Kitô Giáo

Dưới Mắt Một Phật Tử

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tuyên Ngôn Kết Thúc

Của Hội Nghị Quốc Tế

Giữa Phật Tử Và Kitô Hữu

Tại Thành Phố Cao Hùng, Ðài Loan

 

Ðể có thêm tài liệu cập nhật về nỗ lực đối thoại giữa kitô hữu và phật tử, chúng tôi xin đăng lại sau đây Tuyên Ngôn kết thúc của Hội Nghị giữa Phật Tử và Kitô Hữu được tổ chức bởi Hội Ðồng Giáo Hoàng Ðối Thoại Liên Tôn tại Thành Phố Cao Hùng, Ðài Loan, từ ngày 31 tháng 7 năm 1995 đến ngày 4 tháng 8 năm 1995. Tuyên ngôn này do Nguyễn Bá Tùng chuyển dịch từ bản Anh Ngữ đăng trên báo Osservatore Romano số 34, ngày 23/08/1995.

 

1. Ðược thúc đẩy bởi ước muốn song phương của cả Phật Tử lẫn Kitô hữu có được cơ hội gặp nhau ở cấp độ liên quốc, Hội Ðồng Giáo Hoàng Ðối Thoại Liên Tôn, Vatican, đã tổ chức một Hội Nghị Phật Giáo - Kitô Giáo, do tu viện Phật Quang Sơn (Fo Kuang Shan) tại thành phố Cao Hùng (Kaohsiung), Ðài Loan, tiếp đón từ ngày 31/07/1995 đến 4/08/1995.

Hội Nghị với đề tài "Phật Giáo và Kitô Giáo: Ðồng quy và Dị biệt", đã quy tụ 10 học giả Phật giáo và 10 học giả Kitô giáo từ các quốc gia Nhật Bản, Ðài Loan, Tích Lan, Thái Lan, Hoa Kỳ và Ý.

Yếu tố cốt yếu cho sự thành công của Hội Nghị là khung cảnh chiêm niệm, quy luật nghiêm nhặt của tu viện, lòng hiếu khách quảng đại của tăng đoàn, và bầu khí thanh tịnh khoan hậu của hội trường. Thêm vào đó, Tu viện Phật Quang Sơn đã cộng tác một cách hữu hiệu cho việc hội thảo được diễn tiến êm đẹp.

Nghị trình của Hội Nghị gồm bốn đề mục: Thân phận Con người và Nhu cầu Giải thoát; Thực tại Tối hậu và Niết bàn; Ðức Phật và Ðức Kitô; và Vấn đề thờ ơ đối với con người và Việc dấn thân xã hội.

Cùng chung sống với nhau trong năm ngày, đọc các tài liệu và thảo luận về những niềm tin, những kinh nghiệm và những giá trị của cả hai truyền thống, và tham gia vào những nhóm đối thoại thân mật hơn đã giúp các tham dự viên, Phật tử và Kitô hữu, đạt đến một sự cảm thông hỗ tương sâu xa hơn về những điểm đồng quy và dị biệt của hai tôn giáo. Nhờ thông đạt cho nhau điều có giá trị cao nhất trong tâm tư và trí tuệ của các tham dự viên ở bình diện tôn giáo của cuộc gặp gỡ, các thành viên của Hội Nghị cũng đạt đến một sự tương kính sâu xa hơn đối với các truyền thống hai phía. Vì nhiều ngộ nhận đã được minh bạch hóa qua diễn trình đối thoại nầy mà sự nhạy cảm và tán dương đối với tôn giáo của hai bên cũng thực sự gia tăng.

