Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 31 (Thứ Tư ngày 9-9-1998)

Thánh Linh soi động
con tim nhân loại
trong việc tìm kiếm Thiên Chúa

Trong Nostra Aetate, Tuyên Ngôn về Liên Hệ của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, Công Ðồng Chung Vaticanô II dạy rằng "Giáo Hội Công Giáo không chối bỏ điều gì chân thật và thánh hảo nơi các tôn giáo này. Giáo Hội coi trọng cách thế sống động và tác hành, những giới luật và giáo điều, mặc dầu khác với giáo huấn của mình rất nhiều, song cũng thường phản ánh tia chân lý soi sáng tất cả mọi người" (đoạn 2).

Theo giáo huấn của Công Ðồng, từ bức Thông Ðiệp đầu tiên của Giáo Triều mình, Tôi đã muốn nhắc lại giáo lý cổ kính của các vị Giáo Phụ trong Hội Thánh, một giáo lý chủ trương rằng chúng ta phải nhận ra "những hạt giống của Lời Chúa" hiện diện và tác động nơi các tôn giáo khác nhau (Sắc Lệnh Ad Gentes, đoạn 11; Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 17). Giáo lý này dẫn chúng ta tới việc xác nhận rằng, mặc dù đường lối có khác nhau, "cũng chỉ có một mục đích duy nhất được nhắm đến từ khát vọng sâu xa nhất của tâm linh con người, như được thể hiện nơi việc tâm linh họ tìm kiếm Thiên Chúa, cũng như, qua việc hướng về Thiên Chúa, tâm linh họ tìm đạt tầm vóc viên trọn của nhân tính, hay nói cách khác, tìm đạt trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống làm người" (Thông Ðiệp Redemptor Hominis, đoạn 11).

"Những hạt giống chân lý" này hiện diện và sống động nơi các truyền thống tôn giáo khác nhau là phản ánh Lời đặc thù của Thiên Chúa, Ðấng "đến thế gian soi sáng mọi người" (x.Jn.1:9) và là Ðấng hóa thành nhục thể trong Ðức Giêsu Kitô (x.Jn.1:14). Cùng nhau, chúng là "tác hiệu của Thần Chân Lý hoạt động ở ngoài giới hạn hữu hình của Nhiệm Thể" và là một tác hiệu "muốn thổi đâu tùy ý" (Jn.3:8; x.Thông Ðiệp Redemptor Hominis, các đoạn 6 và 12). Giữ lấy giáo lý này trong tâm trí thì việc cử hành Mừng Năm 2000 "sẽ hiến một dịp rất tốt, nhất là căn cứ vào các biến cố của các thập niên vừa rồi, cho việc đối thoại liên tôn" (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 53). Ngay cả đến bây giờ, trong năm Thánh Linh này, thật là một dịp thích hợp để ngẫm nghĩ và xét đến ý nghĩa cùng đường lối Thánh Linh hiện diện như thế nào nơi việc con người tìm kiếm tôn giáo, cũng như nơi những cảm nghiệm cùng truyền thống khác nhau nói lên việc con người tìm kiếm này.

2 - Phải nhớ rằng, mọi hành động của tâm linh con người trong việc tìm kiếm sự thật và sự thiện, và trong việc phân tách sau cùng về Thiên Chúa, đều được soi động bởi Thánh Linh. Các tôn giáo khác nhau thực sự đã được nẩy mầm từ cõi lòng con người mở ra trước Thiên Chúa vào lúc ban đầu này. Từ nguyên thủy của các đạo, chúng ta thường thấy các vị giáo tổ, với sự trợ giúp của Thần Linh Thiên Chúa, đã đạt được một cảm nghiệm tôn giáo sâu xa hơn. Khi được truyền lại, cảm nghiệm tôn giáo sâu xa hơn này được mặc dưới hình thức giáo lý, nghi lễ và luật điều của các tôn giáo khác nhau.

Nơi cảm nghiệm của mọi tôn giáo chân chính có một tính chất biểu hiệu nhất đó là việc cầu nguyện. Vì việc cởi mở làm nên tâm linh con người trước tác động của Thiên Chúa thôi thúc nó đến tình trạng siêu thoát bản thân, chúng ta có thể khẳng định rằng: "mọi lời cầu nguyện chân chính đều được gợi lên bởi Thánh Linh là Ðấng hiện diện mầu nhiệm trong cõi lòng của mọi người" (Diễn từ ngỏ với Các Phần Tử của Tòa Thánh Rôma ngày 22/12/1986, đoạn 11, Tuần San L’Oservatore Romano, bản Anh Ngữ, ngày 5 tháng 1 năm 1987, trang 7).

