Kitô Giáo

Dưới Mắt Một Phật Tử

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Chuộc Lỗi - Chuộc Tội

 

Vấn đề này luôn luôn gây bất đồng ý kiến giữa kitô hữu và phật tử trong nước, một bên khẳng định chính điều bên kia phủ nhận.

Phật tử nhất quyết nơi con người làm chủ hành vi của mình. Karma (Hành Nghiệp) là hành động bằng Thân, Ngữ, Ý. Hành Nghiệp gốc ở người hành động. Ðiều trong tâm người hành động là Ý. Và chính trong sâu thẳm của tâm ý mà con người đích thực là tác nhân và kẻ duy nhất gánh chịu trách nhiệm về hành động mình, không một ai can thiệp vào hành động người khác được. Không một ai có thể thay đổi, thêm hay bớt mảy may gì. Như vậy, làm sao còn ai có thể len lỏi vào tâm tư người khác chứa trong thâm tâm? Thu hồi Karma, thu hồi trách nhiệm người khác là một hành vi hoàn toàn ngoài tưởng tượng.

Mặc dầu vậy, kitô hữu xác quyết có chuộc lỗi, chuộc tội. Chúng ta cần xem xét vấn đề, tìm hiểu kitô hữu quan niệm sự việc làm sao mà khẳng định như vậy được.

 

Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế

Kitô hữu gọi Ðức Giêsu là Chúa Cứu Thế, Ðấng đã chấp nhận cái chết để cứu độ trần gian. Người tin và thuận nhận chân lý này đều sẵn sàng dâng hiến Ðức Giêsu cuộc sống tâm linh mình. Kitô hữu giữ vững niềm tin bao lâu còn ý thức tầm quan trọng của những vấn đề căn bản đó. Họ đoan quyết Ðức Giêsu xả thân cứu thế. Nhờ Ngài chúng ta được cứu độ. Vì thế chúng ta dâng hiến Ngài trọn niềm tin, tư tưởng, trí tuệ và cố gắng đời mình.

Vấn đề cần bàn đến trước tiên là ý nghĩa hai chữ "cứu độ". Thông thường ai trả nợ thay kẻ vì nợ nần mà rơi vào vòng nô lệ thì họ là người giải phóng kẻ mắc nợ khỏi xiềng xích nô lệ để trở thành con người tự do. Ðó là cứu độ theo nghĩa đen, nghĩa thông thường là bỏ tiền ra chuộc.

Chúng ta phải quan niệm như thế nào về ơn cứu độ trong chiều hướng tâm linh? Hãy lấy thí dụ một người phạm lỗi vì vô minh, vọng kiến, nhưng cứ chấp mê, mặc ai nói gì vẫn một mực từ chối không nghe theo. Phải có đấng đến hy sinh tính mạng để thuyết phục họ lưu ý, suy nghĩ, tự vấn lương tâm, để sau cùng mới tin tưởng làm theo. Ðó là cứu độ theo ý nghĩa tôn giáo, như Ðức Giêsu đã thực hiện, để nhân loại tôn vinh là Ðấng Cứu Thế.

Cứu độ là đem của này đổi lấy vật kia. Ðức Giêsu đã hy sinh tính mạng để cứu độ trần gian. Thập giá kitô hữu là biểu tượng công cuộc cứu độ này; Ðức Giêsu đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá vì tiết tháo và để chứng minh chân lý Ngài giảng dạy.

Vác lấy thập giá là xác quyết niềm tin Ðấng chuộc đời là vị Cứu Tinh.

Cứu độ còn có ý nghĩa là giải thoát, giải phóng về phương diện chính trị. Tuy nhiên ở đây chúng ta đề cập đến giải thoát tâm linh, một vấn đề khác hẳn và liên quan tới cuộc sống nội tâm. Vì giải phóng tâm linh là một vấn đề riêng tư, thuộc bản thân nên cần lưu ý nó bao gồm hai công việc được thực hiện cùng một lúc. Muốn giải thoát một người về mặt tâm linh thì cần phải làm sao tâm họ sẵn sàng chấp nhận từ bỏ vô minh và trở về với chánh kiến. Ðó mới là con đường giải thoát tâm linh. Trong khi để giải thoát về mặt vật chất thì chỉ cần bỏ tiền ra chuộc là xong. Hai vấn đề thật khác nhau hẳn.

Về phương diện tâm linh, phải làm sao người cần được giải thoát tán thành công cuộc giải thoát bản thân và quyết tâm sẵn sàng hành động để tự giải thoát lấy mình. Tuy nhiên, điều đó không phủ nhận rằng việc giải thoát còn là một tặng phẩm, một ân huệ. Vì nếu không ai chỉ cho con đường chính kiến thì người kia đâu được gọi là ân nhân, người giải thoát, vị cứu tinh. Vị Cứu Tinh đích thực là người giúp họ thoát vòng vô minh, phá trừ vọng kiến, bước đầu là ý thức được vô minh ấy để rồi thực sự thoát ly khỏi nó.

