Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 23 (Thứ Tư ngày 8-7-1998)

Thánh Linh làm Thân Mình
Chúa Kitô sinh động

"Nếu Chúa Kitô là Ðấu của Giáo Hội, thì Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội". Ðức Lêô XIII, vị Tiền Nhiệm đáng kính của Tôi đã nói như vậy trong Thông Ðiệp của mình, Divinum Illud Munus (1897: DS 3328). Sau ngài, Ðức Piô XII đã cắt nghĩa là trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô, Thánh Linh là "nguyên lý của mọi tác động cứu độ sống động và thực sự nơi mỗi một phần thể khác nhau của Thân Thể này" (Thông Ðiệp Mystici Corporis, 1943: DS 3808).

Hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về mầu nhiệm Thân Mình của Chúa Kitô là Giáo Hội, vì Giáo Hội được Thánh Linh làm cho sống động và linh hoạt.

Sau biến cố Hiện Xuống, có những nhóm người đã mang lại cho Giáo Hội nhiều thay đổi sâu xa: trước hết là một nhóm "chừng 120 người" (Acts 1:15) gắn bó chặt chẽ với nhau; sau đó là một nhóm mở rộng và năng động hơn "được thêm vào chừng 3000 tâm hồn" (Acts 2:41) sau bài giảng của Thánh Phêrô. Sự mới mẻ thực sự không nằm ở chỗ con số phát triển nhiều như vậy, cho dù là ngoại lệ, mà là do sự hiện diện của Thánh Linh. Một nhóm người đâu có đủ để hình thành một cộng đồng Kitô hữu. Thánh Linh đã mang lại cho Giáo Hội một cuộc hạ sinh. Giáo Hội đã hiện lên, như cố Hồng Y Congar đã diễn tả, "hoàn toàn lơ lửng trên trời" (La Pentecoste, Italian trans., Brescia, 1986, p.60).

2 - Cuộc hạ sinh trong Thần Linh này, một cuộc hạ sinh đã xẩy ra cho toàn thể Giáo Hội vào ngày Lễ Hiện Xuống, được tái diễn nơi mọi tín hữu lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, khi chúng ta được chìm ngập vào "trong một Thần Linh" để trở nên các phần tử của "một thân thể" (1Cor.12:13). Chúng ta đọc thấy nơi Thánh Irênêô: "Như bột không thể nào trở nên ổ bánh mà thiếu nước thế nào, thì chúng ta là nhiều người cũng không thể nào nên một trong Chúa Giêsu Kitô mà thiếu nước từ trời như vậy" (Adv. Haer., III,17,1). Nước từ trời biến đổi nước Rửa Tội đây là Thánh Linh.

Thánh Augustinô nói: "Cái mà tâm linh của chúng ta, tức linh hồn chúng ta, dành để cho các phần thể của chúng ta thế nào, thì Thánh Linh cũng dành để cho các chi thể của Chúa Kitô như vậy, vì Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội" (Serm. 267,4).

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Công Ðồng Chung Vaticanô II đã trở lại với hình ảnh này, khai triển và diễn giải nó như sau: Chúa Kitô "đã chia sẻ với chúng ta Thần Linh của Người, Ðấng cùng lúc ở cảû đầu lẫn các phần thể, khi ban sự sống, liên kết và tác động toàn thân. Bởi đó, hành động của Ngài có thể được các Giáo Phụ sánh ví như nhiệm vụ của nguyên lý sự sống, tức linh hồn, thể hiện nơi thân thể con người" (Lumen Gentium, đoạn 7).

Sự liên hệ giữa Thần Linh và Giáo Hội này đem chúng ta đến việc hiểu biết Giáo Hội mà không bị rơi vào hai lầm lẫn phản khắc nhau, như đã được nêu lên trong Thông Ðiệp Mystici Corporis: đó là chủ trương giáo hội thuần tự nhiên, chỉ thu hẹp vào phương diện hữu hình, và từ đó coi Giáo Hội như một tổ chức thuần nhân loại; hay là lầm lẫn ngược lại, chủ trương giáo hội thuần thần bí, nhấn mạnh việc hiệp nhất của Giáo Hội với Chúa Kitô đến độ coi Chúa Kitô và Giáo Hội như một thứ con người thể lý. Hai lầm lẫn này, như Ðức Lêô XIII đã nhấn mạnh trong Thông Ðiệp Satis Cognitum, được so sánh với hai lạc thuyết Kitô học: đó là lạc thuyết Nestôriô chủ trương phân rẽ hai bản tính nơi Chúa Kitô, và lạc thuyết Mônôphysiti chủ trương trộn lẫn hai bản tính này lại. Công Ðồng Chung Vaticanô II đã hiến cho chúng ta một tóm lược giúp chúng ta nắm được ý nghĩa đích thực về sự hiệp nhất mầu nhiệm của Giáo Hội, bằng việc trình bày Giáo Hội như "một thực thể tổng hợp thành nên bởi cả hai yếu tố nhân loại lẫn thần linh" (Lumen Gentium, đoạn 8).

