Là TẤT CẢ Trong MỌI SỰ
(1Cor.15:28)

36 bài Giáo Lý về Chúa Cha
của Ðức Gioan Phaolô II
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


(22) Bài Giáo Lý của ÐTC Gioan Phaolô II
Thứ Tư ngày 5 tháng 3 năm 1986

Ba Ngôi Thiên Chúa
cùng thực hiện việc tạo dựng

Suy niệm về chân lý tạo thành ở chỗ Thiên Chúa làm cho thế gian hiện hữu từ hư không, thúc giục con mắt đức tin của chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa Hóa Công, Ðấng tỏ quyền toàn năng, khôn ngoan và tình yêu của mình ra nơi tạo sinh. Quyền toàn năng của Hóa Công được tỏ ra nơi cả việc làm cho các tạo vật hiện hữu từ hư không lẫn việc bảo hữu chúng nữa. "Sự gì có thể tồn tại được nếu Ngài không muốn có? Hay sự gì Ngài không gọi đến tên mà lại được bảo trì?", tác giả Sách Khôn Ngoan (11:25) đã đặt vấn đề như thế. Quyền toàn năng cũng tỏ cho thấy tình yêu của Thiên Chúa, Ðấng mà trong việc tạo dựng đã ban cho các hữu thể ở ngoài chính mình Ngài và khác biệt nhau được hiện hữu. Thực tại của tặng ân này đã thấm nhập vào toàn hữu thể và việc hiện hữu của tạo vật. Tạo dựng tức là ban cho, nhất là ban cho được hiện hữu. Và Ðấng ban cho chính là Ðấng yêu thương. Tác giả Sách Khôn Ngoan chứng thực điều này khi kêu lên: "Ngài yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu, và không ghê tởm một sự gì Ngài đã tạo nên, vì Ngài đã không tạo nên bất cứ sự gì mà Ngài ghét bỏ" (11:24); vị tác giả này còn thêm: "Ngài bao dung với tất cả mọi sự, vì chúng là của Ngài, Ôi Chúa là Ðấng yêu thương sinh linh" (11:26).

Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu vô vị lợi. Tình yêu này chỉ nhắm đến một việc là làm cho sự thiện hiện hữu, tồn tại và phát triển nó theo năng lực riêng của nó. Thiên Chúa Hóa Công là "Ðấng hoàn tất mọi sự theo ấn định của ý muốn Ngài" (Eph.1:11). Toàn thể công cuộc tạo dựng thuộc về dự án cứu rỗi, "một mầu nhiệm qua các thế hệ được giữ kín nơi Thiên Chúa là Ðấng tạo nên tất cả mọi sự" (Eph.3:9). Qua tác động tạo nên thế gian, nhất là tác động tạo nên con người, mà dự án cứu độ bắt đầu được hiện thực. Việc tạo dựng là công việc của Ðấng Khôn Ngoan yêu thương, như Sách Thánh đã đề cập đến ở một số trường hợp khác nhau (x.Prov.8:22-36).

Chân lý đức tin về việc tạo dựng, tự căn bản, rõ ràng là nghịch lại với các triết thuyết duy vật. Những triết thuyết này coi vũ trụ như là kết qủa của một cuộc tiến hóa vật chất gây ra hoàn toàn do tình cờ và nhu cầu.

Thánh Augustinô đã viết: "Khi nhìn Hóa Công qua các công cuộc của tay Ngài, chúng ta cần phải nâng lòng trí chúng ta lên để chiêm ngưỡng Ba Ngôi Thiên Chúa là Các Vị mà tạo thành mang dấu vết tương xứng thích hợp nào đó" (De Trinity, VI,10,12). Ðó là một chân lý đức tin, ở chỗ thế gian đã khởi sự từ Hóa Công, Ðấng là Thiên Chúa Ba Ngôi. Mặc dầu công cuộc tạo dựng được đặc biệt qui về cho Thiên Chúa Cha - chúng ta tuyên xưng điều này trong các kinh tuyên xưng đức tin ("Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Ðấng Tạo Thành trời đất") - công việc này cũng là một chân lý đức tin ở chỗ Cha, Con và Thánh Thần đều là "nguyên lý" đặc thù và bất khả phân chia của tạo thành.

Sách Thánh đã xác nhận chân lý này bằng nhiều đường lối khác nhau - trước hết đối với Con là Lời đồng bản thể với Cha. Cựu Ước đã có một số qui chiếu đáng kể, như câu Thánh Vịnh hùng hồn này: "Các tầng trời đã được tạo thành bởi lời của Chúa" (33:6). Câu phát biểu này đã trở nên sáng tỏ hơn nơi Tân Ước, như trong phần Tiền Ngôn của Phúc Âm Thánh Gioan: "Từ khởi nguyên đã có Lời, và Lời là Thiên Chúa… tất cả mọi sự nhờ Người mà được tạo nên, không có Người thì chẳng có gì được tạo dựng cả… thế gian đã nhờ Người mà có" (Jn.1:1-2,10). Các thư của Thánh Phaolô tuyên xưng rằng mọi sự được tạo nên "trong Chúa Giêsu Kitô". Thánh Phaolô nói về "một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, qua Người tất cả mọi sự có và nhờ Người chúng ta hiện hữu" (1Cor.8:6). Trong Thư gửi giáo đoàn Côlôsê, chúng ta đọc thấy rằng: "Người (Ðức Kitô) là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của tất cả tạo thành; vì nơi Người, tất cả mọi sự được dựng nên, trên trời cũng như dưới đất, hữu hình cũng như vô hình… tất cả mọi sự được tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người hiện hữu trước tất cả mọi sự, và tất cả mọi sự hợp nhau lại trong Người" (Col.1:15-17).