Bây giờ chúng ta thử xem công cuộc giải thoát cứu độ chỉ có trong Kitô giáo thôi hay cũng có trong Phật giáo nữa. Tôi dám quả quyết rằng Phật tử nào không nhận thấy trong Phật giáo có cứu độ, có Giải Thoát khỏi khổ kiếp thì có thể tỏ ra ngớ ngẩn hơn kitô hữu.

 

Ðức Phật, Ðấng Giải Thoát

Phật giáo quen thuộc vai trò cứu độ của Bồ Tát, Ðấng sẵn sàng hy sinh tất cả, luôn cả sinh mạng để phổ độ chúng sinh. Chúng tôi nghĩ đến những nghiệp lành phi thường của kẻ vị lai chứng quả Bồ Tát, và sau rốt Ðức Phật, Ðấng đã hiến trọn đời mình để độ chúng sinh. Sau khi đắc Ðạo và thành Phật, Ngài nhận thấy Chân lý Dharma Tối hậu vừa mới khám phá ra thật diệu vợi, cao siêu, quá tầm hiểu biết của chúng sinh. Ngài tự nhủ phải chăng là điều hảo huyền nếu đem truyền bá kinh nghiệm giải thoát ấy cho người trong thiên hạ. Nhưng may thay, Ngài đã đổi ý kiến vì nghĩ rằng biết đâu có một số người có thể lãnh hội chân lý ấy. Và vì cho dù những người này ít ỏi bao nhiêu đi nữa, thì cũng thật là điều thiệt thòi, nếu Ngài một mực từ chối không chịu tiết lậu Chân Lý. Bấy giờ, Ngài nhất quyết đương đầu với những khó khăn vô cùng lớn lao để truyền đạo pháp cho chúng sinh, mặc cho vô số những chống đối, trở ngại, khổ nhọc. Cố giúp chúng sinh thoát vòng phiền não, xa lìa bến mê vọng để tự cứu mình về mặt tâm linh đòi hỏi ở Ðức Phật vô vàn hy sinh, khổ đau đến kiệt quệ suốt cuộc đời.

Và cũng chính nhờ sẵn sàng chấp nhận khó khăn, nhọc nhằn hy sinh mà các bậc phụ huynh giúp con em lớn khôn, trưởng thành. Họ không ngần ngại trước những hiểm họa, hy sinh, dù cho phải hy sinh cả tánh mạng. Các giáo sư, các nhà giáo dục phải sẵn sàng hy sinh thời giờ nhàn rỗi, cố gắng không ngừng để hoàn tất công cuộc giải thoát giúp học sinh, sinh viên của mình đạt kết quả mong muốn nếu thực sự họ là những vị Thầy đích thực. Phải chăng họ cũng đã chu toàn hành vi cứu độ khi giúp đệ tử mình tự giải thoát khỏi vô minh, vọng niệm?

Cứu độ và giải thoát là hai nhiệm vụ cần thiết đối với nhân loại. Loài người cần chung sức để hoàn tất sứ mệnh này. Chỉ việc giải thoát khỏi nghèo khổ, bần cùng thôi cũng đã đòi hỏi biết bao nỗ lực rồi.

Tương trợ để cứu thoát khỏi khổ kiếp của dukkha là một công cuộc giải phóng tâm linh đòi hỏi cẩn trọng, biện biệt. Nếu sơ suất trong lúc hành thiện thì đôi lúc Việc giải thoát vật chất cũng có thể đưa tới nê thuộc tâm linh trong lúc thụ động vô ưu vị kỷ.

Chỉ có giải thoát tâm linh mới tránh được mọi tình trạng mơ hồ, mới giải thoát bảo đảm duy nhất. Tuy nhiên việc đó đòi hỏi những khả năng tất yếu, đặc biệt là Minh và Huệ.

Muốn làm Phật, phải có Trí Huệ - pannà - của Phật. Muốn làm đệ tử, phải có Trí Huệ của đệ tử. Phải am tường con đường tâm linh dẫn tới giải thoát khỏi "khổ kiếp" đích thực, không mảy may nhầm lẫn về bản chất của nó. Phải biết rõ các phương tiện và cách sử dụng chúng thực sự. Phải chú tâm, có thành ý, và thực sự mong mỏi đạt giải thoát tâm linh. Phải hành trì từ bi hỉ xả đối với mọi chúng sinh - không thiên ái, đúng nghĩa của upekkhà, với tâm tư thanh thản chứ không phải thờ ơ lãnh đạm.

Muốn bắt tay vào việc thực sự, trước tiên phải biết rõ đây là một công việc lâu dài đòi hỏi nhiệt tâm, trì chí, kiên nhẫn. Phải có tâm hồn cao thượng, lý tưởng cao siêu, đạo đức, lương tâm chân thành chính trực mới có thể thực dạ hết tình, không quản ngại hy sinh, quên mình.

