Thánh thiện là một điều nên sống hơn là nói. Dù có đúng như vậy, tôi vẫn tin rằng nên Thánh là chu toàn các việc bổn phận ở đây và lúc này vì yêu Chúa, yêu các người thân của mình, bạn bè và láng giềng. Tôi có ý muốn nói rằng chính ta phải chia sẻ với người khác; hành vi chia sẻ ấy có thể gọi là việc "Tông Ðồ".
Ðối với tôi, nhiều khi Chúa có vẻ là một hữu thể siêu việt vừa huyền ảo vừa xa cách "cỡ trên cao kia", hoặc như một ý niệm triết học, chứ không như một Hữu Thể thật sự và rõ ràng mà tôi có thể sờ mó và cảm nhận được. Nhận thức Thiên Chúa bằng tinh thần và giác quan của mình có phải là cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa không?
Ðể cảm nhận và thật sự tin rằng Chúa ở với tôi, thật sự ở đây và lúc này, một Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Tôi phải mường tượng ra Ba Ngôi có thể giải bày với Thiên Chúa mọi tình cảm và ước muốn thầm kín, niềm vui và thành đạt, cũng như mọi sợ hãi ngấm ngầm và những mộng ước không thành. Tóm lại, ta hãy để cho từng Ngôi Thiên Chúa chiếm hữu lấy chính hữu thể của ta, để cảm thấy Người hiện diện nơi tinh thần, linh hồn, thân xác và tâm trí ta một cách dịu dàng ấm áp, cho Người chiếm lấy ta một cách thâm sâu hết sức ngõ hầu ta có thể hòa tan với Người. Theo tôi, đó là cốt tủy của việc cầu nguyện.
Tôi nói chuyện với Chúa Cha. Tôi hình dung Người như cột ánh sáng, như một luồng sáng ngọt ngào bao bọc lấy tôi và đem lại cho tôi sự ấm cúng. Tôi mời người len vào hết mọi ngõ ngách tăm tối của tâm hồn tôi, toàn thể con người tôi, và hoàn toàn chiếm tôi.
Với Chúa Con, tôi hình dung Người như một khuôn mặt vĩ đại, hơn cả sự sống, đang sống và mạnh mẽ. Tôi cầu nguyện với khuôn mặt ấy, không phải như với một ảnh tượng đạo to lớn, vô hồn, phẳng lì, một chiều, nhưng như với một con người thật sự, một khuôn mặt hồng hào bằng xương bằng thịt, đang giơ tay chúc lành cho tôi, một khuôn mặt dịu dàng đang mỉm cười, không khác tượng Thánh tâm vĩ đại ở nhà thờ giáo xứ lắm. Tôi thưa với Người mọi sự, có đôi điều quan trọng, tuy nhiên hầu hết là các vấn đề thân thiết và thân thuộc, về chính tôi, về vợ con, bệnh tật, dự phóng, những âu lo, cũng như những thành đạt và vài thành công nhỏ. Ðôi khi chữ nghĩa đâu mất, tôi phải lặp lại, tập trung vào từng chữ: "Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con", giống như sách tụng kinh của vài giáo phái Phật Giáo.
Nhiều người quen hình dung Chúa Thánh Thần như một con chim bồ câu vì, quả thật đôi lần Ngài được mô tả như vậy theo khoa biểu tượng của Công Giáo. Tôi khó lòng cầu nguyện với một con chim bồ câu. Nhưng mỗi ngày tôi vẫn siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, dù hình ảnh hay biểu tượng về Ngài thật mơ hồ.
Các tín đồ Hồi Giáo cầu nguyện một cách trang trọng nhiều lần mỗi ngày. Tôi tự hỏi tại sao tôi, một Kitô Hữu lại không thể cầu nguyện như vậy. Thật ra, tôi đã cố gắng, tuy không trang trọng như anh em Hồi Giáo, nhưng một cách thân mật bằng cách tâm sự với Chúa khi chờ đợi ở trạm xe buýt hoặc trên đường xe chạy tới văn phòng và thậm chí cả khi tôi nghỉ ngơi ở văn phòng. Khi tôi cuốc bộ từ nơi này sang nơi khác trên đường phố đông đúc, hòa lẫn với đám đông vội vã, tôi cũng có thể cầu nguyện.
Một trong những kinh tôi thích nhất là chuỗi Mân Côi. Tôi lần chuỗi ở trạm xe hay trên xe buýt khi đi làm. Tôi cũng thích những lời nguyện vắn tắt của Giáo Hội. Khi tôi đã thuộc và không còn chú ý đến ý nghĩa các kinh nữa, tôi tập trung vào hơi thở (tôi thở ra những căng thẳng và những đè nặng đang quấy rầy tôi, và cố thở vào an bình, niềm vui, an nghỉ, an ủi và hòa bình của Chúa).
Ðức Mẹ cũng thường được trình bày qua một bức ảnh phẳng, một chiều, chứ không như một con người bằng xương bằng thịt, đang sống. Vì lý do đó, đa số các thánh cũng được trình bày qua các ảnh tượng thánh theo ước lệ cứng nhắc, nếu không nói là vô hồn và thiếu sự sống. Vì thế, tôi cố gắng hình dung các thánh như những con người thật sự; tôi cố nghĩ ra chiều cao, vóc dáng và khuôn mặt tràn trề tình yêu của các Ngài. Nhờ bằng xương bằng thịt và sống động, các Ngài mới quan hệ được với tôi như những con người đang sống. Và bởi vậy, tôi có thể nói chuyện với các Ngài như những ngôi vị với nhau.
