Kitô Giáo

Dưới Mắt Một Phật Tử

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ðôi Nét Anattà (Vô Ngã)

chiều kích tâm linh của mọi tôn giáo

 

Kẻ nào mà tâm hồn đã thấm nhuần những khát vọng tâm linh sâu xa của Ðạo mình sẽ tìm thấy ở ngay Ðạo mình có một điều gì như là điểm đồng quy tối hậu chung cho tất cả mọi con đường, ở tận cùng của tri thức tâm linh và vượt lên trên những dị biệt hữu hình và văn từ. Những kẻ thực hành tâm linh thực sự của mọi "Con đường Giải Thoát Tối Hậu" phải có mặt ở cuối con đường đó, ở nơi Tối Hậu.

Xác quyết những Con Ðường đưa về Tối Hậu đồng quy chính là xác quyết sự hiện hữu một cộng đồng, một đồng nhất tính nào đó của "chiều hướng tối hậu", một đồng nhất tính nào đó của cung cách hành xử hay của việc tập trung tâm linh tối hậu được mọi Linh Ðạo Giải Thoát thực sự tối hậu chứng nghiệm.

Ðối với những phật tử chúng ta, điều được xem như là thái độ tâm linh được thực nghiệm theo kiểu thức Tối Hậu và đưa đến Tối Hậu được chúng ta diễn đạt trong một chữ đơn thuần: Anattà, "Vô Ngã".

Anattà, cũng giống như những ngữ ngôn nền tảng của Phật giáo, có nhiệm vụ chuyên chở truyền thống tâm linh của chúng ta, trong ý nghĩa tâm linh sống thực của Con Ðường của chúng ta và trong chiều hướng tối hậu của "Việc Giác Ngộ" của chúng ta, không hàm chứa bất kỳ một khái niệm luận suy, một bày tỏ hoặc một xác quyết thuyết lý, một điều gì "có thể có" hoặc "không có thể có" nào. Ai có thể bào chữa được cái gọi là sự phủ quyết hiện hữu thường nghiệm của những cá thể riêng biệt trong lúc những cá thể này thực sự là những thực thể thường nghiệm được chứng nghiệm là thực trên bình diện kinh nghiệm chung?

Anattà: Chúng ta mượn những mẫu thức được coi như là "khuôn vàng thước ngọc" để giải thích ý nghĩa những từ ngữ phật học áp dụng cho trường hợp này, nghĩa là giải thích theo trạng thái của Citta (Tâm Ý), theo những cung cách hành xử tâm linh. Anattà trong ý nghĩa tâm linh, trong ý nghĩa của một kinh nghiệm sống thực, của một "Chứng Nghiệm", của một thái độ nội tâm, là giải thoát, là vượt qua sự bận bịu tự nhiên của cá nhân vào cá tính của chính mình mà một cách nào đó được tuyệt đối hóa như là giá trị tối hậu cần phải bảo vệ hoặc ưu tiên cứu vớt; chính cá tính đó được kiến lập như là tiêu chuẩn Tối Hậu để phân biệt những giá trị "vị ngã". Việc cứu vớt bất định cái ngã nhỏ bé và cá biệt đó được kiến lập như là sự Giải Thoát Tối Hậu, cái "ngã chấp" được kiến lập như là Tuyệt Ðối, như là Tối Hậu, Attà-Tối Hậu; đó chính là "Vô Ðạo", là Phản Ðạo.

Vậy cái "phương tiện", con đường chứng ngộ của An-Attà (Vô Ngã) sống thực nầy sẽ là gì đây? Việc "thi hành", "vận dụng" phương tiện đó sẽ như thế nào?

Thưa rằng đó chính là: quán chiếu, xoay hướng, dần hồi thoát ra khỏi những sai lầm tự sinh có tính duy ngã của tâm ta: những sai lầm bám rễ trong việc tuyệt đối hóa mù quáng cái "Tôi" cá thể, nguồn gốc thực sự của Phản Giải Thoát, bộc lộ trong những phản ứng của dục vọng và việc lệ thuộc vào điều được giả định là đáng ao ước đối với ngã; hay ngược lại trong những phản ứng sợ hãi, ghê tởm, kích bác tất cả những gì bị họ coi là bất ưng đối với ngã. Chúng ta gọi những sai lầm, hay những "tà kiến" nội tâm nầy là thứ tự hợp lý của việc chuốc phạm, nhưng là thứ tự thuận tiện để quán chiếu. Vô minh, A-Vijjà vừa là "rễ trụ" bám rễ sâu nhất, khó phân biệt nhất lại vừa là điều sau cùng cần phải tuyệt đối thanh toán, bởi vì khi "cơn bệnh" nầy hoàn toàn được chữa khỏi có nghĩa là thực sự được Giải Thoát, Nirvàna, An-attà, "vô ngã" được viên mãn.

