Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


31. Từ một Nhân Viên Thuế Vụ
trở thành Tông Ðồ của Ðức Kitô

Liu Chai-Yin (Ðài Loan)

Trước khi được 33 tuổi, tôi luôn luôn là một "con mèo ốm". Mặc dù không nằm liệt giường, nhưng thân xác luôn yếu ớt và lúc nào tôi cũng cảm thấy đau. Bệnh tật đã khiến tôi phải sống những ngày bất hạnh giữa tuổi xuân xanh.

Tôi nhớ có lần khi đang nằm ở bệnh viện, nhiều vị chủ chăn đã đến thăm và đặt vào tay một vài tập "Tin Mừng" mỏng, bảo tôi đọc. Tôi không có nhiều kiên nhẫn cũng chẳng thích thú để đọc.

"Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này" (Lc 19,9). Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể tìm thấy câu ấy trong cuốn sách đặc biệt này: "Ðừng than khóc về những việc người ta đã làm; đừng lo lắng cũng như bận tâm về những điều người ta đang làm và đừng ân hận về những điều sai lỗi người ta đã phạm".

Tôi cảm thấy phần nào câu nói này phản ánh cuộc đời tôi vì lòng tôi cũng bị các mối lo ngập tràn. Tôi rất muốn sửa đổi nhưng không có ai giúp. Tôi khỏi bệnh và đi làm trở lại. Một bà bạn đồng nghiệp, một người hay đi lễ ngày Chúa Nhật và thích nói chuyện về đức tin, đã nhận ra tôi thường chăm chú nghe bà nói. Do đó bà mời tôi đi tới nhà thờ với bà. Lần đầu tiên khi tham dự thánh lễ và khi quỳ xuống, tôi cảm thấy sợ hãi. Kinh nghiệm này để lại một ấn tượng sâu sắc nơi tôi. Khi dự loại nghi thức này, tôi thấy được hình ảnh của linh hồn mình. Nhờ kinh nghiệm đạo đức này, tôi bắt đầu tham dự thánh lễ đều đặn và được giới thiệu với cha xứ. Ngài đã dạy giáo lý cho tôi. Sau khi chịu phép rửa tội, tôi dự lễ ngày Chúa Nhật đều đặn và đời sống thiêng liêng của tôi được vững mạnh.

Thánh hóa gia đình

Tôi đã kết hôn với một người ngoại giáo cách đây 20 năm. Vào lúc ấy Giáo Hội rất khắt khe với việc lập gia đình cùng người khác đạo. Vì vậy trường hợp của tôi cũng tạo nên một tình trạng khó xử với cha xứ. Tuy nhiên, ngày nay, thái độ của Ngài đối với hôn phối khác đạo đã khác. Vợ tôi cùng đi với tôi tới nhà thờ mỗi Chúa Nhật trong khi cha mẹ vợ lại sùng đạo Phật. Khi còn trẻ, cô ấy thường đi Chùa với mẹ. Còn sau khi lập gia đình, tôi cảm thấy cô ấy cố gắng chia sẻ niềm tin với tôi. Tuy nhiên tôi tôn trọng lòng hiếu thảo của vợ vì mẹ vợ tôi vẫn còn sống. Vợ tôi đồng ý cho con cái được rửa tội.

Tôi khâm phục đức tin sâu xa và sự hiểu biết của cô ấy. Tôi cũng tôn trọng tín ngưỡng của gia đình cô, nhưng tôi trang hoàng nhà cửa bằng các vật dụng tôn giáo để mỗi khi bà con và bạn bè bước vào nhà tôi, họ đều nhận ra ngay đó là một gia đình Công Giáo.

