Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 18 (Thứ Tư ngày 27-5-1998)

Thần Linh
trong Mầu Nhiệm Nhập Thể

Chúa Giêsu được liên hệ với Chúa Thánh Thần ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu trong thời gian của Người, như Kinh Tin Kính của Công Ðồng Chung Nicene-Constantinopoli tuyên xưng: "Et incarnatus est de Spiritu Sancto ex Maria Virgine" (Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria). Ðức tin của Giáo Hội nơi mầu nhiệm này được căn cứ trên lời của Thiên Chúa, như Thần Gabiên loan báo cho Mẹ Maria: "Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên trinh nữ và quyền phép Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ; bởi thế, con trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa" (Lk.1:35). Cả Thánh Giuse cũng được cho biết: "Ðiều được cưu mang nơi lòng (Maria) là do bởi Chúa Thánh Thần" (Mt.1:20).

Hành động Chúa Thánh Thần trực tiếp nhúng tay vào việc Nhập Thể đã mang lại một ân sủng siêu việt, "ân sủng hiệp nhất", một ân sủng làm cho nhân tính được hiệp nhất với Ngôi Lời. Việc hiệp nhất này là nguồn mạch của mọi ân sủng khác, theo như Thánh Tôma chú giải (S. Th. III, q.2, a.10-12; q.6, a.6; q.7, a.13).

2 - Ðể hiểu thấu đáo hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong biến cố Nhập Thể, chúng ta cần phải trở lại với những gì mà lời Chúa đã nói với chúng ta.

Thánh Luca viết rằng Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên Mẹ Maria và sẽ bao phủ Mẹ như một quyền năng từ trên cao. Theo Cựu Ước chúng ta thấy rằng lúc nào Thiên Chúa muốn làm phát sinh sự sống, thì Ngài tác động qua "quyền năng" hơi thở sáng tạo của mình: "Bởi lời Chúa mà các tầng trời đã được tạo thành, và tất cả cơ ngũ của chúng là do hơi thở miệng Ngài" (Ps 33/32:6). Ðiều này đúng với mọi sinh vật, đến nỗi, nếu Thiên Chúa "rút lại thần trí của Ngài, và thu hồi hơi thở của Ngài, thì tất cả mọi xác phàm (tức mọi con người) sẽ cùng tàn lụi một lượt, và con người sẽ trở về bụi đất" (Jb.34:14-15). Thiên Chúa đã làm cho Thần Linh của Ngài đặc biệt can thiệp vào những lúc dân Yến-Duyên cảm thấy bất lực khi vận dụng sức mình vùng dậy. Tiên tri Eâzêkiên đã cho thấy điều này trong một thị kiến bi thảm về một thung lũng bao la đầy những bộ xương: "Hơi thở đã nhập vào chúng làm chúng sống động và đứng lên" (Ez.37:10).

Việc đầu thai tinh tuyền của Chúa Giêsu là một "công cuộc vĩ đại nhất mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong lịch sự tạo dựng và cứu độ" (Thông Ðiệp Dominum et Vivificantem, đoạn 50). Trong biến cố hồng phúc này, một trinh nữ sinh hoa trái; một người nữ, được cứu chuộc ngay từ khi đầu thai, thụ thai Ðấng Cứu Thế. Thế là một cuộc tân tạo đã được sửa soạn, và một Giáo Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu đã được khơi mào: một con người là Con Thiên Chúa bắt đầu sống động. Trước biến cố này xẩy ra chưa hề có chuyện Chúa Thánh Thần xuống trên một phụ nữ để làm cho người nữ này trở thành một người mẹ. Bất cứ lúc nào xẩy ra một cuộc hạ sinh lạ lùng trong lịch sử Yến-Duyên, bất cứ ở đâu những cuộc hạ sinh lạ lùng này được đề cập tới, thì đứa trẻ sơ sinh đều liên hệ với việc can thiệp thần linh, chứ không phải với người mẹ.

3 - Nếu chúng ta tự hỏi mục đích của Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện biến cố Nhập Thể là gì, thì lời Chúa đã hiến cho chúng ta một câu trả lời ngắn gọn trong bức Thư Thứ 2 của Thánh Phêrô, qua đó chúng ta biết rằng việc này xẩy ra là để cho chúng ta có thể trở nên "kẻ tham dự vào thần tính" (2Pt.1:4). Thánh Irênê Lyon đã dẫn giải: "Thật vậy, đó là lý do tại sao Lời đã hóa thành nhục thể và Con Thiên Chúa đã trở thành Con Người: để con người, bằng việc tham dự vào cuộc hiệp thông với Lời và nhờ đó lãnh nhận thân phận con cái thần linh, được trở nên con cái Thiên Chúa" (Adv. Haer. III,19,1). Thánh Anathasiô cũng theo chiều hướng này: "Khi Lời đến với Ðức Trinh Nữ Maria, Thần Linh đã cùng với Lời đến với Người; trong Thần Linh, Lời đã hình thành một thân thể cho mình, ước mong hiệp nhất tất cả mọi tạo vật nơi Người và đưa tất cả về cho Cha" (Ad Serap. 1,31). Những chủ trương này được Thánh Tôma lập lại: "Người Con duy nhất của Thiên Chúa, vì muốn chúng ta là những người tham dự vào thần tính của mình, đã mặc lấy nhân tính của chúng ta để khi làm người Người khiến con người thành chúa (Opusc. 57 in festo Corp. Christi,1), tức là thành những kẻ tham dự vào thần tính nhờ ân sủng.