Tất cả những thái độ tâm linh ấy, chúng ta tìm thấy ở Ðức Phật. Ngài đã để hết lòng vào việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ kiếp của Dukkha đích thực. Bước đầu là giúp họ thấu rõ nguồn gốc nội tại của phiền não. Phải giúp chúng sinh lầm than thoát khỏi vùng vô minh, vô minh tâm linh - Avijjà - Dứt mê tối để đi vào ánh sáng của Chánh Kiến, hầu nhận thấy ý nghĩa tối hậu thực sự của nhân sinh.

Nếu không như thế thì một mình từ tâm, bi tâm có nguy cơ dừng lại trong vòng tình cảm, tự biên thành một loại xúc động giả tạo, một ý nghĩ thoáng qua, vô bổ. Ðức Phật không dừng bước ở đó. Ngài để hết tâm ý vào việc giải thoát thực sự tất cả chúng sinh khỏi các hệ phược tâm linh. Chính nhờ vậy mà Ngài đã giải thoát họ khỏi mọi khốn đốn, mọi bất hạnh, mọi phiền não của Dukkha. Ðây mới thật là tôn giáo tâm linh chân chính, giải thoát thực sự. Công cuộc giải thoát vật chất nhằm chấm dứt nghèo đói, nô thuộc chính trị cũng bắt đầu bằng việc nhận thức tình trạng bất hạnh về mặt vật chất, về mặt chính trị hiện tiền. Phương pháp áp dụng cũng giống đường lối của Ðức Phật. Ngài phát hiện vạn sự là khổ, đưa ra phương thức trừ khổ, phát họa con đường tận diệt khổ, con đường giải thoát.

 

Ðức Giêsu và gương mẫu giải thoát khổ kiếp trong Kitô giáo

Thoát ly khổ kiếp trong đường hướng tâm linh là hoài bão lớn lao nhất của nhân loại.

Ðức Giêsu là tấm gương phi thường. Ngài sẵn sàng hiến thân để làm cho loài người điên đảo nhận thức đúng đắn, thấu hiểu ý nghĩa đích thực của cuộc nhân sinh. Con đường giáo hóa của Ðức Phật cũng nhằm khuyến dụ chúng sinh từ bỏ vọng niệm trở về với chính kiến. Tuy nhiên trong công cuộc phổ độ chúng sinh này, Ðức Phật không phải hy sinh tánh mạng, vì thuở bấy giờ ở Ấn Ðộ, chỉ cần thuyết giáo là đủ. Tại Palestine lại khác, thuyết giảng suông chưa đủ, cần đổ máu đào để chứng minh điều thuyết giảng.

Chúng ta thử tìm hiểu cặn kẻ hơn ý nghĩa cuộc giải thoát khỏi kiếp khổ trong Kitô giáo qua Thánh Kinh.

Khổ kiếp này bắt đầu từ nguyên thủy xa xưa với cây biết lành biết dữ. Hai nguyên tổ loài người muốn ăn trái cây này mặc dầu Thiên Chúa cấm ăn, nếu ăn thì sẽ phải chết. Trước kia, hai ông bà không biết gì về lành, về dữ. Nhưng sau đó việc biết đến lành dữ là mối bất hạnh. Tâm trí sẽ tập trung vào khái niệm thiện-ác và những cặp đối kháng tương tự, tạo thành một hệ thống nhị nguyên tù túng ngột ngạt.

Trong hệ thống những cặp tương phản ấy, nếu cái này tốt cái kia phải xấu, điều này đáng kỳ vọng thì điều kia phải đáng ghê tởm. Ðâu là điểm quy chiếu tối hậu của lý luận đó?

Ðâu là tiêu chuẩn tuyệt đối để phân biệt như thế? Tốt và đáng kỳ vọng đối với ai? Xấu và đáng ghê tởm đối với ai mới được? - Cho bản thân! cho chính mình, cho cái "Ngã" tại ngã, vị ngã được kiến định thành trung tâm, thành tuyệt đỉnh của hệ thống, một hệ thống nhị nguyên khép kín. Dòng sinh mệnh được cuộn vào dây xích không cùng tận, hay trong luân xa mãi quay cuồng luẩn quẩn - dây xích hay luân xa của "sản xuất bị thúc phược" lấy "Ngã" làm tiêu chuẩn tối hậu - Ðó chính là khổ kiếp, dukkha đích thực theo ý nghĩa tâm linh, một khổ kiếp bắt đầu vận hành đối với loài người.

Dấu chỉ của xiềng xích trói buộc ấy là loài người không được phép đến gần cây thứ hai, cây Trường Sinh. Ðây cũng là dấu chỉ loài người bất lực để tự giải thoát khổ kiếp, chấm dứt phiền não cho đến ngày Ðức Giêsu giáng trần như Cựu Ước loan báo.

