"Ðây là câu chuyện của một giáo dân Công Giáo đã lập gia đình và là bố của năm người con. Người tín hữu ấy đang làm việc cho Chúa ở một quốc gia Châu Á đang bị áp bức. Ông đã dám liều một sự an toàn của bản thân và gia đình cho Tin Mừng được rao giảng. Ông đã nói tới vai trò quan trọng của người giáo dân trong xứ sở mình với sự hãnh diện và tin tưởng".
Cho phép tôi tự giới thiệu mình. Tôi là một giáo dân, từng là một giáo lý viên được trả lương để làm việc Tông Ðồ. Sau đó, tôi hằng sống bằng nghề giáo viên và tình nguyện hoạt động nơi các bộ lạc thiểu số ở vùng núi.
Ngay từ đầu, vì thấy người Giáo Dân không được chuẩn bị nên chúng tôi đã tổ chức một chương trình huấn luyện các Tông Ðồ giáo dân để phát triển ơn gọi Kitô hữu.
Các giáo dân vẫn tiếp tục sống bằng nghề riêng của mình, đã xây dựng các trường huấn luyện bỏ túi và trồng rau để tự túc, để trang trải chi phí huấn luyện.
Mục đích của chúng tôi là sống một cuộc đời Kitô hữu thật sự, là rao giảng Lời Chúa cho anh em đồng bào bằng lời nói và hơn nữa, bằng một cuộc sống Kitô Hữu tốt lành.
Trong vài năm, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, chúng tôi đã huấn luyện được rất nhiều giáo dân nam nữ. Phong trào nầy do chính giáo dân thành lập. Chúng tôi không phải trả lương cho ai vì tất cả chúng tôi tình nguyện làm không công và "tự túc cánh sinh". Chúng tôi cũng xuất bản một nội san để đẩy mạnh việc huấn luyện hiện đại.
Sau đây một đoạn trích từ nội san số đầu tiên:
"Trong giáo phận chúng ta có một tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân rất hoàn bị, đó là "Công Giáo Tiến Hành". Tổ chức nầy được hai Ðức Giám Mục giáo phận hết lòng nâng đỡ. Nhờ sự hướng dẫn hữu hiệu của ông Giám Ðốc Công Giáo Tiến Hành và ông thư ký, tất cả các hội viên đã hăng say hoạt động để mở rộng Nước Chúa Kitô trên khắp nước. Giáo phận ta là giáo phận đầu tiên đã gửi các thừa sai giáo dân (như P.D) đến các giáo phận khác. Tờ nội san của Công Giáo tiến hành chúng ta rất có ảnh hưởng. Cho tới nay, đây là phong trào giáo dân duy nhất đáng nhắc đến ở đất nước chúng ta"
Nhiều người giáo dân tốt lành đã góp công của để giúp phát triển Giáo Hội ở đất nước ta.
Thống kê của Giáo Hội đã nói lên điều đó:
- Linh Mục: 258 (năm 1965);
----> 220 (năm 1982).
- Tín Hữu: 242,193 (năm 1965); ---->
371,000 (năm 1982).
Nếu so sánh các số liệu này một cách cẩn thận, ta sẽ thấy từ năm 1965, số linh mục giảm đi 38 vị, còn số giáo dân thêm 128,807. Tôi cho rằng Giáo Hội tăng trưởng mạnh một phần, nếu không nói hoàn toàn, là do giáo dân.
Ðang khi lo lắng về số ơn gọi linh mục sút giảm, chúng ta nên cố gắng hơn để cổ võ và phát triển ơn gọi của mọi Kitô Hữu là làm Tông Ðồ tích cực như lời Phaolô nhắn nhủ.
Phong trào của chúng tôi đang tiến triển mau chóng và vững chắc, đã lôi cuốn sự chú ý của các linh mục ở các nơi xa xôi. Các vị ấy khó mà hiểu được những khó khăn của chúng tôi ở đây, một xứ sở đang bị tàn phá do các du kích quân cánh tả và cánh hữu. Thậm chí có những vụ nghi ngờ và phê phán phong trào. Ðó thật là một gáo nước lạnh tạt vào lòng nhiệt thành của người giáo dân chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên nhẫn. Một ngày kia các Ngài sẽ hiểu rằng, vì các khó khăn đã nêu trên, chúng tôi không thể ăn nói công khai và lộ liễu. Chúng tôi mong mỏi và cầu nguyện để các linh mục ít được thông tin ấy tín nhiệm chúng tôi hơn và đừng dội gáo nước lạnh vào nhiệt tâm của chúng tôi nữa.
