Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


1. Giờ đây
Các Bạn là Vợ Chồng

Giáo Sư Rosalind Cherian (Ấn Ðộ)

Hồi tôi còn là một sinh viên 18 tuổi đang ngồi ghế đại học, trong một khóa tĩnh tâm nọ, tôi được nghe giảng về việc lựa chọn ơn gọi. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chỉ có ơn gọi đi tu mới là ơn gọi. Tôi nhớ lại khi lên chín tuổi, tôi đã xác tín ơn gọi là "tiếng Chúa mời gọi mỗi người bước vào một lối sống nào đó để thực hiện thánh ý của Người". Vì thế, khi nghe người giảng nói về ơn gọi, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình phải nghiêm túc quyết định. Tôi chẳng có thiên đặc biệt về bên nào nên tôi thưa với Chúa Giêsu: "Xin hãy nhìn đến nữ tì Ngài, hãy thực hiện thánh ý Ngài nơi con". Tôi không nghĩ đó là một sự trao hiến bản thân quyết liệt. Tôi chỉ ủy thác cho Chúa Giêsu cái quyền quyết định ơn gọi của tôi thôi. Ðơn giản vậy thôi. Tôi là con gái của một gia đình Kitô giáo thủ cựu ở Kerala, một xứ sở mà cho đến hôm nay - việc hôn nhân của con cái vẫn còn do cha mẹ sắp xếp. Thế rồi sau kỳ tĩnh tâm đó, tôi trở về nhà và được má tôi cho biết có một chàng trai đã đến hỏi cưới tôi. Người ấy chính là chồng tôi hiện nay.

Tôi thành thật nhận thấy rằng việc Chúa chọn người đàn ông này, từ một nơi cách xa hàng trăm dặm, đã ký thác tôi cho sự săn sóc và yêu thương của anh ta, - là bằng chứng tình yêu của Người. Tôi đã trở thành như hôm nay, vì anh ấy. Ở một xứ sở như xứ sở Karela của tôi (xứ sở của đàn ông thống trị) tôi là một bằng chứng sống động, rằng một người đàn bà vẫn có thể làm được một cái gì đó nếu chị được chồng nâng đỡ và cộng tác.

Hai mươi tám năm sống vợ chồng: Có biết bao điều phải điều hợp với nhau. Tôi vốn là người sống ở thị thành nhộn nhịp. Là con gái út, là cục cưng của gia đình và tôi đã lớn lên không hiểu biết gì về cuộc sống và những vấn đề của cuộc sống. Tất cả thời giờ của tôi được dùng để đeo đuổi nghệ thuật, thể thao và những tiêu khiển khác. Còn gia đình của anh ấy là một gia đình nông dân. Là con trai trưởng, anh ấy gánh vác trách nhiệm về cả gia đình, về cha mẹ già và về đàn em nhỏ trong một ngôi nhà rộng lớn nằm giữa một khu đất gần ba mẫu tây: Ðề tài duy nhất để nói chuyện là nông nghiệp! Tôi quyết tâm đón nhận cuộc sống ấy với cả lòng mình, nhưng anh ấy cảm thấy được nỗi cô độc bên trong của tôi, thật tôi chẳng khác nào một chú cá bị lấy ra khỏi nước. Anh đã thuận cho tôi theo các khóa nghiên cứu sinh, nhờ đó tôi đã trở thành một giảng viên đại học. Rồi anh đã hỗ trợ để tôi được bầu vào chức vụ cố vấn chính quyền địa phương. Anh có đủ quảng đại và tự tin để không ái ngại trước sự tiến thân của vợ mình. Chúng tôi vẫn sống với ba má anh và mẹ chồng già nua của tôi đã ủng hộ tôi nhiều hơn hết để tôi trở thành người rao giảng Tin Mừng.

Tôi không dám nói rằng đời sống hôn nhân luôn luôn là một thảm hoa hồng. Cũng có những thăng trầm, những lúc tôi thấy như anh ấy không thông cảm đủ. Và hẳn cũng có những lúc anh cũng cảm thấy như vậy. Nhưng vì cả hai chúng tôi đều đang mang nặng những trách nhiệm gia đình nên chẳng mấy khi có thời giờ để mà than thân trách phận. Chính trong thời gian ấy, tôi đã cho ra đời hai cậu con trai.

