Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 33 (Thứ Tư ngày 23-9-1998)

Nơi Thần Linh
chúng ta đọc thấy
"những dấu chỉ thời đại"

Trong Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, Tôi đã thúc giục toàn thể Giáo Hội, liên quan đến năm kính Thánh Linh, "hãy tạo lấy một cảm nhận mới mẻ về Thần Linh như là một Ðấng xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trong giòng lịch sử và cũng là Ðấng sửa soạn cho nó được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài đánh động cõi lòng con người và làm bừng lên trong thế giới của chúng ta những hạt giống cứu rỗi nguyên vẹn là những gì sẽ đạt thành vào lúc tận cùng thời gian" (đoạn 45).

Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy lịch sử, nhất là sau khi Chúa Kitô giáng sinh, như được việc hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa hoàn toàn bao phủ và thấm nhập. Ðiều này cũng dễ dàng cho thấy tại sao, hôm nay đây, hơn bao giờ hết, Giáo Hội cảm thấy mình được kêu gọi để nhận ra những dấu chỉ của việc hiện diện này trong lịch sử nhân loại, và Giáo Hội - bắt chước Chúa của mình - "ấp ủ một cảm tình liên kết sâu đậm" (Gaudium et Spes, đoạn 1) với sự hiện diện ấy.

2 - Ðể Giáo Hội có thể hoàn thành "trách nhiệm Giáo Hội thi hành ở mọi thời đại" (cùng nguồn, đoạn 4) này, Giáo Hội được kêu mời để tái nhận thức, bằng một cách thức sâu xa hơn và sống động hơn, Chúa Giêsu Kitô, Ðấng tử giá và là Chúa phục sinh, là "chìa khóa, là tâm điểm và là mục đích của tất cả lịch sử nhân loại" (cùng nguồn, đoạn 10). Người là "trọng tâm của các hướng vọng lịch sử và văn minh, là trung tâm của loài người, là niềm vui của mọi con tim và là đáp ứng cho tất cả khát mong của nó" (cùng nguồn, đoạn 45). Ðồng thời, Giáo Hội cũng nhận ra rằng chỉ có một mình Thánh Linh, bằng việc ấn in lên con tim của các tín hữu hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người, mới có thể khiến cho họ tìm kiếm lịch sử và nhận thấy nơi nó những dấu hiệu của việc Thiên Chúa hiện diện và tác hành.

Thánh Tông Ðồ Phaolô viết: "Ai là người biết được tư tưởng của mình, nếu không phải là chính tâm linh ở trong người đó? Cũng thế, không ai thấu triệt được các tư tưởng của Thiên Chúa ngoại trừ Thần Linh Thiên Chúa. Thế mà chúng ta đã nhận lãnh không phải thần linh của thế giới này, mà là Thần Linh từ Thiên Chúa, để chúng ta có thể hiểu được những tặng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta" (1Cor.2:11-12). Ðược bảo trì bởi tặng ân liên lỉ này của Thần Linh, Giáo Hội, bằng một lòng biết ơn sâu xa, cảm nghiệm thấy rằng "đức tin đang chiếu giãi một luồng ánh sáng mới trên tất cả mọi sự và tỏ ra cho thấy một lý tưởng trọn vẹn do Thiên Chúa phác họa cho con người, nhờ đó hướng dẫn tâm trí con người tiến đến những giải quyết hoàn toàn nhân bản" (Gaudium et Spes, đoạn 11).

3 - Công Ðồng Chung Vaticanô II, sử dụng theo ngôn từ của chính Chúa Giêsu, đã diễn tả những liên hệ quan trọng đối với việc hiện diện và tác động của Thần Linh Thiên Chúa như là "những dấu chỉ thời đại" (cùng nguồn, đoạn 4).

Hôm nay đây, lời khuyên giục của Chúa Giêsu đối với những người đương thời của Người hồi ấy cũng vang lên rõ ràng và mời mọc đối với cả chúng ta nữa: "Các người biết cắt nghĩa điềm trời, thế mà các người lại không thể cắt nghĩa những dấu chỉ thời đại. Giòng dõi gian tà và dâm ô này tìm kiếm dấu lạ, nhưng sẽ không được thấy dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giona" (Mt.16:3-4).

Theo con mắt đức tin Kitô giáo, lời kêu gọi nhận ra những dấu chỉ thời đại có liên quan tới tình trạng mới mẻ cánh chung đã được mang đến cho lịch sử từ việc Lời đến ở giữa chúng ta (x.Jn.1:14).