Từ khi mẹ vợ tôi qua đời, vợ tôi đi lễ và tham dự các sinh hoạt của nhà thờ. Các bạn bè Kitô Hữu đối đãi với cô như một người thân thiết, họ cầu nguyện cho cô nhưng không ép cô đón nhận đức tin. Nhờ ảnh hưởng tốt đẹp đó, vợ tôi và em cô ấy đã học giáo lý. Một năm sau, cả hai chịu phép rửa tội. Trước khi lập gia đình, gia đình cô không có ai theo đạo cả. Nhưng sau khi hạt giống đức tin đã được gieo xuống, một cháu gái và hai em rể đã học giáo lý và gia nhập Giáo Hội.

Mỗi Kitô Hữu là đèn soi cho người khác

Tôi là một công nhân viên nên có cơ hội gặp gỡ nhiều người. Ðó là một môi trường lý tưởng để đưa các người ngoại đạo trở thành Kitô Hữu, nhưng điều ấy không đơn giản chút nào.

Ngày nay, nhiều người ngoài Kitô giáo ước muốn đón nhận ánh sáng của Ðức Kitô. Nếu có nhiều người trong Giáo Hội chúng ta ý thức về ước muốn này hơn, thì nhân loại sẽ không còn xa ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khi sống trong một môi trường trù phú với một tiêu chuẩn sinh sống cao, đa số con người cảm thấy miễn cưỡng khi phải tìm kiếm những gì vượt quá kinh nghiệm thông thường của con người và khi phải chấp nhận Chúa là Thiên Chúa sáng tạo.

Dấn thân làm tông đồ

Ở giáo xứ chúng tôi, mọi người trong gia đình Lim đều là Kitô Hữu trừ ông bố. Bà vợ luôn xin các ủy viên của hội đồng giáo xứ cầu nguyện cho chồng bà trở lại. Lúc đó tôi là chủ tịch Hội Ðồng và tôi có sáng kiến mời ông Lim gia nhập cộng đoàn. Lúc đầu tôi cảm thấy ngại vì ông Lim là một viên chức chính phủ cao cấp, ngoài ra ông còn là người có học thức rộng. Tuy nhiên chúng tôi đã gặp gỡ và đối thoại với nhau, một cuộc đối thoại vô thưởng vô phạt. Nhiều lần tôi cố gắng giới thiệu ông Lim với cha Chao, tuyên úy phong trào Cursillo nhưng ông đều lịch sự từ chối. Do đó sự việc được tạm thời hoãn lại. Nhưng "điều không thể với con người lại là điều có thể đối với Thiên Chúa" (Mc 20,27); đó quả là kế hoạch của Chúa. Tôi phải đi Ðài Bắc để gặp cha giám đốc phong trào Cursillo. Cả hai chúng tôi đang bách bộ dọc theo một chiếc cầu cao thì thình lình một người chào tôi và hỏi tôi đang làm gì ỏ Ðài Bắc. Ðó là ông Lim. Tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi giới thiệu ông với cha Chao. Ở thành phố Ðài Bắc này có tới ba triệu người, vậy mà chính ở đây và ngay lúc này chúng tôi lại gặp nhau. Tôi nói với cha Chao rằng đây chắc chắn là việc Chúa làm và phần còn lại là việc của ngài. Ngày hôm sau khi tôi ngỏ lời mời ông Lim, ông lập tức cầm tay tôi và chấp nhận học giáo lý với cha Chao theo như lời mời của tôi. Sau đó ông lãnh phép rửa tội và trở thành một thành viên trong gia đình Thiên Chúa.

Ông Fu và tôi cùng làm việc với nhau ở phòng thuế lợi tức. Ông viết rất hay và góp bài đều đặn cho các tạp chí, nhưng ông không phải là một Kitô hữu. Mỗi khi viết bài cho tờ báo Công Giáo, tôi luôn đưa cho ông Fu đọc. Mục đích của tôi là cho ông biết tôi là người Công Giáo, đồng thời cũng giúp ông hiểu biết một chút về các hoạt động của Giáo hội.

