Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 20 (Thứ Tư ngày 10-6-1998)

Thần Linh hiện diện
trong Mầu Nhiệm Vượt Qua

Cả cuộc đời của Chúa Kitô đã sống trong Thánh Linh. Thánh Basiliô cho rằng Thần Linh là "bạn đường bất khả phân ly (của Chúa Kitô) trong hết mọi sự" (De Spir.S.,16), và thánh nhân hiến cho chúng ta một tóm lược tuyệt vời về lịch sử của Chúa Kitô thế này: "Chúa Kitô đến thì Thánh Linh đến trước, nhập thể thì Thánh Linh hiện diện, làm những việc lạ lùng, ban ơn và chữa lành nhờ Thánh Linh, khu trừ qủi con, trói buộc qủi sứ nhờ Thánh Linh, thứ tha tội lỗi, hiệp nhất cùng Cha nhờ Thánh Linh, phục sinh từ kẻ chết bởi quyền năng Thánh Linh" (cùng nguồn, 19).

Sau khi suy niệm về việc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa và thực hiện sứ vụ của Người trong quyền năng của Thánh Linh, giờ đây chúng ta suy niệm về việc Thần Linh tỏ mình ra trong "giờ" sau hết của Chúa Giêsu, giờ tử nạn và phục sinh của Người.

2 - Sự hiện diện của Thánh Linh ở giây phút tử nạn của Chúa Giêsu đã được dự tính trước bằng sự việc là chính Con Thiên Chúa là Ðấng chết trên thập giá trong xác thể của mình. Nếu "unus de Trinitate passus est" (DS 401), tức là, nếu "một Ngôi trong Ba Ngôi chịu khổ", thì cả Ba Ngôi cùng hiện diện trong cuộc khổ nạn của Người; bởi vậy mà Chúa Cha và Thánh Linh cũng có mặt nữa.

Tuy nhiên, chúng ta phải tự hỏi: vai trò đích thực của Thánh Linh là gì trong giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu? Vấn nạn này chỉ có thể trả lời nếu mầu nhiệm cứu chuộc được hiểu như là một mầu nhiệm yêu thương.

Tội lỗi là những gì tạo vật phản nghịch cùng Ðấng Hóa Công, đã làm gián đoạn cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con cái của Ngài.

Trong việc Nhập Thể của Người Con Duy Nhất, Thiên Chúa đã diễn đạt tình yêu trung thành và xót thương của Ngài đối với nhân loại tội lỗi, cho đến độ làm cho mình tổn thương nơi Chúa Giêsu. Phần mình, tội lỗi trên Gôngôta đã tỏ cho thấy bản chất của nó như là một "cuộc tấn công Thiên Chúa", để bất cứ khi nào nhân loại rơi vào trọng tội, như Thư gửi giáo đoàn Do Thái viết, "là phần họ, họ lại đóng đanh Con Thiên Chúa và khinh mạ Người lần nữa" (Heb.6:6).

Trong việc trao nộp Con Ngài cho tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy rằng dự án yêu thương của Ngài có trước cả mọi công lênh của chúng ta và muôn vàn trổi vượt hơn tất cả mọi bất trung của chúng ta. "Tình yêu là thế này, đó là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa mà là Ngài đã yêu thương chúng ta và đã sai Con mình để đền bù tội lỗi của chúng ta" (1Jn.4:10).

3 - Cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm tình yêu hiển nhiên có cả Ba Ngôi thần linh tham dự vào. Chúa Cha thực hiện việc khơi mào tự do tối thượng: chính Ngài là Ðấng đã yêu trước, và trong việc trao phó Con vào bàn tay sát nhân của chúng ta, Ngài bộc lộ cho thấy sở hữu yêu qúi nhất của Ngài. Như Thánh Phaolô viết, Ngài "đã không dung tha cho Con riêng mình", tức là, Ngài đã không giữ Con cho bản thân mình như là một kho tàng cần giữ lấy một cách vị kỷ, mà "đã hiến Người vì tất cả chúng ta" (Rm.8:32).

Chúa Con thông phần trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha và dự án cứu độ của Ngài: "Người đã hiến mình vì tội lỗi của chúng ta... theo ý muốn Thiên Chúa và Cha của chúng ta" (Gal.1:4).

Còn Thánh Linh? Vì cũng ở trong mối thân tình của sự sống Ba Ngôi, nên ở cuộc trao đổi yêu thương này, một cuộc trao đổi yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con nơi mầu nhiệm Gôngôta, Thánh Linh là Ngôi Vị Tình Yêu mà Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau hiệp nhất trong Ngài.

Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã khai triển hình ảnh của hy tế khi nói rằng Chúa Giêsu đã hiến mình "nhờ Thần Linh hằng hữu" (Heb.9:14). Trong Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, Tôi đã cho thấy là đoạn "Thần Linh hằng hữu" này thực sự muốn nói lên Thánh Linh như ngọn lửa thiêu hủy các tế vật hy sinh của các hy tế theo lễ nghi xưa, cũng là "Thánh Linh đã tác hành một cách đặc biệt nơi việc tự hiến tuyệt đỉnh này của Con Người để biến việc khổ đau này thành tình yêu cứu chuộc" (đoạn 40). "Thánh Linh như Tình Yêu và Tặng Ân xuống, bằng một nghĩa nào đó, ngay tâm điểm của hy tế được hiến dâng trên Thập Giá. Ở đây, căn cứ vào truyền thống thánh kinh chúng ta có thể nói: Ngài thiêu hủy hy tế này bằng ngọn lửa yêu thương liên kết Con với Cha trong niềm hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Và vì hy tế Thập Giá là một tác động xứng hợp với Chúa Kitô nên trong hy tế này Người mới 'nhận lãnh' Thánh Linh" (cùng nguồn, đoạn 41).

Theo phụng vụ Rôma, vị linh mục đã có lý khi cầu nguyện trước Hiệp Lễ những lời quan trọng này: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi ý muốn của Chúa Cha và công việc của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để mang lại sự sống cho thế gian".

4 - Lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu không chỉ kết thúc ở cái chết mà còn dẫn đến một sự sống vinh quang Phục Sinh. "Bằng việc phục sinh từ trong kẻ chết của mình, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta" đã "được chỉ định là Con Thiên Chúa trong quyền năng theo Thần Linh thánh thiện" (x.Rm.1:4).

Việc phục sinh là việc hoàn thành việc Nhập Thể, và việc phục sinh này cũng xẩy ra, như việc Con hạ sinh vào trần gian, "bởi hoạt động của Thánh Linh". Thánh Phaolô đã nói tại Antiôkia ở Pisidia rằng: "Chúng tôi mang đến cho anh em tin mừng là điều Thiên Chúa đã hứa với cha ông, thì Ngài đã hoàn thành nơi chúng ta là con cháu của các vị, bằng việc làm cho Chúa Giêsu sống lại; như cũng đã được viết trong Thánh Vịnh đoạn 2: 'Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con'" (Acts 13:32).

Tặng ân của Thánh Linh mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận tròn đầy vào buổi sáng Phục Sinh, được Người tuôn tràn lai láng trên Giáo Hội. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ tụ họp nhau trên Nhà Tiệc Ly: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Jn.20:22), và Người đã ban cho các vị Thần Linh này "thực sự qua những dấu tích tử giá của Người: 'Người đã tỏ cho các vị thấy bàn tay và cạnh sườn Người'" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 24). Sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu được tóm lại và hoàn tất trong việc Người thông ban Thần Linh cho nhân loại, để dẫn họ về với Chúa Cha.

5 - Nếu "công việc chính" của Thánh Linh là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, một mầu nhiệm khổ nạn và vinh quang, thì nhờ tặng ân của Thần Linh, các môn đệ của Chúa Kitô cũng có thể chịu khổ và biến thập giá thành con đường dẫn đến ánh sáng: "per crucem ad lucem". Thần Linh của Con ban cho chúng ta ân sủng để có cùng một cảm thức như Chúa Kitô và để yêu như Người yêu, cho đến độ hiến mạng sống mình cho anh em: "Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta; nên chúng ta cũng phải bỏ sự sống mình cho anh em" (1Jn.3:16).

Bằng việc truyền đạt Thần Linh của mình cho chúng ta, Chúa Kitô đã đi vào đời sống của chúng ta, để mỗi người trong chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: "Không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal.2:20). Như thế, trọn cuộc sống của chúng ta trở nên một Cuộc Vượt Qua liên tục, một cuộc liên tục vượt qua sự chết mà vào sự sống, cho đến cuộc Vượt Qua cuối cùng, khi chúng ta cùng với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu vượt "từ thế giới này mà về cùng Cha" (Jn.13;1). Thật vậy, thánh Irênêô Lyon viết, "những ai đã lãnh nhận và mang trong mình Thần Linh Thiên Chúa thì được dẫn đến cùng Lời, tức là đến cùng Con, rồi Con tiếp nhận họ và dâng họ cho Cha, và Cha ban cho họ tình trạng bất hoại" (Demonst. Apost.,7).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page