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Người Con duy nhất của Người Cha này, cả chúng ta nữa, như Thánh Phaolô nói, cũng được nâng lên phẩm vị làm con cái và đã lãnh nhận Thánh Linh là Ðấng thúc giục chúng ta kêu lên "Abba! Cha ơi!" (x.Rm.8:15; Gal.4:6). Lời diễn tả đơn sơ trẻ nhỏ này được sử dụng hằng ngày trong thời của Chúa Giêsu cũng như nơi tất cả mọi dân nước nhờ đó đã có được một ý nghĩa về tín lý để diễn tả vai trò thần linh đặc thù liên hệ tới Chúa Giêsu và với các môn đệ của Người.

5 - Mặc dầu được hiệp nhất một cách sâu xa với Cha, Chúa Giêsu cũng phải nhận rằng Người không biết được giờ Nước Cha cuối cùng hoàn toàn trị đến. "Còn về ngày và giờ thì không ai biết được, kể cả các thiên thần hay Con đi nữa, chỉ có Cha biết thôi" (Mt.24:36). Ðiều này nói lên việc "tự hủy mình" hợp với việc Người Nhập Thể, một việc nhập thể che đậy không cho nhân tính của Người biết được ngày tận cùng của thế giới. Như thế là Chúa Giêsu phủ nhận việc tính toán phỏng đoán của loài người để mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và tin tưởng vào việc quan phòng của Chúa Cha. Ngoài ra, theo quan điểm của các Phúc Âm, mối thân tình và tính cách tuyệt đối của việc làm "Con" của Người không hề bị tổn thương bởi việc thiếu hiểu biết này. Trái lại, chính vì Người hiệp nhất với chúng ta, Người đã trở nên khẩn thiết đối với chúng ta trước Chúa Cha: "Ai tuyên nhận Thày trước con người thì Thày cũng tuyên nhận họ trước Cha Thày là Ðấng ở trên trời; còn ai chối bỏ Thày trước mặt con người thì Thày cũng sẽ chối bỏ họ trước Cha Thày là Ðấng ở trên trời" (Mt.10:32f).

Tuyên nhận Chúa Giêsu trước mặt con người không thể nào tách biệt khỏi việc được Người tuyên nhận trước mặt Chúa Cha. Nói cách khác, mối liên hệ làm con cái của chúng ta đối với Cha trên trời lệ thuộc vào lòng can đảm quảng đại của chúng ta đối với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Ngài.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page