Mầu nhiệm Nhập Thể tỏ cho chúng ta thấy tình yêu chất ngất của Thiên Chúa, một tình yêu được ngôi vị hóa đến tuyệt đỉnh là Thánh Linh, vì Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa theo ngôi vị, Ngôi-Vị-Tình-Yêu: "Tình yêu Thiên Chúa đã tỏ hiện giữa chúng ta là thế này, đó là Thiên Chúa đã sai Con duy nhất của mình đến thế gian, để chúng ta nhờ Người mà được sống" (1Jn.4:9). Vinh quang của Thiên Chúa sáng tỏ nơi việc Nhập Thể hơn nơi bất cứ một việc nào khác.

Chúng ta đã rất có lý để hát khen trong kinh Gloria in excelsis: "Chúng con chúc tụng Chúa, chúng con tôn vinh Chúa... chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa". Những lời phát biểu này có thể được áp dụng một cách đặc biệt cho tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng mà, trong bức Thư Thứ 1 của Thánh Phêrô, đã gọi là "thần trí vinh hiển" (1Pt.4:14). Ðây là một vinh hiển thuần túy nhưng không: nó không hệ tại việc nhận hay lãnh, mà chỉ ở tại việc ban tặng. Trong việc ban tặng cho chúng ta Thần Linh của mình, Ðấng là nguồn sự sống, Chúa Cha đã tỏ vinh hiển của Ngài ra khi làm cho nó trở nên hữu hình trong đời sống của chúng ta. Theo ý nghĩa này, Thánh Irênê đã viết: "vinh hiển của Thiên Chúa là con người sống động" (Adv. Haer. IV,20,7).

4 - Nếu bây giờ chúng ta cố gắng nhìn kỹ hơn vào những gì biến cố Nhập Thể muốn tỏ cho chúng ta thấy về mầu nhiệm của Thần Linh, chúng ta có thể nói rằng biến cố này chính yếu đã cho chúng ta thấy được Ngài là quyền năng phúc lộc của Thiên Chúa làm phát sinh sự sống.

Quyền năng "bao phủ" Mẹ Maria đã gợi lại hình ảnh đám mây của Chúa che phủ lều tạm trong sa mạc (x.Ex.40:34) hay tràn ngập đền thờ (x.1Kgs.8:10). Bởi thế, quyền năng này là sự hiện diện thân tình, là sự gần gũi cứu độ của Thiên Chúa, Ðấng đến để thiết lập giao ước yêu thương với con cái của mình. Ðó là quyền năng trong việc phục vụ yêu thương, một việc phục vụ được thi hành qua dấu hiệu khiêm tốn: chẳng những quyền năng này đã đánh động đức khiêm nhượng nơi Mẹ Maria, người nữ tì Chúa, mà còn hầu như ẩn khuất đằng sau Mẹ, đến nỗi, không một người nào ở Nazarét có thể tiên kiến được là điều "được thụ thai nơi Người là bởi Chúa Thánh Thần" (Mt.1:20). Thánh Ignatiô Antiôkia đã diễn tả tuyệt vời mầu nhiệm nghịch thường này: "Ðức trinh trong của Mẹ Maria và việc hạ sinh của Mẹ được che khuất khỏi tên vương chủ thế gian này, như cái chết của Chúa vậy. Ðây là ba mầu nhiệm vang động mà lại được hoàn tất trong một sự thầm lặng yên vắng của Thiên Chúa" (Ad Eph., 19.1).

5 - Mầu nhiệm Nhập Thể, khi được nhìn theo khía cạnh về Thánh Linh là Ðấng hoàn thành mầu nhiệm này, còn làm sáng tỏ cả mầu nhiệm về con người nữa.

Nếu Thần Linh thật sự làm việc cách chuyên biệt nơi mầu nhiệm Nhập Thể, thì Ngài cũng hiện diện lúc con người bắt đầu hiện hữu. Hữu thể của chúng ta là một "hữu thể được ban cho", một thực tại được nghĩ đến, được yêu thương và được ban tặng. Việc tiến hóa không đủ khả năng giải thích về nguồn gốc của loài người, cũng như một mình nguyên nhân thể chất nơi cha mẹ đã không thể nào giải thích được việc hạ sinh của một đứa bé. Ngay cả trong tính cách siêu việt nơi tác động của mình, Thiên Chúa vẫn tôn trọng "nguyên nhân đệ nhị" và tác tạo linh hồn thiêng liêng cho một con người mới, bằng việc thông ban hơi thở sự sống cho họ (x.Gen.2:7), nhờ Thần Linh là "Ðấng ban sự sống". Thế nên, mọi con trẻ phải được nhìn nhận và chấp nhận như là một qùa tặng của Thánh Linh.

Ðức trong sạch của các người giữ mình độc thân và các người giữ mình đồng trinh là một phản ánh chuyên biệt của tình yêu "được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh" (Rm.5:5). Thần Linh, Ðấng đã cho Mẹ Maria được tham dự vào sự sinh sản thần linh, cũng bảo đảm là những ai chọn cuộc sống trinh khiết vì nước trời sẽ có nhiều con cái trong gia đình thiêng liêng, được thành nên bởi tất cả những ai "được hạ sinh không bởi huyết nhục hay bởi ý muốn nhục dục hoặc bởi ý muốn con người, mà là bởi Thiên Chúa" (Jn.1:13).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page