Thánh Tông Ðồ nhấn mạnh đến việc hiện diện của Chúa Kitô nơi cả căn do tạo thành ("nhờ Người") lẫn cùng đích tạo thành ("cho Người"). Ðây là chủ đề chúng ta sẽ trở lại sau. Trong lúc này, chúng ta để ý thấy rằng Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái viết là Thiên Chúa nhờ Con "cũng đã tạo nên thế gian" (1:2), và phần "Con… bảo trì vũ trụ bằng lời quyền năng của mình" (1:3).

Nhờ đặc biệt các bản văn của Thánh Phaolô và Gioan, Tân Ước đã làm cho Lời tạo dựng vốn có trong Cựu Ước càng thêm sáng tỏ và phong phú hơn: "Các tầng trời đã được tạo thành bởi lời của Chúa" (Ps.33:6). Như thế rõ ràng là Lời tạo dựng chẳng những "ở với Thiên Chúa", mà còn "là Thiên Chúa". Ðúng thế, là Con đồng bản thể với Cha, Lời đã hiệp nhất với Cha trong việc dựng nên thế gian - "thế gian nhờ Người mà được tạo thành" (Jn.1:10).

Chẳng những vậy, thế gian còn được tạo dựng liên quan đến bản vị ngôi hiệp (hypostasis) của Lời nữa. Lời, "hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Col.3:15), Ðấng là Con Hằng Hữu "phản ảnh vinh quang Thiên Chúa và hiện thân đích thực bản tính Ngài" (x.Heb.1:3), cũng là "trưởng tử của tất cả mọi tạo thành" (Col.1:15), ở chỗ, tất cả mọi sự đã được dựng nên trong Lời-Ngôi-Con, để trở nên thế giới tạo thành hiện hữu "ngoài Thiên Chúa" từ hư không trong thời gian. Như thế, "tất cả mọi sự đã nhờ Người mà được dựng nên, không có Người thì chẳng có gì được tạo dựng cả" (Jn.1:3).

Mạc khải đã cho thấy nơi vũ trụ một cấu trúc "hợp lý" (logical từ chữ Logos - Lời) và "tượng hình" (iconic từ chữ Eikon là hình ảnh, hình ảnh của Cha). Từ thời các vị Giáo Phụ của Hội Thánh thì giáo huấn này đã được đúc kết lại ở chỗ, thế giới tạo thành mang nơi chính mình "dấu tích Ba Ngôi" (vestigia Trinitatis). Ðó là công việc của Cha nhờ Con trong Thánh Thần. Việc tạo thành tỏ cho thấy Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nơi việc tạo dựng, cấu trúc lưỡng diện "hợp lý - tượng hình" trên đây nơi tạo thành được nối kết sâu xa với cấu trúc tặng ân.

Từng tạo vật chẳng những là "ngôn từ" của Ngôi Lời mà Ðấng Hóa Công đã tỏ lộ cho trí khôn của chúng ta, mà còn là "qùa tặng" của Tặng Ân nữa. Chúng mang nơi mình dấu ấn của Thánh Linh, Thần Linh tạo dựng.

Câu đầu tiên của Sách Khởi Nguyên đã nói: "Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo thành các tầng trời và đất (vũ trụ)… và Thần Linh Thiên Chúa bấy giờ chuyển động trên mặt các giòng nước" (Gn.1:1-2). Câu văn này, dù bóng bẩy, cũng gợi lên một ám chỉ về tác động của Thần Linh vào lúc khởi "đầu" của vũ trụ, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nó khi chúng ta đọc nó dưới ánh sáng mạc khải toàn vẹn của Tân Ước.

Việc tạo dựng là công việc của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thế gian "được tạo thành" nơi Lời-Ngôi-Con, được cùng với Con "phục hồi" để trả về cho Cha, nhờ Thánh Linh là Tặng Ân Nhưng Không, đồng bản thể với cả Cha lẫn Con. Như vậy, thế gian được tạo thành trong Tình Yêu ấy, một Tình Yêu là Thần Linh của Cha và của Con. Vũ trụ này được Tình Yêu vĩnh hằng ôm ấp đã bắt đầu hiện hữu vào thời khắc Ba Ngôi ấn định, lúc thời gian mở màn.

Thế nên, việc tạo dựng thế gian là công việc của Tình Yêu. Là một tặng ân được ban cho, vũ trụ xuất phát từ Tặng Ân Nhưng Không, từ Tình Yêu hỗ tương giữa Cha và Con, từ Ba Ngôi Chí Thánh.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page