Chúng tôi lý luận như thế này: vì các quan chức Nhà Nước (theo đúng chính sách) nghi kỵ và đàn áp bất cứ phong trào tôn giáo nào ở miền này, nên chúng tôi muốn thân mình chịu thiệt thòi còn hơn. Nếu bị lộ và phải chịu đau khổ, chúng tôi muốn chịu một mình chứ không muốn các Ðức Giám Mục và Giáo Hội bị liên lụy và chịu đau khổ.
Xin các Ngài cầu nguyện cho chúng tôi, Xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng tôi lòng can đảm và đức tin để chúng tôi có thể làm chứng khi đau khổ, tù đày và mọi hình thức bách hại khác xảy đến cho mình. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận mọi bất trắc và thử thách. Chúng tôi tin tưởng Chúa đang và sẽ luôn ở với chúng tôi.
Một vài linh mục phàn nàn và cho rằng chúng tôi nên hoạt động theo sự chỉ dẫn của các Ngài. Các vị ấy đã gây lộn xộn và phiền toái cho các người đồng sự của chúng tôi.
Tôi vô cùng đau buồn nói lên điều này: một vài giáo sĩ muốn kiểm soát mọi sự, nắm giữ quyền bính hơn là có lòng nhiệt thành tông đồ.
Bởi vậy, các vị rất bất bình vì chúng tôi không đăng ký vào các tổ chức của các Ngài, vì chúng tôi không bao giờ báo cáo hoạt động của mình đều đặn.
Bất cứ ai thấu hiểu hoàn cảnh vô cùng tế nhị và nghiêm trọng của chúng tôi ở đây, đều sẽ biết rằng như vậy là không khôn ngoan chút nào, ít là trong lúc này. Một vài linh mục có vẻ ghen tị hơn là nhiệt thành truyền giáo. Ðang khi ấy, mục đích của chúng tôi không phải là bất tuân phục nhưng là phục vụ và giúp đỡ các Ngài bằng cách nào mình có thể làm được.
Chúng tôi không phải là một nhóm ly khai hay độc lập. Chúng tôi yêu mến đức tin, yêu mến các linh mục, các giám mục và Giáo hội của mình. Nhưng vì phải hoạt động giữa muôn vàn áp lực luân lý, kinh tế, thể lý, chính trị, chúng tôi nghĩ đó là phương pháp duy nhất ở đây và lúc này cho phép mình loan truyền sứ điệp của Chúa.
Chúng tôi đang giúp đỡ chín giáo phận ở quê hương bằng cách gởi các sách báo đạo, các tài liệu và dụng cụ thính thị để truyền bá Tin mừng. Ðó là việc làm bất hợp lệ và nguy hiểm.
Chúng tôi liều mạng để giúp các vùng truyền giáo bằng một cách thế mà chỉ có giáo dân làm được.
Mặc dù làm việc sát cánh với Ðức Giám Mục đặc trách tông đồ giáo dân cấp quốc gia, phong trào của chúng tôi vẫn chưa được Giáo Hội chính thức công nhận. Lúc này chúng tôi không mong mỏi điều ấy, vì bản chất công việc của mình. Nếu chúng tôi có mệnh gì, Giáo Hội địa phương sẽ không bị liên lụy. Quan điểm của chúng tôi là nếu phải chịu đau khổ, chúng tôi sẽ chịu một mình, chứ không phải toàn thể Giáo Hội.
Hiện nay tôi đang dịch bộ "Lời Chúa" với cha X. Mỗi cuốn cỡ 100 trang. Sau khi ấn hành, tôi sẽ đem sách về cho đồng bào của mình. Lần này chỉ đưa về 1,500 bản.