Chúng tôi đã cảm nghiệm được việc biểu lộ hùng hồn về sự thật này vào Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Hòa Bình hôm 27 tháng 10 năm 1986 ở Assisi, cũng như ở những dịp tăng triển về lãnh vực linh thiêng cao cả tương tự khác.

3 - Thánh Linh không chỉ hiện diện nơi các tôn giáo khác qua những diễn đạt nơi lời cầu nguyện chân chính của họ. Như Tôi đã viết trong Thông Ðiệp Redemptoris Missio: "Sự hiện diện và hoạt động của Thần Linh chi phối chẳng những cá nhân mà còn cả xã hội và lịch sử, các dân, các ngôn ngữ và các tôn giáo nữa" (đoạn 28).

Thường thường thì "phần tử của các tôn giáo khác, trong việc thực hành điều thiện hảo nơi những truyền thống tôn giáo của mình và bằng việc tuân theo những đòi hỏi của lương tri của mình, đã tích cực đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Ðức Giêsu Kitô, cho dù không nhận ra hay công nhận Người là Ðấng Cứu Tinh của mình (x. Sắc Lệnh Ad Gentes, các số 3,9,11)" (Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Ðối Thoại Liên Tôn - Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho Các Dân, Bản Hướng Dẫn về Việc Ðối Thoại và Loan Truyền, ban hành 19-5-1991, đoạn 29; tuần san L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 1/7/1991, trang III).

Thật vậy, Công Ðồng Chung Vaticanô II dạy: "Bởi Ðức Kitô đã chết cho tất cả mọi ngườiï và vì tất cả mọi người thực sự đã được kêu gọi đến cùng một đích điểm đó là thần linh, mà chúng ta phải công nhận rằng Thánh Linh hiến cho tất cả mọi người điều kiện có thể, bằng cách thế chỉ mình Ngài biết, trong việc họ tiến đến gần với mầu nhiệm vượt qua" (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 22).

Ðiều kiện có thể này đạt được là ở lòng chân thành, nội tâm gắn liền với Chân Lý, quảng đại hiến thân cho tha nhân và tìm kiếm Ðấng Tuyệt Ðối theo ơn soi động của Thần Linh Thiên Chúa. Tia sáng của Sự Khôn Ngoan thần linh cũng được tỏ hiện nơi việc chu toàn các luật điều và thực hành xứng hợp với lề luật luân lý cũng như với cảm thức tôn giáo chân chính. Thực sự là nhờ có sự hiện diện và tác động của Thần Linh mà những yếu tố tốt lành được thấy nơi các tôn giáo khác nhau đã dọn lòng cho con người để họ lãnh nhận trọn vẹn mạc khải của Thiên Chúa được tỏ ra qua Ðức Kitô.

4 - Vì những lý do được đề cập đến ở đây, thái độ của Giáo Hội cũng như của cá nhân Kitô hữu đối với các đạo khác được đánh dấu bằng một lòng kính trọng chân thành, bằng một cảm tình sâu xa và, khi có thể và thích thuận, bằng hợp tác thân ái. Ðiều này không có nghĩa quên đi Chúa Giêsu Kitô là Vị Trung Gian và Cứu Tinh duy nhất của loài người. Cũng không có nghĩa là giảm thiểu nỗ lực truyền giáo mà chúng ta buộc phải tuân theo lệnh của Chúa phục sinh: "Bởi thế, các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt.28:19). Thái độ tôn trọng và đối thoại thật sự là việc nhận ra "các hạt giống của Lời Chúa" và "những lời than của Thần Linh". Theo ý nghĩa này, thì chẳng những không phản lại việc truyền bá Phúc Âm, thái độ của chúng ta còn sửa dọn cho việc loan truyền này nữa, trong khi chúng ta đợi chờ thời điểm ấn định theo lòng thương xót Chúa đến. "Bằng việc đối thoại, chúng ta để Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta; vì khi chúng ta mở lòng ra đối thoại với nhau, chúng ta cũng mở lòng ra với cả Thiên Chúa" (Diễn từ ngỏ với Các Phần Tử của Tôn Giáo Khác, tại Madras ngày 5/2/1986, đoạn 4; tuần san L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 10/2/1986, trang 14).

Xin Thần Chân Lý và Yêu Thương, theo hướng chiều ngàn năm thứ ba nay đang gần đến, dẫn dắt chúng ta trên con đường loan báo Chúa Giêsu Kitô và đối thoại hòa bình huynh đệ với tín đồ của tất cả các tôn giáo!


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page