 

Thân Phận Con Người và Nhu Cầu Giải Thoát

2. Cả Phật Giáo lẫn Kitô Giáo đều nhìn nhận rằng thân phận con người về phương diện nào đó thì hư hỏng, và cùng chấp nhận khả thể của một sự thay đổi tích cực. Phương cách Phật Giáo áp dụng để giải quyết vấn đề thân phận con người là khảo sát kinh nghiệm đời người và đưa ra một sự phân tích chính xác và phương thức thực hành dẫn đến giải thoát. Việc phân tích của truyền thống Phật Giáo xác định rằng nghiệp chướng có nguồn gốc ở vô minh và tham luyến ngã như là nguyên nhân của khổ não đời người và sự ác. Phật tử đề nghị một Con Ðường đạo đức cao độ, thực hành tư duy tận căn và trí huệ sâu xa như là phương thuốc giải độc cho hoàn cảnh đó. Theo truyền thống Kitô giáo mọi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cam chịu vì những hậu quả của tội nguyên tổ. Di sản đó phát sinh ra những giới hạn của vô minh, nhục dục, xa lìa chính mình, tha nhân và Thiên Chúa, và ngay cả sự chết. Ở trung tâm của lịch sử ơn cứu độ của Kitô giáo là Huyền Nhiệm Phục Sinh của Ðức Giêsu Kitô nhờ đó thân phận con người vĩnh viễn được biến đổi nhờ vào việc tham dự vào sự sống có thần tính của ân sủng.

 

Thực Tại Tối Hậu và Kinh Nghiệm về Niết Bàn

3. Cả Phật Giáo và kitô Giáo, trong truyền thống riêng của mình, đều đề nghị những lý tưởng cụ thể về sự toàn hảo của con người. Ðối với Phật tử, lý tưởng nầy đòi buộc một sự quân bình tế nhị, không vị ngã, thuần khiết và vô hệ phược giữa trí huệ minh mẫn và việc dấn thân đầy lòng từ bi đối với thế sự. Mặc dầu bản chất xác thực của Niết Bàn không phải được định nghĩa một cách dễ dàng, việc giác ngộ được Niết Bàn đòi buộc phải có cả sự giải thoát khỏi ngã và tự do sống trọn đầy cho lợi ích của tha nhân. Ðược lập căn trên mặc khải của Kinh Thánh và được thể hiện bằng chính cuộc sống của Ðức Giêsu Kitô, lý tưởng Kitô Giáo luôn luôn được nhìn trong nhãn quan hữu thần. Như là những kẻ lữ hành trong trần thế, Kitô hữu được mời gọi tìm kiếm sự toàn hảo trong việc hiệp thông với Thiên Chúa. Mối hiệp thông đó là một sự tham dự năng động và cộng thông vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì Thiên Chúa là ánh sáng và tình yêu cho nên sự toàn hảo đó đòi buộc phải yêu mến Thiên Chúa lẫn yêu mến tha nhân. Sự sống của tình yêu đó được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các nhiệm tích.

 

Ðức Phật và Ðức Kitô

4. Một dị biệt quan trọng giữa hai truyền thống được nhìn thấy trong hai lối hiểu về hình ảnh của Ðức Phật và của Ðức Kitô. Rõ ràng hơn Ðức Phật là một con người giác ngộ, Ngài chỉ cho ta sự toàn hảo của Phật tánh (tình trạng hoàn toàn thoát ly khỏi ngã được bày tỏ như là sự thuần khiết, từ bi và trí huệ) và cho nhân loại hy vọng rằng chính họ cũng có thể đạt đến được lý tưởng đó. Phật tánh có khả năng thể nghiệm đó là một tình trạng tích cực của sự vẹn toàn con người và tự do được biểu thị đặc tính qua từ, bi, hỷ, xả, nhờ thế con người có thể sống sung mãn cho lợi ích của tha nhân. Một chuyển động lịch sử lớn lao đã hình thành (Cộng đồng các tỳ kheo - Sangha) với sứ điệp giải phóng tâm linh cho mọi sinh vật hữu tri. Cũng cần phải hiểu rõ ràng hơn rằng đối với Kitô hữu, Ðức Giêsu Kitô chính là sự tỏ bày ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, việc Ngôi Hai của ba Ngôi Cực Thánh nhập thể, đem ánh sáng cứu độ vĩnh viễn cho toàn thể loài người. Nhờ ân sủng của biến cố "thắp sáng mọi người" nầy (Jn 1,9) mà ý nghĩa của lịch sử cá nhân và toàn thể nhân loại được tìm thấy. Chính trong cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô mà tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, nguồn suối của ơn cứu độ cũng được vén mở. Biến cố chính của việc cứu độ trần gian lên đến đỉnh cao trong sự kiện Thánh Linh Hiện Xuống. từ đó Giáo Hội được phát sinh như là việc quy tụ mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi sắc dân để trở nên gia đình của Thiên Chúa ở trần gian.