Ðức Giêsu đến xả thân cứu độ loài người bất hạnh, giải thoát họ khỏi tội, khỏi tội nguyên tổ để đi vào Sự Sống Vĩnh Cửu như Tân Ước sẽ đề cập đến. Cựu Ước nhấn mạnh đến tình trạng tội lụy do hai nguyên tổ gây nên và tồn tại mãi mãi đến ngày Ðức Giêsu giáng trần. Ngài xuống thế chuộc tội chúng sinh, giải thoát họ khỏi tình trạng tội lỗi muôn kiếp, khỏi những tư tưởng, tín ngưỡng và sùng bái ngụy tạo mà Cựu Ước không ngừng nhấn mạnh.

- Phúc Âm Thánh Luca, đoạn 21 câu 28:

"Ðức Giêsu đến giải thoát loài người khỏi sợ hãi, khổ não - dukkha - vào ngày xét xử và trừng phạt. Bấy giờ sẽ là những ngày hãi hùng kinh dị, với những hiện tượng khủng khiếp, những ngày cùng khốn cho phụ nữ mang thai hay cho con dại bú mớm, những ngày thống khổ mênh mông. Sự thịnh nộ của Phra Chao sẽ giáng xuống những người gục ngã vì gươm dáo, bị dẫn đi làm tù nhân ở đất người. Dân ngoại sẽ chà đạp thành Giêrusalem, và bắt dân chúng đi làm nô lệ. Người ta mất vía vì khiếp sợ. Nhân loại sẽ thấy "Con Người" đến trong đám mây. Ðó là điềm báo loài người sẽ thoát ly sợ hãi để chuẩn bị đón nhận "Con Người" giáng thế".

Chúng ta có thể giải thích các điều diễn tả trên theo ý nghĩa biểu tương và tâm linh. Ðức Giêsu đến làm trầm lắng mọi kinh hoàng do đại tai biến gây nên. Theo ý nghĩa tâm linh thì điều đó liên hệ đến tất cả những nỗi khốn khổ trong tâm hồn con người. Ðức Giêsu đến, mọi sự sợ hãi biến mất và con người được giải thoát. Ngài giúp loài người chiến thắng mọi nguyên nhân gây sợ hãi trong thâm tâm họ đến độ ngày xét xử và trừng phạt không còn gây hãi hùng nữa.

- Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Rôma, đoạn 3, câu 24:

"Phra Chao giải thoát loài người khỏi tình trạng tội lỗi một khi họ tin vào Ðức Giêsu. Vì đó là sứ mạng của Ðức Giêsu. Ðức tin là công cụ giải thoát; và đâu có tin, ở đó không còn lo âu, sợ hãi. Tin vào Ðức Giêsu là phương cách Phra Chao đã ấn định để giải hòa nhân loại với Ngài. Ai tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ được Phra Chao giải hòa, không phân biệt kẻ thiên, người ác, vì mọi người đã vấp ngã như nhau."

Phra Chao đầy khoan dung từ bi đã cho loài người làm hòa với Ngài một khi loài người tin và phó thác mình cho Ðức Giêsu. Như thế, đối với loài người, tình trạng tội lỗi đã chấm dứt, họ đã được giải thoát. Loài người bất hạnh được làm hòa với Phra Chao, nhờ đức tin, nhờ phó thác mình cho Ðức Giêsu - Saddhà - tin phó thác bản thân - Ðối với họ, không còn tình trạng tội lỗi nữa. Hết tội lỗi là giải thoát.

Không phải hết thảy mọi người đều chấp nhận phó thác mình cho Phra Chao, tin tưởng lời Ngài, nhìn nhận quyền tối thượng của Ngài. Họ "chống đối" lại Phra Chao.

Phra Chao đã sai Ðức Giêsu đến dạy loài người Chân Lý của vạn hữu - chỉ bày họ thực tính của vạn hữu - Ai thọ lãnh giáo lý này sẽ được giải hòa với Ngài, không còn thù nghịch với Ngài nữa. Như vậy, đối với kitô hữu, Ðức Giêsu là Ðấng Giải Phóng nhân loại. Tuy nhiên công việc giải phóng này là việc làm của Phra Chao.

Kinh Phật cũng có ghi lại những bằng chứng về việc từ khước và chống lại giáo lý của Ðức Phật, việc phủ nhận sự giác ngộ của Ngài, cả những mưu toan hạ sát Ngài. Ðối với những kẻ chống đối mà Ngài đã giúp họ giải hòa với Ngài, phải chăng Ngài đã giải thoát họ, đã "cứu chuộc" họ?

Mượn cách diễn tả của kitô hữu, chúng ta có thể nói những người chống đối Chân Lý Tối Hậu của Dharma là những kẻ từ chối yêu mến Dharma, và Ðức Phật đã đến giải hòa họ với Dharma.

Vì sao họ chống đối Dharma? Vì "Dharma" mà Ðức Phật thuyết giảng đi ngược lại khuynh hướng bất hạnh của tâm tư, những khuynh hướng vị ngã mà chúng sinh quyến luyến, thích thú, mải mê, để cuối cùng coi chúng là chính đáng, là thuận lợi. Ðức Phật đã tận lực làm cho chúng sinh thấu hiểu đứng đắn chân lý của vạn hữu, giải hòa họ với Dharma. Cũng như Ðức Giêsu, Ðức Phật là Ðấng hòa giải tối hậu.

- Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrinthô, đoạn 7, câu 23:

"Phra Chao đã mua chuộc anh em với giá lớn lao, giá sinh mạng Ðức Giêsu Kitô". Những con người mù quáng ấy không muốn lắng nghe. Phải làm thế nào để giải thoát họ khỏi vô minh hầu cứu chuộc họ? Ðức Giêsu đã chấp nhận xả thân để thuyết phục họ biến đổi tâm tư. Thánh  Kinh sử dụng hình thức so sánh, "quy ước" để diễn tả, coi như Phra Chao đã đóng tiền chuộc, và tiền chuộc đó là sinh mạng của Ðức Giêsu. Chúng ta chớ nên dừng lại ở hình ảnh so sánh, song hãy xem kết quả, chúng sinh được "cứu chuộc" đã đổi chủ, họ đã được cứu thoát khỏi con đường khổ não để từ nay thuộc về Phra Chao. Ðức Giêsu đã trả một giá to lớn để cứu chuộc họ, vì thế Ngài chính thật là Ðấng Giải Thoát, Ðấng Cứu Thế. Kẻ được cứu chuộc không còn thuộc về họ, thuộc về "Ngã"; nhưng có thể nói từ nay họ thuộc về Phra Chao.

- Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrinthô, đoạn 15, câu 55:

"Ðức Giêsu đã hủy diệt sự chết, Ngài đã khử trừ sự chết, khiến nó biến mất khỏi thế trần này". Như thế, chúng ta được trở lại với đôi nguyên tổ loài người. Hai ông bà ăn trái cây biết lành biết dữ và phải chết. Nhưng nay họ được cứu thoát khỏi sự chết. Thánh Kinh đã chất vấn sự chết: Tử thần hỡi, người còn gì nữa đâu? Ðắc thắng của ngươi ở đâu? Nọc độc của ngươi ở đâu? Ðâu còn gì của sự chết này nữa? Vì chưng, một giáo lý mới được ban bố đã đánh đổ thế lực của hệ thống thiện-ác bạo tàn.

Ðối với chúng ta, chính Trí Huệ, sự thấu hiểu Dharma Tối hậu đã hủy diệt sự chết.

- Thư Thứ Hai Gửi Tín Hữu Côrinthô, đoạn 5, câu 15:

"Một Ðấng đã chết để cứu rỗi mọi người": Ðức Giêsu.

- Thư Thứ Nhất Của Thánh Phaolô Gửi Timôthê, đoạn 1, câu 9:

"Luật được lập ra để cứu rỗi hạng người phạm pháp." Luật ở đây là các giới luật - pannatti - của tôn giáo; các giới luật ấy được lập ra không phải cho những người đang hành Ðạo, nhưng cho hạng người phạm pháp, loạn tặc, không tôn sùng Phra Chao, hành động phi pháp, sống vô đạo, không thảo hiếu với cha mẹ. Mọi điều ấy liên quan đến việc cứu chuộc của Ðức Giêsu. Ngài làm cho kẻ phạm pháp chấm dứt hành động tội lỗi, để nhận thức rằng luật được lập ra không phải cho người công chính, không cần đến giới luật, song cho người phạm pháp.

- Thư Thứ Nhất Của Thánh Phaolô Gửi Timôthê, đoạn 2, câu 5-6:

"Ðức Giêsu là Ðấng trung gian đã hy sinh tính mạng để giải thoát nhân loại." Ngài xứng đáng là Ðấng Cứu Thế đích thực.

Nhiều thí dụ được dùng để làm nổi bật những đức tính cho thấy Ðức Giêsu hội đủ tư cách một Ðấng Cứu Thế. Chẳng hạn Ngài đã trung thành với nhiệm vụ như một chiến sĩ dũng cảm. Ngài quản trị gia sự như một chủ gia đình nhân lành, như một quản gia làm rạng danh trọng trách mình. Ðương nhiên, một vị thực hiện công cuộc cứu độ trước tiên phải hội đủ mọi đức tính kỳ vọng như: trí huệ, chính trực, xả kỷ, kiên nhẫn.

- Thư Thánh Phaolô Gửi Titô, đoạn 2, câu 1-4:

"Ðức Giêsu đã đến để chúng ta được cứu thoát khỏi sự dữ và sống tinh tuyền." Như thế, có một người đã chấp nhận hy sinh toàn tính mạng để loài người được cứu thoát khỏi sự dữ và được gột sạch tội lỗi.

- Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Hipri, đoạn 9, câu 12:

"Ðức Giêsu đã lấy chính máu Ngài, không phải nhờ đến máu chiên, máu dê, máu bò." Thật vậy xưa kia người ta hiến tế loài vật và dâng lên Phra Chao máu các loài vật ấy làm lễ vật đền tạ tội mình, xin Ngài xá tội, và họ được coi như tìm lại sự sống nhờ máu loài vật hiến tế.

