Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


(7) Bài Giáo Lý của ÐTC Gioan Phaolô II
Thứ Tư ngày 11 tháng 9 năm 1985

Thiên Chúa, Viên Mãn Sự Sống,
là Thần Linh, Vô Biên và Vô Hình

"Thiên Chúa là thần linh". Chúa Giêsu Kitô đã công bố những lời này trong cuộc nói chuyện với người đàn bà Samaritanô gần giếng Giacóp ở Sychar.

Theo ý nghĩa của những lời này, chúng ta cùng nhau tiếp tục tìm hiểu trong bài giáo lý này về chân lý đầu tiên trong câu biểu thức đức tin: "Tôi tin kính Thiên Chúa". Chúng ta đặc biệt tìm về giáo huấn của Công Ðồng Chung Vaticanô I trong Hiến Chế Dei Filius, ở chương thứ nhất: "Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa của tất cả mọi sự". "Thiên Chúa là Ðấng tỏ mình ra này, khi nói 'qua các tiên tri và tối hậu... qua Người Con' (Heb.1:1), là Tạo Hóa của thế giới, thực sự khác hẳn với thế giới đã được Ngài dựng nên". Ngài là Vĩnh Cửu, như bài giáo lý lần trước đã dẫn giải, trong khi tất cả mọi sự được tạo thành thì tùy thuộc và lệ thuộc thời gian.

Bởi Thiên Chúa của đức tin chúng ta là Vĩnh Cửu, Ngài là sự sống viên mãn. Như thế, Ngài tách biệt khỏi tất cả mọi vật sống động trong thế giới hữu hình. Ðó là vấn đề một vấn đề của "sự sống" phải được hiểu ở một ý nghĩa cao nhất của từ ngữ khi ám chỉ Thiên Chúa, Ðấng là thần linh, thuần túy thần linh. Thế nên Ngài cũng là Ðấng vô biên và vô hình, như Công Ðồng Chung Vaticanô I dạy. Chúng ta không thấy nơi Ngài bất cứ điều gì có thể cân đo theo tiêu chuẩn của thế giới tạo vật hữu hình cũng như của thời gian đánh dấu giai đoạn con người sống. Thiên Chúa ở trên chất thể, Ngài tuyệt đối "vô chất thể". Tuy nhiên, "tính chất linh thiêng" của Hữu Thể thần linh không hạn hẹp ở tính chất chúng ta có thể nắm được một cách tiêu cực, tức là tính chất vô chất thể. Chúng ta nhận ra, một cách tích cực, rằng tính chất linh thiêng này là một ưu phẩm của Hữu Thể thần linh, qua lời Chúa Giêsu Nazarét trả lời cho người đàn bà Samaritanô rằng: "Thiên Chúa là thần linh" (Jn.4:24).

Ðoạn văn của Công Ðồng Chung Vaticanô I mà chúng ta vừa trích dẫn, đã xác nhận giáo lý này về Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng và công bố giáo lý ấy với hai xác tín: "Thiên Chúa là một bản thể linh thiêng chuyên nhất, hoàn toàn đơn thuần và bất biến"; còn nữa: "Thiên Chúa vô cùng trong lý trí, trong lòng muốn và trong mọi sự trọn hảo".

Giáo lý về tính chất linh thiêng của Hữu Thể thần linh do mạc khải mà có được ghi nhận rõ ràng nơi đoạn văn này bằng "ngôn từ hữu thể". Ðiều này được thấy trong công thức "bản thể linh thiêng". Chữ "bản thể" có liên quan đến ngôn ngữ triết học về hữu thể.

Qua cụm từ này, đoạn văn của Công Ðồng này có ý nói lên là Thiên Chúa, Ðấng tách biệt khỏi toàn thể thế giới tạo thành do yếu tính của mình, chẳng những là một hữu thể tự tại, mà còn, vì là một hữu thể tự tại, Ngài cũng là một Thần Linh tự tại. Với yếu tính riêng của mình, Hữu Thể thần linh cũng tuyệt đối là một Hữu Thể linh thiêng.

Tính chất linh thiêng biểu hiệu cho lý trí và ý muốn tự do. Thiên Chúa có Minh Trí, Ý Muốn và Tự Do ở một mức độ vô cùng, cũng như Ngài có tất cả sự hoàn thiện ở một mức độ vô cùng vậy.

Những sự kiện mạc khải chúng ta thấy trong Thánh Kinh cũng như Thánh Truyền thường xác nhận những chân lý về Thiên Chúa này. Ở bài giáo lý này chúng ta sẽ chỉ trích dẫn một số chỗ trong Thánh Kinh nhấn mạnh đến minh trí vô cùng toàn hảo của Hữu Thể thần linh. Còn tự do và ý muốn vô cùng hoàn hảo của Thiên Chúa chúng ta sẽ bàn đến ở các bài giáo lý sau.

Trước hết, chúng ta nhớ đến lời than cả thể của Thánh Phaolô trong Bức Thư gửi cho giáo đoàn Rôma: "Ôi sâu thẳm thay sự phong phú, khôn ngoan và thông hiểu của Thiên Chúa! Các phán quyết của Ngài khôn dò biết bao và các đường lối của Ngài khôn thấu biết mấy! Thật thế, ai đã từng biết được tâm trí của Chúa?" (11:33ff).

