Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


43. Khi Thần Chết
cất đi một người thân

Giáo sư Rosalind Cherian (Ấn Ðộ)

Hồi đầu khi đọc những lời của Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy ca tụng Thiên Chúa ngay cả khi những bất hạnh cứ đeo đuổi ta mãi, tôi vẫn thường tự hỏi "Ðến lúc nào tôi mới có thể ứng xử được như vậy? Ðức Tin tôi có đủ sâu, đủ mạnh để giúp tôi trải qua nổi đau đớn do bi kịch thực tế gây ra không?" Rốt cuộc ngày tôi hiểu được chân lý đó cũng đã đến.

Khi tôi bước chân vào ngôi nhà này làm con dâu cả, thì lúc đó người em trai út của chồng tôi mới có 9 tuổi. Người chị duy nhất của chồng tôi đã về nhà chồng, nên trong nhà không có người phụ nữ nào khác ngoài tôi. Từ một cuộc sống thành thị tấp nập tới đây, tôi cảm thấy bị lôi cuốn trước bầu khí thôn dã bình dị này. Cũng tiếc nhớ nhiều thứ lắm, chẳng hạn âm nhạc, nghệ thuật, văn chương và các trò chơi. Còn chú em, chồng tôi, sinh ra và lớn lên trong một vùng nông thôn hẻo lánh thì lại bị quyến rũ trước khung cảnh bao la của thứ văn hóa giả dối đang hiện thân nơi tôi. Tôi đã dạy chú ấy chơi cờ, chơi "cricket", các thứ bài. Tôi cũng kể cho chú ấy nghe những câu chuyện mà tôi đọc được trong sách vở. Rồi tôi giúp chú học tập. Bù lại, chú ấy giúp tôi các việc trong nhà. Khi tôi sinh được hai đứa con trai, chú ấy hết sức vui mừng.

Rồi theo thời gian chú ấy trưởng thành. Chú tốt nghiệp trung học rồi bắt đầu học luật. Tôi vẫn ở đó như một sợi dây nối kết mọi người trong gia đình. Chú chia sẻ cho tôi nghe những niềm vui, những hy vọng cũng như những thất vọng của mình. Chú đón nhận những lời khuyên bảo và hướng dẫn của tôi. Sau đó chú tham gia chính trị. Ít lâu sau lập gia đình và có được một cô con gái. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục sống chung trong một nhà. Dần dần quen việc, qua việc làm của chú, chúng tôi hiểu rằng chính trị có thể là lãnh vực có lợi cho chú để phục vụ. Chú trở thành một chiến sĩ đấu tranh cho những người bị chà đạp, bị áp bức. Khi phải đương đầu với những thế lực khủng khiếp của tội ác, chú đã chống lại kiên cường và đã chiến thắng. Càng ngày chú càng được mọi người quí mến. Trong cuộc bầu cử sau đó, mặc dù phải vất vả đấu tranh với các thế lực chính trị khác, cuối cùng chú đã đắc cử ủy viên hội đồng của khu vực thị xã chúng tôi. Rồi sự cố bi thảm đã xảy ra.

Sự quấy phá của sinh viên tại trường đại học địa phương đã khiến bầu khí thị xã trở nên căng thẳng và dễ nổ ra xung đột. Chú em chồng tôi lãnh đạo việc tổ chức một cuộc mít tinh phản đối. Và tai nạn đã xảy ra. Xe của chú đụng phải một chiếc xe vận tải. Khi ấy chú đang dựa đầu trên cửa xe ngủ. Thành của chiếc xe vận tải đập vào đầu chú, khiến cửa xe bung, chú bị văng xuống đường và bất tỉnh.

Lúc người ta gọi điện thoại đến, tôi đang ở nhà, còn chồng tôi đi vắng. Người gọi cho biết chú đã được chở tới bệnh viện của đại học y dược. Lúc ấy tôi không hiểu chú đã bị thương nặng nhẹ tới mức nào. Bố mẹ già và người vợ trẻ của chú cũng đang có ở nhà. Mọi quyết định đều do tôi. Do đó tôi quyết định đi tới bệnh viện ngay. Cô em dâu đi cùng xe với tôi.

