Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


20. Một Luật Sư Kitô Giáo

Chooi Mun Sou (Malaysia)

Tôi đến đây để chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã trải qua trong vài năm gần đây. Tôi là một tân tòng. Tôi mới trở thành người công giáo vào năm 1970, sau Công Ðồng Vatican II, không phải qua những thủ tục rườm rà phức tạp của thời tiền Công Ðồng. Tôi tin tưởng rằng đã là Kitô Hữu thì là người Kitô hữu cả 24 giờ, không có nhân cách giữa cuộc sống (với tôi, đó là một luật sư, ông bố của ba đứa trẻ, với một người vợ hết lòng gắn bó với Giáo Hội, đầy năng lực và niềm tin tôn giáo). Trong những ngày mới trở lại Kitô Giáo, tôi may mắn được giới thiệu với phong trào SUY TƯ gọi là "MIAMSI". Các hội viên phong trào ở Âu Châu cũng như ở những nơi khác, giúp tôi suy nghĩ cách làm thế nào để sống cuộc đời này với tư cách là một Kitô hữu 24 giờ đồng hồ. Tôi đã thất bại nhiều lần vì luôn tìm lý lẽ để biện minh cho hành động của mình, luôn tìm cách hợp lý hóa hành động của mình. Là một luật sư được đào tạo theo truyền thống Anh Quốc, tôi luôn có thể dễ dàng viện ra 1001 lý do để chống đối hoặc bênh đỡ cho một vấn đề. Nhưng tôi đã thành công ở một mức độ nào đó.

Thử thách thật sự xảy ra vào những năm sau đó, năm 1984, đó là những năm cao điểm của mọi bất hạnh ở Malaysia. Cần phải ngăn chận một vụ đổ bể của một ngân hàng. Một công ty Hồng Kông, rất nổi tiếng vào năm 1982-1983, bị phá sản và kéo theo một món nợ hai tỉ đôla Mỹ. Khi đó, người ta mới vỡ lẽ rằng một ngân hàng quốc doanh Malaysia phải gánh chịu phân nữa số thiệt hại đó. Lúc đầu, mọi người ở Malaysia không chịu tin cho tới khi một trong các nhân viên ngân hàng bị xiết cổ tại một khách sạn sang trọng ở Hồng Kông, còn xác bị vứt trong một đồn điền chuối.

Tai tiếng này không thể kéo dài nữa và dân chúng đòi phải điều tra khẩn cấp.

Tôi phải đương đầu với một tình huống thật nan giải: một đàng phải đình chỉ hoạt động vì đã có những tham nhũng ở mức độ lớn, một đàng những người có thẩm quyền đã cố tình ém nhẹm vụ này.

Ba người được đề cử vào ban điều tra. Hai người là người Hồi Giáo Malaysia, còn tôi là người Công Giáo gốc Hoa.

Trong những ngày tôi được bổ nhiệm, vợ tôi hối thúc cả gia đình đi dự lễ. Chúa nhật đầu tiên sau ngày đó, việc đề cử chúng tôi được thông báo trên toàn quốc và cha xứ kêu gọi cả giáo xứ cầu nguyện cho ba người chúng tôi, đặc biệt cho tôi, một con chiên trong xứ đạo. Tôi được mời ngồi hàng ghế đầu. Cha xứ và cả giáo xứ đem lại cho tôi can đảm để điều tra sự việc đến ngọn nguồn.

Bốn tháng sau, khi ở Luân Ðôn tôi được điện thoại cho biết người ta đã tìm thấy ông cựu chủ tịch hội luật gia ở Hồng Kông, từng là cố vấn pháp lý cho công ty bị phá sản, nằm chết trong một hồ bơi. Tình hình bắt đầu căng thẳng.

Sau khi xem qua hồ sơ, tôi hiểu rằng phải điều tra lên tới cấp cao trong chính phủ Malaysia. Chúng tôi bắt đầu đưa ra một bản tường trình sơ khởi cho thấy chúng ta đã thiệt mất hai tỉ đôla. Rồi mọi sự bắt đầu khó khăn. Càng ngày chúng tôi càng thấy rõ và thêm xác tín rằng những người chỉ định chúng tôi không bao giờ ngờ rằng chúng tôi sẽ khám phá ra hết sự thật, còn họ cũng sẽ không công bố điều ấy đâu.