Nhìn lại tôi thấy quãng đời ấy chẳng có ý nghĩa gì mấy. Cuộc sống là một cái gì lặp đi lặp lại. Hôn nhân là gì? Vai trò một người vợ là gì? Ðó là những chuyện tôi không biết và cũng không bận tâm lắm. Trong những ngày tháng đó, Ðức Giêsu thật mơ hồ. Những khó khăn ấy đã bắt đầu từ đâu? Tôi không rõ. Chỉ biết rằng khi tôi nhận ra tính chất nghiêm trọng của tình huống, thì tình huống đã nghiêm trọng thật sự rồi. Sự tự ái đã đẩy tôi vào cơn khủng hoảng nầy. Tâm hồn tôi bị dằn vặt vô cùng. Tuy nhiên, nếu nhìn bên ngoài thì cuộc sống vợ chồng của chúng tôi cơ hồ như không có sự cố gì. Ðó chỉ là vấn đề nội tâm của cá nhân. Trong khi chán chường như thế, tôi đã quay lại với Chúa Giêsu. Và một lần nữa, tôi đoan hứa với Ngài: "Xin hãy nhìn đến nữ tì của Chúa, hãy thực hiện Thánh ý Ngài nơi con". Tuy nhiên lần này là một sự ký thác toàn tâm và dứt khoát. Giêsu đã trở thành một thực tại sống động trong đời tôi.

Tôi bắt đầu yêu quyển Thánh Kinh. Nó trở nên người bạn đường của tôi. Tôi không học thuộc lòng các câu Thánh Kinh, nhưng cố tìm ra sứ điệp cốt lõi hàm chứa trong đó. Những khuôn mặt như Abraham, Môsê, Ðavít, Gióp, Tobia, các ngôn sứ, cuối cùng là Ðức Giêsu - đã mở ra cho tôi thấy thế nào là ký thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa. Theo Ðức Giêsu có nghĩa là theo Ngài vào vùng phiêu lưu và tăm tối, là tín nhiệm Người hoàn toàn.

Tôi bắt đầu nhận ra ý nghĩa đời mình trong ánh sáng của cảm nghiệm mới mẻ nầy. Nhìn lại tôi thấy có sự dẫn dắt của Chúa quan phòng trong hết mọi giây phút của đời tôi. Cả những khi tôi đã bị lầm lạc hoặc đã nhượng bộ cho những lôi kéo của lòng tự mãn. Người vẫn đuổi bén gót tôi để hướng dẫn, bảo vệ và nhẫn nại đợi chờ tôi. Quá trình tìm kiếm nơi tâm đó đã đưa tôi tới chỗ nhận ra rằng mình đã trở thành một người vợ và một người mẹ bởi đó là Thánh ý của Ngài.

Hôn nhân Kitô giáo là gì? Tôi bắt đầu tự hỏi mình điều đó. Tất nhiên tôi nhận thấy rằng về vấn đề nầy, giáo huấn của Giáo Hội vẫn còn thiếu sót lắm. Một khi vấn đề này được cứu xét do các linh mục và tu sĩ, thì nó dễ nặng tính lý thuyết và thiếu đi sự xác thực.

Thế rồi với Chúa Giêsu làm nhà hướng đạo, tôi bắt đầu tiến sâu vào Thánh Kinh để khám phá sự thật. Thật tôi không bõ công: Từ sách Sáng Thế cho đến Thư các Tông Ðồ, tôi khám phá ra cả một quan niệm về hôn nhân thật tuyệt vời: "Ngài đã sáng tạo nên người nam và người nữ và đã mời gọi họ làm Người". Câu đó, hơn bất cứ cái gì khác, đã giúp tôi hiểu được vai trò của người phụ nữ. Sáng tạo Adam và Eva theo hình ảnh Thiên Chúa (hình ảnh của tình yêu hoàn hảo nơi Chúa Ba Ngôi) đã đặt nền tảng cho hôn nhân. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình, và cả hai trở thành một xác thịt.

Tôi cho đây là định nghĩa hoàn hảo nhất về hôn nhân, bởi vì nó chứng minh rõ ràng được cái bản chất cốt yếu của tình yêu vợ chồng. Nó là một khế ước tự bản chất, và sở dĩ sự ràng buộc vợ chồng không thể tháo gỡ được là vì sự trao nộp trọn vẹn con người mình cho người kia và đón nhận trọn vẹn con người kia. Ðể diễn tả tình yêu hôn nhận ấy, Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh kết hiệp giữa Ðức Giêsu và Giáo Hội. Trong hôn nhân, chúng ta tìm được hình ảnh về công trình Cứu Chuộc của Ðức Giêsu. Như Ðức Giêsu đã từ Chúa Cha mà đến và hiến thân trên thập giá cho nhân loại, cũng thế trong hôn nhân, người ta lìa bỏ cha mẹ để hiến thân cho bạn mình. Dưới ngòi bút của soạn giả Tin Mừng, mối quan hệ độc đáo giữa Maria và Giuse là hình ảnh của một mối quan hệ đã chín muồi sự cảm thông và đón nhận nhau.

