Thời Ðiểm Hồng Ân

Loạt Bài Giáo Lý Năm Thánh 2000
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Bài 14 (Thứ Tư ngày 29-4-1998)

Cuộc Mừng Kỷ Niệm
Mà Chúng Ta Sắp Cử Hành
Ðã Ðược Sửa Soạn
Nơi Con Tim Từ Mẫu Maria

Trong việc chúng ta hướng nhìn về Chúa Kitô, Cuộc Mừng Kỷ Niệm cũng mời gọi chúng ta hướng mắt về Mẹ Maria. Chúng ta không thể tách phân Con ra khỏi Mẹ, vì căn tính làm người của Chúa Giêsu là do việc Người "được sinh bởi Ðức Maria". Theo mẫu thức đức tin ngay ban đầu, Chúa Giêsu đã được tuyên nhận là Con của Thiên Chúa và là Con của Mẹ Maria. Như giáo phụ Tertullian đã nhắc lại chân lý này khi viết: "Chúng ta phải tin có một Thiên Chúa duy nhất, Ðấng Toàn Năng, Vị Tạo Dựng thế giới, và tin Con Ngài là Ðức Giêsu Kitô, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria" (De virg. vel., 1,3).

Là một người Mẹ, Ðức Maria là con người đầu tiên được tham hưởng vào một cuộc hạ sinh đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử tôn giáo của loài người. Qua lời của thiên thần, Mẹ đã biết được định mệnh phi thường biết bao của Con Mẹ trong dự án cứu độ. Niềm vui của Mẹ Maria nằm ở ngay tâm điểm của tất cả mọi Cuộc Mừng Kỷ Niệm sẽ đến sau đó. Thế nên, cuộc Mừng Kỷ Niệm mà chúng ta sắp cử hành đây đã được sửa soạn nơi con tim từ mẫu của Mẹ. Vì lý do này, Ðức Trinh Nữ, nói được rằng, phải được "gián tiếp" hiện diện trong việc tìm hiểu các đề tài được phác họa cho giai đoạn sửa soạn (x.Tertio Millennio Adveniente, đoạn 43). Cuộc Mừng Kỷ Niệm của chúng ta phải là một cuộc chia sẻ niềm vui với Mẹ.

2 - Sự kiện bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và Mẹ Maria được bắt nguồn từ ý muốn tối cao của Chúa Cha trong việc thực hiện dự định Nhập Thể. Thánh Phaolô viết: "khi thời điểm viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài hạ sinh bởi một người nữ" (Gal.4:4).

Chúa Cha đã muốn người Con nhập thể của mình có một người mẹ, để Người được sinh ra theo đúng kiểu cách loài người. Ðồng thời, Ngài cũng muốn rằng người mẹ đồng trinh phải trở nên như một dấu hiệu nơi người con này trong vai trò là một người con thần linh.

Ðể hiện thực thiên chức làm mẹ này, Chúa Cha đã cần đến sự ưng thuận của Ðức Maria. Thiên thần đã cắt nghĩa dự án thần linh cho Mẹ và chờ đợi câu trả lời là những gì phát xuất tự ý muốn tự do của Mẹ. Ðiều này rõ ràng được nhận thấy nơi trình thuật về cuộc Truyền Tin, một biến cố nhấn mạnh đến vấn đề Ðức Maria đặt ra nói lên ý hướng của Mẹ trong việc Mẹ muốn giữ mình đồng trinh. Sau khi thiên thần cắt nghĩa cho Mẹ biết trở ngại sẽ được giải quyết bởi tác động của Thánh Linh thì Mẹ đã đồng ý.

3 - "Này tôi là tôi tớ Chúa; xin thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền" (Lk.1:38). Việc Ðức Maria chấp nhận dự án thần linh đã gây một ảnh hưởng lớn lao nơi toàn cả tương lai nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng tiếng "vâng" mà Mẹ phát biểu vào lúc Truyền Tin đã biến đổi bộ mặt trái đất. Ðó là một tiếng "vâng" cho việc đến của Ðấng đã giải phóng con người khỏi cảnh làm tôi tội lỗi và chiếm lấy cho họ sự sống ân sủng thần linh. Một tương lai hạnh phúc cho vũ hoàn đã trở thành khả dĩ nhờ lời thưa "vâng" này của người nữ trẻ Nazarét.

