Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 19 (Thứ Tư ngày 3-6-1998)

Thần Linh hộ tống
cuộc sống công khai Chúa Giêsu

Sau việc Nhập Thể, Chúa Thánh Thần còn can thiệp đặc biệt vào đời sống của Chúa Giêsu một lần nữa khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa ở Sông Dược-Ðăng.

Phúc Âm thánh Marcô đã kể lại biến cố này như sau: "Trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galiêa đến lãnh nhận phép rửa của Gioan ở sông Dược-Ðăng. Và khi Người lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở ra và Thần Linh xuống trên Người như một con chim bồ câu; và có tiếng nói phát ra từ trời: "Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con" (Mk.1:9-11). Trong Phúc Âm thứ bốn, thánh Gioan cũng đã làm chứng liên quan đến điều này: "Tôi đã thấy Thần Linh từ trời xuống như một con chim câu, và con chim câu này đậu trên mình Người" (Jn.1:23).

2 - Theo chứng từ hợp nhau của các Phúc Âm, biến cố ở sông Dược-Ðăng đã đánh dấu cuộc mở màn cho sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu cũng như của việc Người tỏ mình ra là Ðấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa.

Thánh Gioan đã rao giảng "một phép rửa thống hối để được thứ tha tội lỗi" (Lk.3:3). Chúng ta thấy Chúa Giêsu ở trong đám đông tội nhân đến để được thánh Gioan rửa cho. Thánh nhân nhận ra Người và công bố Người là con chiên vô tội, Ðấng gánh tội trần gian (x.Jn.1:29), để dẫn nhân loại về lại mối hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Cha đã tỏ ra hài lòng với Người Con dấu ái của mình, Ðấng đã trở nên một người tôi tớ phục tùng cho đến chết, và cũng đã ban cho Người quyền năng của Thần Linh để Người có thể thi hành sứ vụ của mình như một Ðấng Thiên Sai Cứu Thế.

Chúa Giêsu thực sự đã có Thần Linh từ lúc đầu thai của mình (x.Mt.1:20; Lk.1:35), thế nhưng, nơi phép rửa, Người đã lãnh nhận một cuộc tràn tuôn Thần Linh mới, một cuộc xức dầu của Thánh Linh, như Thánh Phêrô đã chứng nhận trong bài nói của mình tại nhà Cornêliô: "Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Linh và quyền năng cho Ðức Giêsu Nazarét" (Acts 10:38). Việc xức dầu này là một cuộc vinh thăng Ðức Giêsu "như Ðấng Thiên Sai trước mắt dân Yến-Duyên, tức là, như một 'Ðấng được xức dầu' Thần Linh"; việc xức dầu này thực sự là một cuộc vinh thăng Ðức Giêsu như Chúa Kitô và như Ðấng Cứu Thế (x. Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 19).

Trong lúc Chúa Giêsu sống ở Nazarét, Mẹ Maria và thánh Giuse đã thấy được việc Người lớn lên theo năm tháng, khôn ngoan và ơn nghĩa (x.Lk.2:40,2:51) dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Ðấng tác động trong Người. Thế rồi đến thời thiên sai được mở màn: một giai đoạn mới cho cuộc hiện hữu lịch sử của Chúa Giêsu bắt đầu. Việc Người lãnh nhận phép rửa ở sông Dược-Ðăng giống như một "dạo khúc khai mào" cho những gì sẽ xẩy ra sau này. Chúa Giêsu bắt đầu đứng về phía các tội nhân để mạc khải dung nhan khoan hậu của Chúa Cha cho họ. Việc Người dìm mình xuống Sông Dược-Ðăng tiên báo và hướng về "phép rửa" của Người trong các giòng nước sự chết, và tiếng nói của Cha Người tuyên nhận Người là Con yêu dấu của Ngài báo trước vinh quang Phục Sinh của Người.

3 - Sau cuộc lãnh nhận phép rửa của Người ở sông Dược-Ðăng, Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ tam diện của mình: một sứ vụ vương giả nói lên việc Người chống lại thần dữ; một sứ vụ tiên tri khiến Người trở thành một nhà rao giảng Tin Mừng hăng say; và một sứ vụ tư tế thúc giục Người chúc tụng Chúa Cha và hiến mình cho Ngài vì phần rỗi của chúng ta.

Tất cả ba Phúc Âm nhất lãm đều nhấn mạnh rằng, ngay sau phép rửa của mình, Chúa Giêsu đã được Thánh Linh "dẫn" vào nơi hoang điạ "để chịu ma qủi cám dỗ" (Mt.4:1; x.Lk.4:1; Mk.1:12). Satan đã đề ra cho Người một thiên sai vụ huy hoàng, ở việc thực hiện những dấu lạ kinh hoàng như biến các hòn đá nên bánh, gieo mình từ đỉnh đền thờ xuống mà không bị thương tích gì, chiếm ưu thế chính trị cấp thời trên tất cả mọi vương quốc trên thế gian. Thế nhưng, hoàn toàn tuân phục ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã rõ ràng và dứt khoát quyết chọn việc chấp nhận là một Ðấng Thiên Sai chịu khổ đau và tử giá, Ðấng sẽ hiến mình cho phần rỗi thế gian.