Nhưng Ðức Giêsu đã đổ chính máu mình, hiệu nghiệm hơn máu loài vật biết bao!

Tất cả những xác quyết lập đi lập lại của Thánh Kinh giúp đức tin tín hữu bén rễ sâu, tập họ quen xem Ðức Giêsu là Ðấng Giải Thoát, Ðấng Cứu Thế tối hậu của họ.

Trong một chuyến du lịch ở Ấn Ðộ, tôi đã chứng kiến những huyết tế loài vật để đền tội. Ðầu người thụ huệ được xích lại gần kề đầu con chiên. Vị chủ tế lấy bông làm như quét vật gì từ đầu người thụ huệ qua đầu con chiên rồi mới chặt đầu con vật. Nhờ cuộc hiến tế tạ tội này mà người thụ huệ được coi như giải thoát khỏi tội lỗi mình.

- Thư Của Thánh Phêrô, đoạn 1, câu 18:

"Ðức Giêsu giải thoát dân chúng khỏi tội tổ truyền". Quý vị thấy đó, tội lưu lại từ nguyên tổ. Hãy thử nghĩ đến chính chúng ta, vì câu tiếp trong thư nói trên là hãy dùng thời gian còn lại của cuộc đời để tôn sùng Phra Chao. "Vì như anh em biết Phra Chao đã mua chuộc hầu anh em được tự do, được thoát khỏi cảnh sống hư phiếm tổ truyền của anh em."

Là Phật tử chúng ta có thấy ngại ngùng khi phải nhìn nhận chúng ta phạm lỗi vì ảnh hưởng của tổ tiên không? Tổ tiên hành động vô minh. Con cháu tiếp tục hành động như vậy mãi đến khi có người xuất hiện làm cho họ ý thức được rằng không nên đi theo vết xe cũ như vậy.

Ðó chính là tình trạng ở Ấn Ðộ thời Ðức Phật sinh tiền. Người bấy giờ theo đủ loại tập tục, truyền thống của tổ tiên. Ðức Phật đã cố thuyết phục họ rằng thật là thiếu khôn ngoan nếu cứ tiếp tục theo bước người xưa một cách mù quáng không biên biệt, như đã tường thuật trong kinh Kàlàma.

Hãy thử nhìn lại đất nước Thái chúng ta. Quí vị có cho rằng tại thành phố Xaya nay khó mà tìm thấy những tập tục tổ truyền mà tốt hơn chúng ta chẳng nên mù quáng tuân theo không?

Phải chăng vẫn còn những lễ nghi ít nhiều nặng sắc thái vật linh giáo hay Bà La Môn giáo của tổ tiên để lại mà phật tử chúng ta đáng lẽ phải để chúng lùi vào quên lãng đi phải không?

Ðối với tôi, nhiệm vụ giải thoát của Ðức Giêsu trong Kitô giáo rất là quan trọng. Một nhiệm vụ đa dạng, nhưng tựu trung chỉ nhằm một thực tại duy nhất trong viễn ảnh tối hậu. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này nào đâu có dễ dàng. Không phải chỉ cần một vài xảo thuật tầm thường nào đó là xong, như một số người vẫn còn tin tưởng như vậy.

- Thư Của thánh Phêrô, đoạn 2, câu 5:

"Hãy để cho Phra Chao xây dựng anh em làm tòa nhà thần thiêng." Ý nghĩa câu này thật sâu sắc. Nếu chúng ta để Ðức Giêsu giải thoát chúng ta khỏi nghiệp dữ trong tâm tư, thì Ngài sẽ xây cất cho Ngài một tòa nhà thần thiêng và Phra Chao sẽ ngự lại đó. Giải thoát ở đây là khử trừ mọi mê vọng, bất công để tâm hồn hoàn toàn tự tỉnh và biến đồi thành "Thanh Tịnh, Ánh Sáng, An Lành", một tòa nhà thích đáng cho Phra Chao. - Sa'àt, Sawàng, Sangop: ba từ ngữ bắt đầu với mẫu tự S, châm ngôn của Trung Tâm Tâm Linh này.

Là phật tử, chúng ta phải giữ tâm được thanh tẩy - Sa'àt - như "nơi trú ngụ của Ðức Phật." Phải chăng chúng ta có thể nói như vậy theo ý nghĩa tâm linh? Quý vị sẽ bảo đó là ngôn ngữ của kitô hữu rồi. Thật đúng như vậy, theo ý nghĩa văn tự. Nhưng theo ý nghĩa tâm linh thì phổ cập, mọi người đều có thể lại gặp nhau ở đấy. Trên bình diện ý nghĩa rốt ráo, mọi con đường dẫn về Tối Hậu phải đối thoại với nhau được.

