Bố Duilio là một nông dân Công Giáo tốt lành. Ông chết năm 1979, thọ 83 tuổi. Ông chỉ học tới lớp ba bậc tiểu học, nhưng ông thích đọc, học và viết. Chúa Thánh Thần đã giúp ông trở thành một mẫu gương cho gia đình cũng như cho tất cả Dân Chúa qua đời sống đức tin, lòng yêu mến Giáo Hội, qua những đau khổ, đặc biệt trong những năm cuối đời. Ông hăng say lao động. Ông nuôi nấng và giáo dục con cái theo đức tin Kitô giáo vững mạnh. Ông có nhiều bò, gà, chó, mèo và hơn 200 con thỏ. Ngoài nghề nông, ông còn là một thợ hớt tóc, thợ mộc và thợ rèn rành nghề. Ông đã học và làm những nghề nầy để đỡ tốn tiền thuê mướn cũng như để dành dụm chút ít cho các nhu cầu khác của gia đình. Thỉnh thoảng, ông nói: "Kể ra tôi cũng khá mệt, nhưng trên thiên đàng chắc chắn tôi sẽ có giờ nghỉ ngơi".
Mẫu gương của ông đã gây hứng khởi cho nhiều người cha ngày nay, những người sống cả đời, ngày nào cũng từng ấy việc nhưng bằng một tinh thần đặc biệt giúp họ chắt lọc được những báu vật quý giá từ mọi sự họ gặp trong cuộc đời.
"Tôi rất thích sự thinh lặng nầy. Ðây thực sự là những giây phút thiên đàng. Tôi đi ngủ mà không một chút bận tâm, một suy nghĩ trần tục nào. Dường như tôi đang bước sang một cuộc sống mới, được dệt bằng việc Tông Ðồ và cầu nguyện. Sự cô tịch sẽ đẹp biết bao khi biết dùng nó để nhớ tới Chúa! Ôi, lạy Chúa, được an nghỉ với Ngài trong đêm nay thật là điều an ủi cho con. Sự bình an ấy thật đẹp!"
"Ai cũng có những đồ quý giá mà mình trân trọng như một báu vật, chẳng hạn một chiếc đồng hồ vàng, một cái áo dài xinh đẹp hay một quyển sách hay. Linh hồn chúng ta là kho tàng đã mua bằng Máu Chúa Giêsu Kitô. Nếu ai cất vàng gần cửa sổ hay mắc chiếc áo dài xinh xắn và quý giá trên tường, hoặc nếu có người bỏ đồng hồ vàng trên bàn ta sẽ cho người ấy là không quan tâm đến của quý. Còn ta, ta sẽ cất những đồ vật ấy vào nơi có khóa cẩn thận, ta sẽ luôn lưu tâm giữ gìn chúng. Nhưng có bao giờ chúng ta suy nghĩ tìm cách giữ cho linh hồn mình được xinh đẹp và an toàn không?
"Ta lo lắng về đời sống vì không bao giờ tìm thấy bình an và yên tĩnh trên thế gian. Nhưng các bạn mến, thế gian sẽ luôn luôn là thế gian! Thế gian luôn trả giá và sẽ như vậy hoài. thế gian lôi cuốn ta, hứa hẹn hạnh phúc, thú vui, của cải. Nhưng thật ra, ta phải tự hỏi: có thật ta được hạnh phúc khi chiều theo thói hư, tật xấu của thế gian không? Ta biết chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đem lại cho ta hạnh phúc bây giờ và mãi mãi, miễn là ta không coi cuộc đời như một thú vui nhưng là một nhiệm vụ".
"Các bạn sẽ tự nhủ: Tại sao Chúa dựng nên tôi? Ðể ta biết và yêu thương Người, phục vụ Người ở đời nầy ngõ hầu ta sẽ được hưởng Người trên trời. Nhưng làm sao có thể yêu một người khi chưa biết? Và nếu không biết, làm sao ta có thể yêu và phục vụ người ấy?"
"Nhờ suy niệm ta sẽ thật sự biết được Thiên Chúa. Ta học biết cách yêu và phục vụ Người. Vì thế, suy niệm cần cho hết mọi người và còn cần hơn cho những người có gia đình, có con cái phải giáo dục như chúng ta. Các thế hệ tuong lai được hình thành trên đầu gối các bà mẹ. Cách cư xử của lũ trẻ tùy thuộc nơi cách cư xử của ta, nhưng làm sao ta có thể giáo dục con cái, nói cho chúng biết về gia đình Nadarét, nếu ta không biết những điều nầy hoặc hổ thẹn khi phải nói về các vấn đề đó?"
"Ta đã đổ bao công sức để tậu một nắm đất để rồi một ngày kia sẽ phải bỏ lại. Thế mà ta không chịu trả giá cho hạnh phúc vĩnh cửu, cho trời cao? Khi cầu nguyện và suy niệm, chúng ta sẽ được ơn Thánh Hóa củng cố bằng một phương thế hiệu lực đến nỗi không ai có thể kéo ta ra khỏi các nguyên tắc của mình. Thật đáng tiếc khi phải chứng kiến bao bạn hữu thay đổi như chong chóng. Không, nhất là khi chúng ta là nam nữ công giáo tiến hành, chúng ta không thể làm tôi hai chủ".
"Khi cuộc đời của một người trưởng thành, ta sẽ thấy xuất hiện những bổn phận và trách nhiệm mới. Vì thế ta cần những ánh sáng và năng lực mới. Các bổn phận thể hiện trong hai lãnh vực: gia đình và xã hội".