Việc Chúa Giêsu đấu với Satan bắt đầu từ nơi hoang địa được tiếp tục nơi cuộc sống của Người. Một trong những hoạt động tiêu biểu của Người là hoạt động của một Ðấng trừ qủi, một vai trò làm cho dân chúng lạ lùng kêu lên: "Người lấy quyền truyền khiến đến cả các thần ô uế cũng phải tuân lệnh Người" (Mk.1:27). Ai dám nói rằng quyền lực của Chúa Giêsu ấy từ Satan mà có là họ đã nói lộng ngôn phạm đến Thánh Linh (Mk.3:22-30): vì thật sự Chúa Giêsu khu trừ ma qủi "bởi Thần Linh Thiên Chúa" (Mt.18:22). Như thánh Basiliô Cêsarêa viết thì trong trường hợp Chúa Giêsu "ma qủi đã bị mất quyền lực của mình trước sự hiện diện của Thánh Linh" (De Spir. S., 19).

4 - Theo Thánh Ký Luca, sau khi bị cám dỗ trong hoang địa, "Chúa Giêsu đã trở về Galilêa bằng quyền năng của Thánh Linh... và đã giảng dạy trong các hội đường của họ" (Lk.4:4-15). Sự hiện diện quyền năng của Thánh Linh cũng được thấy nơi hoạt động truyền bá phúc âm của Chúa Giêsu. Chính Người đã nhấn mạnh điều này trong bài khai mở của mình ở hội đường Nazarét (Lk.4:16-30), khi áp dụng cho mình đoạn sách tiên tri Isaia: "Thần Linh Chúa ở trên Tôi" (Is.61:1). Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là "việc truyền giáo của Thần Linh", được Chúa Cha sai đến để loan báo Phúc Âm của lòng thương xót bằng quyền năng của Thần Linh.

Ðược linh hoạt bởi quyền lực của Thần Linh, điều Chúa Giêsu nói đã thực sự diễn đạt mầu nhiệm Người là Lời hóa thành nhục thể (Jn.1:14). Thế nên Lời này mới là lời của một người nói có "uy quyền", không giống như của các vị ký lục (Mk.1:22). Lời này là "một giáo huấn mới", như những người đã nghe được bài giảng đầu tiên của Người ở Carphanaum đã bỡ ngỡ cộng nhận (Mk.1:27). Ðó là những lời hoàn tất và vượt trổi hơn lề luật Moisen, như đã thấy rõ trong Bài Giảng Trên Núi (Mt.5:7). Những lời này là những lời mang lại ơn tha thứ thần linh cho các tội nhân, ban cho người bệnh lành mạnh cùng với ơn cứu độ, và hồi sinh cả kẻ chết. Những lời này là những lời của Ðấng "được Thiên Chúa sai", nơi Người Thần Linh ngự trị đến nỗi Người có thể ban tặng Thần Linh này một cách "khôn lường" (Jn.3:34).

5 - Sự hiện diện của Thánh Linh lại càng rõ ràng nơi việc cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Thánh Ký Luca nói rằng vào lúc Người lãnh nhận phép rửa ở sông Dược-Ðăng, "khi Chúa Giêsu... bấy giờ đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Linh đã xuống trên Người" (Lk.3:21-22). Mối liên kết giữa việc Chúa Giêsu cầu nguyện và sự hiện diện của Thần Linh còn tái hiện rõ ràng ở bài ca hân hoan này: "Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Linh mà nói: 'Lạy Cha, Con tạ ơn Cha là Chúa trời đất'" (Lk.10:21).

Như thế Thần Linh đã hiện diện trong cảm nghiệm thâm sâu nhất của Chúa Giêsu, một cảm nghiệm là một người con thần linh nơi Người, một cảm nghiệm khiến Người gọi Thiên Chúa là "Abba" (Mk.14:36), bằng một niềm tin tưởng chuyên nhất không giống như cách thế của bất cứ người Do Thái nào ngỏ cùng Ðấng Tối Cao. Thực vậy, nhờ tặng ân của Thần Linh, Chúa Giêsu cũng sẽ có thể làm cho các tín hữu thông phần vào mối hiệp thông và thân tình của một người con đối với Chúa Cha. Như Thánh Phaolô đã bảo đảm với chúng ta rằng, chính Thánh Linh là Ðấng khiến cho chúng ta kêu lên Thiên Chúa: "Abba, Lạy Cha!" (Rm.8:15; Gal.4:6).

Cuộc sống làm con cái này là một tặng ân cao cả chúng ta đã nhận được trong Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta phải tái nhận thức và liên lỉ bảo dưỡng nó, làm cho mình đơn sơ dễ dậy đối với việc mà Thánh Linh hoàn thành nơi chúng ta.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page