- Sách Khải Huyền Của Thánh Gioan, đoạn 1, câu 5-6:

Thánh Gioan bảo ông đã nhìn thấy Ngài Phra Chao, đoạn thêm: "Ngài đã cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, và chúng ta là dân của vương quốc Ngài." Cái chết của Ðức Giêsu cứu thoát loài người khỏi mọi xấu xa trong tâm tư, biến họ thành những con người thanh tịnh - sa'àt - nhờ vậy nhân loại mới có thể là công dân trong vương quốc Ngài. Ðiều đó hiển nhiên, vì muốn ở với Phra Chao, muốn sống trong vương quốc Phra Chao, tâm phải thanh tịnh, sạch mọi tì ố.

- Sách Khải Huyền Của Thánh Gioan, đoạn 5, câu 9:

Thánh Gioan tóm lược thế này: "Ðức Giêsu đáng lĩnh sách và mở ấn vì Ngài đã bằng lòng mua chuộc thế gian bằng chính mạng sống mình. Thật là phải lẽ để chúng ta coi Ngài hoàn toàn đáng nhận lĩnh sách, mở ấn, để bày Thánh Kinh cho nhân loại biết đến, vì Ngài đã hy sinh tính mạng cho nhân loại."

Trên đây là những đoạn Thánh Kinh đầu ý nghĩa được gom góp lại để quí vị thấy kitô hữu nói gì về Ðức Kitô, Ðấng giải thoát tâm linh. Nhờ vậy chúng ta biết rõ được những ưu tính mà người kitô hữu nhìn nhận nơi Ðức Giêsu qua tước hiệu Ðấng Cứu Thế. Ðiều đó giúp cho phật tử chúng ta có được sự so sánh với những ưu tính mà chúng ta nhận ra nơi Kẻ khai lộ cho Ðạo giải thoát của chính chúng ta.

 

Ðức Giêsu có ưng thuận hy sinh mạng sống không?

Có kẻ bảo do cơ hội ngẫu hợp mà Ðức Giêsu đã chịu chết. Chỉ sau đó người ta mới nhận định rằng Ngài đã hy sinh tính mạng để cứu độ nhân loại.

Chúng ta thử xem lại bốn Phúc Âm đã nói về cuộc tử nạn của Ðức Giêsu như thế nào?

Theo Thánh Mathêô và Thánh Máccô, trước khi tắt hơi, Ðức Giêsu đã kêu lớn tiếng: "Lạy Cha, nhân sao Cha bỏ con?" Lời này có thể bày tỏ sự luyến tiếc vì Chúa Cha để Ngài bị hành hình. Theo Thánh Luca thì Ðức Giêsu nói: "Lạy Cha, con ký thác mạng sống trong tay Cha". Ở đây, Ðức Giêsu tỏ bày Ngài hoàn toàn đồng ý hy sinh mạng sống mình.

Theo Thánh Gioan, Ðức Giêsu nói: "Mọi sự đã hoàn tất". Lời này thật đặc biệt vì Ðức Giêsu xem như muốn nói mọi điều Ngài có ý định thực hiện đã được hoàn thành. Như thế đích thực Ðức Giêsu đã muốn chịu chết để cứu độ chúng sinh.

Thánh Luca và Thánh Gioan khẳng định thật rõ ràng Ðức Giêsu ưng thuận hy sinh tính mạng.

 

Phật giáo và chuộc lỗi

Câu trả lời tự nhiên của nhiều phật tử là làm sao một người có thể chuộc lại Karma, chuộc lại trách nhiệm cá nhân của người khác?

Tuy nhiên Ðức Phật có đề cập đến một Karma vừa là cứu cánh vừa là tối hậu của mọi Karma. Quý vi có nhận thấy ba loại Karma chăng?

Người ta biết đến cặp Thiện-Ác - Boum-Bàp - tương ứng với cặp Bạch Nghiệp - Hắc Nghiệp.

Ðức Phật đã biện biệt cho chúng ta thấy một Karma khác "Không trắng không đen", một Karma vô lậu, một Karma vừa là giải thoát, vừa là cứu cánh của những Karma đen trắng cố cựu.

Theo ý nghĩa tâm linh uyên thâm, Karma biểu thị thái độ nội tại của tâm, ý hướng của mọi tư tưởng, ngôn ngữ, hành động. Ðó là ý hướng định đoạt phẩm giá của mọi hành vi có ý thức, hành vi nhân bản thực sự.

Ðức Phật đã cho chúng ta biết Karma, tối hậu, toàn bích là Karma lý tưởng, Karma vô vi, không nhuốm nghiệp đen-trắng, chỉ là hành vi thuần túy, được giải thoát, tự trị, tuyệt đối, không bị thúc phược bởi attà (Ngã). Ðó là vô ngã - anattà - (an-attà) - không còn ngã. Nó là thái độ nội tại căn bản của mọi hành vi, cuộc sống chúng ta; đó là cuộc sống Tối hậu của con người, đã ngộ được Tối Hậu.

Nghiệp vô lậu là sự giải thoát khỏi mọi "hắc nghiệp". Hắc nghiệp là hành vi con người bị tính vị kỷ chi phối một cách thô lậu, một hành vi xấu xa, tội lỗi, nghịch với giới luật, một Karma tương phản bất thuận lợi - akusala - đối với Ðạo.

