Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


27. Linh Ðạo của một người
Có Học ở Miền Quê

José Diaz Ricon (Tây Ban Nha)

Tôi nhớ vào năm 1950, khi tôi bắt đầu hoạt động trong nhóm Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành, cuốn linh đạo phổ thông nhất thời bấy giờ là tác phẩm: "Gương Chúa Giêsu" do Thomas Kempi, một thầy dòng đáng kính, viết cách đó vài thế kỷ cho các tu sĩ, chứ không phải cho các giáo dân sống giữa đời.

Sống giữa đời

Người giáo dân chiếm đa số trong thành phần Dân Chúa và như mọi con cái Chúa, họ cũng được mời gọi đạt tới đỉnh cao nhất của sự thánh thiện. Ðời sống đạo của người tín hữu "giữa trần thế" được xem như một con đường hoàn thiện đích thật theo Tin Mừng. Tóm lại, rõ ràng việc giáo dân "sống trong Ðức Kitô" cũng có bản chất như của các linh mục hoặc tu sĩ, nhưng nó được cụ thể hóa qua những hình thức và hoàn cảnh khác nhau.

Cầu nguyện

Ðể giải quyết và phối hợp các công việc trần thế theo ý Chúa, không phải chỉ cần "có" đức tin mà đúng hơn cần phải sống hoàn toàn theo Ðức Tin, cần thánh hóa cả cuộc đời Kitô Hữu, bằng cách để cho Thánh Thần của Ðức Giêsu thấm vào mọi tư tưởng, lời nói, việc làm và tình cảm, làm cho cả con người trở nên sống động, ăn sâu vào biến đổi con người. Khi để cho hơi thở của Chúa Thánh Thần lôi kéo, ta thật sự là con cái Thiên Chúa: "Phàm ai được thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa" (Rm 8,14). Chính lúc đó, ta cần đặc biệt đến kinh nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để lay tỉnh và phát huy sức năng động của đời sống tâm linh. Khi nhận thức những giới hạn, sự nghèo nàn, sự hư vô của mình so với các vấn đề chính trị, tâm lý, cơ cấu, xã hội và nhân bản, tôi buộc lòng phải cầu cứu các phương tiện đã nói ở trên, tức là các bí tích và kinh nguyện. Nếu không thể tiếp xúc trực tiếp với Chúa, tôi sẽ hoàn toàn không đủ khả năng đương đầu với thực tại phức tạp ấy.

Chúng ta thực sự vui tươi và tràn trề hy vọng hơn những người khác cùng lâm cảnh ngộ đó, nhờ đã được gặp gỡ Thiên Chúa, được quan hệ với Người trong tình con thảo.

Chúng ta thực sự vui tươi và tràn trề hy vọng hơn những người khác cùng lâm cảnh ngộ đó, nhờ đã được gặp gỡ Thiên Chúa, được quan hệ với Người trong tình con thảo.

Ơn gọi của người Kitô hữu là ơn gọi cầu nguyện. Ai không quan tâm đến việc cầu nguyện thì cũng chẳng thiết tha gì đến việc làm người Kitô hữu. Nếu chỉ vào nước Chúa như một người làm công và tôi tớ, thì không cần gì đến việc cầu nguyện và sống thân mật với Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta được gọi để làm "Con cái Chúa" (1Ga 3,1), "bạn của Ðức kitô" (Ga 15,15), "người nhà của Thiên Chúa" (Ep 2,19), và không có gia đình hoặc mối quan hệ thân thiết nào mà không đòi hỏi phải có sự thân mật và bền vững. Ngoài ra, còn một lý do quan trọng nữa để các Tông đồ giáo dân phải chuyên cần cầu nguyện: đó là nhu cầu thánh hóa chính bản thân và phục vụ người khác.

Tôi tự cho mình là người năng nổ và dấn thân (những ai biết tôi đều có thể xác nhận như thế), nhưng tôi cũng xác tín rằng hoạt động không thể thay thế cho cầu nguyện. Nhiệm vụ và trách nhiệm ta càng nặng nề, ta càng phải cầu nguyện, nếu không ta sẽ liều lĩnh để mình bị cuốn theo cơn lốc hoạt động. Tôi rất tiếc phải nhìn nhận: vài người làm việc chung với tôi đã tin rằng hoạt động là cầu nguyện, và họ đã bỏ cả cầu nguyện lẫn hoạt động Tông Ðồ để chạy theo tinh thần hiếu động. Ðôi khi hiếu động theo nghĩa xấu nhất.

