Linh Ðạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


5. Linh Ðạo cho các Bà Mẹ

Denise Anderson (Hoa Kỳ)

Linh Ðạo của tôi cốt là trong và xuyên qua vai trò làm mẹ. Thiên Chúa dùng các con tôi để mạc khải cho tôi về chính Người. Qua các con mình, tôi nhận thấy tất cả những ý niệm về Thiên Chúa mà tôi đã học và đã đọc trước đây bây giờ mới trở thành hiện thực và sống động.

Biết bao lần tôi được nghe nói về Thiên Chúa là một Thiên Chúa thứ tha, một Thiên Chúa chữa trị, một Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện, một Thiên Chúa "vui thích ở giữa Dân Người": Tất cả những định nghĩa ấy về Thiên Chúa vẫn còn là một cái gì trừu tượng, cho đến khi nhờ làm Mẹ, tôi mới khám phá Người và cảm nghiệm Người.

Một lần kia, tôi phải phụ trách một lớp hòa giải cho các phụ huynh, tôi cố gắng nhớ lại một kinh nghiệm hòa giải đã xảy ra trong gia đình tôi, để cho thấy rằng các bậc cha mẹ phải làm công việc hòa giải hằng ngày. Tôi ôn lại một trường hợp đã xẩy ra hai năm trước đó, lúc đó tôi đã thực sự giận dữ với đứa con trai bốn tuổi của mình. Sau khi sự cố xẩy ra khoảng mươi phút, thằng bé đi vào trong phòng chỗ tôi đang ủi quần áo, và bắt đầu hỏi huyên thuyên những câu hỏi ngớ ngẩn. Tôi nhận ra ngay thằng bé đang có ý định gì. Nó bối rối hoang mang trước sự cố bất ngờ mới xẩy ra trong quan hệ với mẹ nó, và nó muốn làm hòa. Ðó là cách làm hòa mà một đứa bé bốn tuổi đã nghĩ ra. Tôi chồm tới ôm chầm lấy nó và thoắt cái đã thấy nó đùa nghịch vui vẻ với mấy cái xe tải của mình. Chuyện ấy đã xẩy ra được hai năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in lúc ấy mình đang làm gì, thằng bé mặc quần áo gì, nhớ cái xe tải của nó, và nhất là nhớ sắc mặt của nó khi nói chuyện với tôi và cái cảm xúc đã làm cho tôi phải chồm tới ôm lấy nó. Nhưng dù cố nhớ mấy đi nữa, tôi cũng chịu thua không thể nhớ được nó đã làm gì khiến tôi giận dữ. Nếu tôi có thể sẵn sàng thứ tha, vui vẻ hòa giải và quên mất điều lầm lỗi như thế, thì Thiên Chúa - một người cha tốt lành hơn tôi gấp bội - còn sẵn sàng hơn biết bao nhiêu! Bây giờ mỗi khi tôi cảm thấy cần phải giao hòa với Thiên Chúa, tôi càng tin tưởng và vui vẻ hơn để bước tới với Người, vì nhớ lại kỷ niệm này với David, đứa con trai bốn tuổi của tôi.

Một trong những lúc vui nhất của người làm cha mẹ là thấy những đứa trẻ của mình tỏ ra tinh khôn, hay dù chỉ tỏ ra ngoan ngoãn, yên lặng làm bài của mình. Những lúc như thế, John - chồng tôi - sẽ nhìn và nháy mắt với tôi. Anh muốn kín đáo nói rằng: "Em hãy xem con mình kìa, chúng ta không may mắn đó sao?". Cha mẹ nào cũng vui thích về con cái mình. Biết bao lần rồi, chúng ta đọc đi đọc lại câu thánh vịnh nói rằng: "Thiên Chúa vui thích ở với Dân Người". Câu ấy có nghĩa gì? Bây giờ tôi đã rõ. Nó có nghĩa rằng Thiên Chúa thích thú với chúng ta khi chúng ta làm công việc mà Người ủy thác, làm mẹ hay bất cứ việc gì khác. Nhưng quan trọng hơn, Người khoan khoái với chúng ta. Ban đầu tôi hơi ngại khi nghĩ như thế. Nhưng rồi, khi làm cha mẹ, tôi đã hiểu điều đó hơn nữa. Với ý nghĩ đó, một hôm khi ngồi ngắm một trong những đứa con nhỏ của tôi, tôi đã ngạc nhiên không hiểu vì sao mình yêu nó mãnh liệt như thế. Ðó là một đứa bé ngoan ngoãn, an phận và không bao giờ vòi vĩnh. càng suy nghĩ về cái động lực của tình yêu ấy, tôi càng nhận rõ hơn rằng chính bởi vì nó chấp nhận cho tôi yêu nó. Nó ngoan ngoãn đón nhận tình yêu và chính sự đón nhận ấy là cách nó trao tặng tôi. Chúng ta đã sẵn sàng thế nào trong việc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Người đã nhắc đi nhắc lại là muốn hiến cho chúng ta? Chúng ta có thật sự chấp nhận trọn vẹn tình yêu và sự săn sóc của Người không? Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta trong Tin Mừng Gioan 17,11: "Lạy Cha, xin cho chúng được nên một như Cha và Con là một". Chúng ta không thể tin tưởng và vui mừng về điều đó hay sao? Con cái của chúng ta tỏ ra chấp nhận được ta yêu một cách rất dễ dãi, chúng càng đón nhận thì chúng ta càng muốn trao ban tình yêu cho chúng nhiều hơn.

