Khi được mời đến để nói chuyện tại một hội nghị chuyên đề về "Tác vụ tông đồ và đào tạo giáo dân", tôi cứ tưởng đây là một hội nghị dành cho các linh mục và giáo dân. Thế nhưng, khi tới nơi, tôi mới ngỡ đây là một hội nghị chỉ dành riêng cho các linh mục. Tôi tự nhủ: "Trời ơi! Mình đã lọt vào chỗ nào vậy?". Nhưng bây giờ đã muộn. Tôi nghĩ dù sao đây cũng là cơ hội có một không hai cho tôi.
Tôi đã đón nhận bí tích rửa tội chỉ vì một lý do duy nhất là muốn được cứu độ và từ đó đến nay tôi vẫn sống cái kiểu mà các cha gọi là "Kitô hữu ngày Chúa nhật". Tôi cũng không có khả năng hay tư cách gì để dám nói chuyện với các cha cả. Nhưng không, bây giờ tôi cảm thấy lo âu áy náy về những điều mình sắp nói. Vì tôi tin Chúa Thánh Thần sẽ giúp tôi lúc nào và chỗ nào Người thấy cần.
Trước hết tôi xin được chia sẻ với các cha những cảm nhận của tôi về đề tài tôi được phân công: "Vai trò giáo dân của tôi". Phải thú thật, dù là Kitô hữu, nhưng lâu nay, tôi vẫn không biết, không hiểu những từ ngữ "Tác vụ tông đồ". Về sau, cha Saburo Matsumoto đã dạy cho tôi hiểu được ý nghĩa của chúng và dần dần tôi đã nắm bắt được vai trò của người giáo dân, đồng thời ý thức được nuôi dạy con cái cũng là một phần trong vai trò, trong tác vụ đó.
Nếu muốn con cái hiểu Giáo Hội thì chính cha mẹ phải tỏ ra quan tâm tới Giáo Hội. Một đức tin mà chỉ biết tập trung về mình thì sẽ không thể truyền lại cho con cái được. Tôi có thể thua kém con cái về mặt kiến thức lý thuyết mà chúng tôi đã thu lượm được nền giáo dục nhà trường. Nhưng tôi sẽ không thể thua kém chúng về mặt đời sống đức tin, đời sống Kitô hữu mỗi ngày. Các con tôi quan sát chúng tôi rất kỹ. Thay vì bảo chúng, phải sống thế này thế khác, không tốt hơn sao nếu dạy chúng bằng chính các hành vi của mình, những hành vi phát xuất từ chính tình yêu của người Kitô hữu đối với gia đình và với xã hội nói chung? Sự thiện lôi cuốn và chúng sẽ theo.
Khi con trai tôi còn học ở trường phổ thông cấp III, nó bắt đầu chơi với một số học sinh cấp II và III trong Giáo Xứ. Chẳng bao lâu sau, nó mở rộng vòng hoạt động, tìm cách để lọt ra ngoài sự kiểm soát của bố mẹ. May thay, lúc đó cha Saburo được bổ nhiệm về chăm sóc xứ đạo chúng tôi; ngài dồn hết mọi nỗ lực cho nhóm trẻ. Con trai tôi cũng thuộc nhóm đó. Thế nhưng nó vẫn tiếp tục xem thường ý kiểu bố mẹ và thật sự nó vẫn chống đối chúng tôi.
Lúc đó hội đồng giáo xứ chúng tôi thiếu người nên người ta yêu cầu tôi tham gia cộng tác. Tôi có được cơ hội để học hỏi về công đồng Vatican II và đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến những từ "công tác tông đồ".
Cũng khoảng thời gian đó, ở trường của con trai tôi có tổ chức một ngày hội văn hóa. Tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy có đăng một bài viết về thánh Augustinô và đó cũng chính là cú sốc khiến tôi hiểu ra là tôi không có khả năng để nói với con trai mình về vị thánh này. Tôi cảm thấy được lỗ hổng của mình. Do đó tôi quyết định sẽ phải học để có thể trao đổi được với con tôi. Ðây là một động cơ rất tốt để kích thích tôi.