Ngày 24.5.1987. Paul viết:
"Trong chuyến đi vừa rồi, tôi đã hai lần thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc. Chúa đã che mắt các nhân viên hải quan nên họ không nhìn thấy sách vở của tôi. Nếu bị bắt, tôi sẽ bị trừng phạt đích đáng. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng rất sung sướng được làm một việc nhỏ để phục vụ Giáo Hội đang đau khổ. Ở đâu chúng tôi cũng được các linh mục, tu sĩ và Ðức Giám Mục tiếp đón với lòng khâm phục và yêu mến. Các ngài biết những khó khăn chúng tôi sẽ gặp trên đường. Các ngài giúp chúng tôi tiền túi để trang trải phí tổn đi lại. Tôi hiểu rõ rằng các ngài có rất ít sách đạo xuất bản sau Vatican II. Sách bán chạy như tôm tươi. Cảm ơn Cha X. đã cung cấp cho chúng tôi số sách ấy. Ðiều chúng tôi có thể đóng góp là sức mạnh, mồ hôi và xương máu, chứ không phải tiền bạc".
Dù chuyến đi gặp bao khó khăn, chúng tôi nhận thấy mình mới chỉ kinh nghiệm được một chút niềm vui của các vị tử đạo. Thật vui sướng biết bao khi được Chúa chúng ta chào đón trên trời!
Tôi trở về nhà vào tháng tám vì chúng tôi mong đứa con ra đời vào tháng chín. Tôi muốn dùng sự tự do rảnh rỗi của một người giáo dân để học hỏi thần học. Mặc dù đã học hai năm triết ở Ðại Chủng Viện Công Giáo và có bằng tương đương với cử nhân, tôi vẫn hiểu rằng các giám mục và linh mục sẽ không tín nhiệm tôi cho tới khi tôi học thần học. Dĩ nhiên tôi không phải là một người xuất sắc, nhưng tôi có lòng quyết tâm và nhiệt thành. Tôi hy vọng Chúa sẽ ban thêm những gì cần thiết.
Xin cầu nguyện cho chúng tôi, những tông đồ giáo dân tự nguyện. Chúng tôi mong muốn sống ơn gọi của các Kitô Hữu giữa đời và của các tông đồ của Ðức Kitô. Chúng tôi hiểu nguy hiểm mình đang lao vào. Vợ con chúng tôi cũng biết điều đó và nâng đỡ chúng tôi.
Chúng tôi hy vọng lời cầu nguyện của các bạn cũng như của mọi Kitô Hữu khác sẽ luôn nâng đỡ chúng tôi.
Người giáo dân vĩ đại ấy đang giúp một linh mục ở xứ láng giềng bằng cách dịch các sách của quê hương ông linh mục ấy sang thổ ngữ của bộ lạc mình. Tháng 12 năm 1986, vị linh mục ấy viết:
"Paul đã đi về quê bằng xe vận tải, mang theo 40 kiện sách, mỗi kiện nặng chừng 20 ký. Anh mất hai ngày đi tới biên giới, rồi thêm 4 ngày cỡi la mới về tới nhà. Hy vọng anh đã tới nhà bình yên. Vùng núi non ấy bị các du kích quân quấy phá. Thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ nơi anh là lá thư khi tôi đang ở Âu Châu. trong thư ấy, anh viết: "Ðã sáu tháng nay con không được tin tức gì về vợ và con cái. Con xin dâng sự bất trắc và bặt vô âm tín ấy để cầu cho dân cư bộ lạc mình được trở lại đạo".
Paul sẽ tham dự BILA (Viện Tông Ðồ Giáo Dân của Hội Ðồng Giám Mục). Ðó là một người phi thường; rất chậm; vâng, với một trí nhớ có giới hạn, nhưng lại là một người siêng năng và nhiệt thành. Rõ ràng việc anh đang làm ở quê hương nhiều bằng mấy linh mục. Ðó là Giáo Hội đã qua thời giáo sĩ trị!
Paul là một nguời tuyệt vời, một tông đồ truyền giáo 100%, đang hoạt động bằng ba linh mục. Ðể tới miền này, anh đã phải đi bộ bốn ngày qua những con đường rừng và đi xe buýt ba ngày nữa!