4 - Thật thế, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta nhận ra những lời nói và việc làm chứng tỏ vương quốc Thiên Chúa sớm trị đến. Ðúng vậy, Người đề cập tới và nhấn mạnh tất cả các dấu lạ nơi "dấu lạ Giona" bí ẩn. Làm như thế, Người lật ngược lý luận trần gian nhắm đến việc tìm kiếm những dấu lạ làm thỏa mãn ước vọng của con người đối với việc tự nhận định và quyền năng của họ. Như Thánh Tông Ðồ Phaolô đã nhấn mạnh: "Các người Do Thái đòi hỏi dấu lạ và các người Hy Lạp tìm kiếm khôn ngoan, thế nhưng chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô tử giá là một cớ vấp phạm cho người Do Thái và là một xuẩn ngốc cho các dân Ngoại" (1Cor.1:22-23).

Là trưởng tử giữa nhiều anh em (x.Rm.8:29), Chúa Kitô là người đầu tiên chế ngự nơi chính mình "cám dỗ" trong việc sử dụng các phương tiện trần gian để đạt tới việc trị đến của vương quốc Thiên Chúa. Ðiều này đã xẩy ra từ thời thử thách thiên sai trong sa mạc cho tới cuộc thử thách khắc nghiệt dữ dội chụp lấy Người khi Người bị treo trên thập giá: "Nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi" (Mt.27:40). Nơi Chúa Giêsu tử giá có một thứ dấu lạ biến đổi và tập hợp của các dấu lạ xẩy ra: chính Người là "dấu lạ của Thiên Chúa", nhất là trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Ðể nhận ra việc Người hiện diện trong lịch sử, cần phải thoát mình ra khỏi sự giả tạo của thế giới này và đón nhận Thần Linh là Ðấng "dò xét mọi sự. ngay cả thẳm cung của Thiên Chúa" (1Cor.2:10).

5 - Nếu chúng ta cần phải hỏi khi nào vương quốc Thiên Chúa trị đến, Chúa Giêsu sẽ trả lời chúng ta như Người đã trả lời các Tông Ðồ rằng chúng ta không cần "biết thời điểm (chrónoi) hay hạn kỳ (kairói) Cha đã lấy quyền mình (exousía) mà ấn định". Chúa Giêsu cũng xin chúng ta tiếp nhận quyền năng của Thần Linh, để làm chứng cho Người "ở Gialiêm, khắp Giuđêa và Samaria cho đến tận cùng trái đất" (Acts 1:7-8).

Việc sắp xếp quan phòng những dấu chỉ thời đại trước hết được giữ mật trong dự án của Chúa Cha (x.Rm.16:25); Eph.3:9), rồi diễn tiến trong lịch sử và triển phát nơi dấu xung khắc là Ðấng tử giá cũng là Người Con phục sinh (x.1Pt.1:19-21). Việc sắp xếp quan phòng những dấu chỉ này đã được các môn đệ của Chúa Kitô đón nhận và dẫn giải trong ánh sáng và quyền năng của Thần Linh, bằng một niềm mong chờ đợi trông sáng suốt lần đến sau hết, lần đến để làm cho lịch sử nên trọn ngoài tầm mức của nó, nơi cung lòng Chúa Cha.

6 - Như thế, nhờ dự án của Chúa Cha mà thời gian được vươn dài như một lời kêu mời "nhận biết tình yêu của Chúa Kitô vượt trên tất cả mọi hiểu biết", để "được tràn đầy trọn vẹn sự viên mãn của Thiên Chúa" (Eph.3:18-19). Bí quyết của con đường này là Thánh Linh, Ðấng hướng dẫn chúng ta "vào tất cả sự thật" (Jn.16:13).

Bằng một cõi lòng tin tưởng mở ra trước nhãn giới hy vọng này, Tôi nài xin Chúa muôn vàn tặng ân của Thần Linh cho toàn thể Giáo Hội, "để 'mùa xuân' của Công Ðồng Chung Vaticanô II tìm thấy được trong ngàn năm mới, 'mùa hè' của nó, tức là mức độ phát triển toàn vẹn của nó" (ngỏ lời với Hội Nghị Hồng Y Ðoàn ngày 21-2-1998, đoạn 4; L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 25/2/1998).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page