Một biến cố diệu huyền! Lời chúc tụng phát xuất từ tấm lòng bà Isave trong câu truyện Thăm Viếng đã diễn tả rất thích hợp niềm vui của toàn thể nhân loại: "Người có phúc trong mọi người nữ, và phúc thay qủa phúc của lòng Người" (Lk.1:42).

4 - Từ giây phút Mẹ Maria ưng thuận, mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành hiện thực. Con Thiên Chúa đã đi vào thế giới và bắt đầu sống như một con người nhưng vẫn hoàn toàn là Thiên Chúa. Cũng từ giây phút ấy, Ðức Maria đã trở nên Mẹ Thiên Chúa.

Ðây là một tước hiệu cao cả nhất mà tạo vật có thể được ban tặng. Tước hiệu này được hoàn toàn chứng thực nơi trường hợp Mẹ Maria, vì người mẹ là mẹ của con người làm con của mình trong mức độ trọn vẹn làm người của người con. Mặc dù thiên chức làm mẹ này đã được xác định nơi mối tương quan của mầu nhiệm Nhập Thể, Ðức Maria thật là "Mẹ Thiên Chúa" vì Mẹ là Mẹ của "Con Thiên Chúa".

Chính từ nhận thức này mà tước hiệu Theotókos, Mẹ Thiên Chúa, đã phát xuất trong các cõi lòng cũng như trên môi miệng của Kitô hữu từ thế kỷ thứ ba. Kinh nguyện cổ kính nhất dâng lên Ðức Maria được xuất phát từ Ai Cập, van xin sự trợ giúp của Mẹ trong những lúc khó khăn, khi kêu cầu Mẹ như là "Mẹ Thiên Chúa".

Sau đó, khi có một số người đặt vấn đề ý nghĩa của tước hiệu này, Công Ðồng Chung Eâphêsô đã long trọng chuẩn nhận nó vào năm 431, và sự thật của nó đã được thịnh hành nơi văn tự về tín điều cũng như trong kinh nguyện.

5 - Nhờ thiên chức làm mẹ thần linh của mình, Ðức Maria đã mở lòng mình ra cho Chúa Kitô, và nơi Người cho toàn thể nhân loại. Việc Mẹ Maria toàn hiến cho công cuộc của Con đặc biệt được tỏ bày khi Mẹ tham phần vào hy hiến của Người. Theo chứng nhận của thánh Gioan, Mẹ của Chúa Giêsu "đã đứng gần thập giá" (Jn.19:25). Như thế, Mẹ đã liên kết chính mình với tất cả mọi khổ đau Chúa Giêsu phải chịu. Mẹ đã thông phần vào việc hy hiến quảng đại của Người cho phần rỗi loài người.

Việc liên kết với hy hiến của Ðức Kitô đã mang lại một thiên chức làm mẹ mới nơi Ðức Maria. Là người đã chịu khổ cho cả loài người, Mẹ đã trở nên mẹ của toàn thể nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã công bố thiên chức làm mẹ mới này khi Người nói với Mẹ từ trên cây thập giá cao: "Này bà, đó là con bà" (Jn.19:26). Thế là Mẹ Maria đã trở nên mẹ của người môn đệ yêu dấu, và theo chủ ý của Chúa Giêsu, cũng là mẹ của mọi môn đệ, mọi Kitô hữu.

Thiên chức phổ quát của Ðức Maria, nhắm đến việc nuôi dưỡng sự sống theo Thần Linh, là một tặng ân phi thường ban cho nhân loại từ Ðức Kitô tử giá. Chúa Giêsu đã nói với người môn đệ yêu dấu: "Này là mẹ con" (Jn.19:27). Và kể từ giờ ấy người môn đệ "đã mang Mẹ về nhà mình" (Jn.19:27), hay đúng hơn, "đã nhận Mẹ như một trong những sở hữu của mình", trong những tặng ân qúi hóa được vị Thày tử giá để lại cho mình.

Những lời "Này là mẹ con" cũng được nói với mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi để yêu mến Mẹ Maria như Chúa Kitô đã mến yêu Mẹ, để đón nhận Mẹ vào cuộc đời của chúng ta như Mẹ của mình, để Mẹ dẫn dắt chúng ta theo những đường lối của Thánh Linh.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page