"Ðức tin có được nhờ nghe".
Phần lớn chúng ta đã gặp Ðức Kitô lần đầu nhờ "một nhà truyền giáo" nào đó. Tôi là Francis Xaviê Hashimoto và tôi cũng gặp gỡ Ðức Kitô như vậy.
Câu chuyện của tôi bắt đầu tại Osaka vào cuối Thế Chiến thứ hai. Trái bom nguyên tử đã phá tan chủ nghĩa dân tộc của Nhật, và chỉ để lại cho chúng tôi một tâm hồn trống rỗng nhưng lúc nào cũng khắc khoải tìm kiếm.
Hồi ấy khi đang học năm thứ hai trung học, tôi có dịp đi ngang qua một nhà thờ Kitô giáo. Một vài người mời tôi vào và giới thiệu tôi với vị mục sư phái Methodist. Tôi đã lớn lên trong một gia đình Phật Giáo và đây là lần đầu tiên tôi được giáo huấn của Ðức Giêsu Kitô. Tôi cảm thấy rất vui nên trong vòng một năm sáng Chúa Nhật nào tôi cũng đi dự lễ. Song tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm.
Ðến năm cuối trung học, một thầy giáo hỏi chúng tôi: Ai là người truyền đạo Kitô đầu tiên tại Nhật. Tôi lại quyết định tới một nhà thờ Kitô Giáo khác gần trường và hỏi một linh mục Công Giáo. Ông ấy cho tôi một cuốn nhỏ về thánh Phanxicô Xaviê và bảo tôi hôm sau hãy trở lại. Tôi cảm thấy vị linh mục này rất sùng đạo nên hằng ngày tôi đến và đặt các vấn nạn với ngài như:
"Có Thiên Chúa hay
không?
"Con người có linh hồn hay không?
"Sau khi chết con người sẽ đi
về đâu?
"Ðâu là ý nghĩa của cuộc
sống thường nhật?
Tôi bắt đầu học giáo lý với vị linh mục đó và đã được rửa tội vào cuối năm 1949, năm Giáo Hội Công Giáo mừng kỷ niệm 400 năm ngày thánh Phanxicô Xaviê đặt chân lên đất Nhật.
Tôi thích đến thăm tu viện của các thầy dòng Phanxicô gần nhà. Tu huynh Romuald người Balan, phụ trách chăm lo công việc vặt vãnh cho tu viện và nhà trường, là người rất tử tế. Trưa nào, nói chuyện với ông, ông cũng bảo: "Chúng ta hãy đi kéo chuông vừa đọc to "Kính mừng Maria..." Trong khi vừa nhìn cái lưng vạm vỡ của ông cử động khoan thai, đều đặn, để cả hồn hòa theo tiếng chuông, tôi nhận ra nơi ông là cả một sự bình an nội tâm sâu xa.
Tu huynh Romuald nói với tôi về đời sống Công Giáo ở Balan, về tu viện Phanxicô mà ông đã sống khi mới vào dòng. Tôi tha thiết muốn được đến thăm mảnh đất đã chịu ảnh hưởng sâu xa của đạo Công Giáo đó. Chuyến đi thăm Vácsava năm 1976 càng gây nhiều ấn tượng cho tôi hơn nữa và tôi muốn sống hành đạo trên đất nước Công Giáo Balan này.
Tôi cố tìm và đã nhận được một ghế giảng viên tại đại học Poznan trình bày về văn hóa Nhật và dạy tiếng Nhật. Tôi học tiếng Balan, và năm 1979 tôi lập gia đình với một cô gái địa phương. Hai ông chú của nàng đều là linh mục. Mặc dù công tác chính của tôi là ở đại học, song lúc nào tôi cũng mong tìm những cơ hội để chia sẻ đức tin của mình.
Mỗi dịp hè, khi chúng tôi và hai con trở lại Nhật để thăm mẹ, tôi đều dành ra vài buổi để nói chuyện với các chủng sinh về công tác mục vụ, và tôi cũng giúp các tín hữu hồi tâm hay tĩnh tâm vài ngày. Tại Balan, tôi có dịp nói chuyện với nhiều dòng cũng như với các sinh viên, các giáo dân trong xứ và thậm chí cả với cha mẹ các chú giúp lễ.
Năm 1985 sắp kết thúc, tôi hân hoan chờ đón ngày mừng lễ Giáng Sinh với vợ và hai con theo một truyền thống tốt đẹp nhất của người Công Giáo Balan. Cuộc gặp gỡ giữa tôi với Ðức Kitô một lần nữa lại bắt đầu.