Khi hoạt động chương trình sống mỗi ngày tôi đều dành ra ít nhất một giờ để cầu nguyện riêng. Tôi đã không bỏ giờ nầy vì bất cứ ai hay bất cứ việc gì, vì tôi cảm thấy cần suy xét mọi sự trước mặt Chúa. Khi phải đương đầu với những khó khăn và âu lo, khi bối rối trước những nhu cầu cụ thể, những người đau khổ, lầm lỗi của người khác, sự lộn xộn, ngang bướng v.v..., tôi không thấy một phương pháp nào đáng tin cậy và chắc chắn bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, dâng hy sinh của mình, nhìn lên Chúa và trông cậy vào lòng thương xót của Người. Và khi mọi sự được êm đẹp, hãy cảm tạ Người.

Mặt khác, khi cầu nguyện, tôi thích chọn những đề tài như vinh quang, quyền năng, sự tốt lành của Chúa, cũng như tội lỗi của tôi và của người khác. Ðôi khi tôi không theo đề tài nào mà để mình được thư dãn, nghỉ ngơi, an bình cùng Chúa, chỉ lắng nghe mình Người, cứ thinh lặng. Nhưng thường tôi phải từ bỏ ước muốn cần thiết và hợp pháp này, vì biết bao nhu cầu của anh em tôi cần được suy xét nghiêm túc và tin tưởng trước mặt Người.

Thói hiếu động

Một trong những khó khăn tôi gặp phải khi cố gắng gia tăng tình thân mật với Chúa là: dù biết kết hợp với Chúa là điều quan trọng (Giáo hội không ngừng khẳng định điều nầy), nhưng khi sống giữa đời, tôi lại không thể đặt việc kết hợp nầy làm hàng đầu.

Khi có nhiều điều phải làm trong ngày, trong tuần hay tháng (công việc, vấn đề phải giải quyết, người cần thăm hay tiếp đón, những buổi hẹn, hội họp v.v...) thay vì tránh những hoạt động nầy, tôi có khuynh hướng giảm bớt giờ dành cho Thánh Lễ, thời giờ gặp gỡ linh mục hoặc giờ đọc sách đạo. Về phần tôi, tôi phải luôn luôn chiến đấu chống lại tính hiếu động và học cách tín thác vào Chúa nhiều hơn.

Một khó khăn lớn khác là với những người (như tôi) thuộc giai cấp nghèo, phải lao động vất vả để lo cho gia đình, thời giờ là rất thiếu tự căn bản. Tôi cũng chưa xây dựng được một bậc thang giá trị, bằng chứng là coi nhẹ việc kết hợp với Chúa cả trong các tổ chức Tông Ðồ lẫn trong các buổi họp, buổi hội và các hoạt động khác của Giáo Hội ở mọi cấp độ. Khi "đi ra ngoài" cuộc sống hằng ngày bình thường để tham dự các cuộc hội họp ấy, tôi nhận thấy thật là khó kết hợp với Chúa. Ðiều ấy thật khó tin, nhưng có thật. Khi ấy tôi cố làm cho người khác hiểu rằng trong các buổi họp như vậy, chúng tôi nên dành thời gian để cầu nguyện, cử hành Thánh Lễ và suy niệm. Thỉnh thoảng tôi được các người cùng chung ưu tư này giúp đỡ. Cũng có khi trong các buổi họp quốc gia hoặc quốc tế của phong trào Tông Ðồ (tôi có dự), người ta chỉ cử hành thánh lễ một lần trong suốt 5, 7 hoặc 10 ngày họp, thậm chí còn vào một giờ giấc không thích hợp.

Ước mong của giáo dân

Ðiều mà giáo dân chúng tôi mong các Giáo sĩ và tu sĩ giúp để hoàn thành sứ mạng của mình thì thật quan trọng và đặc biệt: Chúng tôi mong rằng các vị hãy là thầy dạy chân lý, nghĩa là hãy lo trở nên thánh, trở nên người khôn ngoan và làm chứng. Qua lời nói, tác vụ, khả năng, nền giáo dục, sự hiệp thông của các vị ấy với toàn thể Giáo Hội, sự kết hợp đặc biệt với Chúa, họ sẽ giúp chúng tôi đồng hành với các anh chị em trong cuộc lữ hành dài nầy để tiến về với Chúa Cha, qua Chúa Giêsu, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, với sự trợ giúp của Ðức Maria và các Thánh.

Kết hợp với Chúa

Ðiều căn bản là người giáo dân phải nuôi dưỡng đời sống đạo của mình để có nó trở thành xi măng, thành động cơ và cấu trúc của toàn thể cuộc sống, nếu không, họ sẽ không thể làm được điều gì tốt, cao quý hay xây dựng.

Giáo dân chúng ta thiết tha hy vọng được sống sự sống của Chúa. Nhưng chúng ta sẽ không ước mong sự sống đó khi khả năng gần gũi Thiên Chúa, kết hợp với Người, phát triển đời sống đạo của mình, bị tước mất, vì chúng ta biết rằng những khả năng đó là nguồn hạnh phúc để mình chia sẻ với người khác và là nguồn hứng khởi cho công việc của mình, đó là làm cho các vấn đề trần thế được thấm nhiễm tinh thần của Chúa.