Những lời của vị Tông Ðồ này đã vang lại, như một âm dội mạnh mẽ giáo huấn trong các sách khôn ngoan trong Cựu Ước: "Sự khôn ngoan của Ngài (ám chỉ Thiên Chúa) ngoài sức đo lường", Thánh Vịnh 147:5 tuyên xưng. Sự uy linh cao cả của Thiên Chúa được nối kết với sự khôn ngoan của Ngài: "Chúa cao cả và rất đáng chúc tụng, sự cao cả của Ngài khôn lường" (Ps.145:3). "Không thể giảm bớt hay tăng thêm cũng không thể ghi nhận các kỳ công của Chúa. Khi người ta hoàn tất là họ chỉ mới bắt đầu, và khi họ dừng lại thì họ sẽ lẩn quẩn" (Sir.18:5-7). Rồi nhà khôn ngoan nói: "Ngài còn cao cả hơn tất cả mọi công trình của Ngài" (Sir.43:28), và kết luận: "Ngài là toàn thể" (Sir.43:27).

Tiên tri Isaia chuyển ngôi vị "Ta" trong khi các tác giả "khôn ngoan" nói về Thiên Chúa ở ngôi thứ ba, "Ngài". Thiên Chúa, Ðấng linh ứng cho Isaia, nói qua tiên tri rằng: "Các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu thì các đường lối của Ta cũng cao hơn của các người, và các tư tưởng của Ta cũng cao hơn các tư tưởng của các người như vậy" (55:9).

Các "tư tưởng" của Thiên Chúa và "kiến thức lẫn khôn ngoan" của Ngài nói lên sự vô cùng trọn lành của Hữu Thể Ngài. Bởi minh trí vô hạn của mình, Thiên Chúa trổi vượt một cách siêu đẳng trên tất cả những gì hiện hữu ngoài Ngài. Không một tạo vật nào, nhất là không có một ai, có thể phủ nhận sự toàn thiện này. Thánh Phaolô chất vấn (Rm.9:20): "Ôi con người, ngươi là ai mà dám đối đáp với Thiên Chúa? Chẳng lẽ cái được nhào nặn nói với vị nhào nặn rằng 'Tại sao ngài lại làm nên tôi như thế?' Viên thợ gốm không nắm trong tay cục đất sét hay sao?" Kiểu suy tư và diễn đạt chính mình như thế đã bắt nguồn từ trong Cựu Ước. Những vấn nạn và các câu trả lời cũng ở trong Sách Isaia (x.29:15;45:9-11) và trong Sách Gióp (x.2:9-10;1:21). Phần Sách Nhị Luật đã công bố thế này: "Hãy tôn vinh Thiên Chúa của chúng ta! Ngài là đá tảng, công trình của Ngài hoàn hảo; vì tất cả mọi đường lối của Ngài đều công chính. Ngài là một vị Thiên Chúa trung thành, vô trách cứ, công bằng và chính trực" (Dt.32:3-4). Việc chúc tụng sự vô cùng thiện hảo của Thiên Chúa chẳng những là việc tuyên xưng sự khôn ngoan của Ngài mà còn cả sự công minh và liêm chính của Ngài, tức là cả sự thiện hảo về luân lý của Ngài.

Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giêsu Kitô đã thúc giục: "Vậy các con hãy trọn lành như Cha trên trời của các con trọn lành" (Mt.5:48). Lời kêu gọi này là một lời mời gọi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng trọn lành! Ngài là Ðấng "vô cùng trọn lành" (Vatican I, DS 3001).

Sự vô cùng trọn lành của Thiên Chúa hiện diện liên tục trong giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Người nói với người đàn bà Samaritanô rằng: "Thiên Chúa là thần linh... những kẻ tôn thờ đích thực phải tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý..." (Jn.4:23-24). Người đã nói về Ngài một cách trang trọng, khi trả lời cho một người trẻ đến với Người thưa: "Lạy Thày thiện hảo...", bằng câu: "Tại sao anh gọi Tôi là thiện hảo? Không ai thiện hảo ngoài một mình Thiên Chúa..." (Mk.10:17-18).

Chỉ một mình Thiên Chúa mới thiện hảo, và Ngài được vô cùng trọn lành của sự thiện hảo. Như Ngài trọn vẹn "là" Toàn Hữu thế nào, Ngài cũng "là Thiện Hảo" với tất cả toàn thiện như vậy. Tầm mức trọn vẹn thiện hảo này tương hợp với tầm mức vô cùng trọn hảo của ý Ngài muốn. Cũng thế, mức độ viên trọn tuyệt đối của chân lý tương hợp với mức độ vô cùng trọn hảo nơi trí tuệ của Ngài cũng như nơi sự thông minh của Ngài. Tầm mức viên trọn của chân lý có thể tự tại nơi chính mình nó là do trí tuệ của Ngài nhận biết nó như nó tương đồng với chính kiến thức của Ngài cũng như với hữu thể của Ngài. Thiên Chúa là thần linh vô cùng trọn hảo, nhờ Ngài mà tất cả những ai nhận biết Ngài trở nên những người tôn thờ đích thực của Ngài. Họ tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý.

Thiên Chúa là Ðấng tỏ mình ra này muốn thông mình ra bằng một đường lối cao vời và siêu đẳng trong việc trao tặng chính mình! Ngài là vị Thiên Chúa của giao ước và ân sủng.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page