Khi tôi nhận thức rõ hơn về Ðức Giêsu và khi tình yêu Người bắt đầu bao trùm cuộc sống tôi, trong mối quan hệ của tôi với chồng đã có một sự thay đổi rất lớn. Có thể nói rằng tôi như bắt đầu trở lại cuộc tình với anh ấy, sau mười lăm năm sống đời vợ chồng: Ðó là kết quả vượt ngoài mọi mong mỏi và khao khát thầm kín của tôi.

Ðiều tôi khám phá được đó là Tình Yêu đối với Ðức Giêsu đã biến đổi tôi thành một con người tốt hơn, có khả năng yêu thương nhiều hơn. Ðến đây, tôi sẽ phân giải ý nghĩa câu Thánh Kinh "Họ trở thành một xác thịt". Ðó là một sự kết hợp của hai ngã vị vượt thời gian và không gian. Cách nhau trăm dặm có thể phân cách chúng tôi về những phương diện thể lý nhưng không thể tách rời chúng tôi được. Tôi có ở đâu, anh ấy cũng tác động được đến tư tưởng, lời nói, hành động của tôi. Vì tôi hiểu tâm tư của anh. Sự "nên một" này khó mà có được một sáng một chiều.

Ðó là một quá trình lớn lên, một quá trình trong đó có người nầy tưởng là đã biết trọn vẹn về người kia, nhưng mỗi ngày vẫn khám phá thêm một khía cạnh mới mẻ xưa nay bị che dấu. Nhờ có tình yêu hôn nhân có được màu sắc phong phú và đa dạng. Tôi cho rằng ngay cả sự chết cũng không thể phá hủy tình trạng "nên một" nầy. Sự chết có thể đem một người đi, nhưng người ấy vẫn có thể tồn tại nơi kẻ còn ở lại và nơi con cái.

Tôi luôn có cảm tưởng rằng Giáo Hội chưa nhìn nhận đúng mức hôn nhân và gia đình. Gia đình là khuôn đúc ra thế hệ mới. Khoa tâm lý cho ta biết rằng sự đúc nắn nầy xẩy ra ngay từ những năm đầu tiên của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ cần phải nhận được các giá trị của Ðức Giêsu trong những năm sớm sủa ấy thì người ta không thể làm điều nầy bằng cách giảng Thánh Kinh cho nó được. Ðứa trẻ thu nhận được các giá trị Kitô giáo bằng cách bắt chước. Vì thế, quyển Thánh Kinh sống động mà đứa trẻ hằng ngày trong gia đình đọc chính là cách sống của cha mẹ. Họ phải trở nên "Lời nhập thể". Và đây thật là một trách nhiệm vĩ đại. Sự dồn ép nầy vẫn còn đang gây nhiều phụ nữ lớn tuổi cho rằng họ không thể gần Thiên Chúa được vì những sinh hoạt tình dục - những sinh hoạt mà họ nói đến như một cái gì ô uế.

Tôi xem việc kết hợp tính dục là một trong những quà tặng lớn lao nhất của Thiên Chúa. Như tôi vốn tự hào về những khả năng tinh thần và thể lý khác của tôi, tôi cũng rất tự hào về dục tính của mình. Khi Thiên Chúa quyết định để cho người đàn ông và người đàn bà tham dự vào tiến trình sáng tạo của Người, Người đã ban cho họ khả năng tính dục. Trong hôn nhân, tính dục không chỉ hướng đến mục đích truyền sinh. Tính dục là một trong những dãy liên hệ quan trọng nhất tạo ra kinh nghiệm hiệp nhất (nên một). Không được phân tích thuần túy về sinh lý, vì sinh lý chỉ là một mầu nhiệm thiêng liêng. Các kinh nghiệm có thể rất khác nhau nơi mỗi cuộc hôn nhân. Ðó là một kinh nghiệm rất riêng tư và không thể được khái quát hóa. Ðó không phải chỉ là sự kết hợp của hai thân xác, nhưng còn là sự kết hợp giữa hai ngã vị. Nó là sự biểu hiện cao nhất của tình yêu bởi vì nó tượng trưng cho sự trao hiến bản thân. Nó có thể xua tan đi những ám ảnh của ưu phiền và lo lắng, có thể làm tươi mát mối quan hệ đã trở nên sáo mòn. Sau một cuộc xích mích, nó có thể giúp cho hai bên được quan hệ thân mật hơn trước.