Người ta đã nhận thức và trình bày rất nhiều về hoạt động chữa trị của Thiên Chúa. Thú thật là tôi đã chẳng bao giờ quan tâm tới khía cạnh này, cho đến ngày tôi ở trong bệnh viện nhi đồng để săn sóc đứa con trai mười tháng tuổi của mình đang đau quằn quại sau một cuộc xét nghiệm cột sống. Cái cảm nghiệm về sự bất lực của mình lúc đó thật mênh mông.

Nhưng đột nhiên tôi hiểu ra rằng dù không thể cất đi cơn đau nơi thân thể con mình, tôi vẫn có thể ở gần bên nó và giúp nó biết rằng nó đang được yêu và sự sống rất có giá trị. Tôi hy vọng và cầu xin sao cho tình yêu ấy có thể chữa trị con mình ở một bình diện sâu hơn cơn đau thể xác. Ðiều tôi muốn nói ở đây không phải là những chữa trị về thể lý, nhưng về một cái gì xa hơn. Khi bị đau ốm phần xác hay phải đau khổ tinh thần, tôi luôn biết rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với mình còn vượt xa bình diện đau khổ ấy để đi tới một bình diện sâu hơn - đó là: tôi đang được yêu và sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận để làm con với Người thật đáng giá.

Hai đứa nhỏ nhất của chúng tôi là một cặp sinh đôi. Vào một dịp sinh nhật của chúng tôi, đến tối, anh của chúng tiến lại thỏ thẻ với tôi rằng nó không được vui vì không có quà như các em. Nhìn cách nó đến với mình như vậy, tôi cảm thấy dạt dào yêu nó và mẹ con tôi đã có một cuộc trao đổi thú vị về tình cảm và sự chia sẻ. Sau đó tôi mới nhận ra rằng nếu như cậu bé ấy đến với tôi với thái độ bực dọc vùng vằng thì phản ứng của mình sẽ là nổi xung lên, trách mắng nó ích kỷ. Cuộc sống đúng là như thế. Bây giờ mỗi khi bị xáo trộn hay bị đè nén bởi những tình cảm tiêu cực trong cuộc sống làm mẹ, những khó chịu thông thường và những khó chịu vì sự ràng buộc của bổn phận, mỗi khi tức giận vì bị đối xử vô ơn, mỗi khi phải nghe con cái cãi vã, những mệt mỏi và buồn nản v.v... tôi lại nhớ tới cách David đã chia sẻ cảm nghĩ của nó cho tôi. Có lẽ Thiên Chúa sẽ hài lòng mỗi khi chúng ta biết dãi bày tâm sự với Người một cách trưởng thành. Như tôi đã sẵn lòng đón nhận nỗi niềm của David tối hôm ấy, tôi tin rằng Thiên Chúa cũng vui lòng đón nhận những nỗi niềm của tôi, dù những nỗi niềm của tôi có "tệ" đến thế nào chăng nữa.

Các bà mẹ làm việc ở sở làm của tôi, qua chuyện trò, luôn nhất trí rằng người ta không bao giờ thật sự hiểu biết tấm lòng của mẹ mình khi chưa làm mẹ. Ðiều này dường như cũng đúng đối với Ðức Maria.