"Trước hết, trong gia đình ta cần học biết bổn phận của chồng hoặc vợ cách rõ ràng. Những bổn phận trong hôn nhân là những bổn phận tinh tế và thâm sâu nhất đối với vợ con. Chính ta có bổn phận đưa vào khuôn khổ những điều chưa được định hình và có lẽ cũng cần sửa đổi những gì sai lệnh. Lãnh vực xã hội còn rộng lớn hơn: ở đó, con người sẽ gặp những nhiệm vụ, quyền lợi và quan hệ mới. Bởi thế, nhiệm vụ của ta là rèn luyện chính mình vì nếu chưa là người lớn thật sự, ta sẽ không bao giờ là Tông Ðồ được. Chúng tôi xin nói với các bạn trẻ: các bạn hãy chuẩn bị hành động. Còn người lớn chúng ta thì phải hành động, phải là Tông Ðồ ở giữa xã hội của mình. Thật vậy, người nông dân chờ mong hoa trái nơi cây đã lớn. Nếu so sánh thanh niên như một vườn ươm cây, thì phải nói người lớn là một vườn cây ăn trái sum suê".
Bố Duilio biết cách rèn luyện con cái theo đường lối Kitô giáo chắc chắn, Marcello, một người con của ông, hiện nay là một nhà truyền giáo thuộc Tu Hội Xaviê ở Bangladesh. Một ngày kia, bố Duilio nói với Marcello: "Bố đã dâng con cho Chúa từ khi con ở trong lòng mẹ. Con hãy làm những gì Chúa soi sáng cho con. Nhưng hãy quên lời hứa này nếu vì lời hứa đó mà con phải đau khổ". Marcello không hề quên, bởi vì anh không đau khổ do những lời hứa đó, trái lại, anh ý thức rằng chúng chỉ cho anh thấy con đường đã dành sẵn cho mình.
Một buổi sáng, khi bố Duilio đang làm việc ở chuồng bò như thường lệ, thì Maria, con gái ông, gọi ông để báo một tin bất ngờ: "Bố ơi, có thư của Marcello. Anh ấy cho biết anh quyết định làm một nhà truyền giáo". Mắt cô ướt đẫm, mẹ Natalina cũng khóc. Nhưng đó là những giọt nước mắt tuân theo ý Chúa, những giọt lệ vui mừng, tri ân Thiên Chúa, Ðấng đã thương chọn một người ruột thịt của họ lên địa vị cao trọng.
Trong một lá thư viết cho Marcello có đoạn viết:
"Cha mẹ rất sung sướng vì con đã đi đúng đường. Chúng ta phải cám ơn Chúa và vâng theo ý Người. Xin Ðức Giêsu nhân lành hướng dẫn con và che chở con dưới bóng áo Người. Con thân ái, sáng nay cả gia đình đi tới Ðền Ðức Mẹ từ bi và sốt sắng cầu nguyện cho con". Mẹ Natalia cũng phụ họa theo bố Duilio: "Marcello yêu dấu, vì con đã quyết định, ý Chúa phải luôn được chu toàn. Mẹ mong con sẽ luôn sống thánh thiện và yêu mến Ðức Mẹ Maria, Ngài sẽ nâng đỡ và đồng hành với con trong sứ vụ của con".
Ta còn có thể chứng kiến kết quả của nền giáo dục Kitô giáo đó trong gia đình bố Duilio qua tinh thần đức tin, lòng vâng phục ý Chúa nơi những anh em khác của Marcello, mặc dù Chúa đã tỏ ra mạnh tay với họ qua những đau khổ và ưu phiền.
Tullio, một cậu con trai khác, cưới một cô gái tốt lành là Carmela. Lúc đầu, đứa con trai họ là Mario qua đời. Rồi sau vài tháng đến lượt Gianni, một thanh niên 20 tuổi đẹp trai và đã đính hôn. Một tai nạn xe gắn máy đã chấm dứt tuổi xuân của cậu. Một người quen biết đã viết về hai ông bà đang chịu thử thách như sau:
"Tullio và Carmela đã làm cho mọi người kinh ngạc về đức tin, lòng can đảm, sự bình tĩnh và tư cách của họ trong lúc đau buồn. Những đau khổ ấy có thể làm tan vỡ bất cứ con tim nào. Trên đường từ bệnh viện trở về nhà, sau khi đã tận mắt nhìn thấy thân xác dập nát của Gianni, Tullio cứ lập đi lập lại: Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con? Chúng con làm sao có thể chịu đựng những khổ đau nầy khi vừa phải đau khổ về cái chết của Mario?"
Một người cha tốt lành như vậy ắt phải trối lại cho con cái di chúc hoàn hảo. Duilio viết:
"Bố mong đã nêu gương sáng cho các con về lao động, về lòng yêu mến Giáo Hội, về tình yêu thương dành cho tất cả các con, để các con sẽ sống trong sự kính sợ Thiên Chúa. hãy giúp đỡ và hãy luôn thương yêu nhau. Nếu con giữ được những điều nầy, thì Chúa quan phòng sẽ luôn hiện diện trong gia đình các con. Chúa sẽ ở bên cạnh các con suốt đời, cho các con được sống êm đềm và bình an".
Bố Duilio kết thúc bằng một kinh phát xuất từ con tim tràn đầy Thiên Chúa:
"Ôi lạy Chúa, con được bình an và an ủi khi làm các việc đạo đức của con, vì con thiết tha yêu Chúa. Xin Chúa cho gia đình, vợ và các con cái chúng con được có ngày vui hưởng với Chúa trên thiên đàng. Amen."