Nói vắn tắt, sau 23 tháng làm việc, những tháng sau cũng hơi vất vả vì lo lắng cho an ninh của tôi, chính phủ Hồng Kông đều có nhân viên an ninh hộ tống. Ðiều này hơi căng thẳng một chút. Nhưng tôi được may mắn vì có gia đình nâng đỡ, được nhóm của tôi, nhóm MIAMSI hết lòng cầu nguyện. Dưới đây là một điều nhỏ tôi muốn chia sẻ với các bạn:

Vâng, tôi nghĩ điều đó là yên lòng. Cuối cùng, bản tường trình được hoàn tất, tiết lộ sự lừa dối, phỉnh gạt, tham ô kinh khủng và che đậy của chính phủ; tất cả phải được công bố. Ðiều chúng tôi suy đoán đã xảy ra. Chính quyền không giữ đúng lời đã hứa với dân chúng, họ tấn công chúng tôi, cho rằng bản tường trình có những lời lẽ bôi nhọ, nên không được công bố. Tuy nhiên họ đã sai lầm. Họ nói thêm nếu những người soạn ra bản tường trình cứ công bố nó, thì sẽ lãnh lấy cái nguy hiểm là phạm tội phỉ báng. Nhưng họ đã sợ hãi và kinh ngạc khi tôi và một ủy viên khác mở một cuộc họp báo vào ngày hôm sau và cho biết sẽ công bố nó. Rốt cục, bản tường trình được công bố và kết quả là năm người bị bắt: một người trong đám họ hiện nay vẫn còn chống lại việc dẫn độ từ Luân Ðôn, một người khác bị bắt ở Paris sau khi đã trốn tránh cả năm trời, một người đang ở tù, hai người khác cũng đã bị bắt.

Người ta hỏi tại sao tôi cương quyết điều tra như vậy. Câu trả lời rất đơn giản. Nếu tôi đã cam kết với Ðức Kitô, nếu tôi là một Kitô Hữu, làm sao tôi có thể được an bình trong tâm hồn, trong cộng đoàn Kitô Hữu, khi sống giữa một xã hội không có công bình, không có sự thật. Khi một hoàn cảnh như thế xảy ra, chỉ có thể chọn một trong hai: hoặc phải can đảm đương đầu, hoặc thỏa hiệp. Vâng, có thể tìm ra lối thoát không cần phải đi xa như vậy. Nhưng trong trường hợp tôi, tôi nghĩ mình không thể thỏa hiệp được.

Có lẽ phần nào là "bởi nguyên do" của Cha Paul Tan, dòng Tên, khi Ngài nói với tôi trong nhà thờ: chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông để ông có đủ can đảm điều tra sự việc đến ngọn nguồn. Tôi nghĩ rằng vì tôi được gia đình nâng đỡ, lời cầu nguyện đó vẫn luôn luôn nâng đỡ tôi kể cả bây giờ. Giáo hội của chúng ta, cùng với các Giáo hội khác, Giáo hội Methodist và Giáo hội Anh Giáo đã sát cánh dũng cảm đấu tranh cho sự thật, chống lại bất công, tham nhũng. Các Giáo Hội ấy cũng liên kết với Phật Giáo, Ấn Giáo và người Sikh đấu tranh cho sự thật.

Một ủy viên trong văn phòng thư ký của Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách giáo dân đã tới thăm tôi ở Kuala Lumpur khi tôi đang sống giữa bao công việc rối bù và đôi khi thiếu an toàn như thế. Anh bảo đảm với tôi rằng tôi sẽ được Ủy Ban cầu nguyện trong suốt thời gian khó khăn ấy.

Ðiều kỳ lạ là sự việc không kết thúc ở đó. Vì kể từ sau đó, tôi lại được mời điều tra một vụ ngân hàng khác: lần này lên tới 4,5 tỉ đôla, cũng ở Hồng Kông. Tuy nhiên, tôi được thong thả hơn; không ai bị ám sát. Có lẽ đây là một dấu hiệu: nếu chúng ta dám nói sự thật, dám chống lại bất công, ở mọi cấp độ, thì nhiều người sẽ liên kết với chúng ta, sẽ cùng làm việc với ta để phục vụ mục tiêu đó.

Tôi sung sướng được mời chia sẻ với các bạn kinh nghiệm ấy trong cuộc hội thảo như thế này.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page