 

Vấn đề thờ ơ đối với con người và Công việc dấn thân xã hội

5. Sự liên hệ giữa việc thực chứng tâm linh và dấn thân xã hội đã cống hiến cho Phật tử và Kitô hữu không những một đề tài đối thoại thời thượng, mà cũng còn là một cơ hội hợp tác hỗ tương. Ðối với người Phật tử, tâm trí càng tinh luyện thì trí tuệ và tâm càng trở nên sâu sắc hơn. Với tâm thanh tịnh, người Phật tử cố gắng đem lại hòa bình cho thế giới bằng cách áp dụng những giáo huấn của Ðức Phật vào những hoàn cảnh cá nhân và xã hội của họ. Cũng cần phải ghi nhận rằng chính Ðức Phật cũng đã đảm nhiệm một sứ vụ xả thân và khuyên dạy các đồ đệ của Ngài sống như vậy, vì hạnh phúc của họ và của mọi người. Trong tinh thần của giáo huấn của Ðức Phật, với tâm buông xả và lòng từ bi, Phật tử ngày nay đang dấn thân vào những hình thức mới trong việc phục vụ xã hội và phục vụ tâm linh. Lịch sử Kitô giáo hiện đại đang chứng kiến một tình trạng canh tân trong việc dấn thân cho công lý xã hội vốn được quan niệm như không thể phân ly với cuộc sống của đức tin. Chính sự siêu thoát Ðức Giêsu Kitô truyền dạy giúp cho con người được tự do để hiện thực hóa việc giải phóng mà Ngài đã mang lại cho họ. Chiều kích xã hội của việc giải phóng đòi hỏi Kitô hữu xả thân trọn vẹn một cách có ý thức cho cuộc sống của đức ái và phục vụ tha nhân, với một sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo, và lưu tâm đặc biệt đến hoàn cảnh chung toàn thể.

 

6. Những thành viên tham dự Hội Nghị, Phật tử và Kitô hữu, cũng nhận thức rằng họ tụ họp lại với nhau trong một thế giới bị xé nát bởi chia rẽ và xung đột, nghèo đói và bất công, bạo lực và chiến tranh, những giá trị tinh thần bị mòn mỏi và thiên nhiên bị tàn phá. Họ tái khẳng định nhu cầu của tôn giáo cho thế giới hôm nay để thúc đẩy sự biến đổi cá nhân và xã hội đưa đến một thế giới an bình hơn. Cuối cùng, Hội Nghị cùng nhận thấy rằng việc đối thoại có chiều sâu thực sự có thể củng cố một động lực sáng tạo để cùng nhau phấn đấu cho tình bằng hữu liên tôn đích thực giúp cho sự hợp nhất bền vững hơn giữa mọi dân tộc, mọi quốc gia. Các tham dự viên cùng hy vọng rằng cuộc gặp gỡ thành công nầy sẽ cho phép chúng tôi và truyền thống của kẻ khác, đưa đến những cuộc gặp gỡ tương lai ở nhiều cấp độ khác nhau, địa phương, quốc gia và quốc tế.

 


Back to Home Page