Trước khi cho xuất bản những bài chia sẻ này, Paul viết cho Cha Brena vào ngày 16.1.1988:
"Từ tháng bảy năm ngoái, con ở lại nhà săn sóc 5 đứa con (một gái và bốn trai). Ðó là việc huấn luyện thật sự đối với một tông đồ giáo dân. Ðồng thời con rất sung sướng được chăm sóc vợ và con cái khi vợ con đau ốm. Con thật vui mừng khi thấy vợ con mạnh khỏe cả về thể lý cũng như về đời sống thiêng liêng. Vì là một giáo lý viên được huấn luyện hẳn hoi, nên con có thể bắt đầu việc huấn luyện cụ thể ngay trong gia đình mình. Trước đây, việc tông đồ giáo dân của con hầu như chỉ là lòng nhiệt thành và hăng hái, chứ ít có nội dung. Còn bây giờ nhờ những hiểu biết về các vấn đề gia đình cũng như các khó khăn liên hệ, con đã là một tông đồ giáo dân trưởng thành hơn, cuộc sống con sẽ thực tiễn và hiện thực hơn trong tương lai. Chưa bao giờ đời con phải gặp những thử thách như vậy. Trong sáu tháng đó, tiền bạc trở thành đống giấy vụn (chính phủ đổi tiền địa phương nhưng không báo trước để hạ giá đồng tiền tới mức khủng khiếp), con chỉ còn sống dựa vào tiền vay mượn. Ðối với tất cả chúng con, đó thật là một luyện ngục rất tốt ở trần gian này. Con lại bị sốt rét liên tục, nên đâm ra yếu hẳn, phải nằm liệt giường nhiều ngày. Nhưng trong những ngày ấy con có giờ để hồi tâm và đánh giá quãng đời đã qua.
Trong thời gian khủng khiếp đó, con có thời giờ đọc lại cuốn sách của cha: quyển "Chúa đã gọi con và này con đây". Con đọc đi đọc lại vài lần, đọc lại ít chương thêm vài lần nữa. Mỗi chữ có một ý nghĩa sâu sắc hơn đối với con. Phần 2, 3 và 4 rất hay. Con càng ngày càng xác tín ơn gọi của mình là trở nên một "Kitô khác" như cha nói trong chương 14. Con hiểu được ba vai trò của người tông đồ giáo dân là làm vua, ngôn sứ và tư tế; trước đây con chưa bao giờ thấy rõ điều đó. Những mô hình Giáo Hội khác nhau cũng rất lôi cuốn con.
Tôi chắc chắn Ðức Giáo Hoàng Urbanô II (1088-1099) đã không nhắm tới Paul khi ngài viết: "Giáo Hội dạy có hai bậc sống Kitô Giáo: một là bậc giáo dân và hai là bậc tu trì. Ngay từ thời giáo hội sơ khai, hai bậc sống Kitô hữu ấy được mở ra cho các tín hữu; một bậc để nâng đỡ sự mỏng dòn của những con người yếu ớt (giáo dân), một bậc để hoàn thiện đời sống hạnh phúc của những người mạnh mẽ (tu sĩ).
Ngày nay cũng như trong quá khứ chúng ta có biết bao vị anh hùng giáo dân không được tôn vinh. Ngay cả thời gian gần đây những "người xúc tiến việc phong thánh" vẫn dành ưu tiên cho các tu sĩ và giáo sĩ. Có người còn cho rằng "vì các tu sĩ và giáo sĩ có đảm trách phí tổn trong quá trình phong thánh". May mắn thay, khuynh hướng ấy đang thay đổi như ta có thể chứng kiến trong các vụ phong thánh gần đây như việc phong thánh cho các thánh ở Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Vatican City (NC) - Hồng y Pietro Palazzini, Bộ trưởng thánh bộ phong thánh, đã phàn nàn với Thượng Hội Ðồng Giám Mục rằng "có quá ít hồ sơ xin phong thánh cho giáo dân" gửi cho thánh bộ của Ngài. Ngài thúc dục các Ðức Giám Mục cử người trong giáo dân chuyên lo đề xuất việc phong thánh cho các giáo dân thuộc chính khu vực của mình.
Ngài nói rằng đa số các hồ sơ phong thánh của giáo dân đều giới thiệu những người có liên hệ với các dòng tu đứng tên trong các hồ sơ đó. Các dòng tu đã có chuyên viên đề xuất, gọi là thỉnh nguyện viên, rất rành về "tất cả các qui tắc chặt chẽ và các thể lệ giáo luật của Thánh Bộ".
Ngài còn nói thêm thánh bộ "sẽ rất sung sướng tạo mọi điều kiện dễ dàng" cho các hồ sơ phong thánh do các thỉnh nguyện viên của giáo phận đệ trình.