Hồi còn bé, tôi cảm thấy khó liên hệ với Ðức Maria vì Ngài luôn được giới thiệu một cách quá hoàn hảo. Nhưng một lần nọ, trong lúc đọc Thánh Kinh, tôi chợt bắt gặp đoạn kể lại Ðức maria đang ôm lấy thi thể Giêsu con mình, sau cuộc hành trình thập giá. Cả thế giới cũng dường như chết lắng đi trong giây phút ấy: tôi nhớ lại một lần trong bệnh viện, tôi đã ôm Jeff trong lòng mình như thế. Lúc đó một tương quan đức tin hoàn toàn mới mẻ để mở ra nơi lòng tôi và các con càng lớn, mối tương quan ấy càng đậm đà hơn. Mỗi khi băn khoăn về con cái mình, tôi thường liên tưởng đến Ðức Maria đang "băn khoăn". Thật là một an ủi vô ngần khi biết rằng Ðức Mẹ cũng đang băn khoăn với mình về con cái, vì chúng ta cũng là con cái của Mẹ. Mẹ san sẻ vai trò làm mẹ của chúng ta, còn hơn thế nữa, Mẹ nên một với chúng ta trong vai trò làm mẹ.

Những đoạn Kinh Thánh về Ðức Maria bỗng trở nên sâu sắc hơn. Tâm trạng của Mẹ thế nào khi tìm được Ðức Giêsu trong đền thờ? không khó chịu sao khi phải bắt đầu để tùy ý con. Như bất cứ bà mẹ nào trong trường hợp đó? Khi giục Ðức Giêsu bắt đầu sứ vụ ở Cana, phải chăng Mẹ chứng tỏ là đã nhận ra sự thật của Con mình? Chúng ta biết khi nào phải nhìn nhận và động viên con cái không? Chúng ta hãy theo gót Mẹ qua các chặng đường thánh giá. Tâm trạng Mẹ thế nào khi gặp Con? tại sao Mẹ đã bước đi? Mẹ có hiểu hết tất cả những gì diễn ra không? Mẹ đã cầu xin ơn phó thác thế nào? Khi nhìn thấy các con mình lớn lên, và đã phát triển nhân cách và cá tính, tôi lại nhớ đến lời Cha Evely nói về Ðức Maria trong tác phẩm "Người đó chính là bạn": "bà hiểu rằng Bà không hiểu gì hết và thế là đủ rồi". Có những lúc trong thân phận làm Mẹ, chúng ta cũng không hiểu gì hết, nhưng chúng ta phải tín thác và tin tưởng nơi con cái mình và nơi Thiên Chúa.

Các cha linh hướng thường nói nhiều về những đức tính mà các linh hồn trưởng thành cần phải đạt được. Bạn muốn biết là những đức tính gì không? Chỉ cần nhìn lũ trẻ con. Ai hơn chúng về lòng tín thác, về sự trong sạch tâm hồn, siêu thoát, trung thành, vô tư, khiêm tốn, tự do, trắc ẩn, yêu thương?

Những mẫu gương trung thành và yêu mến trong sách vở rất làm tôi cảm kích, nhưng khi nhìn David và ba nó nhìn nó quấn quýt anh ấy, tín thác anh ấy, ăn mặc giống anh ấy, tôi mới thấy được hết vẻ đẹp sống động của lòng trung thành và yêu mến. Rất nhiều lần tôi ngắm nhìn lũ trẻ như kiểu mẫu về các đức tính đó.

Nhưng tôi cũng thấy một số nét đơn sơ và cởi mở đã dần dần che mờ đi khi chúng bước vào đời và tìm cách hội nhập vào xã hội. Tôi nói "bị che mờ đi" bởi vì nó vẫn còn đó. Có lẽ phát triển trong đời sống tâm linh chính là học cách mở ra lại và tiếp tục vun trồng một số đức tính tự nhiên của trẻ con.

Mạc khải của Thiên Chúa còn tiếp tục mãi. Vấn đề còn lại là người ta có biết đọc ra hay không. Ðây chính là một số trường hợp xẩy ra trong đời tôi. Nó có thể rất cảm kích mà cũng có thể làm ta kinh sợ như đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Khi nhìn Susie phát triển trong sự nhiệm mầu đẹp đẽ của mình. Thiên Chúa nơi người khác có thể đưa ta tới một nền linh đạo rất sâu sắc, thú vị và sống động. Dù vẫn cần phải giữ sự cố tịch và yên tĩnh, nhưng việc cầu nguyện từ nay đã hòa lẫn với cuộc sống hằng ngày. Thay vì đến nhà thờ người ta mới cầu nguyện được, gia đình cũng là một cung thánh, một bàn thờ mà lễ phẩm là tất cả những giây phút của cuộc sống - những giây phút ấy đã được thánh hiến nhờ con người và những sinh hoạt trong gia đình.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page