Rồi trong suốt khóa học, tôi dần nhận ra rằng Thiên Chúa không phải chỉ là người Kitô hữu, của những kẻ tin, nhưng là của hết mọi người. Và lần đầu tiên tôi hiểu rõ ý nghĩa thật sự của bí tích rửa tội, đó là tôi được mời gọi để cùng chia sẻ chức tư tế, vương đế và tiên tri của Ðức Kitô.
Từ đó tôi tiếp tục suy nghĩ xem giữa Thiên Chúa và bản thân tôi có gì. Phải chăng là sự công chính? Công chính, hay nói cách khác, là không lấy mình làm trung tâm song luôn vươn tới Chúa, từ bỏ chính mình như Chúa đã từ bỏ. Ðó mới là công chính.
Các đây 4 năm, có mở một khóa về đào tạo những giáo dân lãnh đạo. Tôi rất muốn tham dự. Tuy nhiên vấn đề thời gian thật căng đối với tôi, bởi vì khóa học này mất những 4 ngày 3 đêm. Cuối cùng tôi cũng tham dự cách nhiệt tình đến độ hầu như có thể nói tôi trở thành nô lệ cho Ðức Kitô. Nhờ khóa học này, tôi đã ý thức hơn và phải nói là tôi thấy rõ giáo xứ đúng là một cộng đoàn.
Chúng tôi quen dựa vào các linh mục và điều này rõ ràng là không nên. Song lẽ ra phải dựa vào chính chúng tôi, dựa vào chính cộng đoàn giáo xứ của chúng tôi. Tôi xin đưa ra một ví dụ: khi cha Saburo được lệnh rời giáo xứ chúng tôi để lên làm việc trên cấp giáo phận, tôi cảm thấy cô đơn và xem chuyện ngài chuyển đi là một mối nhục, một sự mất mát của giáo xứ chúng tôi. Thế nhưng sau đó ý thức lại ngài là một linh mục tuyệt vời như vậy, tôi hiểu ngài ở đâu cũng thế và do đó chúng tôi không nên giữ ngài lại cho riêng mình. Hồi đó tôi đã tự nhủ lòng mình là nếu tôi thật sự vui về cha Saburo, thì tôi cũng cần phải chia sẻ ngài cho các anh em khác nữa.
Theo tôi, giáo dân cần phải ý thức rằng chính mình sẽ là người xây dựng giáo xứ đúng bản chất của nó. Thậm chí lúc này một số giáo dân trong xứ chúng tôi vẫn thường chạy lại chỗ cha Saburo ở để trò chuyện bàn bạc với ngài. Tôi thiết tưởng như vậy không đúng. Nếu hiểu và chấp nhận giáo xứ là của mình, chúng tôi sẽ chẳng chạy theo một linh mục đã thuyên chuyển rồi.
Lúc ấy tại giáo xứ, chúng tôi cảm thấy cần phải làm sao nuôi dưỡng tinh thần cộng đoàn, làm sao để chính chúng tôi được bám rễ sâu trong đức tin và làm sao để chúng tôi có thể tự mình thi hành vai trò của mình. Chúng tôi đã và vẫn đang còn tiếp tục suy nghĩ về giáo hội mới này. Cũng đổi thì phụng vụ cũng thay đổi và giáo dân tại đó cứ mong mỏi có được lại cha sở trước. Làm như vậy là chưa nói được: "Ðây là giáo xứ của chúng tôi".
Khi có chuyện thuyên chuyển các cha và các linh mục mới về muốn làm một điều gì đó cho phụng vụ tại đó, các Kitô hữu nên giải thích cho các ngài hiểu những gì họ xưa nay vẫn làm và nên tiếp tục làm. Tôi xin trưng dẫn một trường hợp điển hình, hai linh mục dòng Phanxicô đã đến ở với chúng tôi tại Fushimi từ tháng 4 và hiện quan hệ giữa các ngài với chúng tôi rất tốt. Các ngài tôn trọng ý kiến chúng tôi và các giáo dân trong xứ đều cảm thấy giáo xứ mình đã được ổn định. Chúng tôi cũng tạo được một bầu khí trong đó mọi người đều có thể bày tỏ ý kiến mà họ cho là quan trọng.