3 - Sự hiện diện của Thánh Linh nơi Giáo Hội khiến cho Giáo Hội, mặc dầu mang dấu vết tội lỗi bởi các chi thể của mình, cũng được gìn giữ khỏi sự hư hỏng. Sự thánh thiện chẳng những thay chỗ cho tội lỗi mà còn chế ngự nó nữa. Cũng thế, theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô rằng, ở đâu tội lỗi tràn lan thì ở đó ân sủng càng ngập lụt (x.Rm.5:20).

Thánh Linh ngự trong Giáo Hội không phải như một vị khách, thành phần dầu sao vẫn chỉ là một kẻ xa lạ, mà như là một hồn sống biến đổi cộng đồng này thành nên "đền thờ thánh thiện của Thiên Chúa" (1Cor.3:17;x.6:19; Eph.2:21), và làm cho cộng đồng này càng ngày càng như chính Ngài, nhờ tặng ân đặc biệt của Ngài đó là tình yêu (x.Rm.5:5; Gal.5:22). Tình yêu, Công Ðồng Chung Vaticanô II dạy trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, "cai quản, làm cho ý nghĩa và hoàn hảo tất cả các phương tiện thánh hóa" (Lumen Gentium, đoạn 42). Tình yêu là "con tim" của Nhiệm Thể Chúa Kitô, như chúng ta đọc thấy nơi đoạn tự thuật tuyệt vời của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu: "Con đã hiểu rằng, nếu Giáo Hội có một thân thể được tổng hợp bởi các phần thể khác nhau, thì có một cái quan trọng và cao trọng nhất không thể thiếu được, và bởi đó con hiểu là Giáo Hội phải có một trái tim và trái tim này bừng nóng Tình Yêu. Con hiểu rằng chính một mình Tình Yêu làm cho các phần thể của Giáo Hội tác động, đến nỗi, nếu một lúc nào đó Tình Yêu tàn lụi, thì các vị tông đồ cũng không còn rao giảng Phúc Âm nữa, các vị tử đạo cũng thôi đổ máu đào... Con hiểu rằng Tình Yêu bao gồm tất cả mọi ơn gọi, Tình Yêu là tất cả mọi sự, nó gồm tóm mọi thời và mọi nơi... tắt một lời, nó hằng hữu!" (Autobiographical Manuscript B, 3v).

4 - Thần Linh là Ðấng ngự trong Giáo Hội cũng là Ðấng ở trong tâm hồn của mọi phần tử tín hữu: Ngài là dulcis hospes animae. Thế nên, theo con đường cải thiện và thánh hóa cá nhân tức là để cho mình được Thần Linh "dẫn dắt" (x.Rm.8:14), để cho Ngài tác động, nguyện cầu và yêu thương nơi chúng ta. "Nên thánh thiện" chỉ có thể nếu chúng ta để cho mình được Ngài là Ðấng Thánh thánh hóa, bằng cách ngoan ngoãn cộng tác với tác động biến đổi của Ngài. Bởi thế, vì mục tiêu chính của Cuộc Mừng Kỷ Niệm là kiên cường đức tin và việc làm chứng của người Kitô hữu, mà "cần phải gợi lên nơi tất cả các tín hữu một khát vọng nên thánh, một ước vọng sâu xa cải thiện và canh tân cá nhân trong mối tương quan với việc cầu nguyện thiết tha hơn bao giờ hết, cùng với mối đoàn kết tha nhân, đặc biệt với thành phần túng thiếu nhất" (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 42).

Chúng ta có thể nghĩ về Thánh Linh như linh hồn của linh hồn chúng ta, và vì thế là bí mật cho việc thánh hóa của chúng ta. Chúng ta hãy ở trong sự hiện diện quyền năng và thầm kín của Ngài, tiềm mật và biến đổi của Ngài.

5 - Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng, việc Thánh Linh ngự trong chúng ta liên hệ chặt chẽ với việc Phục Sinh của Chúa Giêsu, và cũng là nền tảng cho cuộc phục sinh sau hết của chúng ta: "Nếu Thần Linh của Ðấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Ngài là Ðấng phục sinh Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em nhờ Thần Linh là Ðấng ngự trong anh em" (Rm.8:11).

Trong cuộc vĩnh phúc, chúng ta sẽ sống trong một cuộc hiệp thông hân hoan vui mừng mà hiện nay Thánh Thể là tiền thân và ngưỡng vọng. Bấy giờ Thần Linh sẽ làm chín mùi tất cả mọi hạt giống hiệp thông, tình yêu và tình huynh đệ, những gì làm cho cuộc sống trần gian của chúng ta tươi nở. Như Thánh Grêgôriô Nissan nói, "được vây bọc bởi sự hiệp nhất của Thánh Linh như mối giây hòa bình, tất cả sẽ là một Thân Thể và một Tinh Thần" (Hom.15 in Cant.)


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page