Tất cả những cảm nghiệm tính dục vừa kể trên chỉ có được khi hai người thừa nhận và tôn trọng sự bình đẳng về phẩm giá của nhau. Tiếc là trong nhiều cuộc hôn nhân, người đàn bà đã trở thành một thứ đồ dùng. Thậm chí có những trường hợp quan hệ tính dục gần như trở thành một sự cưỡng hiếp được hợp pháp hóa. Quan hệ tính dục của người đàn ông và của người đàn bà không giống nhau. Có những lúc đối với người đàn ông, tính dục có thể chỉ là một chức năng thể xác. Anh ta có thể tìm được sự thỏa mãn nơi tấm thân người đàn bà mà không cần phải bận tâm gì về con người của người đàn bà ấy. Nhưng đối với phụ nữ thì sự thỏa mãn tính dục là kết quả của một kinh nghiệm toàn diện về con người. Người phụ nữ chỉ tìm thấy sự thỏa mãn đó nơi con người mà chị có thể chấp nhận được trong tâm hồn. Sự khao khát tính dục dao động theo chu kỳ kinh nguyệt của chị. Chị cảm thấy hưng phấn chậm hơn và cần nhiều thời gian hơn để đạt đến tột đỉnh. Sự tương hợp trong tính dục có thể đóng một vai trò rất quan trọng giúp các hôn nhân tồn tại được qua bao thăng trầm của cuộc sống hằng ngày.

Cũng như tình yêu trong hôn nhân, tính dục trong hôn nhân có thể là một thực tại luôn thăng hoa mãi. Kinh nghiệm cao sâu nhất của tính dục là khám phá ra con người kia, nên kinh nghiệm ấy cứ tiếp tục tươi mát và mới mẻ mãi bao lâu ta còn dấn sâu và sâu hơn vào trong mối quan hệ của mình.

Thân xác con người là một bộ máy tế nhị. Nó vẫn sinh ra được những cảm kích mới lạ ngay cả sau nhiều năm vợ chồng sống kinh nghiệm tính dục với nhau. Hôn nhân có thể là một cuộc trăng mật dài suốt cuộc đời, và cứ thêm mỗi kinh nghiệm mới mẻ, người ta lại nhận được thỏa mãn nhiều hơn.

Sự trưởng thành của tôi trong đời sống đạo, đã đưa tôi tiến xa vào trong sự sung mãn của Chúa Cha vì giúp tôi trở nên (người) hơn. Ðức Giêsu đã ban cho tôi một trực giác giúp tôi hiểu người khác hơn. Trực giác ấy và sự trưởng thành nhân cách xuất phát từ đó được thấy nhiều nhất nơi quan hệ hôn nhân của tôi. Ðầu tiên chúng tôi là hai đứa trẻ ngây ngô chẳng hiểu gì về cuộc sống. Bây giờ chúng tôi đã là hai người lớn, đã chững chạc trong tình yêu của Thiên Chúa. Anh ấy cho phép tôi tham gia vào mọi lãnh vực của mình. Anh là một chủ vườn cao su và mỗi khi phải giải quyết các vấn đề nhân công, chúng tôi lại thảo luận với nhau. Khi tôi được mời tham dự các hội nghị chuyên đề giáo dục, anh cũng rất tích cực quan tâm. Chỗ dựa vững chắc nầy của đời tôi đã giúp tôi có được sự quân bình trong tất cả các hoạt động xã hội của mình. Anh ấy hoàn toàn tin tưởng tôi và tôi cho đó là sức mạnh chủ yếu nhất của mình.

Khi chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ của mình trên Ðá Tảng của mọi thời đại, chúng tôi cảm nếm được một niềm an bình sâu thẳm chưa từng thấy trong kinh nghiệm của con người. Tôi không có ý nói rằng mọi sự đã trở thành êm xuôi tất cả. Trái lại cuộc sống vẫn còn đầy những bất ổn và sóng gió. Có điều không có sóng gió nào có thể tàn phá được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Giêsu là Chúa chúng tôi và chúng tôi chiến đấu trong trận chiến của Người chống lại quyền lực của sự dữ. Chúng tôi dạy dỗ đám con mà Người đã trao cho chúng tôi săn sóc để giúp chúng tìm ra và chu toàn Thánh ý Người.

Gia đình nào có Ðức Giêsu làm chủ, gia đình ấy là một thiên đàng dưới đất; xây dựng thiên đàng nầy là tiếng gọi là Tạo Hóa luôn mời gọi chúng ta.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page