Ðây là một trong những thí dụ đẹp nhất về khả năng tinh tế kỳ diệu của ngôn ngữ tâm linh trong truyền thống Phật giáo về việc sử dụng một từ ngữ với nhiều cấp độ ý nghĩa khác nhau qua bước tiến tâm linh, từ ý nghĩa vật chất hay cụ thể nhất cho đến ý nghĩa tinh thần và cao cả nhất, từ những yếu tố đầu tiên cho đến giai đoạn đạt đạo. An-Attà, Vô Ngã, qua sự biến thể của ý nghĩa, được hiểu là "được giải thoát": từ ý nghĩa nguyên thủy, Vô Ngã mang trong mình toàn bộ ba đặc tính khổ của cá thể bị trói buộc, trong cấp độ những yếu tố đầu tiên của "Chân Lý Ðầu Tiên" là Dukka (Khổ), được nhìn trong tính cụ thể vật chất, vượt qua chặng đường giải thoát tâm linh của ngã bị trói buộc, để đạt đến An-attà, Vô Ngã, một Tên gọi khác của Tối Hậu không bị trói buộc là Dharma.

Trong ý nghĩa tối hậu Con Ðường của Anattà và con đường của Dharma thì đồng nhất: Anattà, trong ý nghĩa đầy đủ, là Ðạo, là sự Giải Thoát, cũng như Dharma trong ý nghĩa đầy đủ, chính là Tuyệt Ðối. "Hãy bước theo Anattà: đó chính là Ðạo. Vô Ngã! = "vắng bóng ngã": đối với các bạn, cái tôi tại-ngã hãy tuyệt diệt! Ðó chính là Anattà, lúc khởi thủy của Ðạo thì có tính chất trực thị, nhưng khi được giải thoát thì mang tính chất mệnh lệnh của Ðạo phải đạt thành.

Anattà! Anattà phải đạt thành trong ngã. Ðó là chữ tóm tắt toàn thể sứ điệp của Ðức Thích Ca.

Anattà đối với chúng ta, "Lòng yêu mến đức Bác Ái" đối với Kitô hữu; kỳ cùng trên bình diện thái độ nội tâm sống thực đó chính là điều duy nhất gói ghém trong sứ điệp tâm linh của Ðức Phật, ai có thể phản bác mối đồng quy nầy? Chúng tôi muốn có thể nói rằng có sự đồng nhất. Trên quan điểm của kitô hữu, có nhiều lý do để chống lại lập luận nầy. Chúng ta phải tôn trọng mối bất đồng của họ vì đối với họ, "cốt lõi" của tôn giáo không được quan niệm theo cách thế của chúng ta.

 

Dấu Thánh Giá

Trong số những người khách đến đây, đôi khi tôi nhận ra vài kitô hữu mang trên cổ một tượng thánh giá nhỏ. Tôi đã có lần nói với họ: thánh giá nhỏ mà các bạn mang với tư cách môt kitô hữu thì đối với tôi, một phật tử, cũng có một ý nghĩa.

Các bạn hãy nhìn: có một nét dọc như hình chữ i hoa của mẫu tự tiếng Anh, "I", có nghĩa là "Tôi"; và cũng có một nét ngang trên thánh giá nó xóa bỏ, từ khước cái "Tôi". Ðối với tôi, một phật tử, thánh giá của bạn nói lên rằng: Anattà, "không có ngã tại-ngã-vị-ngã", "không còn ngã", "vô ngã". Thánh giá chứa đựng tất cả giáo lý Phật giáo!

Họ hơi ngạc nhiên, nhìn tôi và mỉm cười: tôi nghĩ rằng họ không phản đối tôi, bởi vì họ mỉm cười.

Chắc hẳn rằng với tư cách là những phật tử, không bao giờ nghĩ đến việc thấy được sứ điệp của Ðức Phật trên thánh giá của kitô hữu. Ðối với các bạn, thánh giá biểu thị dấu hiệu của một tôn giáo xa lạ; với hình tượng kẻ chịu khổ nạn bị đóng đinh trên giá gỗ, đối với chúng ta xem ra có vẻ kinh khủng.

Có lẽ những kitô hữu không cho đó là kinh khủng, bởi vì họ thấy ở đó một ý nghĩa thánh: Giêsu chấp nhận hy sinh mạng sống mình để cho mọi người nhận biết Thiên Chúa; thánh giá được họ dùng như là cây thang đưa họ lên với Thiên Chúa: để tiến đến cùng Thiên Chúa, họ phải bước theo thánh giá của Ðức Giêsu, theo ý nghĩa của thánh giá đối với họ.

Về phần chúng ta, chúng ta có thể nói rằng: để đạt đến việc "chứng ngộ" tối hậu, Nirvana (Niết Bàn), chúng ta phải bước theo ý nghĩa của thánh giá, bằng cách gạch bỏ cái "Tôi", bằng cách từ bỏ chính mình, điều đó có nghĩa là "Vô Ngã", Anattà.   

 


Back to Home Page