Cầu nguyện chỉ là một phương thế để nên thánh. Nhưng cả bây giờ tôi cũng không thể nắm được sự thánh thiện lý thuyết cũng như trong thực hành. Tôi vẫn cảm thấy thánh thiện là một điều nên sống hơn là nên nói. Dù có đúng như vậy, tôi vẫn tin rằng nên thánh là chu toàn bổn phận của mình ỏ đây và lúc này vì yêu Chúa, yêu các người thân của mình, bạn bè và láng giềng.
Trước đây, người ta có khuynh hướng xem việc "tông đồ" như một việc vĩ đại, gây cảm xúc mạnh mẽ như đem Chúa và đức tin của mình tới những miền ở ngoài nước, quen gọi là "ngoại đạo", hoặc có thể tử vì đạo nữa. trong thời đại và hoàn cảnh chúng ta, tử đạo theo cung cách xưa, và anh hùng đó khó xảy ra lắm. Ðang khi tôi hiểu rằng vùng đất "ngoại đạo" có thể là môi trường tôi đang sống, gia đình và vòng quan hệ nghề nghiệp của mình. Thế thì tử đạo cốt là sống cuộc đời vô vị, đều đều, buồn tẻ và bình thường này cũng như thi hành những công việc mà hoàn cảnh bản thân và nghề nghiệp đòi hỏi.
Tôi là một người chồng, một người cha làm việc trong lãnh vực chuyên môn của mình. Nhưng nói thì dễ hơn làm.
Nhiều lần với tư cách là một nhà nghiên cứu và học giả, tôi đặt công việc lên trên gia đình. Tôi dễ biện minh cho những việc làm và quan hệ của mình bằng một câu ngắn gọn: "Rồi vợ con tôi sẽ hiểu". Dĩ nhiên vợ con tôi đã hiểu. Thật sự, nhiều lần trước đây phải xa gia đình đi ra nước ngoài vì công việc của một trí thức và một học giả, và quả thật, khi đang viết những dòng chữ này, tôi đang ở Nhật để nghiên cứu và viết lách. Tuy nhiên, xa vợ con không làm giảm tình yêu và tình cảm của tôi đối với họ: tình yêu ấy được diễn tả qua những bức thư và những cú điện thoại đều đặn cũng như qua những món quà tôi gửi về, nhưng nhất là qua những lời cầu nguyện vượt không gian và thời gian, để nối kết chúng tôi lại với nhau.
Tôi muốn yêu Chúa hết sức nồng nàn theo hoàn cảnh riêng của mình, nhưng nhiều việc cản trở khiến tôi không yêu Ngài hoàn toàn được. Phần lớn những việc đó là tôi tạo ra. Tôi là một người quá yêu mình. Ngay cả khi cầu nguyện, tôi cũng dành nói nhiều, ít khi để Chúa nói. Tôi cũng nói với người khác (đặc biệt với vợ con) và cả với những đồ vật nữa (sách vở, thư viện của mình!) Nhiều khi những điều này cản trở không cho tôi cởi mở hết, không dè dặt đối với Chúa, hoàn toàn phó thác cho Người và cũng vì thế, ngăn cản tôi quan hệ thân thiết, đầy tình người với Ngài.
Ðôi khi tôi cảm thấy mình sống như một đan sĩ, sống hoàn toàn một mình. Tôi có nhiều thời gian hơn để chiêm niệm và cầu nguyện. Nhưng tôi vừa ý thức rằng sống gia đình với tất cả những căng thẳng và áp lực nho nhỏ sẽ có nhiều cơ hội hơn để thương yêu, từ bỏ, thông cảm và chia sẻ. Do đó, đời sống gia đình tạo nhiều cơ hội để nên thánh hơn là đời độc thân một mình. Ðó là một chiều kích của linh đạo giáo dân mà tôi mới vừa suy nghĩ, sau khi vợ con tôi trở về nhà.
Tuy nhiên, có những lúc tôi thấy dễ chia sẻ với người khác, với vợ con, bạn bè và đồng nghiệp trong lãnh vực nghề nghiệp. Bởi vậy, xét theo viễn tượng này, sống "thánh" là chia sẻ chính mình với người khác; hành vi chia sẻ này có thể được gọi là việc "tông đồ".
Một chiều kích khác của việc tông đồ có liên quan tới hoạt động nghề nghiệp của tôi. Ở một nước Kitô Giáo như nước này (nước Philippines) thật dễ dàng liên kết việc tông đồ trí thức với việc tông đồ xã hội với tư cách là một thừa tác viên giáo dân và là một thành viên của các phong trào đoàn sủng và gặp gỡ hôn nhân.
Nhưng trong một môi trường không Kitô Giáo (Nhật) lại là điều khác. Ý niệm tông đồ trong môi trường đó phải khác. Mỗi ngày, tôi đều xin Chúa giúp tôi đem Ngài đến với những người tôi gặp gỡ trong hoàn cảnh của mình theo những phương cách Ngài biết là tốt nhất. Ngài là Người đủ thẩm quyền nhất để biết việc tôi phải làm. Tôi chỉ xin Ngài sử dụng tôi theo những phương cách mà Người cho là tốt nhất.
Nếu đúng như vậy, có lẽ hình thức tông đồ tốt nhất của tôi chỉ là sống như tôi đang là: không hiếu thắng cũng như không bi thảm hóa. Chỉ sống như tôi đang là, tức là thạo ngành nghề trong lãnh vực chuyên môn, vui vẻ, thân ái đơn sơ khi tôi làm công việc bổn phận hằng ngày.
Tóm lại, phải tỏa chiếu ra những gì là của "Chúa", những gì là "Kitô Hữu" nơi tôi. Và phải cho thấy tất cả những điều này được làm vì lòng yêu mến, không phải chỉ cho một lý tưởng nhưng cho một Ðấng vượt lên trên lý tưởng ấy.