Nghiệp vô lậu vừa là cứu cánh vừa là sự vượt qua, giải thoát bạch nghiệp. Bạch nghiệp chính nó không xấu xa, không tội lỗi, không tuyệt đối nghịch với Ðạo. Nó "không bất thuận lợi" - Kusala - nghĩa là thuận lợi, tuy nhiên còn một cách thật tinh tế, còn vị kỷ một cách thật vi diệu. Nó còn chịu ảnh hưởng thói đời về đạo đức nhị nguyên nhằm đạt được điều gì bản ngã mong muốn, được phần thưởng tốt, hay được tái sinh phúc lạc hơn ở trần gian hoặc thế giới nào khác, trên tiên giới hay trên thiên đàng. Nghiệp trắng không phải là lầm lỗi gì, không nghịch với Ðạo. Nó có thể chuẩn bị đưa đến Ðạo. Tuy nhiên nó chưa phải đích thực là Ðạo vô ngã triệt để, Ðạo Niết Bàn, Ðạo của Dharma Tối Hậu. Ðạo của nghiệp vô lậu vượt lên trên tất cả những phương thức trần gian nhằm tạo công đức cho bản thân, tuyệt đối thuận lợi đích thực - Lokuttara-Kusala -, là Ðạo không bị thúc phược, cùng một phẩm chất và phù hợp với Tối Hậu Tuyệt Ðối không bị thúc phược.

Karma toàn bích ấy được Ðức Phật giác ngộ và chỉ bày chính là sự giải thoát khỏi mọi điều ác - Bàp - lầm lỗi và không xứng đáng; cũng như mọi điều thiện - Boum - thuận lợi, có công đức. Con người được giải thoát khỏi xiềng xích của hệ thống đạo đức tục lụy - khỏi thế giới này, khỏi mọi địa ngục giới hay cảnh thiên giới do cặp mâu thuẫn thiện-ác, công-quá chế ngự. Sự trói buộc vào hệ thống nhị nguyên đối kháng ấy phải chăng chính là quả cấm của cây biết lành biết dữ mà đôi nguyên tổ loài người muốn thể nghiệm để rồi chỉ đem lại mất mát cho bản thân và cho con cháu.

Ðức Phật đã chứng nghiệm và tiết lậu "Karma Cứu Ðộ" giải thoát khỏi mọi Karma bị chi phối chỉ đem lại khổ kiếp của Dukkha từ ý nghĩa thật thô thiễn đến diệu lý cao thâm mà xem như nhiều tôn giáo chưa bao giờ khám phá ra và thỉnh thoảng còn lẫn lộn với giải thoát.

Karma Giải Thoát là vô ngã được chứng đắc, là Giải Thoát hay Niết Bàn đã đạt, là Dharma được chứng ngộ.

Ðức Phật đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn để làm cho chúng sinh nhận thức thấy những quan niệm sai lầm cũ và phân biện những khái niệm sơ đẳng về chân lý Dharma Tối hậu Ngài đã giác ngộ. Bảo rằng Ðức Phật chỉ giải thoát chúng sinh khỏi hậu quả bất hạnh của vô minh - Dukkha-vipàka - là không đúng. Rõ ràng Ngài chỉ bày con Ðường giải thoát khỏi nguồn gốc phiền não tâm linh thực sự của kiếp người. Ðó là con đường vô ngã -Anattà - vắng ngã, chứng nghiệm đích thực đến Tối Hậu.

Ðức Phật đến tiết lậu cho chúng sinh Ðạo Chân Không, Ðạo Vô Ngã: Anattà, Sunnatà. Ngài muốn giải thoát chúng sinh khỏi mọi sợ hãi về Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Ngài kêu gọi chúng sinh hãy sẵn sàng chấp nhận để mất cái ngã nhỏ bé của mình trong Niết Bàn mà không phải thất lạc vào những nẻo đường thoái thoát khuây khỏa ở chốn thiên đình nào đó được coi như quê nhà đời đời.

Trong vấn đề này, đôi bên có những cách diễn đạt khác nhau. Một nên nói về vô ngã, anattà, về pháp, dharma. Bên kia lại nói đến nơi cực lạc siêu phàm... Thay vì tranh luận, hãy chấp nhận chúng ta có cách nhìn dị biệt mặc dầu vẫn cảm thấy gần gũi nhau trong nguyện vọng thâm sâu hơn là trong phương tiện diễn đạt.

Ðức Phật và Ðức Giêsu được coi là những Ðấng giải thoát nhân loại. Ðức Giêsu đã xả thân cứu độ trần gian; niềm tin này là nền tảng của giáo lý Kitô giáo tông truyền. Chúng ta cũng biết rằng để giải thoát chúng sinh khỏi vô minh, Ðức Phật đã phải đánh đổi bằng giá quên mình hoàn toàn vì lợi ích của toàn thể nhân loại.

 


Back to Home Page