Thế giới hôm nay với bao nhiêu mâu thuẫn, khó khăn, sợ hãi, nghi ngờ, khiến các giá trị nhân bản, đạo đức và luân lý, đang chờ mong và hướng các tín hữu với lòng hy vọng. Bằng đức tin kiên vững và chân thành, chúng ta sẽ là men, muối đất và ánh sáng cho thế giới.

Quan tâm và huấn luyện đời sống tâm linh

Nội dung của chương trình huấn luyện ấy phải gói cả tin mừng và nói chung, Lời Chúa. Ðó là Giáo Huấn của Giáo Hội và đặc biệt các văn kiện của Công Ðồng Vatican II, chứng tá của người Kitô hữu, dấn thân giữa đời, đồng trách nhiệm trong Giáo Hội, liên đới với mọi người, nhất là những người làm việc với người nghèo, vì những người đang đau khổ vì Tin Mừng, vì hòa bình, vì gia đình, việc Tông Ðồ giáo dân, đặc biệt những việc Tông Ðồ có tổ chức, các vấn đề gia đình như hôn nhân, giáo dục, trẻ em, người già v.v...

Các bậc thầy và những người đã từng làm chứng, đã từng giúp tôi thì có vô số: trước hết là Ðức Giêsu, vị Thầy tuyệt vời mà tôi gặp trong kinh thánh, rồi vị Thầy ấy đã bộc lộ ý muốn của mình qua giáo huấn của Giáo Hội, các Thánh mà tôi đã biết tiểu sử, một linh mục khôn ngoan và thánh thiện, những bạn bè trong nhóm tông đồ, các giáo hữu dấn thân trong những lãnh vực mà tôi có dịp tiếp xúc và hoạt động chung.

Cộng đoàn

Những cộng đoàn đã giúp tôi nhiều nhất: trên hết là Giáo Hội phổ quát mà tôi thật sự cảm thấy gắn bó qua giáo xứ, giáo phận, giáo lý, kinh nguyện, qua việc tôi nỗ lực sống hiệp nhất với Giáo Hội, và tổ chức Tông Ðồ mà tôi đang tham gia là tổ chức Công Giáo Tiến Hành nông thôn của Tây Ban Nha, nhóm Tông Ðồ của tôi.

Tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt tới hai cộng đoàn đã nâng đỡ tôi cũng như nhiều giáo hữu dấn thân mà tôi được biết có một đời sống đi đôi với đức tin của họ. Ðó chính là nhóm Tông Ðồ và gia đình của tôi.

Nhóm Tông Ðồ

Nhóm Tông Ðồ nầy có quan hệ với Phong Trào Tông Ðồ Giáo Dân đã đem lại cho chúng tôi nhiều điều: tinh thần tương trợ, sự huấn luyện, những hoạt động, trách nhiệm, phương pháp làm việc, suy niệm và cầu nguyện thông thường, nhất là duyệt xét lại toàn bộ, thực tiễn, nghiêm túc và sâu sắc các hoàn cảnh sống có liên hệ đến các vấn đề, hoạt động và những sự kiện trong cuộc sống mình để tập nhìn chúng cách thanh thản và khách quan. Chúng tôi cứu xét nguyên nhân và hậu quả đồng thời đánh giá chúng theo quan điểm Kitô giáo. Chúng tôi xét xem động lực và hoạt động của mình có thật sự mang tinh thần Kitô giáo không, xem chúng có giúp giáo dục và phúc âm hóa người khác và các "chiến sĩ" của mình không, cuối cùng, chúng tôi quyết định nhắm nhiều mục tiêu khác nhau khi vuợt qua hay bẻ lái những khó khăn của mình. Ðây là cách tốt nhất để sống liên đới với người khác trong một thái độ phê phán tích cực, một tinh thần tôn giáo sâu xa và lòng can đảm của một ngôn sứ.

Gia đình

Một Cộng đoàn gồm những công dân bình thường khác là gia đình, Giáo Hội "tại gia", tế bào phản ảnh một Cộng đoàn vĩ đại là Giáo Hội phổ quát.

Gia đình Kitô giáo đem lại cho ta sự nâng đỡ và sự hưng phấn nhờ lòng tin tưởng lẫn nhau, nhờ kinh nghiệm đức tin của nhau, sự thanh thản, cộng tác của các thế hệ, nhờ công việc và nỗ lực chung, sự đối thoại, tình yêu và lòng trung thành với nhau.

Tất cả những trách nhiệm của tôi trong phong trào, các cộng tác viên, Giáo Hội, chính trị và xã hội, là những nguồn nâng đỡ lớn lao cho tôi: tất cả đã góp phần làm cho đời sống đạo và con người của tôi được sinh động và được củng cố, giúp tôi hình thành và hướng dẫn nhân cách của Kitô hữu của mình.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page