Bằng phương cách đó, chúng tôi trở thành bạn thân. Hơn nữa ông Fu là người đồng hương với Ðức Giám Mục, do đó chúng tôi đã sắp đặt để mời Ðức Giám Mục gặp ông Fu và hai người bạn của ông. Họ chấp thuận lời gợi ý của Ðức Giám Mục là học giáo lý và trong dịp mừng năm Tin Mừng được rao giảng ở Giáo Phận Kaohsiung, họ đã lãnh nhận bí tích rửa tội.

Người tông đồ giáo dân tự nguyện

Ðể canh tân dân Chúa và các sinh hoạt của Giáo Hội, Ðức Giám Mục giáo phận kêu gọi và khuyến khích chúng tôi dùng khả năng của mình để trở thành các tông đồ giáo dân hoạt động và trở thành các người rao giảng Tin Mừng. Tôi được giáo quyền chọn làm người lãnh trách nhiệm đẩy mạnh việc tông đồ giáo dân và rao giảng Tin Mừng trong giáo xứ. Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm của tôi trong lãnh vực này.

Tại sao các bạn trẻ Kitô Hữu ít xuất hiện ở giáo xứ? Các hội viên của Ủy Ban Truyền Bá Tin Mừng có thật sự tìm cách tỏ cho họ thấy là mình quan tâm đến các bạn trẻ ấy không? Khi biết hai phụ nữ chuyên nghiệp thuộc giáo xứ dự định kết hôn với người ngoài Kitô Giáo, tôi đùa với họ: "Cho dù các cô tràn trề tình yêu Chúa khi bước lên thảm đỏ trong ngày cưới, các cô cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng khi kết hôn với người ngoài đạo. Bởi vì hoặc các cô thánh hóa họ, hoặc họ sẽ ảnh hưởng trên các cô". Dầu đó chỉ là lời nhận xét thoáng qua nhưng cuối cùng nó đã hóa ra đúng vì sau khi đám cưới, không ai còn thấy mặt họ ở giáo xứ nữa".

Một buổi làm phép nhà

Năm 1985 một người trong giáo xứ mời cha sở tới làm phép nhà, cùng với các bạn bè. Trong buổi lễ, có người nhắc tới một giáo hữu khác trong giáo xứ cũng mới mua một căn nhà trong cùng một quận ấy. Chúng tôi đồng ý tới thăm bà ta và dù không được mời, chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Cả hai vợ chồng đều muốn khi nào cha sở sẽ đến làm phép nhà cho họ mặc dù ông chồng không phải là người Công Giáo. Hai tuần sau nhiều người chúng tôi được mời tới dự nghi thức làm phép nhà. Tôi cố ý ngồi cạnh ông X. và mời ông đi học giáo lý. Lúc đầu ông lịch sự từ chối nhưng về sau ông chịu ghi tên đi học. trong lúc ấy ông Y. chủ nhân của ngôi nhà mới tò mò muốn biết tôi nói chuyện gì với ông X. Ông cùng cảnh ngộ với ông X. chỉ mình vợ ông là có đạo. Tôi cũng đưa cho ông Y. một phiếu để ghi tên. cả hai ông X và Y đã đi học giáo lý, trở thành con chiên trong giáo xứ và củng cố đức tin Kitô giáo với cả gia đình.

Ngày nay có rất nhiều trường hợp hôn nhân khác đạo, nên có nhiều người trong gia đình không phải là Kitô hữu. Ủy Ban Truyền Bá Tin Mừng trong giáo xứ trở thành chiếc cầu giúp đưa họ về với Chúa vì "chúng ta được điều khiển bằng tình yêu của Ðức Kitô" (2Cr 5,14), là để thánh hóa họ.

Kết luận

Trước nhan Chúa không ai xứng đáng để giới thiệu mình. Tôi viết những điều kiện liên hệ đến đức tin, linh đạo và các lời chứng này chỉ với một mục đích duy nhất là giúp nhận ra các Kitô hữu sống đức tin như thế nào và qua hành động họ cho thấy đời sống Kitô giáo là gì. Làm như vậy là tôi đã chia sẻ ân sủng, niềm vui và phúc lành của Chúa.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page