Tôi gần như chết lặng người vì sợ. Song tôi phải cố tỏ ra can đảm cho hai người kia bớt sợ. Tôi cứ thầm thì mãi trong trí lời cầu xin này: "Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài hãy trả chú ấy lại, xin Ngài hãy trả chú ấy lại cho chúng con".

Khi chúng tôi tới bệnh viện, cả thị xã đã có mặt ở đó, bên trong lẫn bên ngoài bệnh viện. Mọi khuôn mặt đều lo lắng hoảng hốt. Họ nhìn chúng tôi với vẻ xúc động, buồn bã sâu xa, tôi chợt hiểu ra đang có điều gì thật bất ổn.

Sau đó tôi thấy chú nằm trong phòng cấp cứu, bất tỉnh, đầu cuốn băng bê bết máu. Không bị thương chỗ nào khác nữa. Các bác sĩ đang chuẩn bị giải phẫu, không phải vì họ hy vọng gì nhưng chỉ vì muốn tỏ ra họ đã làm việc. Lúc ấy tôi không biết như vậy.

Ðứng ngoài phòng giải phẫu, tôi cứ thầm thì mãi lời cầu xin trên kia của tôi. Ðột nhiên tôi nghĩ "Tôi hiện là một đứa con bướng bỉnh cứng đầu. Tôi tuân phục đón nhận thánh ý Chúa chỗ nào?" Nhưng tâm trí tôi lại lý luận: "Chúa Giêsu đã đòi chúng ta trở nên con trẻ".

Các bác sĩ cho biết đầu chú ấy đã bị chấn thương nặng. Nếu có sống thì cũng không thể là một người bình thường được nữa. Có lúc lòng tôi muốn bảo: "Xin hãy để chú ấy sống. Tôi chỉ muốn thế mà thôi". Tuy nhiên sau đó tôi lại nghĩ: "Chú ấy có thể chịu đựng kiểu sống ở cấp độ thực vật không?" Vì chú là một người đầy nghị lực, quen sống sôi nổi tươi vui, cười to nói lớn, bận rộn suốt ngày. Tuy nói thế nhưng lý trí tôi vẫn chưa thể chấp nhận nổi sự thật hiển nhiên này: cái chết. Tôi cầu nguyện: "lạy Chúa Giêsu, xin hãy trả cậu ấy lại cho chúng con như trước đây đi".

Giải phẫu xong, họ cáng chú trở về phòng. Các bác sĩ tiên đoán chú ấy sẽ không sống nổi quá 2 giờ. Vợ, mẹ chú và tôi đến ngồi gần chú. Tôi không thể quan sát kỹ khuôn mặt của người thiếu nữ vợ chú ấy. Ðịnh mệnh đã giật đi tất cả những thứ cô ấy đã có được. Cô bị khủng hoảng. Cô ngồi đó trơ như một bức tượng. Tôi xót xa trong lòng cho cô song chẳng biết nói gì để an ủi. Tôi phó dâng cô cho Chúa Giêsu, xin Người tăng sức cho cô ấy trong lúc mất mát mà không thể bù đắp này. Tôi mở cuốn Kinh Thánh mà lúc nào tôi cũng mang theo trong người. Tôi mở may rủi và thấy câu Thánh Vịnh:

Và cứ thế những câu thơ thống thiết ấy đập vào mắt tôi. Khi tôi ngồi đó cố cầu nguyện, tôi nhớ lại là chính tôi cũng đã từng khuyên bảo nhiều người hãy đón nhận ý Chúa. Sao bây giờ tôi lại không chấp nhận? Nhưng chuyện đó hoàn toàn chẳng dễ chút nào đối với tôi.

Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi tôi tùng phục Người. Thức suốt 24 giờ bên chú ấy, một thân thể to lớn choán vừa khít cái giuòng bệnh viện; chỉ có một dấu hiệu sự sống duy nhất là hơi thở thều thào và nhịp tim đập. Chú ấy chẳng còn biết đau, biết gì khác nữa. Chúa Giêsu cho chú ấy sống thêm những giờ phút đó để chúng tôi có thể hiệp thông được với ý muốn của chú. Hàng ngàn người cùng thức với chúng tôi, bao bọc chúng tôi bằng tình yêu, bằng sự lo lắng, cảm thông nồng ấm của họ, người giàu kẻ nghèo, người ở tầng lớp cao, kẻ ở tầng lớp dưới, mọi người đều kiên nhẫn chờ đợi.

Ðến đêm chồng tôi trở lại, và anh bơ phờ hẵn đi. Trước đây tôi luôn coi anh ấy là một con người mạnh mẽ, thản nhiên trước mọi hoàn cảnh. Còn bây giờ trông anh ấy thật bơ vơ, lạc lõng. Ðến sáng chúng tôi đi dự lễ tại một nhà nguyện gần đó. Bài Thánh Thư hôm đó là của thánh Phaolô:

"Vì phần tôi, tôi là tửu tế đã tiến, buổi ra đi đã đến gần. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa tôi đã chạy cùng đường, tôi đã kiên giữ lòng tin. Bởi đó, triều thiên công chính đã dọn sẵn cho tôi trong ngày ấy..." (2Tm 4,6-8).

Ðúng, chú ấy đã thật sự thực hiện được nhiều hơn chứ không phải chỉ là sự nghiệp của một đời người, dù chỉ sống một thời gian ngắn ngủi. Chú đang đi nhận phần thưởng vĩnh cữu. Vì vậy, tôi và sự ích kỷ của tôi không có quyền níu kéo chú lại. Lúc đó, tôi mới tìm lại được bình an tâm hồn. Tôi cúi đầu thì thầm "Lạy Chúa Giêsu, xin cho ý Ngài được thực hiện".

Chú ấy không bao giờ tỉnh lại nữa. Chú ấy thở sâu hơn một hoặc hai lần, rồi sau đó tắt thở. Chỉ khi đó vợ chú mới hiểu ra cái sự thật đau đớn cố phải chịu. Vật vã bên xác chồng, chúng tôi phải giữ cô ấy lại và an ủi: "Thôi, đừng buồn, hãy còn chúng tôi bên cạnh cô". Ðã 7 năm rồi cô ấy vẫn còn sống với chúng tôi.

Khi đó tôi mới hiểu là mình có thể ca tụng Chúa Giêsu ngay cả trong những lúc đau khổ. Nhiều lúc tôi đã phải thốt lên dù mặt đầm đìa nước mắt: "Chúa Giêsu ơi, Ngài thật kỳ diệu". Hàng chiếc xe, hàng ngàn người lũ lượt đổ về để tỏ lòng tôn kính người thân yêu của họ. Bầu khí căng thẳng và sự thù hằn biến mất. Cả thị xã đoàn kết lại trong nỗi buồn mất đứa con thân yêu của mình.

Một khi ta chịu khuất phục thì mới có bình an hoàn toàn được. Từ đó tôi mới cố gắng tìm kiếm ý nghĩa của sự đau khổ. Tại sao có đau khổ? Tôi cho rằng đó là một mầu nhiệm, một kinh nghiệm cho ta thấy đời sống nội tâm và tăng cường đời sống ấy. Cách Chúa làm thật mầu nhiệm nhưng luôn luôn đúng. Cái chết, đã hết làm tôi sợ. Nếu mọi người đều phải chết như chú ấy, thì cái chết không còn là hình phạt mà là phần thưởng. Tôi không nói: "Tôi mong chết nhưng tôi sẵn sàng sống", mà đúng hơn tôi sẽ nói: "Tôi vẫn mong sống dù tôi không sợ chết".


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page